Tổng thống Mỹ nêu khả năng dời thượng đỉnh với Kim Jong-un (RFI, 23/05/2018)
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở Singapore, rất có thể sẽ không diễn ra vào ngày 12/06 như dự kiến. Đón tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba, 22/05/2018 tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ tuyên bố không loại trừ khả năng ngày gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ bị dời lại. Donald Trump gián tiếp cáo buộc Bắc Kinh cản trở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) trả lời báo chí khi tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jea In, tại Nhà Trắng, Washington, ngày 22 Reuters/Kevin Lamarque
Từ văn phòng Bầu Dục, khi tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/05/2018, tổng thống Donald Trump nhìn nhận Kim Jong-un là một người "nghiêm túc", thật tâm muốn phi hạt nhân hóa. Chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa cam kết bảo đảm an toàn cho lãnh đạo Bình Nhưỡng và một tương lai tươi sáng cho Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un sẽ an toàn, đất nước sẽ phồn vinh và trong 25 hay 50 năm tới đây, Kim có thể nhìn lại quá khứ và hãnh diện về những gì đã làm cho Bắc Triều Tiên và cho thế giới.
Tuy nhiên, theo AFP, lần đầu tiên tổng thống Mỹ Donald Trump công khai nói đến khả năng dời cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên : Nếu một số điều kiện do Mỹ đưa ra không được thỏa mãn thì thượng đỉnh có thể phải tổ chức vào một ngày khác.
Đâu là yếu tố gây ra bất trắc này ? Một cách khéo léo, tế nhị, tổng thống Mỹ giải thích như sau :
"Tôi muốn nói như thế này, tôi rất thất vọng về cuộc gặp của Kim Jong-un với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp này, thái độ của Kim thay đổi. Điều làm tôi không thích, không hài lòng là hành động can thiệp của Trung Quốc. Tuy vậy, tôi hy vọng rằng sự thực không phải như thế. Tôi có giao hảo tốt với Tập chủ tịch, ông ấy là bạn của tôi. Tôi rất mến ông ấy và ông ấy mến tôi. Tôi đã sống hai ngày đẹp nhất trong đời tại Trung Quốc. Tôi cho rằng trong lịch sử, chưa một ai được đối đãi trọng hậu như thế. Thế mà, sau lần viếng thăm lần thứ hai của Kim Jong-un tại Trung Quốc thì xảy ra biến chuyển. Chủ tịch Trung Quốc là một tay cao cờ, đẳng cấp quốc tế. Cũng rất có thể là không có chuyện gì xảy ra nhưng (rõ ràng) là Bắc Triều Tiên đã thay đổi thái độ sau khi Kim gặp lại Tập chủ tịch. Tôi có thể nói rằng tôi không hài lòng chuyện đổi thay này".
Moon Jae-in : hãy đi tới…
Về phía Hàn Quốc, trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump ngày 22/06, tổng thống Moon Jae-in tuyên bố chia sẻ thái độ hoài nghi của đồng nhiệm Mỹ nhưng ông khẳng định "phải tiếp tục đi tới, muốn thành công thì không thể buông tay trước khó khăn". Theo tổng thống Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên "vẫn giữ nguyên thái độ căn bản" trong việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều, do vậy, Hoa Kỳ nên tiếp tục chuẩn bị hội nghị.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết thêm hai tổng thống đã thảo luận về phương án ba nước Mỹ-Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên tuyên bố chiến tranh 1950-1953 chính thức kết thúc mà nội dung đã được hai miền Nam Bắc ghi vào bản Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/04/ 2018.
Tú Anh
*********************
Mỹ, Hàn cố cứu vãn cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim (VOA, 23/05/2018)
Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang làm việc tích cực để cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn sẽ diễn ra kể cả sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột nói "rất có thể" cuộc gặp sẽ không diễn ra như kế hoạch. Cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 12/6 ở Singapore.
Hai tổng thống Mỹ, Hàn gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc hôm 22/5
Các quan chức Mỹ cho biết các hoạt động chuẩn bị vẫn đang được tiến hành. "Chúng tôi vẫn đang xúc tiến", Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu.
Ông Trump nói ông Kim đã không đáp ứng "một số điều kiện" về cuộc gặp thượng đỉnh. Nhưng ông Trump cũng cho biết ông tin rằng ông Kim "nghiêm túc" về đàm phán, và lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ "hoàn toàn tin tưởng" vào khả năng của ông Trump trong việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh và mang lại hòa bình.
