Theo các tuần báo Pháp, tấn công ngay trên lãnh thổ Israel lần đầu tiên kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948, quân khủng bố đã áp đặt một bước ngoặt lớn cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Hamas không hề quan tâm đến hậu quả cơn phẫn nộ Israel đối với người Palestine sau các vụ thảm sát man rợ. "Cuộc đấu tranh Palestine" coi như thất bại khi bị Hồi giáo hóa, mất đi chính nghĩa, ít nhất về mặt nhân đạo.
Các quân nhân Israel tại kibboutz Beeri ngày 14/10/2023, sau vụ quân khủng bố Hamas từ Dải Gaza xâm nhập sát hại người dân. Reuters – Violeta Santos Moura
Israel chiếm trọn trang bìa tất cả các tuần báo kỳ này.L’Obs đăng ảnh các thanh niên dự nhạc hội đang bỏ chạy trên sa mạc với tựa lớn "Israel-Gaza : Thời của khủng bố". Lá cờ Israel với ngôi sao Do Thái chiếm trang nhất L’Express, tờ báo chạy tít "Israel trong chiếc bẫy khủng bố của Hamas". Courrier International dùng ảnh minh họa : ngôi sao Do Thái ở giữa, trên mặt đất màu đỏ, tứ phía bị bao vây bởi những bóng đen đang chĩa súng vào và cả dù lượn từ trên trời, nhấn mạnh "Israel trong cú sốc".
Le Point chọn màu đen làm nền với ảnh nhỏ là những thân nhân nạn nhân đang được an ủi, nhận định "Tấn công vào Israel, đe dọa tại Pháp : Sự thù hận người Do Thái". The Economist với bức ảnh các quân nhân Israel đang di chuyển thi thể những người bị sát hại ở một kibboutz, nói về "Nỗi đau và sự trừng phạt của Israel".
Xã luận của Le Pointkhẳng định "Tất cả chúng ta đều là người Do Thái", như câu nói sau sự kiện ngày 11/09/2001 : "Tất cả chúng ta đều là người Mỹ". Số nạn nhân ở Israel còn lớn hơn vụ khủng bố New York nếu tính theo tỉ lệ dân số : 1.300 người bị Hamas sát hại trong khi Israel có chưa đến 10 triệu dân, còn Al Qaeda làm 3.000 người chết khi dân số Hoa Kỳ lúc đó trên 300 triệu người.
Những hình ảnh quá sức tàn ác : người phụ nữ quần áo đẫm máu, bị nắm tóc lôi đi như một con vật ; bé trai bị những kẻ bắt cóc thô bạo tống lên xe trước mắt cha mẹ ; xác chết của những người trẻ mới đó còn vui tươi nhảy nhót theo điệu nhạc… Iran, đồng minh của Hamas cũng đàn áp dã man phong trào phản kháng, Azerbaijan nuốt chửng Thượng Karabakh, chưa kể kẻ sát nhân Putin muốn hủy diệt Ukraine.
Tờ báo cho rằng việc rút khỏi Afghanistan rồi Sahel, bỏ rơi Hồng Kông cho Bắc Kinh bóp nghẹt, khiến các chế độ độc tài hoành hành, tin rằng phương Tây đang yếu đi. Cố thủ tướng Pháp George Clémanceau trong thập niên 20 từng lo ngại vì thái độ mềm yếu của phe dân chủ trước Mussolini và Liên Xô : "Nhiều người tự hỏi vì sao chúng ta bỏ rơi họ, mà không hiểu rằng chúng ta đã tự rời bỏ chính nghĩa của mình".
