Chiến tranh Ukraine : Nga biến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia thành "nơi tra tấn"
Chiến tranh Ukraine và các hệ lụy, các đảng cực hữu trỗi dậy trong chính giới Châu Âu, biến đổi khí hậu là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm vào hôm nay 06/10/2023.
Bảo vệ Nga tại nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, Ukraine. Ảnh ngày 21/05/2022. AP
Về tình hình tại Ukraine, tờ Libération có bài viết nói về nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia đã trở thành một "nơi tra tấn" kể từ khi Nga chiếm đóng cơ sở này. Tổ chức phi chính phủ Truth Hounds của Ukraine tiết lộ thông tin là các cơ quan an ninh Nga, với sự đồng lõa của cơ quan hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom, đã biến nhà máy điện hạt nhân ở phía đông nam Ukraine thành một "nơi tra tấn" như thế nào.
Nhật báo thiên tả nhấn mạnh, kể từ khi Rosatom tiếp quản nhà máy Zaporijjia, nơi có 11.000 nhân viên Ukraine làm việc trước khi chiến tranh nổ ra, nhà máy này đã bị kiểm soát bởi hàng loạt cơ quan an ninh của Nga : Tổng cục An ninh Liên Bang Nga (FSB), lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga (Rosgvardia) hay các biệt đội Chechnya.
Nick Yurlov, tác giả của báo cáo dài 58 trang liên quan đến hồ sơ nói trên giải thích với Libération rằng Truth Hounds đã thu thập lời khai của 14 nhân chứng, nhân viên nhà máy và cả cư dân của thị trấn Enerhodar. Theo ông Yurlov, đã có 30 nạn nhân được xác định và một số người đã trốn thoát được, nhưng nhiều người khác vẫn bị giam giữ và thể hiện lòng dũng cảm đáng kinh ngạc khi trả lời Truth Hounds, bất chấp nguy hiểm. Những người này đã cung cấp lời khai chi tiết, giải thích những gì họ đã nhìn thấy hoặc phải hứng chịu : tra tấn, đối xử vô nhân đạo và điều kiện giam giữ man rợ.
Hầu hết những nạn nhân trả lời phỏng vấn đều được ẩn danh vì lý do an toàn. Một nhân chứng có biệt danh Victim-26026 cho biết rằng từ ngày 04/03/2022, các nhân viên nhà máy "đã dần biến mất". Victim-26026 bị bắt giữ bởi các quân nhân mà anh xác định thuộc FSB. Những người này yêu cầu anh "ký vào một bản thú tội". Anh từ chối và sau đó bị đưa vào rừng và đánh đập.
Nhật báo thiên tả nhận định rằng báo cáo của Truth Hounds khiến mọi người phải rùng mình vì nó tiết lộ sự tồn tại của một trại tập trung và một thế giới toàn trị ở Châu Âu vào năm 2023. Các nhân chứng được hỏi đã mô tả chi tiết về sự tồn tại của một "mạng lưới các trung tâm giam giữ bất hợp pháp tại nhà máy Zaporijjia và ở thị trấn Enerhodar", nơi đã xảy ra những vụ đánh đập, gây thương tích nghiêm trọng, ngược đãi dã man, bóp cổ, tra tấn bằng điện, hơn nữa, những "tù nhân" và người thân của họ còn bị đe dọa hãm hiếp. Cũng theo báo cáo này, lực lượng Nga nhốt hàng chục người trong những phòng giam nhỏ, được thiết kế cho từ hai đến bốn người, và những người này không có nước uống hoặc không khí trong lành. Tù nhân có thể ăn đồ do người thân mang đến, nhưng những người không có gia đình thì phải xin đồ ăn và nước uống của các tù nhân khác.
Báo cáo cũng ghi nhận trường hợp của Andriy Honcharuk, một nhân viên nhà máy bị tra tấn cho đến chết. Theo Nick Yurlov, ba trường hợp bị tra tấn dẫn đến cái chết khác "đang được xác nhận", trong khi thị trưởng Enerhodar, Dmytro Orlov, đề cập đến ít nhất 1.000 người bị giam giữ và tra tấn kể từ tháng 03/2022.
Vai trò của các tình nguyện viên trong chiến tranh Ukraine
Trang nhất và bài xã luận của Libération chú ý đến vai trò của các tình nguyện viên trong cuộc chiến tranh Ukraine. Trong một vài năm nữa, khi nghĩ lại về cuộc chiến này, mọi người chắc chắn sẽ choáng váng và kinh hãi trước quy mô của những hành động man rợ được thực hiện trong khoảng thời gian này, trong khi ở Tây Âu, cuộc sống vẫn bình yên.
