Mỹ thị uy bằng vũ khí tại Hàn Quốc, nhân cuộc tập trận chung (RFI, 15/10/2017)
Một ngày trước cuộc tập trận với Hải Quân Hàn Quốc, hàng không mẫu hạm, tàu ngầm nguyên tử, máy bay tàng hình cùng nhiều trang thiết bị tối tân khác của Mỹ trong tư thế sẵn sàng. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy Washington công nhận "căng thẳng trong khu vực leo thang".
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, lúc còn ở Biển Đông ngày 30/09/2017. Reuters/Bobby Yip
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap nêu lên khả năng Bắc Triều Tiên sẽ có hành động trả đũa vụ tập trận chung Mỹ -Hàn được dự trù mở ra vào ngày mai, 16/10/2017 và sẽ kéo dài trong nhiều ngày.
Phía Hoa Kỳ đã điều hàng không mẫu hạm chiếc USS Ronald Reagan đặt căn cứ Yokosuka, Nhật Bản đến vùng biển của Hàn Quốc. Tàu sân bay này đóng vai trò "then chốt" trong chiến lược phòng thủ Mỹ tại vùng Thái Bình Dương. Dài 333 mét, có trọng lượng 100.000 tấn, chiếc USS Ronald Reagan là một trong 10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ.
Ngoài ra Hải Quân Hoa Kỳ còn huy động tàu ngầm có trang bị hệ thống bắn chận tên lửa, chiếc USS Michigan, có trang bị 150 tên lửa Tomahawk. Chiếc USS Michigan đang túc trực ngoài khơi thành phố cảng Busan.
Bên cạnh việc chuẩn bị cho đợt thao diễn trên biển lần này, Washington còn đưa nhiều máy bay và trang thiết bị quân sự dùng cho Không Quân đến phía nam thủ đô Seoul, trong khuôn khổ cuộc triển lãm hàng không sắp mở ra tại căn cứ quân sự Seongnam vào ngày 17/10/2017.
Thanh Hà
*******************
Tàu ngầm USS Michigan cập cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh : AP
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Litovkin nhận định trong một bài phỏng vấn với đài Sputnik rằng mục tiêu chính của tàu ngầm này chính là gây áp lực tột độ lên Triều Tiên. Sự xuất hiện của tàu Michigan tại cảng Busan đã được lực lượng hải quân Hàn Quốc thông báo trên trang Facebook chính thức của họ.
Theo ông Litovkin, sự hiện diện của một tàu chiến trang bị tên lửa Tomahawk – có thể bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách 2.200 km – là một thách thức nghiêm trọng đối với Bình Nhưỡng.
"Các mục tiêu, theo quan điểm của tôi, khá rõ ràng : gây sức ép mạnh mẽ lên Triều Tiên, nước đang trong một mối quan hệ căng thẳng với Mỹ. Những quả tên lửa hành trình này có thể chứa đầu đạn hạt nhân và khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách rất xa. Những thứ vũ khí như vậy xuất hiện gần Triều Tiên sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền Bình Nhưỡng", ông Litovkin nhận xét.
USS Michigan, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, là một trong số 18 tàu ngầm đang hoạt động của Hải quân Mỹ, có thể chở 24 tên lửa đạn đạo Trident I và Trident II. Mỗi tên lửa Trident I lại có thể chứa tới 8 đầu đạn 100 kiloton, trong khi Trident II chứa được 14 đầu đạn 100 kiloton hoặc 8 đầu đạn loại 475 kiloton. Để so sánh sức mạnh thì quả bom phá hủy Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 chỉ gây ra một vụ nổ có sức công phá từ 12 - 18 kiloton.
Theo sau USS Michigan, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cũng sẽ tới Hàn Quốc vào tuần tới, tờ Chosun Ilbo đưa tin.
Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc trong lúc Bán đảo Triều Tiên đang "căng như dây đàn" do hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Gần đây nhất, ngày 15/9, Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản và rơi xuống phía bắc Thái Bình Dương khoảng 20 sau đó. Không chỉ có vậy, Bình Nhưỡng liên tục lên tiếng đe dọa tấn công Washington. Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam đoan sẽ "phá hủy toàn bộ" Triều Tiên nếu bị buộc phải bảo vệ Mỹ và các nước đồng minh.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại cảnh báo Washington về một "biện pháp đáp trả cứng rắn nhất trong lịch sử".
Hoàng Trang
*****************
Mỹ theo đuổi ngoại giao với Bắc Hàn tới lúc ‘thả bom’ (VOA, 15/10/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 15/10 nói rằng Tổng thống Donald Trump đã lệnh cho ông phải tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao để làm giảm căng thẳng leo thang với Bắc Hàn.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Reuters dẫn lời ông Tillerson nói rằng "các nỗ lực ngoại giao đó sẽ tiếp tục cho tới khi nào thả quả bom đầu tiên".
