Xung đột Israel-Palentine là một xung đột nhức nhối nhất, rắc rối nhất, cổ nhất, mới nhất và cũng khó giải quyết nhất của nhân loại.
Những người lính Israel chứng kiến sự tấn công của quân Hamas vào một làng Kibbuz hôm 08/10/2023
Đã có rất nhiều tài liệu, nhiều bài viết ở khắp nơi về nguồn gốc của cuộc xung đột này. Để hiểu hết phải mất nhiều ngày và cũng chưa chắc đã hiểu hết. Bài viết này chỉ có một mục đích tóm tắt thận ngắn gọn trong vài dòng.
1. Đất. Cũng như muôn vàn các cuộc xung đột khác, cái chính vẫn là tranh chấp đất đai. Cả hai phía Israel và Palestine đều coi vùng đó là của mình, cụ thể là Cisjordanie (West Bank), dải Gaza (Gaza Trip) và Jerusalem. Đặc biệt, đây lại là vùng đất đối với cả hai bên đều có tính lịch sử thiêng liêng.
2. Tôn giáo. Nếu cả hai bên tranh chấp cùng một tôn giáo thì vấn đề chắc dễ giải quyết hơn.
Đây là vùng đất mà cả ba tôn giáo lớn của phương Tây và Trung Cận Đông cùng có một nguồn gốc : chỉ tôn thờ một Thượng đế. Giáo lý căn bản là Kinh Thánh (Holy Bible), và đây mới chính là bài toán chưa có giải đáp ổn thỏa trong vùng.
Người Do Thái theo Cựu ước (Old Testament). Người Kito giáo (Thiên chúa giáo của phương Tây) thì theo Tân ước (New Testament). Đạo Hồi, ra đời sau đó hàng nghìn năm thì theo Koran (trong đó phần đầu lấy Cựu ước). Đạo hồi cho rằng Koran của họ mới là kinh gốc (Origine toanh toách), còn hai kinh kia là hai kinh dở hơi, bị bóp méo…
Rắc rối này khởi nguồn cách đây 3.000 năm, người Do Thái đã đến định cư ở đây (Canaan), sau đó phân chia thành hai vùng : Israel (phía Bắc) và Judah (phía nam, sau này có tên là Palestine hay West Bank). Tôn giáo chung của người Do Thái là Judaism (ngày nay gọi chung là Do Thái giáo). Cả hai vùng lãnh thổ này được thống nhất vào thế kỷ 11 trước công nguyên dưới tên gọi là Israel. Vùng đất ngày này gọi là Gaza lúc đó đặt dưới quyền lãnh đạo của vương quốc Philistin. Vương triều của người Do Thái bị người Assyrian đánh bại năm 720 trước công nguyên, dân Do Thái bị lưu đày sang Assyria (ngày nay là Iran) ; tại đây họ nổi lên chống lại rồi kéo nhau về lại quê hương cũ. Năm 586 trước công nguyên, vương triều Israel bị đại đế Nebuchadnezzar II đánh bại, thành Jerusalem bị đốt phá thành tro bụi. Toàn bộ dân cư Jerusalem bị dẫn độ về Babylon (Iraq), đây là cuộc di cư (exode) lớn nhất lịch sử nhân loại. Từ đó cứ mỗi lần nổi loạn thất bại trên những vùng đất mới, người Do Thái bị truy lùng giết hại, rồi lưu lạc khắp nơi trên khắp vùng Trung Đông, đông nhất là tại Ai Cập.
Năm 1860, một người Do Thái tên là Theodor Herzl được sinh ra ở Budapest, lớn lên ở Vienna (Áo). Ông trở thành một nhà văn, nhà báo, và cái chính là một sáng lập viên của phong trào Sion, sau này trở thành chủ nghĩa Sion (Sionism) chủ chương thành lập một nhà nước Do Thái độc lập ở Palestine. Ông đã viết cuốn sách cực nổi tiếng "Der Judenstaat" (Nhà nước Do Thái). Có thể nói cuốn sách này đã thu hút tâm trí của 99,99% người Do Thái. Rất tiếc cho ông, ông đã không sống đến ngày ra đời của Nhà nước Do Thái. Ông mất năm 1904. Có thể nói là người Do Thái đã bị tàn sát, truy đuổi khắp nơi trong vòng vài trăm năm và đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ II (6 triệu người bị giết). Cũng có thể nói là không một dân tộc nào có tinh thần dân tộc cao như dân Do Thái. Chủ nghĩa Sion đã thôi thúc họ quyết thành lập nhà nước Do Thái.
Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 181, còn gọi Bản Đồ phân chia Palestine thành một nhà nước Do Thái và một nhà nước Ả rập với Jerusalem đặt dưới sự quản trị của quốc tế. 13 nước chống (chủ yếu là các nước Ả rập) chủ chương chỉ thành lập một nhà nước Ả rập. Trên cơ sở đó, năm 1948, Israel tuyên ngôn độc lập.
"Một nhà hai chủ bất hòa. Hai vua một nước ắt là phải đánh nhau". Cứ như thế hai bên đánh nhau triền miên từ mấy chục năm nay, lôi kéo thêm nhiều nước xung quanh. Vì đánh nhau, vì nhiều chiêu trò của các nước liên quan và những lý do địa chính trị, Palestine cho đến nay vẫn chưa được công nhận là một nhà nước. Trong một thời gian dài, thế giới lại trải qua chiến tranh lạnh, phân thành hai cực, mỗi cực ủng hộ một bên lại càng làm cho xung đột Do Thái-Palestine thêm bế tắc.
Lãnh thổ Israel và Palestine được Liên Hiệp Quốc phân chia nam 1947
Một yếu tố cần phải nói rõ để các bạn biết là Israel cũng có tham vọng quá lớn, từ mấy chục năm nay, họ liên tục tiến hành chiếm thêm những vùng đất mới, xâm thực vào sâu địa bàn cư trú của người Palestine. Có nhiều người cho đó là căn bệnh cancer của Israel. Họ gần như làm chủ mọi chuyện (Quân đội, Cảnh sát…) nên việc cướp đất là tương đối dễ dàng và tự coi là một hiển nhiên bất chấp sự lên án của thế giới Ả rập và cộng đồng thế giới. Những sự lấn chiếm đất đai đó gây căm phẫn trong lòng người Palestine và buộc họ phải phản kháng quyết liệt dưới mọi hình thức.
Chủ trương của những phe tranh đấu cho Palestine độc lập, gần như tất cả đều từ chối sự hiện diện của Nhà nước Do Thái và bằng mọi cách xóa tan nhà nước này. Vấn đề là những phần lãnh thổ của người Palestine do Liên Hiệp Quốc công nhận sau 1947 quá phân tán và quá nhỏ để có thể thành lập một quốc gia cho đúng nghĩa. Những phe Palestine chủ chiến thường tổ chức những cuộc đánh phá người Do Thái và bị trả đũa dữ dội, mội lần thua trận là bị Do Thái chiếm thêm đất để rồi trở thành hai khu vực riêng biệt như ngày nay : Dải Gaza và West Bank (Cisjordanie). Từ đó hai vùng đất Palestine này trở nên yếu đuối, nghèo nàn, lại còn chia rẽ nên không đủ khả năng đối chọi với lại được với Israel, phần lớn chỉ dùng gạch đá (intifada) chống lại xe bọc sắt và vũ khí tiên tiến của quân đội Do Thái (Tsahal). Riêng tại Gaza, những lãnh tụ chủ chiến tiến hành chiến tranh du kích và khủng bố.
Đây là tôi đang nói về vấn đề chung thôi nhé để các bạn hiểu rõ hơn tình hình. Đừng có cho rằng tôi ủng hộ khủng bố. Cũng nên đặt mình vào cương vị của người Palestine để hiểu tâm tư của họ : Dân tộc họ đã có mặt trên vùng đất này từ hàng nghìn năm, đùng một cái, có mấy ông Do Thái ở đâu đến nói rằng cách đây 3.000 năm là đất của chúng tôi. Nếu những ai ở trong tình trạng đó có chịu được không ?