Ông Trump đã tỏ ý là cuộc gặp thượng đỉnh có thể bị hoãn thay vì bị hủy : "Nó có thể không diễn ra vào ngày 12/6, nhưng vẫn có cơ hội lớn để cuộc gặp diễn ra".
Ông Trump không nêu chi tiết những điều kiện mà ông đã đặt ra cho ông Kim, nhưng nói rằng nếu những điều kiện đó không được đáp ứng, "chúng tôi sẽ không gặp nha". Người phát ngôn của ông, bà Sarah Huckabee Sanders, giải thích rằng điều mà ông Trump muốn đề cập là cam kết của ông Kim sẽ thảo luận nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.
Ông Trump bày tỏ nghi ngờ rằng thái độ và lời lẽ hung hăng gần đây của Triều Tiên là do ảnh hưởng từ chuyến đi bất ngờ của ông Kim đến thăm Trung Quốc cách đây hai tuần.
Ông Trump khuyến khích ông Kim hãy tập trung vào các cơ hội do cuộc gặp mang lại và đi đến một thỏa thuận để từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông cam kết không những đảm bảo an toàn cá nhân cho ông Kim mà còn dự đoán về sự hồi sinh kinh tế ở Triều Tiên.
"Tôi sẽ đảm bảo sự an toàn cho ông, đúng thế", ông Trump nói, lưu ý rằng lời hứa đó đi kèm điều kiện là phải có thỏa thuận để phi hạt nhân hóa hoàn toàn, một cách có thể được kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Trump phát biểu rằng nếu đạt được thỏa thuận như vậy, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đầu tư những khoản tiền lớn để "làm cho Triều Tiên vĩ đại".
******************
Hủy bãi thử hạt nhân : Nhân nhượng "rẻ" nhất của Bắc Triều Tiên (RFI, 23/05/2018)
Với việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ thực tâm giải trừ vũ khí nguyên tử. Nhưng thật ra đây là một cử chỉ nhân nhượng ít "hao tốn" hơn cả và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ảnh vệ tinh chụp cơ sở thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên (chụp ngày 14/05/2018) Reuters
Các cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Punggye-ri đã cho thấy những tiến bộ nhanh chóng của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011. Ông đã đích thân giám sát 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân. Cuộc thử nghiệm cuối cùng vào ngày 03/09/2017 có cường độ lên tới 250 kilotonne, tức là mạnh hơn gấp 16 lần cường độ của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.
Nhưng do nằm gần biên giới Trung Quốc, nên bãi thử Punggye-ri ngày càng gây lo ngại cho Bắc Kinh. Vụ thử lần thứ sáu đã gây ra một trận động đất làm rung chuyển cả khu vực bên kia biên giới, khiến nhiều người dân Trung Quốc ở đó hoảng sợ.
Bên cạnh đó là mối quan ngại về ô nhiễm phóng xạ đối với toàn khu vực biên giới, theo cảnh báo của các nhà khoa học Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho thấy là vụ thử hạt nhân cuối cùng dường như đã làm sập các đường hầm của bãi thử.
Theo hãng tin AFP, một số người bi quan thì cho rằng Punggye-ri không còn sử dụng được nữa, cho nên việc phá hủy bãi thử hạt nhân này chỉ là một sự nhân nhượng "bề ngoài". Những người khác thì thẩm định rằng Bình Nhưỡng nay đã nắm được những kiến thức và công nghệ cần thiết sau khi tiến hành các vụ thử hạt nhân tại đây. Chuyên gia Go Myong Huyn, Viện Nghiên cứu Chính trị Asan, giải thích : "Họ đã thu thập các dữ liệu cần thiết trong sáu vụ thử hạt nhân. Trừ phi họ tiêu hủy luôn cả các dữ liệu đó, ta có thể nghi ngờ về tầm quan trọng của việc phá hủy một bãi thử hạt nhân nay đã quá hạn".
Nhưng đối với chuyên gia Jeffrey Lewis, Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury, không có yếu tố nào cho phép khẳng định là Punggye-ri không còn sử dụng được nữa. Theo ông, việc phá hủy Punggye-ri không phải là nhằm dẹp bỏ một bãi thử đã hư hại.
Các nhà phân tích của trang web "38 North", được hãng tin Bloomberg trích dẫn,cũng cho rằng trong 3 đường hầm của Punggye-ri, chỉ có đường hầm ở phía bắc là hư hại nặng, còn đường hầm phía nam và phía tây vẫn còn chịu được các vụ nổ. Như vậy, họ xác nhận khẳng định của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un rằng hai đường hầm của bãi thử này vẫn còn tốt.
