Dưới đây là bản dịch Việt ngữ lời phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng tại cuộc điều trần ngày 7 tháng 6, 2018 trước Quốc hội Hoa Kỳ.
----------------------
Kính thưa ông Chủ tịch và quí vị thành viên của Ủy Ban Đối Ngoại,
Xin cám ơn quí vị đã sử dụng phiên điều trần kịp thời này để làm nổi bật sự chú ý về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam. Tôi cũng xin cảm ơn quí vị vì đã tạo cơ hội này để tôi gặp lại một người bạn tốt, đó là Dinah PoKempner sau 25 năm xa cách. Chúng tôi đã làm việc chung với nhau để ngăn chặn hiểm hoạ cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam tại Hồng Kông.
Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã ghi nhận số lượng tù nhân lương tâm và sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn của chính phủ để buộc tín đồ của các giáo hội độc lập và không đăng ký với nhà nước từ bỏ đức tin của họ hoặc chuyển sang các tôn giáo do chính phủ tạo ra hoặc kiểm soát.
Chúng tôi ghi nhận hiện có khoảng 170 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, với khoảng một phần ba trong số họ là tù nhân tôn giáo. Trong năm tháng đầu năm 2018, có 23 người đấu tranh bảo vệ nhân quyền đã bị kết án tổng cộng 172 năm tù, kèm theo 41 năm bị quản thúc tại gia. Trong số đó, bốn thành viên của cùng một gia đình Phật giáo Hòa Hảo đang thụ án tổng cộng 17 năm tù. Cuộc đàn áp tàn bạo chống lại Phật tử Hòa Hảo được ghi trong báo cáo của Ủy ban điều hành Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, mà tôi xin phép được nộp kèm đây như là một phần của lời điều trần của tôi.
Điện Biên - Người theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi bản (ảnh Hmong United for Justice)
Chính phủ Việt Nam đã leo thang trong việc buộc các tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải từ bỏ đức tin của họ. Bắt buộc từ bỏ đức tin đã làm cho số thành viên của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, được thành lập bởi cựu tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Công Chính, giảm mạnh từ mức cao 1.500 chỉ 18 tháng trước để nay chỉ còn 500 tín đồ. Ít nhất 1.100 gia đình người H'Mông ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã bị từ chối giấy chứng minh nhân dân và bị trục xuất khỏi làng vì họ từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo của họ. Hoàn cảnh của họ được mô tả chi tiết trong một báo cáo của tổ chức Người Hmong Đoàn Kết Cho Công lý, mà tôi xin phép đưa vào hồ sơ của buổi điều trần này.
Yêu cầu đăng ký là công cụ mạnh nhất của chính phủ để buộc các thành viên của các tôn giáo không đăng ký từ bỏ đức tin của họ và/hoặc tham gia các tôn giáo do chính phủ dựng lên hoặc kiểm soát. Điều nầy đánh dấu sự suy giảm hoặc tiêu vong của các tôn giáo độc lập nhưng thường bị nhầm lẫn như dấu hiệu là tự do tôn giáo đang cải thiện.
Một ví dụ điển hình là sự ép hàng triệu tín đồ Cao Đài cải đạo hàng loạt, một điều đã lọt ra khỏi sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong suốt hai thập kỷ qua. Năm 1978, chính phủ Việt Nam đã xoá bỏ Giáo hội Cao Đài. Sau đó vào năm 1997, theo chỉ thị của Đảng Cộng sản, chính phủ đã tạo ra một chi phái hoàn toàn mới, vốn phủ nhận tín lý căn bản nhất của Đạo Cao Đài, đó là sự cộng thông trực tiếp giữa Đức Chí Tôn và nhân loại thông qua cơ bút. Để dễ tham khảo, tôi sẽ gọi chi phái do chính phủ dựng lên này là Chi Phái 1997.