L’Obscũng cho rằng lịch sử sẽ ghi nhận ngày 07/10/2023 là sự kiện ngày 11 tháng Chín của Israel, đúng 50 năm sau cuộc chiến tranh Kippour. Tấn công ngay trên lãnh thổ Israel, lần đầu tiên kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948, quân khủng bố Hồi giáo đã áp đặt một bước ngoặt lớn cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Bận rộn với cuộc chiến tranh ở Ukraine trong lúc Mỹ không còn mặn mà với Cận Đông, thế giới đang nhìn sang hướng khác. Với chiến lược gây hỗn loạn, Hamas thô bạo đẩy Gaza trở lại trên trường quốc tế, mà không hề lo lắng về hậu quả của cơn phẫn nộ Israel đối với người Palestine, và mối đe dọa dây chuyền cho an ninh thế giới.
La Croix cuối tuần nhận định về "Sự chọn lựa khủng bố của Hamas". Vụ tấn công vào thường dân Israel hôm 07/10 khiến phe này rõ ràng là khủng bố không khác Al-Qaeda, Daesh (tổ chức Nhà nước Hồi giáo). Sát hại cả ngàn người dân vô tội tay không tấc sắt, là sự man rợ không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào. Việc phổ biến hàng loạt video tội ác trên mạng xã hội nhằm gây ấn tượng kinh hoàng, và kích hoạt việc trả đũa. Hamas cố tình buộc Israel phải thẳng tay, gây họa cho hàng trăm ngàn thường dân ở Dải Gaza.
Nhân danh đấu tranh cho người Palestine, nhưng phong trào này căn bản là Hồi giáo cực đoan, xuất xứ từ Huynh đệ Hồi giáo từ cuối năm 1987 trong cuộc cách mạng "ném đá". Cạnh tranh với Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) của ông Yasser Arafat, Hamas giành ưu thế trong bầu cử nhưng nhánh quân sự vẫn tiếp tục bạo động, và kiểm soát được Dải Gaza năm 2007, sau một cuộc chiến tương tàn giữa người Palestine, làm hơn 600 người chết.
Bạo lực là đặc thù của Hamas : tiến hành nhiều vụ khủng bố tự sát tại Israel để phá hoại thỏa thuận hòa bình Oslo năm 1993, và luôn đòi tiêu diệt Nhà nước Do Thái. Hamas liên kết với kẻ thù không đội trời chung của Israel là Iran, được Tehran tài trợ, vũ trang và huấn luyện. Vài ngày trước cuộc tấn công, giáo chủ Ali Khamenei nhắc lại Israel là "khối u" cần diệt trừ. Hamas lao vào một cuộc chiến vượt khỏi vấn đề Palestine, là sự đối đầu địa chính trị mà Israel đang chiếm ưu thế ngoại giao từ bốn năm qua. Cuộc chiến này chỉ có thể làm tan nát giấc mộng về một Nhà nước của người Palestine.
Các điệp viên nên thường xuyên xem phim truyền hình nhiều tập - L’Express khuyên. Cách đây vài tháng, kênh Al-Quds của Gaza chiếu tập đầu của loạt phim "Cú đấm của những người tự do" ca ngợi Hamas, nhằm cạnh tranh với feuilleton "Fauda" của Israel đang thành công lớn trên toàn thế giới. Trong "Fauda", đặc nhiệm Israel thâm nhập vào tổ chức khủng bố và các nhóm thánh chiến ở Dải Gaza. Còn bộ phim được Hamas tài trợ cóp lại thô thiển cốt truyện, nhưng tô vẽ các tay súng khủng bố, chế diễu quân đội, tình báo Israel và cả chính quyền Palestine.
Bất ngờ nhất là một tập phim mô tả một chiến dịch quy mô trên lãnh thổ Israel, khiến hàng mấy trăm người Do Thái thiệt mạng. Hàng ngàn chiến binh tấn công vào các làng biên giới, những drone mang bom phá hủy nhà cửa, trại lính Do Thái, bắt hàng loạt con tin làm bia đỡ đạn cho Hamas… Kịch bản của phim đã trở thành hiện thực vào ngày 07/10. Nhưng "Cú đấm của những người tự do" không nói đến số phận của người dân Gaza, từ nay phải chịu đựng cơn sấm sét của Israel.
