Tuy Mỹ có hàng triệu quân nhân thuộc nhiều lực lượng khác nhau (Hiện dịch - Active Duty, Dự bị - Reserve, Địa phương quân - Natiional Guard) nhưng trong sinh hoạt xã hội, chẳng mấy khi dân Mỹ nhìn thấy lính Mỹ, trừ khi họ sống gần các căn cứ quân sự.
Hải quân Mỹ tại căn cứ Norfolk, Virginia. Hình minh
Để bảo vệ hình ảnh của quân nhân trong mắt thường dân, quân đội Mỹ đặt định rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt khi mang quân phục, bất kể ở trong hay ngoài các căn cứ quân sự tại bất kỳ đâu. Chẳng hạn không được dùng bất kỳ vật dụng nào mà màu sắc khác với màu quân phục hoặc màu đen, kể cả dù, túi xách. Không được vừa đi vừa hút thuốc, vừa ăn uống, vừa dùng điện thoại, trò chuyện lớn tiếng, cười đùa ngả ngớn…
Do khoác quân phục đồng nghĩa với việc phải "nhìn trước, ngó sau" để bảo vệ thể diện của quân đội, thành ra khi có thể, quân nhân Mỹ luôn chọn thường phục. Ở Mỹ, khi dân Mỹ thấy lính Mỹ đầy đường đó chính là lúc dân Mỹ đối diện với thảm họa…
***
Ông Max Rose, Dân biểu của Hạ viện tiểu bang New York, vừa thông báo với cử tri của ông, rằng ông sẽ tạm ngưng làm việc kể từ thứ tư tuần này (1 tháng 4) để trình diện quân đội. Ngoài việc là Dân biểu tiểu bang, Rose còn là một Đại úy của Địa phương quân New York và đã nhận được lệnh trình diện để cùng đơn vị của ông tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 của Địa phương quân New York, tại thành phố New York. Lệnh điều động Đại úy Max Rose không xác định thời hạn phục vụ sẽ là bao lâu.
Trong thư gửi cử tri, Rose loan báo, tuy Đại úy Max Rose phải thi hành lệnh điều động của quân đội nhưng nhân viên của Văn phòng Dân biểu Max Rose vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến, yêu cầu của cử tri để phục vụ họ.
Rose nói thêm, suốt tháng vừa qua, ông đã chứng kiến sự dũng cảm và hi sinh phi thường của cả nhân viên y tế lẫn các lực lượng dân sự chuyên ứng phó với tình huống khẩn cấp để chống chọi Covid-19 ở New York. Giờ đến lượt ông thực thi nghĩa vụ của mình, góp thêm sức cho tuyến đầu. Tính đến lúc này, riêng New York đã có khoảng 2.000 người thiệt mạng vì Covid-19 nhưng Rose tin, người Mỹ nói chung và người New York nói riêng sẽ vượt qua thảm họa.
Rose không phải là đại biểu dân cử duy nhất vừa hoạt động như một chính khách, vừa tình nguyện phục vụ quân đội. Theo Military Times, Quốc hội liên bang Mỹ hiện có 15 chính khách đang phục vụ hoặc trong lực lượng Địa phương quân của các tiểu bang hoặc đang thuộc quân số của lực lượng Dự bị. Thỉnh thoảng vẫn có chính khách nào đó nhận được lệnh trình diện để quay lại quân đội, thi hành những nhiệm vụ mà quân đội cần đến họ (1).
***
Tính cho đến chiều thứ tư (1 tháng 4) đã có 17.250 Địa phương quân của 10/50 tiểu bang (California, Connecticut, Florida, Illinois, Louisiana, Maryland, Michigan, New Jersey, New York, Washington) và hai lãnh thổ ủy trị (Guam, Puerto Rico) được chuyển thành lực lượng Hiện dịch, đặt dưới sự chỉ huy của cả Thống đốc tiểu bang lẫn Bộ Quốc phòng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chưa kể 22 tiểu bang và hai lãnh thổ ủy trị khác đang chuẩn bị chuyển đổi Địa phương quân của họ sang trạng thái tương tự (2).
Chuyển đổi Địa phương quân thành lực lượng Hiện dịch (các thành viên Địa phương quân được hưởng các quyền lợi và phải thực hiện những nghĩa vụ y như quân nhân Hiện dịch) vốn chỉ áp dụng khi các đơn vị Địa phương quân được điều động tham chiến tại những chiến trường hoặc tham gia tập trận bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Giờ, cả Lục quân lẫn Không quân cùng tiếp nhận những đơn vị Địa phương quân tương ứng để cùng ứng phó với tình trạng khẩn cấp bên trong lãnh thổ Mỹ.