Cho dù tình trạng của Punggye-ri hiện nay là như thế nào, việc phá hủy bãi thử hạt nhân không phải là không thể đảo ngược được. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể xây dựng lại những phần bị phá hủy, giống như họ đã làm với cơ sở hạt nhân Yongbyon. Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng, cách đây một thập niên, khi đàm phán với Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il đã cho phá sập tháp làm nguội của Yongbyon. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng đã lắp ráp lại toàn bộ lò phản ứng nhằm sản xuất chất plutonium dùng để chế tạo vũ khí. Cho nên, nhiều chuyên gia về giải trừ vũ khí nay tỏ vẻ rất thận trọng về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Đó là chưa kể Bắc Triều Tiên dường như còn có nhiều hệ thống ngầm khác có thể dùng làm bãi thử hạt nhân. Mà Bình Nhưỡng đâu cần phải thử trong đường hầm mới. tháng 9 năm ngoái, chính Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã nêu khả năng là nước này có thể cho nổ thử một quả bom nhiệt hạch bên trên Thái Bình Dương !
Thanh Phương
*********************
Bắc Triều Tiên chuẩn bị phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri (RFI, 23/05/2018)
Hôm 23/05/2018, hàng chục phóng viên ngoại quốc, trong đó có phóng viên Mỹ và Hàn Quốc, đã được đưa đến tận nơi để chứng kiến việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Bắc Triều Tiên. Qua hành động này, Bình Nhưỡng muốn thể hiện thiện chí trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên, cho dù tổng thống Donald Trump vừa nêu lên khả năng là thượng đỉnh này không thể diễn ra.
Các nhà báo Hàn Quốc tại Seoul lên đường đến bãi thử nghiệm hạt nhân Bắc Triều Tiên Punggye-ri, ngày 23/05/2018. News1 via Reuters
Vào tháng trước, Bắc Triều Tiên đã loan báo sẽ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi mà họ đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử nguyên tử. Washington đã hoan nghênh thông báo này. Việc phá hủy sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ hôm nay đến thứ Sáu, tùy theo điều kiện thời tiết.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
"Khoảng 30 phóng viên, trong đó có các phóng viên Mỹ và Hàn Quốc, đã được Bắc Triều Tiên mời đến chứng kiến vụ nổ sẽ làm sập các đường hầm của bãi thử hạt nhân Punggye-ri mà báo chí quốc tế vẫn nói đến nhiều. Nằm ở miền đông bắc Bắc Triều Tiên, đây là nơi mà chế độ Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân từ năm 2006 cho đến năm ngoái.
Nhưng các nhà báo này bị kiểm soát rất chặt chẽ và họ không thể nào tiến hành một cuộc điều tra thật sự. Ngay khi vừa đặt chân đến sân bay Wonsan, họ đã bị tạm giữ điện thoại vệ tinh và các máy đo phóng xạ, theo lời kể của một phóng viên kênh truyền hình Anh Skynews. Một quan chức Bắc Triều Tiên khẳng định các máy đo phóng xạ là không cần thiết, vì địa điểm này "hoàn toàn an toàn".
Bãi thử hạt nhân nằm trên vùng núi non hiểm trở, phải đi bằng xe và bằng tàu mất 15 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Vấn đề là không có một chuyên gia nguyên tử nào được mời đến. Theo các nhà phân tích, khi cho phá sập đường hầm, chế độ Bình Nhưỡng cũng tiêu hủy luôn các bằng chứng của những vụ thử hạt nhân trước đây tại địa điểm này.
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên trước hết muốn sự kiện hôm nay mang tính biểu tượng mạnh, cho nên mới có sự hiện diện của các ống kính truyền hình toàn thế giới".
Về quan hệ liên Triều, một phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc hôm qua thông báo là các cuộc thảo luận cấp cao giữa Seoul với Bình Nhưỡng rất có thể sẽ được mở lại sau ngày 25/05 và sau khi kết thúc các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Thanh Phương
Trump : Chưa rõ thượng đỉnh Trump-Kim có thành hay không (VOA, 17/05/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 thừa nhận là thượng đỉnh giữa ông với lãnh tụ Triều Tiên chưa rõ có thành hay không sau khi Bình Nhưỡng dọa rút chân khỏi cuộc gặp chưa từng có trước nay.