Từ khi Hamas cai trị Dải Gaza, tình hình xã hội, y tế là thảm họa, việc quản lý vô cùng tồi tệ. Mỗi năm còn hàng trăm vụ bắt bớ tùy tiện, tra tấn, sát hại người đối lập và đồng tính luyến ái, những vụ hành quyết do "tòa án binh" quyết định. Điện chỉ có 2/24 giờ và vài ngày trong tuần, thiếu trầm trọng nhà ở, thuốc men, nước… Tỉ lệ thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp lên đến 58%. Một sự rối loạn xã hội giúp cho Hamas có thêm những chiến binh mới mà tổ chức Hồi giáo này rất cần cho mưu đồ muôn thuở : hủy diệt Israel.
L’Expressnói về "Một bước ngoặt thô bạo trong cuộc xung đột Israel-Palestine". Sự kiện thảm khốc vừa qua cho thấy một nền hòa bình thông qua kinh tế với hàng triệu đô la của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Một giải pháp chính trị chưa bao giờ xa vời như thế.
Một điều chắc chắn là một khi chiến dịch quân sự kết thúc, Israel sẽ xem xét lại chính sách của mình đối với người Palestine. Tuần báo cho rằng "Nhân dân Palestine là nạn nhân khác của Hamas", sau cuộc tấn công điên cuồng vừa qua. Tổ chức khủng bố này trước hết vì lợi ích chính trị của mình, đã hành xử một cách hiểm độc, thừa biết Israel sẽ giáng trả mạnh mẽ.
Gaith Al-Omari, nhà đàm phán trước đây của Palestine nay là nhà nghiên cứu ở Washington Institute cảnh báo : "Hamas xông vào từng căn nhà một để giết hại thường dân : người Palestine sẽ lại bị coi là khủng bố như thập niên 70 và mất đi ủng hộ ngoại giao, kể cả từ phía một số quốc gia Ả Rập. Họ có cảm tưởng lại trở thành trung tâm chú ý của thế giới, nhưng chừng sáu tháng nữa, tình hình sẽ y như trước". Chu kỳ bạo lực tiếp diễn, không có hồi kết.
Tương tự, Le Point coi đây là thất bại của "cuộc đấu tranh Palestine" : đã bị Hồi giáo hóa hẳn đi, trở nên phi nhân, muốn tận thế thay vì chung sống hòa bình. "Chính nghĩa" đã mất, ít nhất là về mặt nhân đạo. Giờ đây Palestine dưới sự cai trị và tuyên truyền của Hamas đã bị "Taliban hóa", trong một cuộc thánh chiến mà cuộc sống không được quan tâm bằng "tử đạo".
Lịch sử đã bị bóp méo. Từ nhiều thập niên qua, phe bài Do Thái nhắc đi nhắc lại rằng để thành lập Nhà nước, người Do Thái đã xâm lăng và chiếm đóng đất đai của tổ tiên người Ả Rập. Họ bất chấp thực tế là người Do Thái đã sinh sống tại đây từ hơn 3.000 năm trước, nhưng tiếc thay ngày càng nhiều người tin như vậy.
Chẳng hạn liên minh cánh tả Nupes ở Pháp ký kiến nghị chống lại "chế độ apartheid" Israel. Trong khi người Ả Rập (chiếm 20% dân số Israel) có cùng quyền lợi như người Do Thái. Người ta gào thét "Palestine của người Palestine !", nhưng về lịch sử, người Palestine thực sự lại là người… Do Thái !
Hồi thế kỷ II, đất nước họ được gọi là Palestine vì sau những cuộc nổi dậy, hoàng đế La Mã Hadrien quyết định xóa nhòa bằng cách đổi thành tên của một trong những kẻ thù là Philistin, sau đó biến thành Palestine. Nhà nước Do Thái vẫn mang tên Palestine khi tuyên bố độc lập năm 1948 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, sau đó những người lập quốc đổi thành Israel. Cùng năm, khi những láng giềng Ả Rập mưu toan bóp chết từ trong trứng, nhật báo Paris-Presse chạy tựa "Lực lượng liên minh Ả Rập tràn sang Palestine".
