Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/12/2018

Hàng ngàn người Việt ở Mỹ có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam

Thạch Đạt Lang

Hàng ngàn người Việt ở Mỹ đang có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, trong số này có cả những người đã tới Mỹ trước ngày 12/07/1995, tức ngày Mỹ và Việt Nam chính thức bang giao với nhau.

my0

Chính quyền của Trump đã tự ý thay đổi điều khoản căn bản của hiệp ước ký năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam, theo đó họ có thể bị trục xuất về Việt Nam, không hề được miễn trừ, cho dù đã ở Mỹ vài chục năm, có quốc tịch hay không.

Theo một hiệp ước thỏa thuận giữa chính phủ 2 nước vào năm 2008, Việt Nam sẽ phải đón nhận tất cả những người bị Mỹ giao trả do vi phạm những tội hình sự, bị kết án, ngoại trừ những người đến Mỹ trước ngày 12/07/1995 .

Thỏa thuận này vừa bị nội các của ông Trump đơn phương diễn giải theo ý họ trong một thông báo mới đây. Chính quyền của Trump đã tự ý thay đổi điều khoản căn bản của hiệp ước ký năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam là người Việt Nam nhập cư vào Mỹ trước 12/07/1995 – ngày có bang giao chính thức Mỹ-Việt - không bị chế tài theo luật di dân như các thành phần khác. Điều đó có nghĩa là theo luật mới, họ có thể bị trục xuất về Việt Nam, không hề được miễn trừ, cho dù đã ở Mỹ vài chục năm, có quốc tịch hay không.

Tháng 8 năm nay, nội các của ông Donald Trump đã nêu vấn đề này ra nhưng sau đó rút lại, nay có lẽ theo ý muốn của ông Trump, đã đến lúc họ tìm cách thi hành lệnh trục xuất không cần căn cứ vào sự thỏa thuận vào đầu năm 2017 hoặc hiệp ước năm 2008.

James Thrower, phát ngôn viên của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết, việc trục xuất những người Việt Nam là di dân bất hợp pháp hay phạm tội hình sự ở Mỹ sẽ không có ngoại lệ, ngay cả khi họ đã có quốc tịch.

Như vậy những người đã phạm tội hình sự, nặng hoặc nhẹ, qua Mỹ trước khi hai nước có bang giao chính thức vẫn bị trục xuất như tất cả những người khác, không phân biệt tình trạng cư trú hoặc quốc tịch. Hiệp ước ký kết năm 2008 sẽ không còn bảo vệ cho họ nữa.

Chính sách di dân khắc nghiệt và những sắc luật kỳ thị của Donald Trump đã bị lên án khắp nơi. Tại California, nơi có đông người Việt cư ngụ nhất, nhiều dân biểu, liên bang cũng như tiểu bang đã lên tiếng phản đối kế hoạch đàm phán lại giữa Mỹ và Việt Nam về việc trục xuất có mục đích thay đổi điều khoản căn bản của hiệp ước năm 2008.

Ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014 đến 2017 đã từ chức năm ngoái khi chính quyền Trump gây sức ép, yêu cầu ông phải thúc đẩy chế độ cộng sản Việt Nam nhận lại 8.000 người mà Mỹ muốn trục xuất, đa số trong họ là những thuyền nhân chạy trốn chế độ cộng sản trước ngày 12/07/1995.

Dưới thời tổng thống Barack Obama, chính sách di dân chỉ có mục đích trục xuất những người phạm tội đại hình như giết người, cướp của, hiếp dâm... hay có biểu hiện nguy hiểm cho an ninh quốc gia thì dưới thời Donald Trump, chính sách này được diễn giải theo chiều hướng cực kỳ bất lợi cho di dân kể cả người Việt Nam. Một tội tiểu hình như lái xe khi say rượu, ấu đã, hành hung người khác... cũng có thể bị ghép tội và trục xuất cho dù đã có giấy phép thường trú (Greencard) hay đã nhập tịch Mỹ.

Trong lúc một số dân biểu liên bang như Lou Correa, Alan Lowenthal, dân biểu tiểu bang Tom Umberg… lên tiếng phản đối dự tính thay đổi hiệp ước trục xuất người Việt được ký vào năm 2.008 thì một số người Việt cuồng Trump lại lôi những bài báo cũ của Lou Dobbs do Fox News phổ biến, phê phán, chỉ trích và vu khống người Mễ nhập cư phát tán rộng rãi trên email và mạng xã hội.

Nếu cuộc đàm phán nhằm thay đổi điều lệ căn bản của hiệp ước năm 2008 giữa chính quyền Trump với chế độ cộng sản Việt Nam thành công, tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ đều có nguy cơ có thể bị trục xuất nếu đã từng vi phạm một lỗi lầm nhỏ trong quá khứ như khai man tuổi tác khi đến Mỹ, lái xe khi say rượu (dù chưa gây ra tai nạn)…

Một chiến dịch thu thập chữ ký đã được phát độngđể phản đối việc xóa bỏ điều lệ căn bản - nhằm bảo vệ những người Việt Nam đến Mỹ trước 12/07/1995 - của hiệp ước về trục xuất người Việt Nam được ký kết năm 2008.

Thạch Đạt Lang

(15/12/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Đạt Lang
Read 964 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)