Nhờ có hàng nghìn tình nguyện viên được các tổ chức phi chính phủ và hiệp hội khác nhau cử đến những khu vực mà lực lượng của Vladimir Putin "nhắm đến", mà mọi người có thể biết được một cách tổng thể và chi tiết về những hành động tội ác chiến tranh do Moskva gây ra. Các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đã ghi nhận các vụ đánh bom, giết người và hãm hiếp do binh lính Nga thực hiện nhắm vào thường dân Ukraine kể từ đầu cuộc xâm lược. Tất cả mọi người đều nhớ đến những hình ảnh khủng khiếp về vụ thảm sát Bucha, vào tháng 04/2022, nơi thường dân bị giết, tra tấn và hãm hiếp. Những hình ảnh ở Kherson, nơi có những phòng tra tấn. Và một lần nữa vào hôm qua, hơn 50 người đã thiệt mạng trong cuộc oanh kích của Nga nhắm vào một cửa hàng thực phẩm gần Kharkiv.
Các tổ chức quốc tế và cơ quan công quyền thực sự không thể bao quát được mọi sự kiện. Nếu không có tất cả những tình nguyện viên : luật sư, nhà báo, nhà nghiên cứu… – thì rất nhiều bằng chứng sẽ biến mất, khiến nạn nhân và gia đình thêm uất hận khi đứng trước khả năng những kẻ gây ra những tội ác nói trên có thể sẽ không bị trừng trị. Giải Nobel Hòa Bình 2023 được trao vào hôm nay, nhật báo thiên tả đã phỏng vấn người đoạt giải năm ngoái, Oleksandra Matvyichuk, người điều hành Trung tâm Tự do Dân sự, với các tình nguyện viên không ngừng thu thập những bằng chứng về cuộc chiến này. Đối với bà Matvyichuk, mọi tội ác đều phải được ghi nhận (và các thủ phạm phải bị trừng trị).
Các đảng cực hữu đang trỗi dậy trong chính giới Châu Âu
Về chính trị Châu Âu, tờ La Croix dành trang nhất quan tâm đến mối lo về dòng người di dân ồ ạt và lạm phát đang khiến các đảng cực hữu "có chỗ đứng" ở khắp lục địa già, thậm chí các đảng này còn lãnh đạo chính phủ ở một số nước thành viên Liên Âu (EU).
Ở mọi cuộc thăm dò, ở mọi cuộc bầu cử, phe cực hữu đang có được chỗ đứng không thể bàn cãi ở Châu Âu. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục, đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) đã trở thành lực lượng chính trị thứ hai trong nước, theo các cuộc thăm dò mới nhất : với 21% ý định bỏ phiếu ở cấp quốc gia, gấp đôi số điểm đạt được trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2021. Mặc dù vẫn đứng sau phe bảo thủ thuộc đảng Liên hiệp Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU), nhưng AfD hiện đã vượt qua đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cầm quyền.
Ở hơn một nửa số quốc gia Châu Âu, các đảng cực hữu hiện đại diện cho lực lượng chính trị thứ hai, giúp họ có khả năng lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) thậm chí còn đứng đầu các cuộc thăm dò tại cuộc bầu cử Châu Âu tiếp theo, sẽ diễn ra vào tháng 06/2024. Đảng cực hữu là một phần của các liên minh cầm quyền ở Thụy Điển, Phần Lan và Latvia, và đã lãnh đạo nước Ý từ một năm qua. Quỹ Jean-Jaurès phân tích rằng nỗi lo sợ về sự suy thoái của xã hội đã giúp các đảng này có được nhiều thành công ở khắp Châu Âu.
Eddy Vautrin-Dumaine, giám đốc nghiên cứu tại Kantar Public, thì cho rằng tiếng nói của những đảng cực hữu có trọng lượng hơn nhờ các cuộc khủng hoảng di dân và sức mua bị giảm. Jean-Yves Camus, nhà khoa học chính trị chuyên về phe cực hữu nhận định : "Đối với các nước đang phát triển, Châu Âu không còn được xem là trung tâm của thế giới, là châu lục có khả năng khẳng định các giá trị của mình. Và trong nội bộ, các quốc gia không còn có thể vận hành một mô hình phát triển thịnh vượng nữa".
Jean-Yves Camus nói thêm rằng những người có cảm tình với các đảng theo chủ nghĩa dân tộc không chỉ là những người bị mất việc làm, mà còn cả những người nhận thấy những thay đổi về văn hóa đang diễn ra quá nhanh. Do đó, không ít người trong số này thuộc tầng lớp trung lưu. Hiện tượng này có thể thấy được ở cả Tây Âu, nơi nền dân chủ đã có từ xa xưa, lẫn các quốc gia Trung Âu. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) nắm quyền ở Ba Lan hay đảng Fidesz của Viktor Orban ở Hungary sử dụng những luận điệu của các đảng cực hữu. Nhật báo công giáo kết luận rằng thành phần cử tri ủng hộ đảng PiS sống đa phần ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn, trong khi các thành phố lớn có xu hướng bỏ phiếu cho phe tự do và ủng hộ Châu Âu.
Tình trạng troll hoài nghi về biến đổi khí hậu gây lo ngại
Về vấn đề môi trường, trang nhất của nhật báo Le Monde tỏ ra cảm thông với các chuyên gia về khí hậu bị xúc phạm trên mạng xã hội bởi các tài khoản ẩn danh, những người hoài nghi về biến đổi khí hậu hoặc mức độ nghiêm trọng của nó.