Triều Tiên khiến thượng đỉnh Trump-Kim dự trù ngày 12/6 tới đây trở nên bất định khi tuyên bố có thể sẽ không tham gia nếu Washington tiếp tục yêu cầu Bình Nhưỡng đơn phương hủy kho hạt nhân của mình. Triều Tiên cũng hủy các cuộc đàm phán với Hàn Quốc lên lịch ngày 16/5, viện dẫn nguyên nhân là do các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Đáp câu hỏi liệu thượng đỉnh Trump-Kim có xúc tiến hay không, Tổng thống Trump nói với báo giới tại Phòng Bầu Dục rằng "Phải chờ xem" dù ông nhấn mạnh sẽ không lui bước trong việc đòi hỏi phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
"Chưa có quyết định, chúng tôi chưa được thông báo gì cả... Chưa thấy gì, chưa nghe gì", Tổng thống Trump nói.
Thượng đỉnh Trump-Kim, cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Triều, nếu bị đổ vỡ sẽ là một đòn giáng mạnh cho hy vọng thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Điều này xảy ra trong lúc ông Trump đang bị quốc tế chỉ trích vì rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và dời đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem.
Tòa Bạch Ốc hy vọng thượng đỉnh Trump-Kim sẽ diễn ra và ông Trump đã sẵn sàng cho một cuộc thương lượng đầy cam go.
"Tổng thống đã sẵn sàng nếu thượng đỉnh được tổ chức", phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói với Fox News. "Nếu thượng đỉnh bất thành, chúng ta sẽ tiếp tục chiến dịch áp lực tối đa lâu nay".
Theo Reuters
***********************
Cố vấn John Bolton tin rằng hội nghị thượng đỉnh vẫn tiếp tục (CaliToday, 17/05/2018)
Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, John Bolton nói với một đài phát thanh hôm thứ Tư ông tin rằng hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un sẽ xảy ra, mặc dù sự đe dọa gần đây từ Bắc Hàn có thể rút lui.
Ông Bolton . Photo Credit : CNN
Ông Bolton nói với phóng viên Brian Kilmeade của Fox Radio rằng ông đã phát biểu sớm vào thứ Tư với đồng minh Nam Hàn của mình để ghi dấu những lý do về các cảnh báo do Bình Nhưỡng đưa ra. Hôm thứ Tư, Tổng thống đã được thông báo về các tuyên bố bổ túc từ nhà đàm phán giải trừ vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng bác bỏ việc Mỹ kêu gọi giải trừ hạt nhân ngay lập tức.
"Nếu Hoa Kỳ đang cố gắng dồn chúng tôi vào một góc để buộc hủy bỏ vũ khí hạt nhân đơn phương, chúng tôi sẽ không còn quan tâm đến cuộc đối thoại đó nữa và không thể xem xét lại tiến trình của chúng tôi đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn", một tuyên bố từ chính quyền Bình Nhưỡng.
Ông Bolton cho biết hiện tại là hội nghị thượng đỉnh đã soạn thảo kế hoạch tại Singapore nhưng cuộc họp có thể ngắn nếu Kim không đồng ý hủy bỏ hạt nhân.
"Nếu họ không đưa ra quyết định chiến lược hủy bỏ vũ khí hạt nhân, như Tổng thống Trump nói, đó có thể là một cuộc họp khá ngắn ở Singapore", ông Bolton cho biết.
Thứ Tư trước đó, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trong một họp báo tại Phòng bầu Dục, Tòa Bạch Ốc rằng "chúng ta phải xem" cho dù hội nghị thượng đỉnh sẽ xảy ra hay không, "Chúng tôi đã không nhìn thấy bất cứ điều gì, chúng tôi đã không nghe bất cứ điều gì".
Khi được hỏi liệu ông Kim Jong-un có lừa gạt hay không, ông Trump nói, "Chúng ta sẽ thấy chuyện gì xảy ra".
Hãng tin KCNA chính thức của Bắc Hàn đã trực tiếp nhắm tới Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton và bác bỏ quan điểm của ông rằng Bắc Hàn nên theo mô hình của Libya và đơn phương từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Bolton cho biết đang xem xét các mục tiêu trong tuyên bố của Bình Nhưỡng là "không có gì mới".
"Tôi đang làm quen với phương cách tiếp xúc với Bình Nhưỡng. Đó là những gì Bắc Hàn làm và câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là một dấu hiệu cho thấy họ không nhận ra mục tiêu của chúng ta về triệt tiêu vũ khí hạt nhân một cách nghiêm túc", ông nói. "Nếu họ đang đi ngược lại, chúng ta sẽ tìm ra".