Người Mỹ đã và sẽ thấy càng ngày càng nhiều quân nhân Mỹ làm đủ thứ việc bên cạnh những nhân viên dân sự đang ở tuyến đầu : Dựng và vận hành các bệnh viện dã chiến, các trung tâm duy trì mạng lưới thông tin. Tham gia xét nghiệm nhanh - xác định những người đã bị lây nhiễm. Sử dụng cả phi cơ, lẫn quân xa vận chuyển, vận hành, sửa chữa từ những thiết bị cồng kềnh, nặng nề ((như máy phát điện, thiết bị chiếu sáng chuyên dụng,…) nhằm gia tăng năng lực phòng chống Covid-19 đến những vật phẩm thiết yếu và phân phát chúng, kể cả phân phát thực phẩm tại những khu vực bị cô lập do nguy cơ lây nhiễm cao (3)…
Trên lãnh thổ Mỹ, lính Mỹ đầy… đường là dấu hiệu cho thấy thảm họa đã trở thành hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên lính Mỹ đầy… đường cũng là một trong những biểu hiện của hy vọng : Có thêm sự tiếp sức của một nguồn vừa dồi dào nhân lực, vừa thạo việc và quan trọng hơn cả, nguồn đó cung cấp những cá nhân tận lực như đã từng và luôn luôn sẵn sàng trả giá cao nhất để bảo vệ xứ sở và đồng bào của họ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/04/2020
Chú thích
Covid-19 tạo ra một trận chiến mà quân đội Mỹ chưa bao giờ trải qua : Phải tham chiến cả ở ngoài lẫn trên lãnh thổ Mỹ ! Trong cuộc chiến ấy, nhiều quân nhân Mỹ bị buộc "án binh bất động" với hy vọng, nhờ vậy sẽ giành được chiến thắng.
Huấn luyện tác nghiệp trên tàu bệnh viện USNS.
Thứ tư tuần trước (25 tháng 3), ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ra lệnh cho toàn bộ quân nhân, nhân viên dân sự đang thường trú tại các căn cứ quân sự bên ngoài nước Mỹ, cũng như thân nhân của họ ngưng dịch chuyển thêm 60 ngày nữa để vừa bảo toàn lực lượng, vừa bảo đảm yếu tố sẵn sàng chiến đấu trên phạm vi toàn cầu (1) – nhiệm vụ mà vì thế họ đến và đang cư trú ở nhiều căn cứ quân sự nằm rải rác trên toàn thế giới. Đó là chuyện bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
***
Quân đội Mỹ (cả Hải, Lục, Không quân, Tuần duyên) có ba lực lượng : Hiện dịch (Active duty – phục vụ quân đội toàn thời gian), Dự bị (Reserve) và Địa phương quân (National guard). Hoạt động của quân đội Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ thường thuộc phạm vi trách nhiệm của các đơn vị của lực lượng hiện dịch. Thỉnh thoảng quân nhân thuộc hai lực lượng dự bị và địa phương quân mới được điều động để tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ Mỹ (tham chiến tại các chiến trường hoặc tham gia các cuộc tập trận).
Khi trong nước xảy ra thiên tai, thảm họa,… cần trợ giúp về nhân lực, Thống đốc các tiểu bang có thể điều động Địa phương quân. Rất hiếm khi Mỹ dùng lực lượng dự bị và hiện dịch vào các hoạt động trên lãnh thổ Mỹ, bởi trách nhiệm chính của những lực lượng này là phải luôn luôn sẵn sàng chống trả những kẻ thù từ bên ngoài cũng như những đối thủ xâm hại các quyền lợi của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Điều động cùng lúc cả Địa phương quân, Dự bị, Hiện dịch "ra trận" ngay trên lãnh thổ Mỹ hình như chưa từng có !
Lần này, Covid-19 đã tạo ra tình huống chưa từng có ấy. Gần như tất cả các tiểu bang đã điều động Địa phương quân vào cuộc. Vì nhu cầu về nhân lực, phương tiện càng lúc càng lớn nên Dự bị, Hiện dịch cũng đã được lệnh ra trận - mặt trận ở ngay trong lòng nước Mỹ. Giữa tuần trước, Công binh của Lục quân bắt đầu điều động các đơn vị Công binh thuộc lực lượng Hiện dịch đến nhiều tiểu bang, thành phố để dựng các bệnh viện dã chiến – loại việc mà họ thường chỉ thực hiện ở những nơi bên ngoài xứ sở của mình.
Thành phố New York giờ đã là mặt trận mà Công binh chiến đấu (Combat engineer - chuyên dọn dẹp, mở đường cho các đơn vị tác chiến tiến lên phía trước hay xây dựng các công trình thiên về phòng thủ) thuộc lực lượng Hiện dịch tham chiến. Trách nhiệm của họ là biến Trung tâm Triển lãm Javits, diện tích 840 ngàn square feet thành nơi tiếp nhận chừng 3.000 bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Trung tướng Todd Semonite, Tư lệnh Công binh của lục quân Mỹ cũng đã điều động một số đơn vị biến các sân vận động ở Seattle (bang Washington), Sacramento (California) thành những bệnh viện dã chiến. Ông cho biết, lực lượng này sẽ dựng hoặc chuyển đổi để tạo ra chừng 114 bệnh viện dã chiến như vậy trên toàn lãnh thổ Mỹ. Tin rằng chừng đó chưa đủ, ông nói thêm, công binh đã sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công năng của bất kỳ trung tâm hội nghị, ký túc xá nào thành bệnh viện dã chiến (2).
Không chỉ có Lục quân và chẳng riêng Công binh, Hải quân, Không quân, Tuần duyên của cả ba lực lượng Hiện dịch, Dự bị, Địa phương quân đã ra trận. Hai Quân y hạm của Hải quân đã chia nhau đến thành phố New York, bang New York (USNS Comfort) và Los Angeles, bang California (USNS Mercy). Trong khi Công binh hối hả thiết lập các bệnh viện dã chiến, Không quân vận chuyển Tiểu đoàn Quân y 531 thuộc Sư đoàn Dù 101 từ căn cứ Campbell ở bang Kentucky đến thành phố New York.