Xuất hiện ở khắp mọi nơi, các troll trên mạng xã hội hoạt động như một đội quân ngầm. Nhà khí hậu học Christophe Cassou thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) đã phải "đối mặt" với chúng vào năm 2022. Các troll không ngừng châm chọc, thậm chí là xúc phạm ông trên mạng X (tiền thân là Twitter) khi ông đăng các thông điệp mang tính giáo dục về chủ đề này. Tất cả đều hoài nghi về tính xác thực của sự nóng lên toàn cầu hoặc những hậu quả về khí hậu mà con người có thể tạo ra.
Nhà khí tượng học Guillaume Séchet, người tạo ra trang web Meteo-villes.com thì bị rủa là "chú hề", "thằng ngốc". Ông nói : "Lúc đầu, tôi đã dành thời gian để phản hồi một cách rành mạch, mang tính xây dựng. Nhưng vô ích. Họ chỉ viết những lời lẽ xấu xa".
Trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 02/2022, một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả nhà toán học David Chavalarias từ Viện Hệ thống phức hợp, nhận thấy rằng đại dịch Covid-19 chấm dứt đã thúc đẩy hàng nghìn những kẻ thích thuyết âm mưu tìm các chủ đề "hoang tưởng" khác để thảo luận. Trên mạng X, hiện nay, có khoảng 30% tài khoản hoài nghi về vấn đề khí hậu.
"Mối đe dọa Hồi giáo" vẫn bao trùm nước Pháp
Về thời sự nước Pháp, tờ Le Figaro dành trang nhất nói về việc bộ trưởng nội vụ Gérald Darmanin và các cơ quan tình báo liên tục đưa ra các cảnh báo về những mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố, thường xuyên bắt giữ những thành phần thánh chiến Hồi giáo có ý định tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Ngoài Thế Vận Hội Olympic với một lễ khai mạc hoành tráng sẽ được tổ chức trên sông Seine, xứ lục lăng vào năm 2024 sẽ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie, cuộc bầu cử Châu Âu hay các sự kiện thường niên như Quốc Khánh 14/07, cuộc đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp (Tour de France) và nhiều sự kiện quan trọng khác. Nhật báo thiên hữu lo ngại rằng những kẻ cuồng tín muốn tấn công nước Pháp có thể "sử dụng" mọi sự kiện nói trên để thực hiện hành động khủng bố, khiến chính quyền lo ngại kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra.
Phan Minh
Đối với vấn nạn ‘tra tấn’ vi phạm nhân quyền ‘nghiêm trọng’, Việt Nam có thể bị xếp ở cấp độ 9/10 trên thang điểm báo động về mức độ nguy hiểm. Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà quan sát về nhân quyền, từ Cộng hòa liên bang Đức nói với Đài Á Châu Tự Do trong ngày quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn của Liên Hiệp Quốc 26/6/2023.
Blogger Nguyễn Văn Hải ra khỏi nhà tù ở Việt Nam và bị đẩy sang Mỹ đến sân bay ở Los Angeles hôm 21/10/2014. AFP
Nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, một cựu tù nhân lương tâm, người đã từng bị giam giữ ở 11 nhà tù, trại giam với 20 lần chuyển trại trong thời gian khoảng bảy năm ở Việt Nam trước đây, dịp này cũng chia sẻ trên quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt rằng Nhà nước Việt Nam có hành xử mang tính ‘đối phó’ với quốc tế về vấn đề nhân quyền, và ở trong nước tiếp tục có những ‘vi phạm nhân quyền’ thể hiện qua nạn ‘tra tấn’ và các chính sách, quy định dưới luật có liên quan được soạn thảo và thi hành một cách ‘có hệ thống’.
Trước hết, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bình luận với Đài Á Châu Tự Do về nạn tra tấn trên thế giới :
"Vấn đề chống tra tấn ở trên thế giới lúc nào cũng là vấn đề thời sự, đặc biệt là ở những đất nước phi dân chủ. Như chúng ta đã biết, với những người mà được gọi là bị can, khi họ bị bắt, các cơ quan điều tra bao giờ cũng muốn hoàn tất hồ sơ, kết thúc điều tra, nên họ thường sử dụng biện pháp tra tấn để ép cung, mớm cung, hay cưỡng bức cung, để lấy lời khai theo ý muốn của cơ quan điều tra.
Chính vì vậy vấn đề phòng chống tra tấn luôn luôn là vấn đề nóng hổi, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, chính vì thế Liên Hiệp Quốc phải ra một lập ra một Công ước quốc tế và họ luôn luôn vận động tất cả các quốc gia trên thế giới ký vào Công ước này".