Những "lương tâm thời đại" đòi hỏi Israel phải giữ hòa bình. Nhưng làm thế nào thương thảo với Hamas, một tổ chức không nhìn nhận bạn, không muốn đối thoại và chỉ muốn tiêu diệt bạn ? Những cuộc biểu tình vui mừng vì vụ tàn sát, tình trạng phấn khích ở nhiều nơi cho thấy nạn bài Do Thái lại lan tràn một cách nguy hiểm thông qua Hồi giáo, phe cực tả và cả một số khuôn mặt truyền thông.
Trong bài "Israel, thời của chiến tranh", Le Point nhận thấy chiến lược phòng vệ của nước này đang bị thách thức. Các nhà lãnh đạo ngỡ rằng có thể gác vấn đề Palestine sang một bên, để mặc 2 triệu người ở Dải Gaza trong tay Hamas. Rằng lá chắn tên lửa và các biện pháp an ninh biên giới là đủ để bảo vệ. Rằng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập có thể tạo ra một vùng Cận Đông mới, trong đó Nhà nước Do Thái tìm được chỗ đứng.
Tất cả đã sụp đổ chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Không chỉ Israel ảo tưởng mà Hoa Kỳ cũng vậy. Washington và Jerusalem đều cho rằng Hamas có lợi trong việc duy trì quyền lực ở Gaza thay vì khởi động một cuộc chiến có thể làm chính mình sụp đổ. Thế nhưng phong trào Hồi giáo này luôn muốn quẳng người Do Thái xuống biển. Ba mươi năm sau thỏa thuận Oslo, Israel biết rằng các kẻ thù, không chỉ ở Dải Gaza, luôn rình rập những dấu hiệu yếu kém của mình.
Những nhóm vũ trang ở West Bank (Cisjordanie), phe Hezbollah theo hệ phái Shia ở Lebanon, chế độ Assad ở Syria, các giáo chủ ở Iran sẵn sàng vào cuộc nếu ngửi thấy mùi máu. Dù rốt cuộc chỉ có một giải pháp chính trị mới chấm dứt được chu kỳ bạo lực tại Cận Đông, nhưng hiện đang rất xa tầm với. Một ngày nào đó, hòa bình sẽ đến, nhưng trong khi chờ đợi phải trải qua giai đoạn chinh chiến. Trong cuộc đối đầu quy mô mở màn bằng vụ tấn công khủng bố hôm 07/10, có một điều chắc chắn : Tsahal (quân đội Israel) sẽ chiến thắng.
Cây bút bình luận Bernard-Henri Lévy nhận định trên Le Point, cuộc khủng bố vừa qua là "sự kiện 11 tháng Chín kéo dài, một Bataclan với vô số hỏa tiễn", mà không có bất kỳ lý lẽ nào có thể biện hộ. Nhưng phải chăng Hamas hành động một mình ? Những vũ khí mà người Mỹ bỏ lại ở Afghanistan được cho là đã được Taliban đưa sang Qatar rồi Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đi đường biển đến Gaza. Hôm 27/07 tại Ankara, Mahmoud Abbas, chủ tịch PLO đã gặp thủ lãnh chính trị Hamas, Ismail Haniyeh, do Erdogan sắp xếp.
Nhiều tháng trước đó, Sergey Lavrov đã đón tiếp trọng thể Ismail Haniyeh tại Moskva, họ nói với nhau những gì ? Nga bị sa lầy ở Ukraine, sẽ có lợi khi một mặt trận thứ hai buộc phương Tây phải chuyển cho Israel những nguồn lực quý giá lẽ ra dành cho Ukraine. Những chiếc dù lượn mà bọn sát nhân sử dụng ở miền nam Israel giống y như kiểu Poisk-06 MSN mà biên phòng Nga thường dùng.