Đơn vị chuyên vận hành quân y viện tiền phương ở nhiều chiến trường này, nay vận hành bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Triển lãm Javits cùng với các chiến cụ là những thiết bị y khoa chuyên dụng mà chính phủ đã trang bị cho họ (3).
***
Trừ những người được huấn luyện và phải thường xuyên rèn luyện để trở thành chiến binh thực thụ (Infantryman), tùy thuộc vào khả năng và sở thích, ngoài kỹ năng chiến đấu căn bản, những quân nhân Mỹ khác được huấn luyện và rèn luyện theo từng loại việc chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu vốn hết sức đa dạng của quân đội (Military occupational specialty – thường được gọi tắt là MOS). Những loại việc ấy thường có nhiều điểm tương đồng với một số công việc dân sự (4).
Chẳng hạn trong Lục quân, cùng là công binh nhưng có những người được đào tạo để chỉ chuyên lắp đặt hệ thống điện bên trong công trình (MOS 12R - Interior Electrician), hay chuyên lắp đặt hệ thống dẫn nguồn điện bên ngoài (MOS 12Q - Power Line Distribution Specialist), hoặc có những người được đào tạo để chỉ chuyên lắp đặt hệ thống thoát nước thải (MOS 12K - Plumber), có những người được đào tạo để trở thành lính cứu hỏa chuyên nghiệp (MOS 12M – Firefighter), thợ lặn chuyên nghiệp (MOS 12D – Diver),…
Tương tự, cùng phục vụ quân y nhưng ngoài những người được đào tạo để trở thành cứu thương trên chiến trường (MOS 68W – Combat Medic Specialist), còn có những người được đào tạo để làm y tá tổng quát (MOS 68C - Practical Nursing Specialist), trợ tá phòng mổ (MOS 68D - Operating Room Specialist), trợ tá phòng thí nghiệm (MOS 68K - Medical Laboratory Specialist), trợ tá nha sĩ (MOS 68E - Dental Specialist), trợ tá phòng ngừa dịch bệnh (MOS 68S - Preventive Medicine Specialist),…
Trong bối cảnh như hiện nay, khi nhiều người Mỹ lo thắt tim vì Mỹ thiếu cả nhân lực lẫn nhiều loại thiết bị để đối phó với COVID – 19, quân đội Mỹ bao gồm cả hải, lục, không quân, tuần duyên trở thành một nguồn bổ sung từ nhân lực đến thiết bị. Ngoài các lực lượng Hiện dịch, Dự bị, Địa phương quân, còn một lực lượng khác là những quân nhân tuy đã rời quân ngũ nhưng đã từng được huấn luyện và rèn luyện trong quân đội ít nhất tám năm (thời hạn tối thiểu khi tình nguyện phục vụ quân đội).
Cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng điều động các quân nhân thuộc lực lượng dự bị trình diện. Hi vọng về nguồn nhân lực trong cuộc chiến với COVID – 19 được gửi cả vào những người đã rời khỏi quân ngũ, kể cả những cựu quân nhân đã phục vụ quân đội đủ 20 năm và được nghỉ hưu (5).
Tin mới nhất, riêng Lục quân đã gửi email cho 800.000 cựu quân nhân thuộc nhiều lực lượng khác nhau mà kiến thức, kinh nghiệm họ tích lũy khi phục vụ quân đội trong một số MOS giờ trở thành hi vọng bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Chỉ trong năm ngày có 17.000 người cho biết họ sẵn sàng khoác lại áo lính (6).
***
Hy vọng về nguồn nhân lực từ quân đội Mỹ chắc chắn không chỉ đặt ở những quân nhân và cựu quân nhân thuộc những MOS liên quan tới quân y. Người ta tin rằng, những quân nhân và cựu quân nhân thuộc nhiều nhóm ngành khác như Quân cụ (thiết bị chiếu sáng, máy phát điện,…), Quân nhu (phân phát thực phẩm, quần áo,…), Quân vận (điều vận, vận chuyển,…), Quân cảnh,… cũng sẽ được điều động khi cần để lấp đầy nhũng chỗ trống do Covid-19 tạo ra.
Cho dù Mỹ đang trong một cuộc chiến kỳ lạ và nhìn việc điều động quân đội có thể thấy rõ hơn sự kỳ lạ đó nhưng không ai mong Mỹ sẽ đến tình cảnh phải điều động thêm nhiều quân nhân, kêu gọi các cựu quân nhân của nhiều nhóm ngành khác tiếp ứng thêm ! Cuộc chiến đã và đang diễn ra tại Mỹ không có bom rơi, không có đạn nổ nhưng tổn thất nhân mạng, tổn thương kinh tế, xáo trộn xã hội thì tuy đã hết sức trầm trọng song vẫn hết sức khó lường.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/04/2020
Chú thích
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_United_States_Army_careers
Quân đội Mỹ vừa khẳng định thêm một lần nữa, cam kết "Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !" vẫn còn giá trị…
Cuối tuần vừa rồi, Air Force Times – một trong những tờ báo của Không quân Mỹ - kể lại một chuyện xảy ra hồi tháng 8…
Một quân nhân Mỹ ở Afghanistan bị trọng thương, các bác sĩ ở Quân y viện tiền phương Craig tại Bagram (căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ tại Afghanistan) nhận định, nếu kịp vận chuyển về Tổng y viện Brooker (quân y viện lớn nhất, hiện đại nhất, nơi tập trung các chuyên gia y tế hàng đầu về nhiều lĩnh vực của quân đội Mỹ) ở San Antonio, Texas - quân nhân này có thể thoát chết…
Vấn đề nan giải là làm sao có thể vận chuyển một đồng đội trong tình trạng "thập tử, nhất sinh" vượt 8.000 dặm (12.800 cây số) trong thời gian ngắn nhất mà vẫn giữ cho anh ta an toàn ? Nhiệm vụ này được giao cho Thiếu tá Dan Kudlacz của Không đoàn 436, đóng tại Dover (một căn cứ không quân ở tiểu bang Delaware). Kudlacz sẽ chở một toán 18 chuyên viên y tế bằng C-17 đến Bagram, đón đồng đội bị thương.