Ông Nguyễn Thành Tám, người được nhà nước cộng sản Việt Nam đưa lên cầm đầu Chi Phái 1997 (ảnh Chi Phái 1997)
Được hỗ trợ bởi chính phủ, chi phái này đã chiếm đoạt một cách có hệ thống các thánh thất Cao Đài trên khắp đất nước bằng vũ lực và bạo lực với sự tiếp tay của công an và những tên côn đồ. Trong hơn 8 năm, những người theo đạo Cao Đài ở Sài Gòn phải cử hành lễ trên vỉa hè bên ngoài ngôi thánh thất của họ sau khi nó bị chiếm đoạt bởi chi phái do chính phủ dựng lên. Vào năm 2012, các thành viên của chi phái ấy, với sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ và những tên côn đồ, đã chiếm đoạt thánh thất Cao Đài ở Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bằng vũ lực. Vị lãnh đạo địa phương của Chi Phái 1997 đổ xăng lên người một tín đồ Cao Đài trẻ tuổi và chuẩn bị châm lửa khi các đồng đạo ngăn ông ta lại. Trong số hàng trăm ngôi thánh thất Cao Đài, trừ 15 cái tất cả đều đã bị chiếm đoạt bởi chi phái do chính phủ dựng lên.
Để ép buộc những người theo đạo Cao Đài cải đạo, Chi Phái 1997 thường xuyên quấy phá các sinh hoạt tôn giáo tại tự gia của các tín đồ Cao Đài. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2015, các thành viên của chi phái nầy, cùng với cảnh sát, công an và những tên côn đồ, xông vào nhà của một nữ tín đồ Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh, ngăn cản buổi lễ đang diễn ra và đạp đổ mâm thức dành cho quan khách bởi vì nữ tín đồ ấy không xin phép Chi Phái 1997 trước. Chúng tôi đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp tương tự ở các tỉnh, thành khác nhau. Cách đây chưa đầy 5 tháng, Chi Phái 1997 đã ngăn chặn việc chôn cất một tín đồ Cao Đài 78 tuổi vì các thành viên trong gia đình của người quá cố đã mời các chức sắc Cao Đài đến dự đám tang. Tuần trước, chúng tôi nhận được các báo cáo cho hay rằng nhiều ngôi mộ của những người theo Cao Đài bị phá rỡ bởi Chi Phái 1997.
Chi phái do chính phủ dựng lên khác với Đạo Cao Đài trong mọi khía cạnh : tín lý, tên, điều lệ, luật đạo, cấu trúc tổ chức... Tuy nhiên, nó lại chiếm cả Tòa thánh và sử dụng tiêu đề thư, con dấu, và các hình tượng của Đạo Cao Đài trong tất cả các giao dịch và ấn phẩm. Do đó, các chính quyền ngoại quốc đã nhầm lẫn nó với Đạo Cao Đài, và hiểu sai rằng các hoạt động của nó là nhiều tự do tôn giáo hơn cho những người theo Đạo Cao Đài. Điều này tương tự như một giáo phái không công nhận Đấng Christ là con của Đức Chúa Trời, chiếm lấy Toà Thánh Vatican, bức hại những người Công giáo và tự thể hiện mình là Giáo hội Công giáo. Và cộng đồng quốc tế đã bị lừa.
Luật mới về tín ngưỡng và tôn giáo thậm chí còn yêu cầu đăng ký nghiêm ngặt hơn và sẽ cấp cho chính quyền địa phương nhiều quyền hạn hơn để thắt siết các tôn giáo độc lập và không đăng ký, vốn đại diện cho đại đa số người có đức tin ở Việt Nam. Cách đây ba tuần, chính quyền xã Liên Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chính thức tuyên bố rằng, theo luật mới, từ giờ vị linh mục chánh xứ không được làm lễ tại nhà riêng của các giáo dân. Trong trường hợp của Đạo Cao Đài, luật mới chắc chắn sẽ tạo thêm thuận lợi cho kẻ mạo danh, nhận mình là Đạo Cao Đài.
Ông Nguyễn Đình Thắng điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 7/6/2018 (ảnh từ video của Quốc hội Hoa Kỳ).