Với riêng tình hình ở Việt Nam, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói thêm :
"Ở Việt Nam, vấn đề tra tấn, bức cung, nhục hình, hay mớm cung vẫn diễn ra thường xuyên ở trên khắp đất nước Việt Nam, từ mức độ cấp xã phường, tuy ở đấy không phải là cơ quan điều tra, công an địa phương khi bắt được những nghi phạm, lực lượng điều tra ở đó thường sử dụng bức cung, nhục hình với những người được cho là nghi can vi phạm, và theo thống kê hàng năm, Việt Nam có đến cả trăm người bị chết ở những đồn cảnh sát ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
Rồi ở cấp độ thứ hai là cấp huyện, luôn luôn có mức độ là có những người bị tra tấn ở đó…, những người đang bị tạm giam ở cấp tỉnh nói với tôi rằng họ sợ nhất là khi nghe lệnh rằng họ bị chuyển về cơ quan tạm giam cấp huyện, bởi vì họ biết chắc chắn rằng khi về đó họ sẽ bị tra tấn.
Cho nên vấn đề đó ở Việt Nam luôn luôn là vấn đề nóng bỏng và kể cả giới luật sư hay những người quan tâm đã nhiều lần yêu cầu phải có ghi âm, ghi hình các buổi điều tra, thế nhưng mặc dù luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam năm 2015 đã quy định những thủ tục đó, nhưng họ (chính quyền) không thực hiện trên tất cả các phạm vi, nên tình trạng tra tấn vẫn diễn ra thường xuyên ở Việt Nam…
Nếu như chia mức độ đánh giá ra theo thang điểm là 10 điểm là điểm cao nhất, tức là mức độ nguy hiểm nhất, Việt Nam có thể tạm xếp vào điểm chín trên mức thang điểm đó về vấn đề tra tấn. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng thấy rất nhiều vụ án oan sai xảy ra trong những năm vừa qua, dẫn đến việc các cơ quan điều tra, rồi cơ quan Viện Kiểm sát, Tòa án, phải bồi thường tới hàng tỷ đồng cho các nạn nhân, khi các nạn nhân khai báo họ đã bị tra tấn trong suốt quá trình điều tra, và thậm chí kể cả ban đêm nữa..".
Để đối phó với vấn nạn được cho là ‘rất nghiêm trọng’ này tại Việt Nam, theo Luật sư Nguyễn Văn Đài cần phải có một số biện pháp cụ thể như sau, vẫn theo quan điểm riêng của ông :
"Để ngăn chặn tình trạng bị tra tấn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam, đòi hỏi sự vào cuộc rất nhiều, thứ nhất là từ cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải thường xuyên đến thăm Việt Nam, đến thăm các nhà tù ở Việt Nam, phỏng vấn những người đang bị tạm giam, tạm giữ trong các nhà tù.
Thứ hai đặc biệt là giới luật sư, giới này đóng vai trò rất quan trọng để chống tra tấn, vì bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam cho phép các luật sư tham gia ngay từ khi thân chủ của họ nhận được giấy mời, chưa nói đến vấn đề bị triệu tập, hay khởi tố vụ án, cho nên các luật sư phải đấu tranh bằng được để khi thân chủ của họ bị bất kỳ một cơ quan công an ở bất cứ cấp nào triệu tập, hay thẩm vấn, hay tạm giam, thì có mặt ngay tại chỗ, vì chỉ có những luật sư mới có thể ngăn chặn được những vấn đề tra tấn, bức cung, dùng nhục hình ở Việt Nam mà thôi".
Nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải nhận định với RFA Tiếng Việt về vấn nạn tra tấn tại Việt Nam mà trước đây ông từng trải nghiệm :
"Luật một đằng nhưng mà họ thực hiện một nẻo, tựu chung lại có năm hình thức. Hình thức thứ nhất là giam giữ, cách ly, cưỡng bức mất tích. Hình thức thứ hai là gây ra những đau đớn nghiêm trọng về thể xác trong quá trình điều tra. Cái thứ ba là biệt giam. Cái thứ tư là vấn đề từ chối cho thực hiện quyền được điều trị y tế ; và Cái thứ năm nữa là chuyển các nhà tù như một hình thức trừng phạt.
"Tôi là người có thể nói là bị chuyển nhà tù nhiều nhất, tại vì riêng trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, tức là trại PA92, tôi đi ra, đi vào đó năm lần, trại giam Chí Hòa tôi đi ra, đi vào đó ba lần, còn trại giam bên Nguyễn Văn Cừ tức là trại giam B34 của Bộ Công an, tôi đi ra, đi vào hai lần, còn lại những trại giam khác nữa cùng là một, hai lần. Như thế thấy rằng có 11 nhà tù, nhưng hơn 20 lần chuyển trại trong quá trình gần 7 năm trong tù, mà tôi phải đi nhiều nơi như thế. Nhưng ở trong mỗi nhà tù đó, mỗi nơi có một hình thức khác nhau…".
Blogger, nhà báo tự do Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải nói thêm với Đài Á Châu Tự Do :
"Như chúng ta thấy, bản chất của nhà tù ở Việt Nam và cách thức họ ban hành những văn bản luật, dưới luật để đối phó với cộng đồng quốc tế và để thực thi trong các nhà tù, thí dụ như Thông tư 37 của Bộ Công an Việt Nam, và phần nhiều các vấn đề họ chỉ đạo miệng, hoặc không có thông tư, hoặc là có văn bản khác mà chúng ta chưa biết hết, nhưng ở đây rõ ràng rằng không phải là những hoạt động đơn lẻ, những vi phạm pháp luật đơn lẻ, mà là có chủ trương xuyên suốt từ trên xuống dưới, bằng những văn bản như thế, bằng những hình thức giam giữ như thế, mà những hình thức giam giữ đó không thể hiện ở trong luật.