Đó là một nhiệm vụ không đơn giản, phi công và các chuyên viên y tế phải tính toán cặn kẽ sao cho mọi thứ thật sự phù hợp với tình trạng của người lính bị thương, thời gian bay, áp suất không khí trong khoang C-17, cả phương tiện – nhân sự hỗ trợ trong suốt hành trình… để kế hoạch đáp ứng yêu cầu : Duy trì sự sống của đồng đội cho đến khi đặt anh ta vào tay các chuyên viên y tế của Tổng Y viện Brooker...
Trong khi Kudlacz bay từ Dover đến Bagram, Quân y viện tiền phương Craig phát thông báo : Một đồng đội cần máu cho chuyến chuyển thương về Mỹ ! Chỉ trong vòng 15 phút, nhân viên y tế nhận đủ 100 đơn vị máu cần thiết cho kế hoạch vận chuyển… Đến Bagram, nhận xong thương binh, Kudlacz và phi hành đoàn quay về ngay lập tức. Trên đường, tình trạng sức khỏe của người lính bị thương xấu hơn dự kiến…
Lúc đó, thời gian quí hơn vàng ! Mặc dù tiếp nhiên liệu trên không cho các phi cơ tản thương là sai nguyên tắc vì tiếp nhiên liệu trên không thường gây nhiễu loạn nhưng không còn cách nào khác nên Trung tâm Điều động không lực của Không quân Mỹ lần lượt gửi hai phi cơ KC-135 từ MacDill (một căn cứ không quân ở tiểu bang Florida) lên trời, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho Kudlacz...
Một KC-135 tiếp nhiên liệu khi Kudlacz chạm bờ biển của Anh. Một KC-135 nữa tiếp thêm nhiên liệu khi Kudlacz bay trên khu vực Bangor của tiểu bang Maine. Tổng số nhiên liệu mà hai KC-135 đã bơm cho chiếc C-17 của Kudlacz trên đường từ Afghanistan về San Antonio là 24.000 gallons (90.800 lít)… Sau 20 giờ bay từ Bagram, Kudlaz đáp xuống San Antonio, kịp giao đồng đội bị thương cho các chuyên gia y tế…
Air Force Times bảo rằng, vì phải tôn trọng quyền riêng tư, họ không thể nêu tên, tình trạng thương tật của người lính nhưng họ cho biết, người lính bị trọng thương đã vượt qua tình trạng nguy hiểm và đang hồi phục… Hàng trăm quân nhân thuộc nhiều đơn vị khác nhau của Không quân Mỹ đã thực hiện đúng lời thề của mọi quân nhân Mỹ : Không bỏ rơi đồng đội và bằng mọi giá, mang tất cả về nhà, kể cả khi đồng đội đã chết !
***
Nhiều người Việt biết : "Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !" qua tiểu thuyết hoặc phim Ba người lính Ngự lâm (The Three Musketeers) của Alexandre Dumas.
Theo Wikipedia thì "Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !", hay "One for All ! All for One" (tiếng Anh), hay "Un pour tous, tous pour un" (tiếng Pháp), hay "Einer für alle, alle für einen" (tiếng Đức), hay "Uno per tutti, tutti per uno" (tiếng Ý), hay "Unus pro omnibus, omnes pro uno" (La tinh),… nổi tiếng ở Châu Âu trước khi Ba người lính Ngư lâm (1844) ra đời hơn 200 năm (2).
Năm 1618, khi nổi dậy chống lại những kẻ thống trị xứ Bohemia (Cộng hòa Czech hiện nay), các nhóm phản kháng đã cam kết với nhau : "Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !"… Sau trận lụt kinh hoàng hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1868, "Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !" trở thành khẩu hiệu có tính truyền thống ở Thụy Sĩ kể từ đó đến nay.
"Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !" và những câu chuyện có liên quan đến việc thực hiện cam kết ấy như câu chuyện đã kể ở phần đầu bài viết này dễ khiến nhiều người Việt… bâng khuâng. Từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên toàn Việt Nam, hai từ "nhân vị" – nhắc nhở, đề cao vai trò của từng cá nhân, khuyến khích tôn trọng phẩm giá con người trong tương quan với xã hội, quốc gia, nhân loại - không còn chỗ đứng !