Trả lời phỏng vấn của chương trình "State of the Union" trên kênh CNN, ông Tillerson cũng giảm nhẹ tầm quan trọng của thông điệp mà ông Trump từng viết trên Twitter về chuyện quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ phí thời gian tìm cách đàm phán với lãnh tụ Bắc Hàn.
"Ông Trump đã nói rõ với tôi phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao", Ngoại trưởng Tillerson nói.
Tổng thống Trump hôm 7/10 nói rằng "chỉ có duy nhất một thứ hiệu quả" để đối phó với Bắc Hàn, sau khi các chính quyền tiền nhiệm đối thoại với Bình Nhưỡng nhưng không đạt được kết quả.
"Các đời tổng thống và chính quyền của họ đã nói chuyện với Bắc Hàn 25 năm qua, các thỏa thuận và các các khoản tiền lớn được trả", ông Trump viết trên Twitter. "…Không đi đến đâu, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước cả khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngố. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất hiệu quả !".
Theo Reuters, ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự.
Nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố rằng nếu cần, Hoa Kỳ sẽ "hủy diệt" Bắc Hàn để bảo vệ bản thân và các đồng minh trước các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn đối thoại với Bắc Hàn, và thậm chí còn cho rằng ý tưởng đối thoại với Bình Nhưỡng là điều gây mất thời gian, sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nêu lên đề xuất này.
Sau đó, Tổng thống Trump nói rằng ông vẫn còn mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, dù vẫn còn một số bất đồng.
********************
Bình Nhưỡng gây sự với Úc vào lúc bán đảo Triều Tiên nóng lại (RFI, 15/10/2017)
Một hôm sau khi bị Bắc Triều Tiên đe dọa, chính quyền Úc vào hôm nay 15/10/2017 đã cứng rắn đáp trả : Phát biểu với báo giới tại Sydney, ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã cho rằng lời lẽ hung hăng của Bình Nhưỡng không có gì mới, và điều đó chỉ làm cho Canberra kiên định hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop không khoan nhượng với Bình Nhưỡng. Reuters/Stephanie Keith
Vào hôm qua, 14/10, hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đã lớn tiếng tố cáo là "Úc gần đây đã có những bước đi nguy hiểm khi hùa theo các hành động khiêu khích chính trị và quân sự điên rồ của Mỹ nhằm chống lại Bắc Triều Tiên". Hãng tin Bắc Triều Tiên đã cảnh cáo là nếu tiếp tục theo chân Mỹ để "áp đặt áp lực quân sự, kinh tế và ngoại giao lên Bắc Triều Tiên…, Úc sẽ không thể tránh được thảm họa".
Lời tố cáo nói trên được đưa ra sau khi hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Úc, nhân chuyến công du Hàn Quốc, hôm 11/10 vừa qua đã ghé thăm làng Bàn Môn Điếm trong vùng phi quân sự ở biên giới Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Tại đấy, hai bộ trưởng Úc đã nhấn mạnh trên nhu cầu gây áp lực ngoại giao để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và kêu gọi Bắc Triều Tiên ngừng các chương trình thử nghiệm vũ khí, hạt nhân và tên lửa.
Đối với ngoại trưởng Úc, Bắc Triều Tiên vẫn quen thói đe dọa Úc, cũng nhu các nước khác trong khu vực, và đó là lý do tại sao Úc tham gia vào một chiến lược tập thể nhằm gây sức ép tối đa trên Bình Nhưỡng để buộc Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Cùng một quan điểm với bà Bishop, ông Dan Tehan, một quốc vụ khanh trong bộ Quốc Phòng Úc, vào hôm nay cũng xác định trở lại rằng Canberra sẽ tiếp tục làm tất cả để bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ các đồng minh, và không "khiếp nhược" trước những lời hù dọa của Bình Nhưỡng.
Khẩu chiến Bình Nhưỡng-Canberra bùng lên vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại trong bối cảnh liên quân Mỹ-Hàn đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận rầm rộ khởi sự vào ngày mai.
Trọng Nghĩa
Mỹ điều thêm 2 khu trục hạm đến tuần tra Biển Đông (RFI, 03/04/2017)
Trước lúc hai lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau tại Florida, hai khu trục hạm thuộc Hạm Đội 3 của Hải Quân Mỹ đã rời cảng San Diego hôm 31/03/2017, trực chỉ khu vực Biển Đông. Hai chiến hạm này sẽ tăng cường cho nhóm tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, cũng thuộc Hạm Đội 3, đang hoạt động trong vùng.
Khu trục hạm Mỹ USS Decatur. Ảnh minh họa (@US Navy)
Theo ghi nhận của nhật báo San Diego Union Tribune tại cảng San Diego (California, Hoa Kỳ), nơi Hạm Đội 3 đặt tổng hành dinh, hai chiếc tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Dewey đã được phái qua hoạt động trong vòng 4 tháng tại khu vực tây Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng Biển Đông.