Cho nên với vấn đề đó, cộng đồng quốc tế cần nhìn ra được rằng đây là bản chất, đó là họ (chính quyền Việt Nam) không muốn thay đổi về mặt nhân quyền, họ tham gia ký kết chỉ để tham gia ký kết thôi, chứ không phải để thực hiện. Như là luật về chống tra tấn ở Việt Nam, ngay ở Quốc hội, họ cũng không áp dụng hết, và những vấn đề đưa ra Quốc hội chỉ là đưa ra Quốc hội thôi, còn trong các nhà giam, các thông tư mới là những văn bản ‘cầm tay chỉ việc’ cho cán bộ thực hiện những thông tư, văn bản đó. Thế thì tất cả văn bản, thông tư ấy là một sự chỉ đạo xuyên suốt để tất cả các nhà tù, trại giam đều thực hiện. Như thế, đó không phải là những trường hợp đơn lẻ mà là chủ trương của chính quyền, và đó là bản chất của họ. Họ chỉ lừa dối cộng đồng quốc thế thôi, còn khi họ thực hiện, họ bất chấp quyền con người cơ bản".
Ông Nguyễn Văn Hải nêu một số vấn đề liên quan thực tế tại Việt Nam, vẫn từ góc độ cá nhân :
"Tôi nghĩ rằng bây giờ tất cả những trường hợp vi phạm đó ở một số trại giam không phải là vi phạm đơn lẻ, mà là vi phạm có chủ trương theo Thông tư 37 của Bộ Công an, vậy những người ban hành Thông tư đó có bị trừng phạt không ? Và những ai tạo ra những hệ thống nhà tù như thế, thì họ có bị trừng phạt không ? Ở đây hoàn toàn không nằm trong luật, không nằm trong sự kiểm soát của quốc tế. Và với những cách giam giữ như vậy, với những cách kiểm soát nhà tù như vậy, không ai khác ngoài công an kiểm soát nhà tù, không ai được can thiệp vô. Từ Viện Kiểm sát cho đến những đại biểu quốc hội, những nơi mà trong Luật Thi hành án Hình sự quy định rằng họ có quyền giám sát những nhà tù, thì họ đã thực hiện quyền giám sát như thế nào ? Làm sao những người tù có thể tiếp cận được công lý, gặp gỡ được họ ? Đó là vấn đề.
Bởi vì họ có những quy chế, họ ghi ra trong luật như thế, nhưng tù nhân không thể tiếp cận những quy chế đó, cho nên những người ban hành những luật đó, đưa ra những quy luật đó cũng phải bị trừng phạt, tại vì họ cũng là những người tạo ra những sự đàn áp như vậy rộng khắp trên cả nước. Còn những người thực thi bên dưới để xảy ra những trường hợp từ chối cho thực hiện quyền được chăm sóc y tế, hoặc đàn áp, đánh đập tù nhân, rồi tước đoạt những quyền lợi của tù nhân cũng phải bị trừng phạt. Tại vì những người thực thi trực tiếp chủ yếu là những giám thị trại giam, các quản giáo hay đặc biệt là những cán bộ an ninh ở trong đó, đó là những kẻ ‘ác ôn’ nhất. Những mạng người ở trong nhà tù Việt Nam rất mong manh, nếu cộng đồng quốc tế không quan tâm đến tình trạng gây ra những cái chết oan ức ở trong các nhà tù đó, thì vấn nạn sẽ vẫn tiếp diễn".
Trong một báo cáo năm 2022-2023, phần liên quan Việt Nam, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), tại phần tóm lược tổng quan, nhận định "tra tấn và ngược đãi khác tiếp tục được báo cáo ở mức báo động" (2).
Còn trong một báo cáo khác trong thời gian gần đây, Project 88, một tổ chức Phi chính phủ có trụ sở tại Illinois, Hoa Kỳ, nêu góc nhìn của mình, cho rằng đã có ‘những đối xử vô nhân đạo’ trong nhà tù ở Việt Nam (3) :
"Báo cáo mới của chúng tôi tập trung vào các vụ tra tấn và đối xử vô nhân đạo khác đối với các tù nhân bị chính quyền Việt Nam giam giữ theo các điều khoản an ninh quốc gia, tức là các tù nhân chính trị. Ngoài các trường hợp tra tấn được ghi lại, chúng tôi nêu bật các ví dụ về các trường hợp trong đó việc từ chối các biện pháp bảo vệ pháp lý tạo điều kiện cho việc sử dụng tra tấn.
