200 nghị sĩ Mỹ kiện Tổng thống Trump nhận tiền từ nước ngoài (BBC, 14/05/2017)
Gần 200 thành viên Quốc hội Mỹ cùng tham gia đơn kiện Tổng thống Donald Trump vì nhận tiền của các chính phủ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp của ông Trump.
Khách sạn Trump International ở Washington DC được nhắm đến cho các nhà ngoại giao nước ngoài
Ít nhất 30 thượng nghị sĩ và 166 hạ nghị sĩ tham gia.
Họ cáo buộc ông Trump vi phạm hiến pháp cấm nhận tiền khi chưa có sự đồng ý của quốc hội.
Đơn kiện nói từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump chưa xin quốc hội thông qua các khoản tiền mà các công ty của ông đã nhận từ chính phủ nước ngoài.
Họ nói đây là đơn kiện lớn nhất của các nghị sĩ đối với một tổng thống Mỹ.
Nhiều viên chức nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng đang kiện ông Trump trong các vụ tương tự.
Bộ trưởng tư pháp tiểu bang Maryland và Quận Columbia cũng đã loan báo đơn kiện hôm thứ Hai.
Nhà Trắng bác bỏ mọi cáo buộc.
Tổ chức toàn cầu của ông Trump gồm đến hơn 500 doanh nghiệp như khách sạn, sân golf, bất động sản, có liên hệ làm ăn với các chính phủ nước ngoài.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã chuyển việc kiểm soát hàng ngày doanh nghiệp cho một quỹ của các con trai.
Nhưng ông không bán các doanh nghiệp và các nhà chỉ trích nói lẽ ra ông phải làm điều này để tránh xung đột lợi ích.
Luật sư của tổng thống nói quy định trong hiến pháp chỉ cấm quan chức nhận quà của nước ngoài, chứ không áp dụng cho các khoản tiền như trả tiền phòng khách sạn.
********************
Bộ trưởng tư pháp Mỹ chối quanh về hồ sơ Nga (RFI, 14/06/2017)
Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions hôm qua 13/06/2017 đã điều trần gần ba tiếng đồng hồ trước Thượng Viện về hồ sơ Nga. Ông bộ trưởng nhiều lần khẳng định sự trung thực của mình, và bác bỏ mọi cáo buộc thông đồng với Moskva. Lấy cớ là có bổn phận giữ bí mật, ông Jeff Sessions nhiều lần từ chối trả lời câu hỏi của các thượng nghị sĩ.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần trước Thượng Viện về hồ sơ liên quan tới Nga tại Washington ngày 13/06/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
Ông Jeff Sessions đã trở thành bậc thầy trong nghệ thuật né đòn, và việc ông từ chối trả lời đã làm các thượng nghị sĩ Dân Chủ bực tức. Bộ trưởng tư pháp đã sử dụng mọi phương cách có được để kéo dài thời gian với các câu trả lời : "phải giữ bí mật về các cuộc đối thoại với tổng thống, không biết các sự kiện, không nhớ được…".
Về các cuộc gặp gỡ đại sứ Nga Kislyak, người ta chẳng biết được gì cả. Nhưng cũng chính vì lý do này mà ông bộ trưởng bị đặt ra ngoài cuộc điều tra về hồ sơ Nga.
Sau cuộc điều trần dài gần ba tiếng đồng hồ, công chúng chẳng biết thêm gì nhiều. Nếu ông bộ trưởng đã khuyến cáo sa thải giám đốc FBI, đó là vì ông Comey đã không khởi tố bà Hillary Clinton về vụ email. Và ngược lại nếu tổng thống viết trên Twitter là ông James Comey bị cách chức vì hồ sơ Nga, thì đó là quyết định của ông Trump.
Bộ trưởng tư pháp chối bỏ mọi sự thông đồng của ê-kíp ông Trump với Nga, và đặt tay lên ngực để khẳng định sự trung thực của mình. Cuối cùng, Jeff Sessions cho biết không có ý định cách chức biện lý đặc biệt Robert Mueller.
Thông tin duy nhất có thể làm mọi người đều đồng ý, đó là việc tin tặc Nga tấn công trong chiến dịch tranh cử - một chủ đề chính hiếm khi được nêu ra trong cuộc điều trần này, rốt cuộc cũng được nhắc đến.
Thụy My
************************
Mỹ : Bộ trưởng tư pháp ra điều trần về liên hệ với Nga (RFI, 13/06/2017)
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần trước Thượng Viện ngày 13/06/2017, về hồ sơ liên hệ với Nga và những vấn đề còn mập mờ sau những lời chứng của cựu giám đốc FBI James Comey trong buổi điều trần ngày 08/06/2017.
Jeff Sessions trong cuộc điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 08/01/2017 để được chấp thuận làm bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ. REUTERS/Kevin Lamarque/File Photo
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomacio, cho biết thêm chi tiết.
"Tại sao bộ trưởng tư pháp lại gặp đại sứ Nga tại Mỹ nhiều lần trong lúc diễn ra cuộc vận động tranh cử tổng thống ? Tại sao ông Jeff Sessions đã không nói đến những cuộc gặp này lúc ông được đề cử ? Những điều này đã khiến ông bị gạt ra bên ngoài cuộc điều tra.
Giờ đây ông có xác nhận những gì James Comey đã điều trần hay không ? Ông đã có ra khỏi Phòng Bầu Dục để cho cựu giám đốc FBI James Comey nói chuyện một mình với tổng thống hay không ? Cuộc điều trần của bộ trưởng Jeff Sessions sẽ công khai như theo yêu cầu của ông, và các thượng nghị sĩ, như Lindsey Graham, có nhiều câu hỏi : Nếu bộ trưởng tư pháp làm chính trị, điều này không hay cho mọi người. Tôi muốn truy vấn đề này đến cùng, trước Thượng Viện. Tôi muốn biết những gì Comey nói có đúng hay không. Có phải là ngài bộ trưởng đã tạo ra một tình huống khiến ông không thể đánh giá một cách điềm tĩnh những gì diễn ra giữa tổng thống và ông Comey hay không.
Vấn đề là vị bộ trưởng, do vai trò của ông trong chính quyền, có thể nêu lên quyền được giữ im lặng nếu những câu hỏi của các thượng nghị sĩ làm ông khó chịu.
Cuộc điều trần có tầm quan trọng đặc biệt đối với ông Jeff Sessions, nguyên là thượng nghị sĩ đầu tiên đứng về phía ứng cử viên Trump, nhưng đã phải chịu cơn thịnh nộ của tổng thống vì ông Trump rất bực tức sau khi một nhà điều tra đặc biệt được đề cử để xem xét nghi án Nga".
California chận sắc lệnh nhập cư thứ hai của tổng thống Trump
Ngày 12/06/2017, tòa phúc thẩm liên bang tại California đã bác sắc lệnh nhập cư thứ hai của chính quyền Trump. Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết, giống như bang Maryland, ba thẩm phán California cho rằng sắc lệnh mang tính kỳ thị chủng tộc và đi ngược với tinh thần của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Theo sắc lệnh của tổng thống Mỹ, công dân sáu nước Iran, Syria, Yemen, Somalia, Soudan và Libya bị cấm vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tòa California cho phép chính quyền tăng cường kiểm soát tiền sử của mọi du khách nước ngoài. Nhà Trắng đã đệ đơn kháng án lên tòa án tối cao song cơ quan này chưa chấp nhận xem xét vụ việc.
Mai Vân