Tổng thống Mỹ nêu khả năng dời thượng đỉnh với Kim Jong-un (RFI, 23/05/2018)
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở Singapore, rất có thể sẽ không diễn ra vào ngày 12/06 như dự kiến. Đón tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba, 22/05/2018 tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ tuyên bố không loại trừ khả năng ngày gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ bị dời lại. Donald Trump gián tiếp cáo buộc Bắc Kinh cản trở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) trả lời báo chí khi tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jea In, tại Nhà Trắng, Washington, ngày 22 Reuters/Kevin Lamarque
Từ văn phòng Bầu Dục, khi tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/05/2018, tổng thống Donald Trump nhìn nhận Kim Jong-un là một người "nghiêm túc", thật tâm muốn phi hạt nhân hóa. Chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa cam kết bảo đảm an toàn cho lãnh đạo Bình Nhưỡng và một tương lai tươi sáng cho Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un sẽ an toàn, đất nước sẽ phồn vinh và trong 25 hay 50 năm tới đây, Kim có thể nhìn lại quá khứ và hãnh diện về những gì đã làm cho Bắc Triều Tiên và cho thế giới.
Tuy nhiên, theo AFP, lần đầu tiên tổng thống Mỹ Donald Trump công khai nói đến khả năng dời cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên : Nếu một số điều kiện do Mỹ đưa ra không được thỏa mãn thì thượng đỉnh có thể phải tổ chức vào một ngày khác.
Đâu là yếu tố gây ra bất trắc này ? Một cách khéo léo, tế nhị, tổng thống Mỹ giải thích như sau :
"Tôi muốn nói như thế này, tôi rất thất vọng về cuộc gặp của Kim Jong-un với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp này, thái độ của Kim thay đổi. Điều làm tôi không thích, không hài lòng là hành động can thiệp của Trung Quốc. Tuy vậy, tôi hy vọng rằng sự thực không phải như thế. Tôi có giao hảo tốt với Tập chủ tịch, ông ấy là bạn của tôi. Tôi rất mến ông ấy và ông ấy mến tôi. Tôi đã sống hai ngày đẹp nhất trong đời tại Trung Quốc. Tôi cho rằng trong lịch sử, chưa một ai được đối đãi trọng hậu như thế. Thế mà, sau lần viếng thăm lần thứ hai của Kim Jong-un tại Trung Quốc thì xảy ra biến chuyển. Chủ tịch Trung Quốc là một tay cao cờ, đẳng cấp quốc tế. Cũng rất có thể là không có chuyện gì xảy ra nhưng (rõ ràng) là Bắc Triều Tiên đã thay đổi thái độ sau khi Kim gặp lại Tập chủ tịch. Tôi có thể nói rằng tôi không hài lòng chuyện đổi thay này".
Moon Jae-in : hãy đi tới…
Về phía Hàn Quốc, trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump ngày 22/06, tổng thống Moon Jae-in tuyên bố chia sẻ thái độ hoài nghi của đồng nhiệm Mỹ nhưng ông khẳng định "phải tiếp tục đi tới, muốn thành công thì không thể buông tay trước khó khăn". Theo tổng thống Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên "vẫn giữ nguyên thái độ căn bản" trong việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều, do vậy, Hoa Kỳ nên tiếp tục chuẩn bị hội nghị.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết thêm hai tổng thống đã thảo luận về phương án ba nước Mỹ-Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên tuyên bố chiến tranh 1950-1953 chính thức kết thúc mà nội dung đã được hai miền Nam Bắc ghi vào bản Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/04/ 2018.
Tú Anh
*********************
Mỹ, Hàn cố cứu vãn cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim (VOA, 23/05/2018)
Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang làm việc tích cực để cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn sẽ diễn ra kể cả sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột nói "rất có thể" cuộc gặp sẽ không diễn ra như kế hoạch. Cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 12/6 ở Singapore.
Hai tổng thống Mỹ, Hàn gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc hôm 22/5
Các quan chức Mỹ cho biết các hoạt động chuẩn bị vẫn đang được tiến hành. "Chúng tôi vẫn đang xúc tiến", Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu.
Ông Trump nói ông Kim đã không đáp ứng "một số điều kiện" về cuộc gặp thượng đỉnh. Nhưng ông Trump cũng cho biết ông tin rằng ông Kim "nghiêm túc" về đàm phán, và lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ "hoàn toàn tin tưởng" vào khả năng của ông Trump trong việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh và mang lại hòa bình.