Chúng tôi mô tả các trường hợp tù nhân chính trị phải chịu đựng gồm : Giam giữ biệt giam kéo dài trước khi xét xử, Từ chối đại diện pháp lý và xét xử không công bằng, Từ chối điều trị y tế đầy đủ, Điều kiện hành chính và thể chất khắc nghiệt trong nhà tù, Từ chối các chuyến thăm gia đình/chuyển giao hình phạt, Gây đau đớn về thể xác và tâm lý ; và Sự giam cầm nơi vắng vẻ".
Khi tập trung vào quyền tuyệt đối không bị tra tấn và ngược đãi, và với đòn bẩy có được từ việc Việt Nam phê chuẩn Công ước (Chống tra tấn) UNCAT gần đây, vẫn theo báo cáo này, Tổ chức Project 88 mong muốn làm nổi bật những điều kiện khắc nghiệt áp đặt đối với các tù nhân chính trị và thúc đẩy chính phủ Việt Nam, gồm :
"Thực hiện các hành động cụ thể đã được nêu rõ trong Nhận xét cuối cùng của Ủy ban chống tra tấn trong Báo cáo ban đầu của Việt Nam (tháng 12 năm 2018), Thực hiện các khuyến nghị Kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) có liên quan mà Việt Nam chấp nhận vào năm 2019. Tuân thủ Bình luận chung số 20 của CCPR đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho các quốc gia thành viên để thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chấp nhận các chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác, cũng như các chuyến thăm của đại diện lãnh sự của các quốc gia thành viên để tiến hành điều tra về điều kiện trại giam ở nhiều địa phương".
Trong thông điệp của mình về ngày 26/6, Liên Hợp Quốc nêu rõ quan điểm của định chế quốc tế này, mà theo đó :
"Tra tấn là hình thức tìm cách triệt tiêu nhân cách của nạn nhân và phủ nhận phẩm giá vốn có của con người. Bất chấp luật pháp quốc tế tuyệt đối cấm tra tấn, tra tấn vẫn tồn tại ở tất cả các khu vực trên thế giới. Mối quan tâm về bảo vệ an ninh quốc gia và biên giới ngày càng được sử dụng để cho phép tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác. Hậu quả phổ biến của nó thường vượt ra ngoài hành động đơn lẻ đối với một cá nhân ; và có thể được truyền qua các thế hệ và dẫn đến các chu kỳ bạo lực.
Liên Hợp Quốc ngay từ đầu đã lên án tra tấn là một trong những hành vi xấu xa nhất mà con người gây ra đối với đồng loại của mình. Tra tấn là một tội ác theo luật pháp quốc tế. Theo tất cả các công cụ có liên quan, nó hoàn toàn bị cấm và không thể biện minh trong bất kỳ trường hợp nào. Sự cấm đoán này là một phần của luật tập quán quốc tế, có nghĩa là nó ràng buộc mọi thành viên của cộng đồng quốc tế, bất kể Quốc gia đó có phê chuẩn các điều ước quốc tế trong đó nghiêm cấm tra tấn hay không. Việc tra tấn có hệ thống hoặc phổ biến cấu thành tội ác chống lại loài người".
Vẫn theo Liên Hiệp Quốc, vào ngày 12/12/1997, theo nghị quyết 52/149, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngày 26 tháng 6 là Ngày Quốc tế của Liên hợp quốc hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn nhằm xóa bỏ hoàn toàn tra tấn và thực hiện hiệu quả Công ước Liên Hợp Quốc chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác.
"Ngày 26 tháng 6 là cơ hội để kêu gọi tất cả các bên liên quan bao gồm các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc, xã hội dân sự và các cá nhân ở khắp mọi nơi đoàn kết ủng hộ hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới đã từng là nạn nhân của tra tấn và những người vẫn đang bị tra tấn cho đến ngày nay".
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 27/06/2023
Tham khảo :
(1) https://www.un.org/en/observances/torture-victims-day
(2) https://www.amnesty.org/en/location/asia-and-the-pacific/south-east-asia-and-the-pacific/viet-nam/
Một video được lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 3/10 vừa qua ghi lại cảnh cán bộ công an dùng dùi cui điện dí vào người một thanh niên đang bị còng một tay vào cửa sổ. Mặc cho nạn nhân đau đớn gào xin "Con xin chú", nhưng cán bộ công an vẫn liên tục nẹt điện chích vào khắp cơ thể nam thanh niên này.
- Photo : RFA
Ngày 4/10, đại tá Lê Trung Hai, Trưởng công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí trong nước rằng vụ việc trên xảy ra tại đồn công an phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn.
Ông Hai nói vào chiều ngày 8/9, nam thanh niên trong clip tên là Hoà, cùng với nhóm bạn mang theo dao tự chế, chuẩn bị đánh nhau trên địa bàn phường Vĩnh Điện. Lúc đó, tổ tuần tra đi qua thấy khả nghi nên bắt cả nhóm về đồn. Còn người mặc sắc phục công an, đại úy Trần Đình Định, đã bị đình chỉ công tác ngay sau khi clip vụ chích điện được lan truyền trên mạng xã hội.