Vì tất cả những điều kể trên, tôi khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ :
(1) Tái chỉ định Việt Nam là quốc gia đặc biệt quan tâm (CPC) hoặc, ít ra, đặt Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi về tự do tôn giáo quốc tế ;
(2) Áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Luật Magnitsky Toàn Cầu và Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lên các quan chức chính phủ và các tác nhân phi chính phủ, như các Hội Cờ Đỏ và Chi Phái 1997, chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ;
(3) Áp lực Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện và sửa đổi luật của họ, bao gồm Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo, nhằm tuân thủ tất cả các hiệp ước nhân quyền mà Việt Nam là quốc gia thành viên ;
(4) Phối hợp với các chính phủ cùng chí hướng để nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về các vấn đề nhân quyền tại phiên Kiểm Định Định Kỳ Phổ Quát về Việt Nam, được tổ chức vào tháng 1 năm 2019 ; và
(5) Tiếp xúc với các cộng đồng tôn giáo không đăng ký qua các buổi họp bàn tròn thường xuyên với các đại diện của họ tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS
Nguồn : machsongmedia.com, 12/06/2018
200 nghị sĩ Mỹ kiện Tổng thống Trump nhận tiền từ nước ngoài (BBC, 14/05/2017)
Gần 200 thành viên Quốc hội Mỹ cùng tham gia đơn kiện Tổng thống Donald Trump vì nhận tiền của các chính phủ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp của ông Trump.
Khách sạn Trump International ở Washington DC được nhắm đến cho các nhà ngoại giao nước ngoài
Ít nhất 30 thượng nghị sĩ và 166 hạ nghị sĩ tham gia.
Họ cáo buộc ông Trump vi phạm hiến pháp cấm nhận tiền khi chưa có sự đồng ý của quốc hội.
Đơn kiện nói từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump chưa xin quốc hội thông qua các khoản tiền mà các công ty của ông đã nhận từ chính phủ nước ngoài.
Họ nói đây là đơn kiện lớn nhất của các nghị sĩ đối với một tổng thống Mỹ.
Nhiều viên chức nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng đang kiện ông Trump trong các vụ tương tự.
Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Maryland và Quận Columbia cũng đã loan báo đơn kiện hôm thứ Hai.
Nhà Trắng bác bỏ mọi cáo buộc.
Tổ chức toàn cầu của ông Trump gồm đến hơn 500 doanh nghiệp như khách sạn, sân golf, bất động sản, có liên hệ làm ăn với các chính phủ nước ngoài.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chuyển việc kiểm soát hàng ngày doanh nghiệp cho một quỹ của các con trai.
Nhưng ông không bán các doanh nghiệp và các nhà chỉ trích nói lẽ ra ông phải làm điều này để tránh xung đột lợi ích.
Luật sư của tổng thống nói quy định trong hiến pháp chỉ cấm quan chức nhận quà của nước ngoài, chứ không áp dụng cho các khoản tiền như trả tiền phòng khách sạn.
********************
Bộ trưởng tư pháp Mỹ chối quanh về hồ sơ Nga (RFI, 14/06/2017)
Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions hôm qua 13/06/2017 đã điều trần gần ba tiếng đồng hồ trước Thượng Viện về hồ sơ Nga. Ông bộ trưởng nhiều lần khẳng định sự trung thực của mình, và bác bỏ mọi cáo buộc thông đồng với Moskva. Lấy cớ là có bổn phận giữ bí mật, ông Jeff Sessions nhiều lần từ chối trả lời câu hỏi của các thượng nghị sĩ.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần trước Thượng Viện về hồ sơ liên quan tới Nga tại Washington ngày 13/06/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
Ông Jeff Sessions đã trở thành bậc thầy trong nghệ thuật né đòn, và việc ông từ chối trả lời đã làm các thượng nghị sĩ Dân Chủ bực tức. Bộ trưởng tư pháp đã sử dụng mọi phương cách có được để kéo dài thời gian với các câu trả lời : "phải giữ bí mật về các cuộc đối thoại với tổng thống, không biết các sự kiện, không nhớ được…".
Về các cuộc gặp gỡ đại sứ Nga Kislyak, người ta chẳng biết được gì cả. Nhưng cũng chính vì lý do này mà ông bộ trưởng bị đặt ra ngoài cuộc điều tra về hồ sơ Nga.