Ông Trump đã tỏ ý là cuộc gặp thượng đỉnh có thể bị hoãn thay vì bị hủy : "Nó có thể không diễn ra vào ngày 12/6, nhưng vẫn có cơ hội lớn để cuộc gặp diễn ra".
Ông Trump không nêu chi tiết những điều kiện mà ông đã đặt ra cho ông Kim, nhưng nói rằng nếu những điều kiện đó không được đáp ứng, "chúng tôi sẽ không gặp nha". Người phát ngôn của ông, bà Sarah Huckabee Sanders, giải thích rằng điều mà ông Trump muốn đề cập là cam kết của ông Kim sẽ thảo luận nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.
Ông Trump bày tỏ nghi ngờ rằng thái độ và lời lẽ hung hăng gần đây của Triều Tiên là do ảnh hưởng từ chuyến đi bất ngờ của ông Kim đến thăm Trung Quốc cách đây hai tuần.
Ông Trump khuyến khích ông Kim hãy tập trung vào các cơ hội do cuộc gặp mang lại và đi đến một thỏa thuận để từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông cam kết không những đảm bảo an toàn cá nhân cho ông Kim mà còn dự đoán về sự hồi sinh kinh tế ở Triều Tiên.
"Tôi sẽ đảm bảo sự an toàn cho ông, đúng thế", ông Trump nói, lưu ý rằng lời hứa đó đi kèm điều kiện là phải có thỏa thuận để phi hạt nhân hóa hoàn toàn, một cách có thể được kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Trump phát biểu rằng nếu đạt được thỏa thuận như vậy, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đầu tư những khoản tiền lớn để "làm cho Triều Tiên vĩ đại".
******************
Hủy bãi thử hạt nhân : Nhân nhượng "rẻ" nhất của Bắc Triều Tiên (RFI, 23/05/2018)
Với việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ thực tâm giải trừ vũ khí nguyên tử. Nhưng thật ra đây là một cử chỉ nhân nhượng ít "hao tốn" hơn cả và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ảnh vệ tinh chụp cơ sở thử hạt nhân Punggye-Ri của Bắc Triều Tiên (chụp ngày 14/05/2018) Reuters
Các cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Punggye-ri đã cho thấy những tiến bộ nhanh chóng của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011. Ông đã đích thân giám sát 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân. Cuộc thử nghiệm cuối cùng vào ngày 03/09/2017 có cường độ lên tới 250 kilotonne, tức là mạnh hơn gấp 16 lần cường độ của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.
Nhưng do nằm gần biên giới Trung Quốc, nên bãi thử Punggye-ri ngày càng gây lo ngại cho Bắc Kinh. Vụ thử lần thứ sáu đã gây ra một trận động đất làm rung chuyển cả khu vực bên kia biên giới, khiến nhiều người dân Trung Quốc ở đó hoảng sợ.
Bên cạnh đó là mối quan ngại về ô nhiễm phóng xạ đối với toàn khu vực biên giới, theo cảnh báo của các nhà khoa học Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho thấy là vụ thử hạt nhân cuối cùng dường như đã làm sập các đường hầm của bãi thử.
Theo hãng tin AFP, một số người bi quan thì cho rằng Punggye-ri không còn sử dụng được nữa, cho nên việc phá hủy bãi thử hạt nhân này chỉ là một sự nhân nhượng "bề ngoài". Những người khác thì thẩm định rằng Bình Nhưỡng nay đã nắm được những kiến thức và công nghệ cần thiết sau khi tiến hành các vụ thử hạt nhân tại đây. Chuyên gia Go Myong Huyn, Viện Nghiên cứu Chính trị Asan, giải thích : "Họ đã thu thập các dữ liệu cần thiết trong sáu vụ thử hạt nhân. Trừ phi họ tiêu hủy luôn cả các dữ liệu đó, ta có thể nghi ngờ về tầm quan trọng của việc phá hủy một bãi thử hạt nhân nay đã quá hạn".
Nhưng đối với chuyên gia Jeffrey Lewis, Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury, không có yếu tố nào cho phép khẳng định là Punggye-ri không còn sử dụng được nữa. Theo ông, việc phá hủy Punggye-ri không phải là nhằm dẹp bỏ một bãi thử đã hư hại.