Cũng theo đại tá Lê Trung Hai, theo bước đầu xác minh, cả đại úy Trần Đình Định và Hòa đều xác nhận hành vi chích điện chỉ mang tính chất "hù dọa", với mục đích để nhóm thành niên này chịu "hợp tác làm việc" trong quá trình lấy lời khai mà thôi. Hiện tại, sức khoẻ và tâm lý của Hòa vẫn bình thường.
Một luật sư trong hiện đang hành nghề trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nêu quan điểm của ông với RFA rằng rõ ràng việc chích điện người bị tạm giữ không thể nói đơn giản chỉ là để "hù dọa" được. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị khởi tố về tội "bức cung, dùng nhục hình" :
"Theo quan điểm của tôi, về mặt pháp luật thì không được phép sử dụng những hình thức bức cung, nhục hình hay hù dọa như là dùng roi điện để dí vào người như vậy. Trong trường hợp họ làm như vậy thì có thể cho là có hành vi trái pháp luật.
Nếu trong một môi trường pháp luật nghiêm minh thì chắc chắn những người sử dụng dùi cui điện dí vào người phạm tội chẳng hạn, thì họ đã hành xử sai với quy định của pháp luật và có thể xem xét để khởi tố hình sự được. Giả sử nếu mà không dùng điều luật bức cung nhục hình thì cũng có thể khởi tố về hành vi cố tình gây thương tích".
Ở Việt Nam hiện nay chưa có tội về hành vi "tra tấn" như Công ước Chống tra tấn, nhưng mà có hành vi khác để mình có thể xử lý được là tội dùng nhục hình, hoặc là tội bức cung. Nhưng mà những cái tội này theo tôi biết thì họ khởi tố khá hạn chế những người làm việc trong ngành công an. Vì họ muốn bảo vệ hình ảnh của ngành công an và chế độ trước mắt công chúng".
Luật sư giấu tên cũng cho biết hiện nay luật Việt Nam có quy định là phải trang bị camera trong phòng hỏi cung hoặc là những phòng làm việc với phạm nhân, nghi phạm… Nhưng cho đến bây giờ, chính quyền Việt Nam vẫn chưa bố trí đủ tiền để trang bị camera. Trong khi tiền để làm những việc khác thì họ chi rất nhiều, còn những việc làm để đảm bảo về quyền con người, quyền công dân thì dường như là họ lờ đi.
Bà Nguyễn M.H, điều phối viên của dự án Liên minh Chống tra tấn Việt Nam (Vietnam Coalition Against Torture VN-công anT) trả lời RFA rằng việc cán bộ công an chích điện người bị tạm giữ với mục đích lấy thông tin chính là hành vi "tra tấn" :
"Đó là hình thức dùng nhục hình, thì tự hình thức dùng nhục hình chưa cấu thành hành vi tra tấn, nhưng mà mục đích của hành vi nhục hình là đe dọa để lấy lời khai thì đã cấu thành hành vi tra tấn.
Rõ ràng là người này bị còng tay ở trên cửa sổ, liên tục bị dí điện trong một nơi có vẻ là đồn công an hoặc là cơ sở của Nhà nước, cái đó trên phương diện của Công ước Chống tra tấn thì đã đủ để cấu thành tội tra tấn".
Trong Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, một trong những hành vi "tra tấn" được định nghĩa là "bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện…, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức…"
Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013. Vào năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã có hai buổi điều trần với Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Tại phiên trả lời các câu hỏi của thành viên Ủy Ban, chính phủ Hà Nội đã phủ nhận tất cả các thông tin cáo buộc công an tra tấn người dân.
Bà M.H đánh giá từ sau phiên điều trần hồi năm 2018, Chính quyền Hà Nội ít nhiều có giảm bớt các vụ việc tra tấn trong các cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực hiện theo khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn, điển hình như việc làm rõ khái niệm và quy định rõ tội "tra tấn" trong Bộ luật Hình sự Việt Nam :
"Sau năm 2018, khi mà họ có buổi kiểm định về Công ước Chống tra tấn, một năm sau họ phải nộp cái báo cáo về việc họ đã thực thi những khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc như thế nào, nhưng họ còn nợ.
Chính quyền họ cứ đối phó bằng cách đưa ra các văn bản pháp luật ra vẻ là chúng tôi cũng có sửa khung luật, có làm thế này thế kia, nhưng mà họ nói nhiều hơn làm. Cái chuyện thực hiện còn cách lời hứa còn xa lắm.
Mình vẫn phải tiếp tục, vẫn phải tác động và vận động quốc tế áp lực vô để cho họ từng bước giảm thiểu bớt, hoặc có thể thay đổi khung luật để hợp lý hơn".
Còn theo vị luật sư giấu tên, ông cho rằng Việt Nam hiện nay tham gia rất nhiều các công ước quốc tế, nhưng họ chỉ tham gia "cho có, cho vui", nhằm quảng bá với Thế giới là Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ công ước này để đảm bảo quyền con người. Nhưng trong thực tế, việc chính quyền thực hiện ra sao lại là vấn đề khác, và dường như họ không muốn thực thi những điều mà họ đã ký kết.