Và Iran, với 6 tỉ đô la vừa được Mỹ cho giải tỏa, phải chăng thay vì hàng hóa thiết yếu đã được dùng để mua vũ khí ? Có những thông tin cho biết nhiều cuộc họp vạch kế hoạch đã diễn ra ở Lebanon và Syria, các cố vấn Iran huấn luyện Hamas cho một chiến dịch đặc biệt… và chính Hamas đã công khai cảm ơn. Đó là một liên minh kiểu mới, tất cả đều quan sát và trắc nghiệm sự trả đũa của Israel – tưởng chừng bất khả chiến bại nhưng đã mất cảnh giác. Thế nên Hamas không chỉ xứng đáng bị trừng trị nặng nề, mà cần bị tiêu diệt – tác giả nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm này, nhưng The Economist nhận thấy trong những tuần, những tháng tới, các nhà lãnh đạo Israel gánh lấy trách nhiệm nặng nề là kềm hãm bớt mong muốn trả thù, tính đến lợi ích lâu dài.
Sau khi cơn hồng thủy - trận đánh ở Dải Gaza kết thúc, sẽ như thế nào ? Israel không có nhiều chọn lựa : việc chiếm đóng không thể kéo dài, một chính quyền trong tay Hamas không thể chấp nhận được, đối thủ của Hamas là Fatah thì thiếu tin cậy, một lực lượng Ả Rập gìn giữ hòa bình không thể thực hiện, và một chính phủ bù nhìn là khó thể tưởng tượng.
Tuần báo cho rằng các chiến lược gia Israel cần cân nhắc tạo điều kiện sống dễ thở hơn cho người Palestine. Đặt ra một thời gian thiết quân luật ngắn ở Gaza, tìm kiếm những khuôn mặt lãnh đạo Palestine được cả hai bên chấp nhận, với những trung gian hòa giải Ả Rập. Cách để loại trừ vĩnh viễn Hamas là tạo ra sự ổn định, và một ngày nào đó, hy vọng hòa bình sẽ đến.
Nhưng trong khi chờ đợi, bất ổn đã lan ra, trước hết là tại Pháp. Liên minh cánh tả Nupes đang lung lay vì phe cực tả từ chối lên án Hamas. Nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động sau vụ Mohammed Mogouchkov, một cựu học sinh người Chechnya tấn công khủng bố vào một trường trung học ở Arras miền bắc, sát hại thầy giáo dạy tiếng Pháp Dominique Bernard và làm bị thương hai người khác.
Gia đình hung thủ chạy từ Nga sang vào năm 2008, đơn xin tị nạn bị từ chối, suýt bị Pháp trục xuất nhưng các đại biểu dân cử cộng sản và nhiều hiệp hội đấu tranh chống đối nên được ở lại, được cơ quan xã hội trợ giúp. Người anh, Movsar Mogouchkov từng ngồi tù vì tham gia tổ chức khủng bố, hồi học lớp 8 đã từng được thầy giáo tiếng Pháp có lời phê tích cực để động viên học hành. Người thầy đó tên là… Dominique Bernard.
Thụy My
Xung đột Israel-Palentine là một xung đột nhức nhối nhất, rắc rối nhất, cổ nhất, mới nhất và cũng khó giải quyết nhất của nhân loại.
Những người lính Israel chứng kiến sự tấn công của quân Hamas vào một làng Kibbuz hôm 08/10/2023
Đã có rất nhiều tài liệu, nhiều bài viết ở khắp nơi về nguồn gốc của cuộc xung đột này. Để hiểu hết phải mất nhiều ngày và cũng chưa chắc đã hiểu hết. Bài viết này chỉ có một mục đích tóm tắt thận ngắn gọn trong vài dòng.