Các nhà phân tích của trang web "38 North", được hãng tin Bloomberg trích dẫn,cũng cho rằng trong 3 đường hầm của Punggye-ri, chỉ có đường hầm ở phía bắc là hư hại nặng, còn đường hầm phía nam và phía tây vẫn còn chịu được các vụ nổ. Như vậy, họ xác nhận khẳng định của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un rằng hai đường hầm của bãi thử này vẫn còn tốt.
Cho dù tình trạng của Punggye-ri hiện nay là như thế nào, việc phá hủy bãi thử hạt nhân không phải là không thể đảo ngược được. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể xây dựng lại những phần bị phá hủy, giống như họ đã làm với cơ sở hạt nhân Yongbyon. Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng, cách đây một thập niên, khi đàm phán với Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il đã cho phá sập tháp làm nguội của Yongbyon. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng đã lắp ráp lại toàn bộ lò phản ứng nhằm sản xuất chất plutonium dùng để chế tạo vũ khí. Cho nên, nhiều chuyên gia về giải trừ vũ khí nay tỏ vẻ rất thận trọng về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Đó là chưa kể Bắc Triều Tiên dường như còn có nhiều hệ thống ngầm khác có thể dùng làm bãi thử hạt nhân. Mà Bình Nhưỡng đâu cần phải thử trong đường hầm mới. tháng 9 năm ngoái, chính Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã nêu khả năng là nước này có thể cho nổ thử một quả bom nhiệt hạch bên trên Thái Bình Dương !
Thanh Phương
*********************
Bắc Triều Tiên chuẩn bị phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri (RFI, 23/05/2018)
Hôm 23/05/2018, hàng chục phóng viên ngoại quốc, trong đó có phóng viên Mỹ và Hàn Quốc, đã được đưa đến tận nơi để chứng kiến việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Bắc Triều Tiên. Qua hành động này, Bình Nhưỡng muốn thể hiện thiện chí trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên, cho dù tổng thống Donald Trump vừa nêu lên khả năng là thượng đỉnh này không thể diễn ra.
Các nhà báo Hàn Quốc tại Seoul lên đường đến bãi thử nghiệm hạt nhân Bắc Triều Tiên Punggye-ri, ngày 23/05/2018. News1 via Reuters
Vào tháng trước, Bắc Triều Tiên đã loan báo sẽ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi mà họ đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử nguyên tử. Washington đã hoan nghênh thông báo này. Việc phá hủy sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ hôm nay đến thứ Sáu, tùy theo điều kiện thời tiết.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
"Khoảng 30 phóng viên, trong đó có các phóng viên Mỹ và Hàn Quốc, đã được Bắc Triều Tiên mời đến chứng kiến vụ nổ sẽ làm sập các đường hầm của bãi thử hạt nhân Punggye-ri mà báo chí quốc tế vẫn nói đến nhiều. Nằm ở miền đông bắc Bắc Triều Tiên, đây là nơi mà chế độ Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân từ năm 2006 cho đến năm ngoái.
Nhưng các nhà báo này bị kiểm soát rất chặt chẽ và họ không thể nào tiến hành một cuộc điều tra thật sự. Ngay khi vừa đặt chân đến sân bay Wonsan, họ đã bị tạm giữ điện thoại vệ tinh và các máy đo phóng xạ, theo lời kể của một phóng viên kênh truyền hình Anh Skynews. Một quan chức Bắc Triều Tiên khẳng định các máy đo phóng xạ là không cần thiết, vì địa điểm này "hoàn toàn an toàn".
Bãi thử hạt nhân nằm trên vùng núi non hiểm trở, phải đi bằng xe và bằng tàu mất 15 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Vấn đề là không có một chuyên gia nguyên tử nào được mời đến. Theo các nhà phân tích, khi cho phá sập đường hầm, chế độ Bình Nhưỡng cũng tiêu hủy luôn các bằng chứng của những vụ thử hạt nhân trước đây tại địa điểm này.
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên trước hết muốn sự kiện hôm nay mang tính biểu tượng mạnh, cho nên mới có sự hiện diện của các ống kính truyền hình toàn thế giới".
Về quan hệ liên Triều, một phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc hôm qua thông báo là các cuộc thảo luận cấp cao giữa Seoul với Bình Nhưỡng rất có thể sẽ được mở lại sau ngày 25/05 và sau khi kết thúc các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.
Thanh Phương