Cao Nguyên
(06/10/2021)
Việt Nam lần đầu tiên bị chất vấn ở Liên Hiệp Quốc về tình trạng ‘tra tấn’, chết trong đồn công an
Vụ tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn và một số trường hợp chết trong đồn công an ; các cộng đồng tôn giáo, người thiểu số Hmong bị bắt bớ, tra tấn ; và vụ một đạo diễn tố giác bị công an đánh đến chấn thương ở Cần Thơ gần đây là những trường hợp điển hình được nêu ra trong phiên chất vấn của Ủy ban chống tra tấn Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam trong phiên họp ngày 14/11, bắt đầu cuộc kiểm điểm về việc thực hiện Công ước chống tra tấn của quốc gia thành viên.
Phiên họp tại Liên Hiệp Quốc kiểm điểm về tình trạng thực thi Công ước chống tra tấn của Việt Nam ngày 14/11/2018.
"Đây là lần đầu tiên Việt Nam phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về tình trạng tra tấn đang xảy ra tràn lan ở đất nước Việt Nam", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS, tổ chức đã giúp đưa nhiều trường hợp của Việt Nam trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, nói với VOA khi ông đang có mặt tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Geneva,.
Trong ngày đầu tiên của phiên điều trần kéo dài 2 ngày về trường hợp của Việt Nam, các thành viên Ủy ban Liên Hiệp Quốc đã đặt ra rất nhiều cầu hỏi cho phái đoàn từ Hà Nội, trong đó đặc biệt đề cập đến những cái chết trong đồn công an mà gia đình nạn nhân tin là bị tra tấn, trong khi phía nhà chức trách nói là do tự sát hoặc bệnh tật.
"Liệu có thể tiến hành điều tra độc lập hay không ?", một thành viên trong Ủy ban đặt câu hỏi với phái đoàn Việt Nam khi đề cập đến cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn. "Khi gia đình yêu cầu cơ quan chức năng trả lời, khi họ cố gắng tiếp cận để thu thập bằng chứng thì bị đe dọa, bị tịch thu điện thoại nên họ không làm gì được cả. Câu hỏi của tôi là [Việt Nam] có cơ chế mở nào để cho phép những người liên quan [gia đình] kiểm chứng vụ việc hay không ?", thành viên này nói thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết nhiều trường hợp khác như bà Trần Thị Hồng bị công an tra tấn liên tục suốt 2 tháng vì cho rằng bà đã cung cấp thông tin cho quốc tế, hay những người thiểu số Tây Nguyên bị đàn áp, trong đó có trường hợp của ông Hoàng Văn Ngài được cho là bị công an đánh đến chết… cũng đã được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, trường hợp của Đạo diễn phim Đặng Quốc Việt tố cáo công an Cần Thơ bắt, tra tấn và ép cung ông hôm 9/11 cũng đã được nhắc đến.
"Có lẽ là một sự ngạc nhiên cho phái đoàn Việt Nam vì Ủy ban chống tra tấn đã nắm rất vững tình hình xảy ra tại Việt Nam", Tiến sĩ Thắng nói.
Ngày 8/9/2017, Công an Phan Rang-Tháp Chàm cho biết tại nhà tạm giam của họ đã xảy ra một vụ đánh nhau, và nạn nhân bị đánh trọng thương đến chết là Võ Tấn Minh.
Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị kết án 10 năm tù với cáo trạng trong đó bao gồm tập tài liệu mà cô tập hợp các trường hợp công an đánh chết người, nói với VOA khi đang có mặt ở thủ đô Washington rằng cô "rất vui" và "hãnh diện" vì những đóng góp của mình trong việc đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng tra tấn ở Việt Nam.
"Tình trạng người dân chết trong đồn công an và Công ước chống tra tấn bắt đầu được quan tâm là một phần thưởng lớn lao hơn những phần thưởng vinh danh khác, bởi vì mình nhìn thấy thành quả làm việc của mình hiện hữu trước mắt và mình tin rằng những gì mình đang theo đuổi, đang làm sẽ có kết quả trong một tương lai không xa".
Sau phần chất vấn của các thành viên Ủy ban Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội trình bày và trả lời các câu hỏi này vào ngày hôm sau (15/11).
Tin cho hay Việt Nam đã cử một phái đoàn khoảng 30 người, đứng đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương-Thứ trưởng Bộ Công an, đến Geneva để tham gia điều trần.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã gửi một báo cáo trước đó cho Ủy ban.
"Trong bản báo cáo đầu tiên của Việt Nam không nhắc gì tới nhiều đến những sự việc đã xảy ra và cách giả quyết như thế nào, mà nhấn mạnh nhiều đến việc họ cải tổ luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế để đưa vào khung luật Việt Nam ra sao. Cái đó cũng là một điều mà chúng tôi nghĩ là đáng khuyến khích. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thực thi luật như thế nào", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Việt Nam chính thức ký tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2013. Tại lễ ký, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định việc tham gia Công ước thể hiệm cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, đảm bảo ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người.
Khánh An
Nguồn : VOA, 15/11/2018