Khi chiến tranh lạnh kết thúc, cơ hội hòa bình cũng đã đến, điển hình là cú bắt tay của Yasser Arafat, lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine Liberation Organization-PLO), với Yizhak Rabin, thủ tướng Israel vào ngày 19/03/1993. Cả hai ông đã có những cố gắng vượt bậc để ký kết hiệp ước Oslo làm cơ sở cho việc điều đình giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình. Nhưng rồi các thế lực cực đoan của cả hai bên đã phá tan những thành tựu này.
Kẻ phá hoại lớn nhất tiến trình hòa bình là tổ chức Hamas của Palestine. Mục tiêu tối thượng của nó là không đội trời chung với Israel, tiêu diệt nhà nước Israel. Hoạt động của chúng chỉ là khủng bố man rợ. Rất tiếc rằng PLO, được thế giới công nhận là người đại diện cho Palestine, nhưng về cuối cũng có nhiều biểu hiện thối nát, tham nhũng. Trong cuộc bầu cử năm 2006, dân Palestine đã bỏ phiếu cho Hamas thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội). Một sai lầm chết người của Palestine. Từ sau ngày đó Hamas xung đột dữ dội với Fatah (nhánh chính của PLO) và rồi chiếm luôn dải Gaza. Lực lượng Fatah chỉ còn làm chủ ở vùng West Bank (Cisjordanie).
Lãnh thổ Israel và Palestine ngày nay
Những nguyên nhân chính làm thất bại mọi tiến trình hòa bình ở Palestine :
- Cả hai bên, đặc biệt những thành phần cực đoan, có tham vọng quá lớn khiến không thể có "đất" để đàm phán.
- Cả hai bên đều lục đục nội bộ ghê gớm khó có một tiếng nói chung ngay bên phía mình.
- Các thế lực bên trong và bên ngoài tác động để giữ nguyên hiện trạng (đánh nhau hoài) vì mục đích riêng của họ. Trong hoàn cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc xung đột đẫm máu lần này đương nhiên là có lợi cho Nga. Chẳng cần nói thì ai cũng biết ai là kẻ đứng sau Hamas.
Vấn đề Israel-Palestine là cực nan giải và cũng rất khó có thể lấy lập trường cho bên nào. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải chấp nhận những việc đã rồi của lịch sử. Phải ủng hộ Israel bảo vệ sự an toàn của họ. Ủng hộ Palestine thành lập một nhà nước độc lập, ủng hộ Palestine chống sự bành trướng của Israel.
Ngày 7/10/2023, Hamas đã bắn hàng ngàn quả tên lửa, đồng thời tiến hành một cuộc đột nhập vào lãnh thổ Israel, khủng bố man rợ, giết hại rất nhiều thường dân, kể cả trẻ em, người già. Để đáp lại, Israel đã bắn phá dữ dội dải Gaza và có kế hoạch đánh chiếm toàn bộ dải Gaza để tiêu diệt Hamas. Hiện tại dải Gaza đã bị cắt điện nước và bị bao vây hoàn toàn. Bạo lực đã bị đáp lại bằng bạo lực (mạnh hơn). Mặc dù Israel có lực lượng áp đảo, nhưng cũng rất khó có thể tiêu diệt được Hamas vì Hamas ẩn trong dân. Có khoảng 2 triệu người ở đây, với một mật độ dân số được cho là cao nhất thế giới. Vậy mà bây giờ đây, những quả bom tấn đang rơi xuống đầu họ với tình trạng không điện, không nước, không được tiếp tế, cuộc sống rất là khó khăn.
Đa số dân Palestine ở dải Gaza ủng hộ Hamas, bây giờ chính dân Palestine tại đây bị thống khổ. Đây là một bài học vô cùng quý báu cho việc lựa chọn người đại diện của mình.
Hiện tại, để giải quyết vấn đề Israel-Palestine thì trước tiên phải giải quyết việc tiêu diệt khủng bố và chấm dứt sự bành trướng của Israel, coi trọng quyền lợi chính đáng của dân Palestine. Những công tác không dễ dàng cho bất cứ cấp lãnh đạo nào của Israele và Palestine.
Hoàng Quốc Dũng
(12/10/2023)