Ông Bolton phát biểu "Tôi đã cố gắng thực hiện từng bước với các nhân viên an ninh quốc gia. Đó là điều tôi làm việc với ông John Kelly, giám đốc nhân viên, với rất nhiều người khác. Hãy nhìn xem, Tổng thống phải có các cố vấn xung quanh, những người có thể cởi mỡ, làm việc hiệu quả trong các cuộc thảo luận thẳng thắn, và sau đó không bị ảnh hưởng trên báo chí hoặc truyền hình trong phạm vi các cuộc hội thoại đó đang được thảo luận". Sự kiện này sẽ giúhp khả năng của Tổng thống trong những quyết định quân sự, chính trị, thương mại v.v.trước khi những quyết định của tổng thống công khai hóa.
Ngọc Thạch
(Theo CNN)
**********************
Bắc Triều Tiên vừa dọa vừa đàm ? (RFI, 16/05/2018)
Sau nhiều tuần lễ không khí trên bán đảo Triều Tiên hòa dịu đến mức tưởng chừng như hòa bình sắp được vãn hồi tại đây, thế giới giống như vừa bị dội một gáo nước lạnh với lời đe dọa của Bình Nhưỡng hủy thượng đỉnh Kim Jong-un - Donald Trump, dự trù sẽ diễn ra ngày 12/05 tới ở Singapore.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (P) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng. Ảnh công bố ngày 26/04/2018. Government via Reuters
Phải chăng là Bắc Triều Tiên đang dùng chiến thuật ngoại giao "vừa dọa vừa đàm" với Mỹ ?
Trên nguyên tắc, hồ sơ hạt nhân sẽ là trọng tâm của thượng đỉnh Singapore. Trong những ngày qua, Washington đã liên tục đòi Bắc Triều Tiên phải "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được". Thế nhưng, cho tới nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa công bố những nhân nhượng của họ trong hồ sơ này, ngoài lời hứa hẹn chung chung là sẽ "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", một công thức mà ai muốn hiểu sao cũng được. Từ nhiều năm qua, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí nguyên tử, với lý do chủ yếu là nhằm đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bị Mỹ xâm lược. Chế độ Kim Jong-un tuy đã thông báo tháo dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trong vòng hai tuần, nhưng họ chưa hề nói đến chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân.
Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul cho biết, theo các nhà phân tích ở Seoul, những lời đe dọa nói trên là một phần của tiến trình thương lượng đang diễn ra : Bắc Triều Tiên tìm cách củng cố vị thế của họ trước cuộc họp thượng đỉnh với Trump, đồng thời nhắc lại rằng họ cũng đòi Washington có những nhân nhượng đáng kể.
Trả lời hãng tin AFP hôm nay, giáo sư Kim Huyn Wook, Học viện Ngoại giao Quốc gia của Hàn Quốc, cũng cho rằng, đây là một "chiến thuật ngoại giao" của Bình Nhưỡng nhằm làm thay đổi lập trường của Mỹ. Theo ông, dường như Kim Jong-un đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của Washington là "phi hạt nhân hóa trước đã", nhưng nay đang cố làm thay đổi vị thế, sau khi đã bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc.
Lý giải lời đe dọa của Bình Nhưỡng, nhà phân tích Joshua Pollock, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết Bắc Triều Tiên đã rất bực mình về thái độ đắc thắng của phía Mỹ, khi nghe các quan chức Hoa Kỳ cứ nhắc đi nhắc lại rằng chính những "áp lực tối đa" của Washington đã buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận đối thoại.
Theo đài CNN, cũng có lập luận cho rằng, qua những lời đe dọa nói trên, có lẽ Kim Jong-un muốn chứng tỏ ông là một nhân vật "ngang cơ" với Donald Trump. Hơn nữa, không chỉ có Kim Jong-un dọa không họp thượng đỉnh, mà chính tổng thống Trump trước đó cũng dọa như vậy khi tuyên bố ngày 18/04 : "Nếu tôi xét thấy cuộc họp sẽ chẳng đạt kết quả gì, chúng tôi sẽ không đến họp" !
Vẫn theo CNN, một số chuyên gia nói tới khả năng Bình Nhưỡng đưa ra lời đe dọa vì ông Kim Jong-un đang chịu áp lực trong nội bộ. Tức là khi lên giọng với Donald Trump, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng muốn trấn an giới quân sự Bắc Triều Tiên, đang lo ngại vì thấy chính sách đối với Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là suy đoán, vì rất khó mà biết được chuyện gì xảy ra bên trong chế độ khép kín nhất hành tinh này.
Dầu sao, bất kể nguyên do là gì, việc Bình Nhưỡng hôm nay dọa hủy thượng đỉnh Kim Jong-un - Donald Trump cho thấy là tiến trình đối thoại giữa hai nước còn rất bấp bênh. Dù có diễn ra, cuộc gặp lịch sử tại Singapore sẽ khó mà đạt ngay được những kết quả ngoạn mục, vì những đòi hỏi của hai bên có quá nhiều cách biệt.