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, khi đến nơi, hai khu trục hạm này có thể phối hợp hoạt động với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson thuộc Hạm Đội 3, vốn đã được được điều đến hoạt động trong vùng từ tháng Hai vừa qua.
Tờ báo đặc biệt nhắc lại rằng, thông thường, trong sáu thập kỷ qua, khu vực phía tây Thái Bình Dương thuộc quyền quản lý của Hạm Đội 7, trong lúc Hạm Đội 3 phụ trách phần phía đông. Nếu tàu của Hạm Đội 3 vượt qua lằn ranh phân chia hai khu vực, thì lập tức quyền điều động các chiến hạm này được trao cho Hạm Đội 7.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến thuật mới, cho phép tàu của Hạm Đội 3 khi hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương, vẫn tiếp tục nằm dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh hạm đội đặt tại San Diego. Quy định mới này cho phép Mỹ tăng cường sức mạnh Hải Quân trong vùng vì có thể phối hợp uy lực của cả hai Hạm Đội 3 và 7 nhằm đối phó với Trung Quốc khi cần thiết.
Ngay từ năm 2016, Hạm Đội 3 đã từng phái tàu đến hoạt động ở Biển Đông, cụ thể là chiếc khu trục hạm USS Decatur đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng.
**********************
Hải quân Mỹ-Nhật-Hàn tập trận ngoài khơi Hàn Quốc (RFI, 03/04/2017)
Một đợt tập trận chung Mỹ - Hàn, tại Pohang, Hàn Quốc, ngày 02/04/2017. REUTERS/Kim Hong-ji
Hải Quân Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tập trận trong ba ngày, kể từ hôm nay 03/04/2016. Mục tiêu đợt thao diễn quân sự lần này nhằm đối phó với đe dọa Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Theo các thông tin từ bộ Quốc Phòng Hàn Quốc được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, chiến dịch diễn tập lần này mở ra ở ngoài khơi phía nam Hàn Quốc, huy động 800 binh sĩ của ba nước đồng minh kể trên cùng nhiều tàu khu trục, trực thăng chống tàu ngầm.
Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, các bên nhắm tới mục tiêu "đáp trả một cách hiệu quả mối đe dọa của Bình Nhưỡng sử dụng tên lửa chiến lược hải đối địa MSBS" đồng thời đây cũng là cơ hội để Seoul, Tokyo và Washington "khẳng định quyết tâm" trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
AFP nhắc lại, tới nay Bình Nhưỡng đã 5 lần thử nghiệm hạt nhân, trong đó có hai vụ được thực hiện trong năm 2016.
Căng thẳng Đông Bắc Á gia tăng cùng với việc Bắc Triều Tiên tăng tốc các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa. Cuối tháng 8/2016 Bình Nhưỡng thông báo bắn thử tên lửa từ tàu ngầm hướng về phía Nhật Bản. Theo các chuyên gia, nếu Bắc Triều Tiên thành công trong đợt thử nghiệm lần ấy, thì đây thực sự là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực và là một bước tiến đáng kể của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực này. Dù vậy các nhà quan sát cho rằng còn quá sớm để khẳng định Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ bắn tên lửa hải đối địa từ tàu ngầm MSBS.
Thanh Hà
************************
Hải quân Nam Hàn, Nhật, Mỹ tập trận chung (RFA, 03/04/2017)
Các tàu đổ bộ trên biển của Nam Hàn trong cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ ở cảng Pohang vào ngày 2 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Một cuộc tập trận hải quân chung giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được tiến hành từ ngày thứ hai 3 tháng tư nhằm mục đích chống lại mối đe dọa tên lửa tàu ngầm của Bắc Triều Tiên.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết tin vừa nêu vào ngày mùng 3 tháng 4, cho biết thêm cuộc tập trận kéo dài 3 ngày với sự tham gia của hơn 800 binh sĩ cùng nhiều khu trục hạm và trực thăng chống chiến tranh tàu ngầm, được diễn ra tại khu vực bờ biển phía Nam của Nam Hàn gần Nhật Bản.
Bộ Quốc Phòng Nam Hàn cũng cho biết cuộc tập trận hải quân chung giữa 3 nước đồng minh nhằm mục đích quyết tâm chống lại mối đe dọa tên lửa tàu ngầm của Bắc Hàn, kể cả tên lửa đạn đạo (SLBM).
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên sau một loạt phóng thử tên lửa do Bình Nhưỡng thực hiện và có thể đang chuẩn bị cho thêm một lần thử nghiệm nguyên tử khác ; đồng thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào hôm Chủ Nhật lên tiếng Mỹ chuẩn bị đơn phương giải quyết chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn nếu Trung Quốc không sẵn sàng hợp tác.