Khi "Một người vì tất cả ! Tất cả vì một người !" bị xem là ngược chiều với con đường… xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, khi hết thế hệ này đến thế hệ khác chỉ được thúc giục thực thi những khẩu hiệu kiểu như : "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tại sao trường học, bệnh viện, các công trình phúc lợi công cộng,… rất thiếu nhưng những công thự trị giá trăm tỉ, những trung tâm hành chính trị giá hàng chục ngàn tỉ rất… nhiều ! Tại sao dân chúng càng ngày càng đói khổ, nợ nần càng ngày càng cao nhưng đã là công bộc thì không thể thiếu… công xa, chuyên cơ, sức khỏe vẫn phải được chăm sóc tại những cơ sở được xây dựng riêng cho… công bộc, hoặc dùng công quỹ để chữa trị ở nước ngoài, thậm chí chết cũng phải chôn trong những nghĩa trang đã được qui hoạch riêng cho giới của mình !
Do "tất cả" được dồn vào việc… xây dựng chủ nghĩa xã hội, các cá nhân, kể cả những người hiến sinh mạng của họ cho "cách mạng thành công" cũng chẳng là gì cả, nên cuối tuần vừa qua mới có sự kiện, giới hữu trách "nghi" tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có gần 3.000 ngôi mộ hoang là chỗ táng… "anh hùng, liệt sĩ" và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương vừa hứa sẽ xác minh sớm (3).
Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, nguyên Hiệu trường Trường sĩ quan Lục quân 2, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 7)
Phải mất 44 năm kể từ ngày "thống nhất đất nước", tướng Lê Nam Phong, từng là cựu Tư lệnh Sư đoàn 7, mới quay lại khu vực này để… khóc và xác nhận, đơn vị do ông chỉ huy có rất nhiều người chết tại đây ! Bởi cá nhân, kể cả cá nhân hữu công cũng chẳng là gì cả cho nên mãi đến bây giờ, ngoài tướng Phong, mới có thêm một số người đứng ra xác nhận : Bộ đội mình hi sinh ở đây không biết bao nhiêu mà kể ! Do không có ai thèm nhớ nên cách nay mười năm, khi san ủi đất, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Bàu Bàng tìm thấy và tự cải táng gần 3.000 bộ hài cốt không quan quách vào hai nghĩa trang trong vùng. Gần 3.000 ngôi mộ chỉ có hài cốt, không có tên ấy tiếp tục làm bạn với cỏ dại, không ai nhang khói thêm mười năm nữa... Sắp tới những ngôi mộ táng những bộ hài cốt mà nơi chôn cất "trùng khớp với địa bàn chiến đấu ngày xưa của Sư đoàn 7" sẽ được… cắt cỏ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/10/2019
Chú thích
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Unus_pro_omnibus,_omnes_pro_uno
51 năm sau, đứa trẻ mồ côi thành tướng…
Trân Văn, VOA, 08/06/2019
Một số người Việt đang chia sẻ tin Đại tá Nguyễn Từ Huấn của Hải quân Mỹ vừa trở thành Phó Đề đốc (Rear Admiral lower half – RDML) trên mạng xã hội. Một số người khác thì bán tín, bán nghi vì chưa thấy thông tin này trên hệ thống truyền thông Mỹ.
Đại tá Hải quân Nguyễn Từ Huấn được gắn huy hiệu trong một sự kiện ở thủ đô Washington, ngày 8 tháng 1, 2018.
Ngày 6 tháng 6, trang facebook dành cho thân hữu và gia đình của Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Uniformed Services Association - VAUSA) đã gửi lời chúc mừng Đại tá Huấn (1).
Tìm kiếm kỹ hơn, có thể thấy đề nghị chỉ định Đại tá Huấn làm Phó Đề đốc trên trang web của Quốc hội Hoa Kỳ. Đề nghị đã được Tổng thống chuyển cho Thượng viện Hoa Kỳ ngày 5 tháng 6 và đang được Ủy ban Quân vụ Thượng viện xem xét (2).
Nói cách khác, nếu không có gì thay đổi, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ có thêm một vị tướng sau những : Lương Xuân Việt (Thiếu tướng Lục quân), William H. Seely III (Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến), Châu Lập Thể Flora (Chuẩn tướng Lục quân).
***
Trên Internet không có nhiều thông tin về Đại tá Huấn song ít nhất qua Internet cũng có thể biết, Đại tá Huấn làm việc tại Bộ Tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hải quân Mỹ - Naval Sea Systems Command – NAVSEA).
Năm ngoái, Đại tá Huấn được NAVSEA và Bộ Tư lệnh Hệ thống Hải chiến - Chiến tranh Không gian (Space and Naval Warfare Systems Command - SPAWAR) chọn trao phù hiệu Engineering Duty Officer Qualification (phù hiệu EDO) (3).
Tạm dịch EDO là Sĩ quan Thường vụ Kỹ thuật vận hành. Trong Hải quân Mỹ, phù hiệu EDO là bằng chứng, chứng tỏ khả năng đặc biệt của một sĩ quan Hải quân. Theo Wikipedia thì Hải quân Mỹ chỉ có chừng 800 sĩ quan mang phù hiệu này (4).
Các EDO là những sĩ quan giữ vai trò trụ cột cả về thiết kế, mua sắm, đóng, bảo trì, sửa chữa, chuyển đổi, thanh lý tất cả các loại tàu của Hải quân Mỹ (chiến hạm, tàu ngầm, hải vận hạm, hàng không mẫu hạm), lẫn trang bị các hệ thống (vũ khí, liên lạc, mạng máy tính, mạng kiểm soát và vận hành) trên những tàu này.