Thanh Phương
*******************
Bắc Triều Tiên dọa hủy thượng đỉnh với Mỹ (RFI, 16/05/2018)
Hôm 16/05/2018, Bình Nhưỡng đã dọa hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng tới, nếu Wasshington cứ đơn phương đòi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump - Reuters/KCNA handout via Reuters & Kevin Lamarque
Hôm 16/05/2018, Bình Nhưỡng đã dọa hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng tới, nếu Wasshington cứ đơn phương đòi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hãng tin chính thức KCNA trích lời thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye Gwan tuyên bố : "Nếu Hoa Kỳ dồn chúng tôi vào chân tường để buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ vũ khí nguyên tử, chúng tôi sẽ không quan tâm đến một cuộc đối thoại như vậy". Ông Kim Kye Gwan nói thêm, trong trường hợp đó, Bình Nhưỡng sẽ "xét lại" việc tham dự thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/06 tới tại Singapore.
Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng đã chỉ trích kịch liệt cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, vì nhân vật này đã yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa theo "mô hình Libya". Theo ông Kim Kye-gwan, đây là một "mưu toan đen tối" nhằm khiến Bắc Triều Tiên "chịu chung số phận với Libya và Iraq". Vị thứ trưởng Ngoại giao này cũng bác bỏ đề nghị của ngoại trưởng Mỹ là Hoa Kỳ có thể trợ giúp kinh tế Bắc Triều Tiên nếu nước này phi hạt nhân hóa.
Ngoài việc đe dọa hủy thượng đỉnh Kim Jong-un – Donald Trump, Bình Nhưỡng còn hủy "vô thời hạn" cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Triều Tiên dự trù hôm nay, để phản đối cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn mang tên Max Thunder.
Theo KCNA, cuộc tập trận này là một hành động "gây hấn", với mục tiêu là "tấn công" Bắc Triều Tiên. Bắt đầu từ ngày 11/05, cuộc tập trận Max Thunder huy động hàng trăm chiến đấu cơ, trong đó có máy bay tiêm kích tàng hình F22. Theo hãng tin Yonhap, một nguồn tin hôm nay khẳng định là oanh tạc cơ B 52 của Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc tập trận này.
Phản ứng về lời đe dọa nói trên của Bắc Triều Tiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert hôm nay tuyên bố là Washington vẫn tiếp tục chuẩn bị cho thượng đỉnh Kim Jong-un – Donald Trump vì Hoa Kỳ chưa được thông báo về bất cứ sự thay đổi nào và theo Washington, cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc không phải là một hành động gây hấn.
*********************
Triều Tiên hủy gặp Hàn Quốc, Mỹ vẫn chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim (VOA, 16/05/2018)
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 loan báo vẫn tiếp tục hoạch định cho thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng sau giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un bất chấp tin nói rằng Bình Nhưỡng hủy hội đàm với Hàn Quốc vì các cuộc tập trận Mỹ-Hàn.
Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên - Ảnh minh họa North Korea US Summit Sites
"Ông Kim Jong-un từng tuyên bố là hiểu rõ nhu cầu và tính thiết thực của việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiếp tục các cuộc tập trận chung", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói tại buổi họp báo ngay sau loan báo của Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định "Chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến và hoạch định cho cuộc họp giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un".
Trước đó, Bình Nhưỡng khuyến cáo Mỹ nên cẩn trọng cân nhắc về số phận của thượng đỉnh Mỹ-Triều trước "các hoạt động quân sự với Hàn Quốc ầm ĩ, khiêu khích", thông tấn xã nhà nước Triều Tiên đăng tải sáng sớm ngày 16/5, theo giờ địa phương.
Khuyến cáo được đưa ra giữa lúc truyền thông nhà nước Triều Tiên loan tin Bình Nhưỡng hủy các cuộc hội đàm với Seoul vì cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Hàn.
Một giới chức cao cấp trong chính quyền Trump cho CNN biết Tổng thống Trump đã được thông báo về lời cảnh cáo số phận của thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore.
Các cuộc hội đàm giữa hai miền Triều Tiên, theo lịch, được tái tục ngày 15/5 nhưng thông tấn xã Triều Tiên nói cuộc tập trận tác chiến trên không mang tên Max Thunder 2018 đi ngược lại tuyên bố Bàn Môn Điếm ký tháng rồi giữa hai miền Triều Tiên mà trong đó đôi bên nhất trí ngưng tất cả các hoạt động thù địch lẫn nhau.