Sau cuộc điều trần dài gần ba tiếng đồng hồ, công chúng chẳng biết thêm gì nhiều. Nếu ông bộ trưởng đã khuyến cáo sa thải giám đốc FBI, đó là vì ông Comey đã không khởi tố bà Hillary Clinton về vụ email. Và ngược lại nếu tổng thống viết trên Twitter là ông James Comey bị cách chức vì hồ sơ Nga, thì đó là quyết định của ông Trump.
Bộ trưởng tư pháp chối bỏ mọi sự thông đồng của ê-kíp ông Trump với Nga, và đặt tay lên ngực để khẳng định sự trung thực của mình. Cuối cùng, Jeff Sessions cho biết không có ý định cách chức biện lý đặc biệt Robert Mueller.
Thông tin duy nhất có thể làm mọi người đều đồng ý, đó là việc tin tặc Nga tấn công trong chiến dịch tranh cử - một chủ đề chính hiếm khi được nêu ra trong cuộc điều trần này, rốt cuộc cũng được nhắc đến.
Thụy My
************************
Mỹ : Bộ trưởng tư pháp ra điều trần về liên hệ với Nga (RFI, 13/06/2017)
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần trước Thượng Viện ngày 13/06/2017, về hồ sơ liên hệ với Nga và những vấn đề còn mập mờ sau những lời chứng của cựu giám đốc FBI James Comey trong buổi điều trần ngày 08/06/2017.
Jeff Sessions trong cuộc điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 08/01/2017 để được chấp thuận làm bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ. REUTERS/Kevin Lamarque/File Photo
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomacio, cho biết thêm chi tiết.
"Tại sao bộ trưởng tư pháp lại gặp đại sứ Nga tại Mỹ nhiều lần trong lúc diễn ra cuộc vận động tranh cử tổng thống ? Tại sao ông Jeff Sessions đã không nói đến những cuộc gặp này lúc ông được đề cử ? Những điều này đã khiến ông bị gạt ra bên ngoài cuộc điều tra.
Giờ đây ông có xác nhận những gì James Comey đã điều trần hay không ? Ông đã có ra khỏi Phòng Bầu Dục để cho cựu giám đốc FBI James Comey nói chuyện một mình với tổng thống hay không ? Cuộc điều trần của bộ trưởng Jeff Sessions sẽ công khai như theo yêu cầu của ông, và các thượng nghị sĩ, như Lindsey Graham, có nhiều câu hỏi : Nếu bộ trưởng tư pháp làm chính trị, điều này không hay cho mọi người. Tôi muốn truy vấn đề này đến cùng, trước Thượng Viện. Tôi muốn biết những gì Comey nói có đúng hay không. Có phải là ngài bộ trưởng đã tạo ra một tình huống khiến ông không thể đánh giá một cách điềm tĩnh những gì diễn ra giữa tổng thống và ông Comey hay không.
Vấn đề là vị bộ trưởng, do vai trò của ông trong chính quyền, có thể nêu lên quyền được giữ im lặng nếu những câu hỏi của các thượng nghị sĩ làm ông khó chịu.
Cuộc điều trần có tầm quan trọng đặc biệt đối với ông Jeff Sessions, nguyên là thượng nghị sĩ đầu tiên đứng về phía ứng cử viên Trump, nhưng đã phải chịu cơn thịnh nộ của tổng thống vì ông Trump rất bực tức sau khi một nhà điều tra đặc biệt được đề cử để xem xét nghi án Nga".
California chận sắc lệnh nhập cư thứ hai của tổng thống Trump
Ngày 12/06/2017, tòa phúc thẩm liên bang tại California đã bác sắc lệnh nhập cư thứ hai của chính quyền Trump. Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết, giống như bang Maryland, ba thẩm phán California cho rằng sắc lệnh mang tính kỳ thị chủng tộc và đi ngược với tinh thần của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Theo sắc lệnh của tổng thống Mỹ, công dân sáu nước Iran, Syria, Yemen, Somalia, Soudan và Libya bị cấm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tòa California cho phép chính quyền tăng cường kiểm soát tiền sử của mọi du khách nước ngoài. Nhà Trắng đã đệ đơn kháng án lên tòa án tối cao song cơ quan này chưa chấp nhận xem xét vụ việc.