Nhìn một cách tổng quát, các EDO của Hải quân Mỹ là những cá nhân thật sự xuất sắc về tri thức, kỹ năng, giàu kinh nghiệm, sau khi trải qua một tiến trình thẩm định kỹ lưỡng, được xác nhận là đủ tư cách nắm giữ vai trò chỉ huy hoặc là cố vấn về tất cả các khía cạnh liên quan đến kỹ thuật của các phương tiện thuộc Hải quân Mỹ (5).
Theo hệ thống truyền thông quân đội Mỹ, dịp 30 tháng 4 vừa qua, Captain (cách mà lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ gọi những sĩ quan mang cấp bậc đại tá) Huan Nguyen đến Guam, tham dự lễ khánh thành Đài tưởng niệm "Lone Sailor" (6).
Đài tưởng niệm "Lone Sailor" vừa là biểu tượng liên kết giữa Hải quân và Hàng hải, vừa ghi lại sự kiện Guam đã từng là nơi trú thân của hàng chục ngàn người Việt phải bỏ xứ tha hương khi quân đội miền Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn.
Hồi 30 tháng 4 vừa qua, Captain Huan Nguyen đến Guam không chỉ nhằm đại diện Hải quân Mỹ mà còn vì là một trong hàng chục ngàn người Việt từng được Hải quân Mỹ vớt trên biển cách nay 44 năm, rồi đưa đến Guam…
Hôm ấy, ông đại tá hải quân này kể rằng, 44 năm trước, khi đến Guam, ông là một thiếu niên 14 tuổi, đơn độc vì cha, mẹ, anh, chị, em đều đã bị giết,… nước Mỹ đã tiếp nhận những kẻ xa lạ như ông, cho ông hy vọng, cơ hội...
Trên Internet có một trang web do Daniel Pham lập ra và điều hành với tham vọng chia sẻ những điều tốt để hình thành tính cách tốt, giúp cuộc sống tốt hơn. Daniel Pham còn là tác giả Great Quotes và theo những gì Daniel chia sẻ thì Captain Huan Nguyen từng viết vài dòng, trong đó trích dẫn nguyên văn tâm tình của Nguyễn Bá Học : "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông" để khuyến khích Daniel tiếp tục theo đuổi ước vọng của chàng trai này (6).
***
Cũng tuần này, khi bàn về hòa giải dân tộc, một số người Việt chia sẻ với nhau tấm ảnh Saigon Execution (Hành quyết tại Sài Gòn) do Eddie Adams chụp tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân năm 1968 đã được chỉnh sửa lại.
Saigon Execution từng được hệ thống truyền thông phương Tây và hệ thống tuyên truyền của khối Cộng sản sử dụng như một bằng chứng tố cáo "tội ác Mỹ Ngụy", sự "phi nghĩa" của cuộc chiến chống cộng sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam.
Trong Saigon Execution, người ta có thể thấy ông Nguyễn Ngọc Loan, lúc đó là Chuẩn tướng Tư lệnh Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng ngắn bắn vào đầu một tù binh Việt Cộng mặc thường phục và hai tay đang bị trói !
Năm 1969, Saigon Execution đã giúp Eddie Adams nhận giải Pulitzer về ảnh báo chí chụp tại hiện trường… Saigon Execution từng làm tướng Loan và chính thể Việt Nam Cộng hòa bị chỉ trích kịch liệt vì... vô nhân đạo – bắn một tù binh đã bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên theo thời gian, sự thật tưởng vậy mà không phải vậy...
Một số cựu chiến binh cộng sản bảo "nạn nhân" là Nguyễn Văn Lém, còn được gọi là Bảy Lốp (7), số khác bảo "nạn nhân" là Lê Công Nà (8). Còn chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ dùng Saigon Execution để tố cáo "tội ác Mỹ Ngụy", nêu cao "chính nghĩa" của cuộc chiến "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" chứ chưa bao giờ chính thức xác định danh tính, thân thế - sự nghiệp của "nạn nhân".
Vì sao ? Có thể vì làm như thế sẽ khó giải thích tại sao "nạn nhân" lại tham gia vào việc biến thủ đô của một quốc gia có chủ quyền thành mặt trận, giết nhiều thường dân, trong đó có gia đình một trung tá tên là Nguyễn Tuấn – Chỉ huy trưởng Trường Thiết giáp, tọa lạc tại Gò Vấp, nên mới bị tướng Loan hành quyết ngay tại mặt trận.
Năm ngoái – nhân dịp 50 năm xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, ông Hoàng Tất Thắng đã sưu tầm nhiều tài liệu, nhân chứng, thực hiện bài viết "Một thời điểm : Hai tấm hình - hai số phận và tội ác của truyền thông thiên tả" (9).
Chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ dựa vào "Saigon Execution" của AP mà lờ đi nhiều hình ảnh khác cũng trên AP về Tết Mậu Thân ngay tại Sài Gòn. Chẳng hạn tấm ảnh minh họa cho sự kiện Trung tá Nguyễn Tuấn bị chặt đầu, vợ (Từ Thị Như Tùng) và sáu đứa con bị bắn bằng tiểu liên, chỉ có một bé trai may mắn trốn thoát.
Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp hay Lê Công Nà chính là chỉ huy vụ thảm sát đó và nhiều vụ thảm sát khác ở Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân… Năm 1998, sau khi tướng Loan qua đời, Eddie Adams viết trên Time số ra ngày 27 tháng 7 về "Saigon Execution" : Tấm ảnh đó có hai người bị giết, tên Việt Cộng bị ông tướng bắn và ông tướng bị tôi giết bằng máy ảnh của tôi. Dù không có ý đồ ngụy tạo nhưng đôi khi một tấm ảnh có thể nói dối. Tôi xin lỗi…
Chẳng phải Sài Gòn, những cuộc thảm sát đã xảy ra tại nhiều nơi ở miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Bé trai con của Trung tá Nguyễn Tuấn, không chỉ đội tang cha, mẹ, anh, chị, em. Đứa bé trai ấy còn đội thêm tang cậu ruột : Thiếu tá Từ Tôn Khán (Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn tỉnh Quảng Nam, về Huế ăn Tết với đại gia đình, bị các đồng chí của những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà dùng cha mẹ già uy hiếp buộc ra hàng rồi bị đập đầu bằng búa bửa củi...) và những người thân khác.
Hồi đầu tuần, ai đó đã chỉnh sửa "Saigon Execution" – thay khẩu súng trên tay tướng Loan bằng một bông hoa tím. Một số người đã chuyển "Saigon Execution" được chỉnh sửa như một đề nghị xóa bỏ hận thù. Có khá nhiều người không tán thành, không phải vì cố chấp mà vì chính quyền cộng sản Việt Nam vừa kêu gọi hòa giải, vừa xem những Nguyễn Văn Lém – Bảy Lốp, Lê Công Nà là anh hùng, hữu công, qua đó phải tri ân đảng (10)…
Đứa trẻ may mắn trốn thoát khỏi cuộc thảm sát cách nay 51 năm, may mắn trốn thoát thêm một lần nữa cách nay 44 năm sắp trở thành một vị tướng của Hải quân Mỹ. Ngẫu nhiên cả hai sự kiện chỉnh sửa "Saigon Execution" và Tổng thống Mỹ đề cử Nguyễn Từ Huấn làm Phó Đề đốc Hải quân Mỹ diễn ra trong cùng một tuần. Cuộc đời đúng là đầy bất ngờ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/06/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/VAUSAFAMILY/posts/2344136569190363
(2) https://www.congress.gov/nomination/116th-congress/841/
(3) https://www.navy.mil/submit/display.asp?story_id=104396
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Engineering_duty_officer
(5) https://www.dvidshub.net/news/320205/guam-lone-sailor-statue-plaques-dedicated
(6) http://www.tinhcachtot.com/vn/news/nhan-xet/a-great-note-from-huan-nguyen-captain-of-us-navy/
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Nguyễn_Văn_Lém
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/ Lê_Công_Nà
(9) http://danlambaovn.blogspot.com/2018/08/mot-thoi-iem-hai-tam-hinh-hai-so-phan.html
(10) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2124729627638066&set=a.572770479500663&type=3&theater
(11) https://nsvietnam.blogspot.com/2018/08/cau-be-song-sot-trong-vu-bay-lop-tan.html
**********************
Một chuẩn tướng Mỹ gốc Việt được đề cử thăng cấp thiếu tướng (Người Việt, 08/06/2019)
Ông Lập Thể Flora, chuẩn tướng Lục Quân Hoa Kỳ, vừa được đề cử thăng cấp thiếu tướng hôm Thứ Tư, 5 tháng Sáu, theo danh sách của Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Hoa Kỳ, mã số PN840.
Chuẩn tướng Lập Thể Flora. (Hình : Virginia National Guard)
Theo trang nhà của Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, vị chuẩn tướng gốc Việt này hiện là phụ tá chỉ huy lực lượng Vệ Binh Quốc Gia tiểu bang Virginia, đóng tại Sanston, nằm ở phía Đông thủ phủ Richmond, từ tháng Năm, 2016 đến nay.
Từ tháng Tám, 1988, ông công tác tại nhiều đơn vị Lục Quân và Vệ Binh Quốc Gia khắp tiểu bang Virginia, qua nhiều chức vụ và cấp bậc khác nhau.
Ngoài ra, ông từng tham gia một số chiến trường ở ngoại quốc.
Từ tháng Chín, 2001 đến tháng Tư, 2002, ông là thiếu tá phụ trách huấn luyện và tác chiến cho Sư Đoàn 29 Bộ Binh Mỹ ở Bosnia.
Từ tháng Tám, 2006 đến tháng Chín, 2007, ông là trung tá chỉ huy một đơn vị Bộ Binh Mỹ tại Kosovo.
Từ tháng Chín, 2011 đến tháng Tám, 2012, ông là đại tá chỉ huy của lực lượng mặt đất của Lục Quân Quốc Gia Afghanistan.
Chuẩn Tướng Flora tốt nghiệp trung học Cave Spring, Roanoke, Virginia, năm 1983.
Sau đó, ông tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Virginia Military Institute, Lexington, Virginia, và tốt nghiệp cao học nghiên cứu chiến lược tại United States Army War College, Carlisle, Pennsylvania.
Ngoài ra, ông cũng được huấn luyện quân sự qua hai chương trình "Army Senior Leader Development Program-Basic" (ASLDP-B) và "Dual Status Commanders Course" (NORTHCOM).