1. Đất. Cũng như muôn vàn các cuộc xung đột khác, cái chính vẫn là tranh chấp đất đai. Cả hai phía Israel và Palestine đều coi vùng đó là của mình, cụ thể là Cisjordanie (West Bank), dải Gaza (Gaza Trip) và Jerusalem. Đặc biệt, đây lại là vùng đất đối với cả hai bên đều có tính lịch sử thiêng liêng.
2. Tôn giáo. Nếu cả hai bên tranh chấp cùng một tôn giáo thì vấn đề chắc dễ giải quyết hơn.
Đây là vùng đất mà cả ba tôn giáo lớn của phương Tây và Trung Cận Đông cùng có một nguồn gốc : chỉ tôn thờ một Thượng đế. Giáo lý căn bản là Kinh Thánh (Holy Bible), và đây mới chính là bài toán chưa có giải đáp ổn thỏa trong vùng.
Người Do Thái theo Cựu ước (Old Testament). Người Kito giáo (Thiên chúa giáo của phương Tây) thì theo Tân ước (New Testament). Đạo Hồi, ra đời sau đó hàng nghìn năm thì theo Koran (trong đó phần đầu lấy Cựu ước). Đạo hồi cho rằng Koran của họ mới là kinh gốc (Origine toanh toách), còn hai kinh kia là hai kinh dở hơi, bị bóp méo…
Rắc rối này khởi nguồn cách đây 3.000 năm, người Do Thái đã đến định cư ở đây (Canaan), sau đó phân chia thành hai vùng : Israel (phía Bắc) và Judah (phía nam, sau này có tên là Palestine hay West Bank). Tôn giáo chung của người Do Thái là Judaism (ngày nay gọi chung là Do Thái giáo). Cả hai vùng lãnh thổ này được thống nhất vào thế kỷ 11 trước công nguyên dưới tên gọi là Israel. Vùng đất ngày này gọi là Gaza lúc đó đặt dưới quyền lãnh đạo của vương quốc Philistin. Vương triều của người Do Thái bị người Assyrian đánh bại năm 720 trước công nguyên, dân Do Thái bị lưu đày sang Assyria (ngày nay là Iran) ; tại đây họ nổi lên chống lại rồi kéo nhau về lại quê hương cũ. Năm 586 trước công nguyên, vương triều Israel bị đại đế Nebuchadnezzar II đánh bại, thành Jerusalem bị đốt phá thành tro bụi. Toàn bộ dân cư Jerusalem bị dẫn độ về Babylon (Iraq), đây là cuộc di cư (exode) lớn nhất lịch sử nhân loại. Từ đó cứ mỗi lần nổi loạn thất bại trên những vùng đất mới, người Do Thái bị truy lùng giết hại, rồi lưu lạc khắp nơi trên khắp vùng Trung Đông, đông nhất là tại Ai Cập.
Năm 1860, một người Do Thái tên là Theodor Herzl được sinh ra ở Budapest, lớn lên ở Vienna (Áo). Ông trở thành một nhà văn, nhà báo, và cái chính là một sáng lập viên của phong trào Sion, sau này trở thành chủ nghĩa Sion (Sionism) chủ chương thành lập một nhà nước Do Thái độc lập ở Palestine. Ông đã viết cuốn sách cực nổi tiếng "Der Judenstaat" (Nhà nước Do Thái). Có thể nói cuốn sách này đã thu hút tâm trí của 99,99% người Do Thái. Rất tiếc cho ông, ông đã không sống đến ngày ra đời của Nhà nước Do Thái. Ông mất năm 1904. Có thể nói là người Do Thái đã bị tàn sát, truy đuổi khắp nơi trong vòng vài trăm năm và đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ II (6 triệu người bị giết). Cũng có thể nói là không một dân tộc nào có tinh thần dân tộc cao như dân Do Thái. Chủ nghĩa Sion đã thôi thúc họ quyết thành lập nhà nước Do Thái.
Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 181, còn gọi Bản Đồ phân chia Palestine thành một nhà nước Do Thái và một nhà nước Ả rập với Jerusalem đặt dưới sự quản trị của quốc tế. 13 nước chống (chủ yếu là các nước Ả rập) chủ chương chỉ thành lập một nhà nước Ả rập. Trên cơ sở đó, năm 1948, Israel tuyên ngôn độc lập.
"Một nhà hai chủ bất hòa. Hai vua một nước ắt là phải đánh nhau". Cứ như thế hai bên đánh nhau triền miên từ mấy chục năm nay, lôi kéo thêm nhiều nước xung quanh. Vì đánh nhau, vì nhiều chiêu trò của các nước liên quan và những lý do địa chính trị, Palestine cho đến nay vẫn chưa được công nhận là một nhà nước. Trong một thời gian dài, thế giới lại trải qua chiến tranh lạnh, phân thành hai cực, mỗi cực ủng hộ một bên lại càng làm cho xung đột Do Thái-Palestine thêm bế tắc.
Lãnh thổ Israel và Palestine được Liên Hiệp Quốc phân chia nam 1947
Một yếu tố cần phải nói rõ để các bạn biết là Israel cũng có tham vọng quá lớn, từ mấy chục năm nay, họ liên tục tiến hành chiếm thêm những vùng đất mới, xâm thực vào sâu địa bàn cư trú của người Palestine. Có nhiều người cho đó là căn bệnh cancer của Israel. Họ gần như làm chủ mọi chuyện (Quân đội, Cảnh sát…) nên việc cướp đất là tương đối dễ dàng và tự coi là một hiển nhiên bất chấp sự lên án của thế giới Ả rập và cộng đồng thế giới. Những sự lấn chiếm đất đai đó gây căm phẫn trong lòng người Palestine và buộc họ phải phản kháng quyết liệt dưới mọi hình thức.
Chủ trương của những phe tranh đấu cho Palestine độc lập, gần như tất cả đều từ chối sự hiện diện của Nhà nước Do Thái và bằng mọi cách xóa tan nhà nước này. Vấn đề là những phần lãnh thổ của người Palestine do Liên Hiệp Quốc công nhận sau 1947 quá phân tán và quá nhỏ để có thể thành lập một quốc gia cho đúng nghĩa. Những phe Palestine chủ chiến thường tổ chức những cuộc đánh phá người Do Thái và bị trả đũa dữ dội, mội lần thua trận là bị Do Thái chiếm thêm đất để rồi trở thành hai khu vực riêng biệt như ngày nay : Dải Gaza và West Bank (Cisjordanie). Từ đó hai vùng đất Palestine này trở nên yếu đuối, nghèo nàn, lại còn chia rẽ nên không đủ khả năng đối chọi với lại được với Israel, phần lớn chỉ dùng gạch đá (intifada) chống lại xe bọc sắt và vũ khí tiên tiến của quân đội Do Thái (Tsahal). Riêng tại Gaza, những lãnh tụ chủ chiến tiến hành chiến tranh du kích và khủng bố.
Đây là tôi đang nói về vấn đề chung thôi nhé để các bạn hiểu rõ hơn tình hình. Đừng có cho rằng tôi ủng hộ khủng bố. Cũng nên đặt mình vào cương vị của người Palestine để hiểu tâm tư của họ : Dân tộc họ đã có mặt trên vùng đất này từ hàng nghìn năm, đùng một cái, có mấy ông Do Thái ở đâu đến nói rằng cách đây 3.000 năm là đất của chúng tôi. Nếu những ai ở trong tình trạng đó có chịu được không ?
Khi chiến tranh lạnh kết thúc, cơ hội hòa bình cũng đã đến, điển hình là cú bắt tay của Yasser Arafat, lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine Liberation Organization-PLO), với Yizhak Rabin, thủ tướng Israel vào ngày 19/03/1993. Cả hai ông đã có những cố gắng vượt bậc để ký kết hiệp ước Oslo làm cơ sở cho việc điều đình giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình. Nhưng rồi các thế lực cực đoan của cả hai bên đã phá tan những thành tựu này.