Triều Tiên gọi cuộc tập trận Max Thunder là "hành động cố ý khiêu khích".
Ngũ Giác Đài ngày 15/5 tuyên bố "Lực lượng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang tham gia các cuộc tập trận mùa xuân thường niên, bao gồm các cuộc tập trận Foal Eagle 2018 và Max Thunder 2018". Khoảng 2 ngàn binh sĩ của không lực hai nước tham gia thao dượt, một giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho CNN biết.
Giới chức Mỹ nói mục đích tập trận nhằm củng cố năng lực tự vệ và tăng cường khả năng sẵn sàng của quân đội Mỹ-Hàn và rằng bản chất của cuộc tập trận đã được công khai nhiều chục năm nay và không hề thay đổi.
(Reuters/CNN)
*******************
Triều Tiên : Sẽ hủy gặp Trump nếu Mỹ muốn Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân (Zing, 16/05/2018)
Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên sáng 16/5/2018 dẫn lời viên chức Triều Tiên khẳng định sẽ "cân nhắc lại" việc tham dự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều nếu Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vốn được lên kế hoạch vào ngày 12/6 này. Ảnh: AFP.
KCNA dẫn lời viên chức Triều Tiên tuyên bố nước này không có hứng thú gì với cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ nếu nó dựa trên "yêu cầu đơn phương" của Washington buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Nếu chính quyền Trump dồn chúng tôi vào góc và đơn phương đòi hỏi chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi không còn hứng thú nói chuyện và sẽ tái cân nhắc có chấp nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới hay không", Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nói.
Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân hoàn toàn, một cách xác tín và không thể đảo ngược (CVID). Tuy nhiên, đến nay Bình Nhưỡng chưa hề có tuyên bố công khai nào về việc này dù Hàn Quốc từng thông báo Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân.
"Chúng tôi đã bày tỏ sẵn lòng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và liên tục tuyên bố điều kiện tiên quyết (cho đàm phán) là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân với Triều Tiên", KCNA dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Kim.
Ông Kim cũng lên án tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng đó là một nỗ lực "đầy điểm gở" của Mỹ nhằm áp đặt số phận của Libya và Iraq lên Triều Tiên.
Các chuyên gia từng đánh giá việc nêu ra trường hợp Libya có thể là sai lầm trong đàm phán với Triều Tiên. Năm 2003, Libya chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và giải giáp kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, đổi lấy sự chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi sau đó đã bị phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và sát hại.
Triều Tiên thường xuyên đề cập trường hợp Libya để củng cố lập luận chỉ có vũ khí hạt nhân mới giúp nước này răn đe hiệu quả Washington, đảm bảo an ninh và sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng.
"Tôi không thể đè nén nỗi tức giận trước động thái này của Mỹ và thật đáng nghi ngờ việc Mỹ thật lòng muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua đàm phán và đối thoại",Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Trước đó, đầu ngày 16/5, Triều Tiên đã tuyên bố không dự họp cấp cao với viên chức Hàn Quốc do giận dữ trước cuộc tập trận chung Max Thunder giữa lực lượng Mỹ - Hàn diễn ra từ cuối tuần trước.
KCNA lên án cuộc tập trận giữa không quân Hàn Quốc và Mỹ là "diễn tập xâm lược" và là "hành vi quân sự cố ý khiêu khích" giữa thời điểm mối quan hệ Hàn - Triều đang cải thiện.
KCNA cũng cảnh báo về cuộc gặp sắp giữa ông Trump và Kim Jong-un rằng : "Mỹ nên suy nghĩ cẩn thận hơn về số phận hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng Washington chưa nhận được thông tin gì từ phía Bình Nhưỡng dọa hủy gặp và họ vẫn tiếp tục công tác chuẩn bị cho cuộc gặp.
Tờ Asahi Shimbun nhận định bất kỳ bất trắc nào xảy đến với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ là một đòn giáng nặng nề vào các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đạt được thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông : giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Phương Thảo
*********************
Địa điểm thử nguyên tử Bắc Triều Tiên được tháo dỡ gần xong (RFI, 15/05/2018)
Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đã bắt đầu tháo dỡ địa điểm thử nguyên tử duy nhất được quốc tế biết đến, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trang web uy tín "38 North", chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, hôm nay, 15/05/2018, cho biết như trên.