Trên trang Facebook của mình, Chuẩn Tướng Lập Thể Flora cho biết ông từng làm việc tại ba công ty ITT Night Vision, ITT Exelis, và Puolustusvoimat.
Chuẩn tướng Lập Thể Flora cùng vợ và con gái. (Hình : Facebook Lapthe Flora)
Theo Wikipedia, Chuẩn Tướng Châu Thể Lập có tên Việt Nam là Châu Lập Thể, sinh năm 1962 tại Việt Nam, và là con trai của một binh sĩ Hải Quân QLVNCH, hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam, khi ông Thể mới 2 tuổi. Mẹ ông phải nuôi tất cả sáu người con.
Năm 11 tuổi, ông phải đi làm trong một xí nghiệp để giúp gia đình.
Năm 1980, năm năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông cùng một số anh em trốn lên rừng và sau đó vượt biên bằng đường biển, được một chiếc tàu cứu, và vào một trại tị nạn ở Indonesia.
Một năm sau, ông được gia đình ông John và bà Audrey Flora nhận làm con nuôi và đưa về định cư tại Mỹ.
Ông Lập Thể Flora được thăng cấp chuẩn tướng vào ngày 23 tháng Năm, 2016.
Cũng như lần trước, sự thăng cấp lần này của Chuẩn Tướng Lập Thể Flora phải được Thượng Viện và tổng thống chuẩn thuận.
Nếu được chuẩn thuận, ông Lập Thể Flora sẽ là thiếu tướng gốc Việt thứ nhì trong quân đội Mỹ.
Hiện nay, người gốc Việt cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ là Thiếu Tướng Lương Xuân Việt. (Đ.D.)
Sau nhiều năm bị cắt giảm ngân sách và sau hơn hai thập niên tham gia nhiều cuộc xung đột trên thế giới, quân đội Hoa Kỳ nay bị xem là trong tình trạng yếu kém. Đó là đánh giá của các lãnh đạo quân sự Mỹ trong buổi điều trần hôm qua, 07/02/2017, trước Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp các sĩ quan chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Trung Tâm (CENTCOM) và Bộ Tư Lệnh các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) tại Tampa, Florida ngày 06/02/2017. REUTERS/Carlos Barria
Nhân lúc Hoa Kỳ rút quân khỏi Irak và Afghanistan, chính quyền Obama đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn 3,3% GDP. Với gần 600 tỷ đôla, đây vẫn là ngân sách quân sự cao nhất thế giới, hơn hẳn các nước khác. Thế nhưng, các lãnh đạo quân sự lo ngại là những đối thủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, đang nỗ lực tăng cường tiềm lực quân sự, trong khi quân đội Mỹ thì lại đang trên đà suy yếu hơn.
Tướng Stephen Wilson, phó tư lệnh Không Lực Hoa Kỳ, mô tả lực lượng này, với 311 000 quân nhân, là không lực "nhỏ nhất, cũ nhất và ít tác chiến nhất trong lịch sử Hoa Kỳ", tính về quân số, tuổi trung bình của các thiết bị và tỷ lệ sẵn sàng của các phi cơ. Theo lời tướng Wilson, các phi công chiến đấu cơ Mỹ trung bình mỗi tháng thực hiện 10 phi vụ và 14 giờ bay, và theo ông như vậy là quá ít.
Còn đô đốc Bill Moran, phó tư lệnh Hải Quân Mỹ, thì than phiền là các chiến đấu cơ Hornet của họ ban đầu được dự kiến là bay tổng cộng 6.000 giờ, nhưng bây giờ số giờ bay đang được nâng lên tới 8000-9000 giờ. Đô đốc Moran cũng cho biết là trong một ngày bình thường, khoảng từ 25 đến 30% số phi cơ của Hải quân phải được bảo trì hoặc được kiểm tra.
Về phần tướng Glenn Walters, phó tư lệnh lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, ông báo động là lực lượng này lẽ ra phải có thêm hơn 9 tỷ đôla để bảo trì các cơ sở hạ tầng của họ.
Nhưng không chỉ đòi thêm ngân sách, các lãnh đạo quân sự Mỹ còn đề xuất những giải pháp để tiết kiệm ngân sách. Lục quân cũng như Không lực Hoa Kỳ đều chủ trương là nên đóng cửa nhiều căn cứ quân sự "vô ích" ở Hoa Kỳ, yêu cầu mà cho tới nay các nghị sĩ Mỹ vẫn từ chối đáp ứng.
Các lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ đã thuyết phục được tân tổng thống Donald Trump gia tăng phương tiện cho quân đội. Vào tháng trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh về việc tăng cường quy mô của quân đội Mỹ, hứa hẹn thêm nhiều phi cơ, chiến hạm và nguồn tài chính cho Lầu Năm Góc.
Tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis cũng đã yêu cầu các quan chức của bộ này đề xuất các khoản bổ sung cho ngân sách 2017 để tăng chi tiêu quốc phòng cho nước Mỹ.
Dầu sao, chính quyền Trump sẽ buộc phải tăng ngân sách quân sự vì ông đã cam kết là sẽ dồn mọi nỗ lực để đè bẹp quân khủng bố Hồi Giáo cực đoan. Vấn đề là họ sẽ tìm đâu ra những nguồn tài chính mới, nhất là nếu chính quyền Trump thực hiện lời hứa cắt giảm thuế được đưa ra khi ông tranh cử tổng thống ?
Thanh Phương