Mai Vân
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã phức tạp hoá thêm vấn đề vốn đã gây nhiều tranh cãi và chia rẽ, đó là liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và có liên lạc với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes nói chyện với các phóng viên báo chí bên ngoài Tòa Bạch Ốc ngày 22/3/2017.
Đại biểu Đảng Cộng hoà Devin Nunes nói với các phóng viên báo chí :
"Các báo cáo tôi vừa đọc khiến tôi quan tâm và Tổng thống cũng nên quan tâm về vấn đề này".
Điều gây quan tâm cho ông Nunes, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, là những sự liên lạc tiếp xúc của các thành viên trong ban chuyển tiếp của ông Trump, và ngay cả của chính ông, lúc đó là tổng thống tân cử, bị phơi bày trong các hoạt động theo dõi hợp pháp của các cơ quan tình báo Mỹ.
Ông Nunes có một quyết định hết sức bất thường là đích thân nói chuyện riêng với Tổng thống Trump.
Ông Nunes nói : "Cá nhân tổng thống và những người khác trong ban chuyển tiếp của ông bị nêu tên cụ thể trong các báo cáo tình báo mà cuối cùng được đưa đến Tòa Bạch Ốc và thông qua hàng loạt các cơ quan chính phủ khác".
Ông Nunes nói rằng những sự tiếp xúc đó không có dính líu gì đến cuộc điều tra để xác định liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, hoặc có liên hệ gì với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không. Mặc dù các hoạt động theo dõi được thực hiện một cách hợp pháp, ông Nunes lo ngại về danh tính của các giới chức và nội dung các liên lạc bị các giới chức tình báo xử lý không đúng cách.
Việc này xảy ra hai ngày sau khi Giám đốc FBI James Comey, xác nhận đang có cuộc điều tra về những mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga, và bác bỏ lời cáo buộc trên Twitter của ông Trump rằng người tiền nhiệm của ông, tức Tổng thống Barack Obama, đã nghe lén điện thoại văn phòng ông trong cuộc bầu cử.
Ông James Comey nói : "Tôi không có thông tin nào có thể hậu thuẫn các tin nhắn Twitter đó. Chúng tôi đã điều tra kỹ lưỡng bên trong FBI".
Ông Nunes nói có khả năng ông Trump đã đúng khi viết các tin nhắn Twitter đó. Trả lời câu hỏi liệu ông có cảm thấy được minh oan hay không ?
Tổng thống Trump nói : "Có, trong một chừng mực nào đó. Tôi phải nói với quý vị rằng tôi cảm thấy có phần nào được minh oan. Tôi đanh giá cao việc họ tìm được những thông tin đó".
Hành động của ông Nunes khiến cho người đứng đầu ủy ban tình báo Hạ viện bên đảng Dân chủ tỏ ra "hết sức hoài nghi" về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ông Adam Schiff, đại biểu Dân chủ của Ủy ban Tình báo Hạ viện, phát biểu :
"Ông chủ tịch ủy ban cần phải xác định rõ hoặc ông là chủ tịch của một cuộc điều tra độc lập để xác minh những cáo buộc về sự câu kết giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga hoặc ông hành động như một đại diện cho Tòa Bạch Ốc".
Còn có những lo ngại khác, như cách thức của cộng đồng tình báo xử lý những cái gọi là liên lạc ngẫu nhiên, hay những thông tin không được chính thức cho phép thu thập.
Ông Michael Desch của Đại học Notre Dame nói với đài VOA :
"Điều khoản 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài nó giống như một cái máy hút bụi khổng lồ hút đủ mọi thứ vào, kể cả những thông tin của công dân Mỹ, và tôi không rõ liệu cách thức làm việc đó của Cơ quan An ninh Quốc gia có hữu hiệu hay không".
Ông Nunes không cho biết ông nhận được các báo cáo tình báo từ đâu. Ông dự kiến sẽ nhận thêm báo cáo trước ngày thứ Sáu và tất cả những báo cáo đó sẽ được đưa ra trước cuộc họp của Ủy ban Tình báo vào thứ Hai tới.
Jeff Seldin