Kẻ phá hoại lớn nhất tiến trình hòa bình là tổ chức Hamas của Palestine. Mục tiêu tối thượng của nó là không đội trời chung với Israel, tiêu diệt nhà nước Israel. Hoạt động của chúng chỉ là khủng bố man rợ. Rất tiếc rằng PLO, được thế giới công nhận là người đại diện cho Palestine, nhưng về cuối cũng có nhiều biểu hiện thối nát, tham nhũng. Trong cuộc bầu cử năm 2006, dân Palestine đã bỏ phiếu cho Hamas thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội). Một sai lầm chết người của Palestine. Từ sau ngày đó Hamas xung đột dữ dội với Fatah (nhánh chính của PLO) và rồi chiếm luôn dải Gaza. Lực lượng Fatah chỉ còn làm chủ ở vùng West Bank (Cisjordanie).
Lãnh thổ Israel và Palestine ngày nay
Những nguyên nhân chính làm thất bại mọi tiến trình hòa bình ở Palestine :
- Cả hai bên, đặc biệt những thành phần cực đoan, có tham vọng quá lớn khiến không thể có "đất" để đàm phán.
- Cả hai bên đều lục đục nội bộ ghê gớm khó có một tiếng nói chung ngay bên phía mình.
- Các thế lực bên trong và bên ngoài tác động để giữ nguyên hiện trạng (đánh nhau hoài) vì mục đích riêng của họ. Trong hoàn cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc xung đột đẫm máu lần này đương nhiên là có lợi cho Nga. Chẳng cần nói thì ai cũng biết ai là kẻ đứng sau Hamas.
Vấn đề Israel-Palestine là cực nan giải và cũng rất khó có thể lấy lập trường cho bên nào. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải chấp nhận những việc đã rồi của lịch sử. Phải ủng hộ Israel bảo vệ sự an toàn của họ. Ủng hộ Palestine thành lập một nhà nước độc lập, ủng hộ Palestine chống sự bành trướng của Israel.
Ngày 7/10/2023, Hamas đã bắn hàng ngàn quả tên lửa, đồng thời tiến hành một cuộc đột nhập vào lãnh thổ Israel, khủng bố man rợ, giết hại rất nhiều thường dân, kể cả trẻ em, người già. Để đáp lại, Israel đã bắn phá dữ dội dải Gaza và có kế hoạch đánh chiếm toàn bộ dải Gaza để tiêu diệt Hamas. Hiện tại dải Gaza đã bị cắt điện nước và bị bao vây hoàn toàn. Bạo lực đã bị đáp lại bằng bạo lực (mạnh hơn). Mặc dù Israel có lực lượng áp đảo, nhưng cũng rất khó có thể tiêu diệt được Hamas vì Hamas ẩn trong dân. Có khoảng 2 triệu người ở đây, với một mật độ dân số được cho là cao nhất thế giới. Vậy mà bây giờ đây, những quả bom tấn đang rơi xuống đầu họ với tình trạng không điện, không nước, không được tiếp tế, cuộc sống rất là khó khăn.
Đa số dân Palestine ở dải Gaza ủng hộ Hamas, bây giờ chính dân Palestine tại đây bị thống khổ. Đây là một bài học vô cùng quý báu cho việc lựa chọn người đại diện của mình.
Hiện tại, để giải quyết vấn đề Israel-Palestine thì trước tiên phải giải quyết việc tiêu diệt khủng bố và chấm dứt sự bành trướng của Israel, coi trọng quyền lợi chính đáng của dân Palestine. Những công tác không dễ dàng cho bất cứ cấp lãnh đạo nào của Israele và Palestine.
Hoàng Quốc Dũng
(12/10/2023)