Lãnh đạo Kim Jong-un đang chỉ đạo về chương trình vũ khí hạt nhân. Bức ảnh không đề ngày chụp và do hãng tin KCNA cung cấp ngày 03/09/2017. Reuters
Vào cuối tuần qua, Bình Nhưỡng loan báo sẽ phá hủy "toàn bộ" địa điểm Punggye-ri ở miền đông bắc, trong một buổi lễ dự kiến trong khoảng ngày 23 đến 25/05, trước báo chí quốc tế được mời. Chính tại đây, Bắc Triều Tiên đã cho thử nguyên tử sáu lần. Lần cuối cùng vào tháng 09/2017, được cho là thử bom H (bom khinh khí, nhiệt hạch).
Các hình ảnh chụp được từ vệ tinh được trang web "38 North" đăng tải cho thấy "những bằng chứng rõ ràng là việc tháo dỡ địa điểm thử nguyên tử đã gần xong". Nhiều tòa nhà quan trọng, cũng như các cấu trúc nhỏ hơn đã bị san bằng. Những đường ray nối các đường hầm với những đống xà bần đào lên đã được tháo đi, và việc đào xới cũng đã ngưng lại kể từ tháng Ba.
Những ảnh chụp còn chứng tỏ các hoạt động chuẩn bị cho buổi lễ, với một sân khấu dường như để các phóng viên đặt máy quay phim. Tuy vậy, lối vào các đường hầm vẫn chưa đóng hẳn, có lẽ là để chờ thực hiện trước sự chứng kiến của báo chí.
Reuters cho biết Bắc Triều Tiên có mời các nhà báo của một hãng thông tấn và một đài truyền hình Hàn Quốc tham dự lễ đóng cửa Punggye-ri. Họ sẽ bay sang Bắc Kinh cùng với các cơ quan truyền thông quốc tế khác, sau đó đi xe lửa đến Punggye-ri.
Đàm phán cấp cao liên Triều
Song song đó, Bình Nhưỡng đã đề nghị đàm phán liên Triều cấp cao vào ngày mai 16/05, nhằm bàn bạc chi tiết về thủ tục kết thúc chiến tranh và phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Phái đoàn Bắc Triều Tiên có 29 thành viên do Ri Son-gwon, chủ tịch ủy ban Thống nhất Hòa bình dẫn đầu. Phía Hàn Quốc có năm đại biểu do bộ trưởng bộ Thống Nhất lãnh đạo.
Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung-in, cảnh báo ý tưởng giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn được cho là sẽ được nêu ra trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/06 giữa ông Kim Jong-un và Donald Trump, không được cả tổng thống Mỹ lẫn Hàn Quốc, Nhật Bản chấp nhận.
Thụy My
*******************
Washington sẵn sàng bảo đảm "có điều kiện" cho chế độ Bình Nhưỡng (RFI, 14/05/2018)
Hoa Kỳ sẵn sàng đưa ra những đề nghị tôn trọng an ninh cho chế độ Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố như trên hôm chủ nhật 13/05/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt tay một viên tướng Bắc Triều Tiên khi đến Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) ngày 09/05/2018. Matthew Lee/Pool via Reuters
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox hôm chủ nhật, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhìn nhận là Hoa Kỳ "cần phải chấp nhận thỏa hiệp bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên". Theo ngoại trưởng Mỹ, từ 25 năm nay không một tổng thống nào có khả năng thuyết phục được những người lãnh đạo Bắc Triều Tiên tin rằng có thể "thỏa hiệp" được với Mỹ bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy an ninh chính trị.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh là Washington chỉ đưa ra những bảo đảm này với điều kiện là Bình Nhưỡng phải "triệt để hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, kiểm chứng được và không thể đảo ngược".
Một tháng trước thượng đỉnh Trump-Kim, dự trù vào ngày 12/06 tới đây tại Singapore, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, xuất thân từ CIA, tin rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ "chia sẻ" mục tiêu trên. Trong khi chờ đợi, lệnh trừng phạt kinh tế tiếp tục được duy trì cho đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton cũng báo trước : Bắc Triều Tiên phải hoàn tất phi hạt nhân hóa trước khi nhận được lợi ích về kinh tế.
Còn theo nhà ly khai Thae Yong-ho, nguyên là nhân vật số hai của đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Luân Đôn, tị nạn tại Seoul từ gần hai năm nay, thì Bình Nhưỡng không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân vì đó là "cột trụ" bảo vệ chế độ. Nhận định này được hãng tin Newsis của Hàn Quốc đăng tải ngày 14/06/2018.
Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản cho biết một phái đoàn ngoại giao Bắc Triều Tiên vừa đến Bắc Kinh trong ngày thứ hai 14/06 nhưng không rõ danh tính của các nhân vật này.
Tú Anh