Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

18/12/2018

Donald Trump và món quà cuối năm cho cộng đồng người Việt hải ngoại

Thạch Đạt Lang

Có lẽ để cám ơn cộng đồng Nguyễn Việt hải ngoại đã nhiệt tình ủng hộ ông và đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump đã gửi đến cộng đồng Nguyễn Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ một "món quà", hai tuần lễ trước khi hết năm 2018. "Món quà" đó là việc nội các của ông Trump đang tìm cách trục xuất khoảng hơn 8.000 người Việt gồm những người cư trú bất hợp pháp hoặc hợp pháp nhưng đã phạm tội hình sự – không cần biết những người này đến Mỹ trong thời gian nào.

tinan1

Một người Việt tại Mỹ phản đối dự định của chính quyền Donald Trump trong việc trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995.

Trong số hơn 8.000 người này, có nhiều người đến Mỹ hợp pháp (có greencard) trước ngày 12/07/1995 là ngày Mỹ và Việt Nam chính thức lập lại bang giao - những người theo thỏa thuận đã ký vào tháng giêng năm 2008 giữa chính phủ hai nước - không nằm trong diện bị trục xuất cho dù họ đã phạm tội hình sự, đã thọ án.

Không bàn đến việc người Mỹ lo lắng, sốt sắng loan tin, tìm cách vận động phản đối chính sách di dân khắc nghiệt, kỳ thị sắc tộc của chính quyền Donald Trump, chỉ nói đến thái độ thờ ơ, dững dưng, thậm chí đồng ý ủng hộ việc trục xuất của một số người Việt cuồng Trump.

Trong lúc các tờ báo như The Atlantic, Independent, nhanh chóng đưa tin, sau đó là 22 dân biểu ở hạ viện liên bang thuộc đảng Dân Chủ lên tiếng về "món quà cuối năm" của ông Trump, cùng lúc một số dân cử địa phương trong vùng Little Saigon, như Thượng nghị sĩ Tom Umberg vừa đắc cử trong tháng 11/2018, Dân biểu California Tyler Diệp, Giám sát viên Orange County Andrew Đỗ, và Nghị viên Westminster Sergio Contreras gởi thông cáo báo chí đến nhật báo Người Việt cho biết rất quan tâm cũng như phản đối dự định của chính quyền Donald Trump trong việc trục xuất người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995.

Chưa thấy chức sắc lãnh đạo các hội đoàn, tổ chức trong cộng đồng người Việt tị nạn tai Orange County lên tiếng, những nhân vật chống cộng mạnh mẽ, quyết liệt nhất của cộng đồng cũng hoàn toàn im hơi, lặng tiếng. Dường như họ xem chuyện trục xuất đồng hương như chuyện của ai, không liên hệ, dính dáng gì đến mình.

Báo Calitoday online cho biết có một cuộc biểu tình tại thương xá Phước Lộc Thọ vào sáng thứ bẩy 15/12/2018 quy tụ khoảng hơn 100 người để phản đối "món quà" cuối năm của ông Trump gửi đến cho cộng đồng.

Ở một quận hạt như Orange County với gần 200.000 người Việt Nam, một cuộc biểu tình phản đối việc trục xuất đồng hương theo chính sách di dân của Donald Trump chỉ quy tụ được hơn 100 người là điều đáng suy nghĩ. Phải chăng người Việt dù sống ở bất cứ đâu, chẳng riêng gì trong nước cũng trở nên thờ ơ, vô cảm với những gì xẩy ra chung quanh trong xã hội, trong cộng đồng với số phận đồng hương ?

Sẽ có bao nhiêu người đặt câu hỏi : Tại sao chính sách di dân khắc nghiệt đầy kỳ thị của ông Trump giờ đây lại nhắm vào người Việt Nam, nhóm di dân có đến 64% ủng hộ ông và đảng Cộng Hòa ? Sẽ có bao nhiêu người đi tìm câu trả lời ?

Muốn có câu trả lời, chỉ cần đi dạo một vòng trên facebook, vào các trang của những người đã từng phong thánh cho Trump, ủng hộ đảng Cộng Hòa một cách cuồng nhiệt sẽ đọc được những stt, ý kiến ủng hộ chính sách trục xuất người Việt của ông Donald Trump.

Những người hoạt động trong các tổ chức vận động, kêu gọi chống lại lệnh trục xuất nguời Việt của ông Donald Trump như Asian American Advancing Justice (AAAJ) và Southeast Asia Resources Action Center (SEARAC) chắc không thể nào ngờ được rằng trong khi cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam, Ted Osius từ chức năm 2017 để phản đối chính sách kỳ thị này thì lại có một số người Việt cuồng Trump ủng hộ với những lý lẽ vô nhân, phản cảm.

Trong danh sách hơn 8.000 ngưởi có lệnh trục xuất có nhiều người chỉ phạm những tội tiểu hình nhỏ đã bị tuyên án, thọ án, trở về đời sống bình thường, có gia đình và làm ăn luong thiện giờ đây phải đối mặt với lệnh trục xuất.

Hơn thế nữa, khi cần trục xuất, việc diễn giải thế nào là tội hình sự chắc chắn sẽ tùy thuộc vào những sắc lệnh riêng của ông Trump. Một lần khai man giảm tuổi, lái xe khi say rượu (dù chưa gây ra tai nạn), trốn thuế, hành hung gây thương tích cho người khác... rất dễ dàng bị kết tội, kết án tù và trục xuất.

"Món quà" ông Trump gửi đến cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ do đó có lẽ chỉ mang đến niềm vui cho những người đã bỏ phiếu cho ông, cho đảng Cộng Hòa, những người không còn lòng vị tha, bác ái, không có sự cảm thông vào ngày những người theo đạo Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới hân hoan, vui mừng đón nhận sự tái sinh của chúa Jesus.

"Món quà" cuối năm này ở một góc nhìn khác, đã gây ra một chấn thương tâm lý làm hoang mang, sợ hãi cho một số gia đình người Việt trong cộng đồng người Việt hải ngoại trên nước Mỹ, những gia đình có tên trong số hơn 8.000 người trong lệnh trục xuất. Họ sẽ không đón Giáng Sinh và năm mới trong một không khí bình an, hạnh phúc, vui vẻ…

Nhưng nhằm nhò chi, đó là chuyện nhỏ. Xây bức tường giữa biên giới Mỹ-Mễ mới là chuyện lớn, biết đâu chính sách trục xuất người Việt Nam phạm tội hình sự chỉ là cái cớ để ép quốc hội phải chi tiền cho Trump xây dưng bức tường ?

Thạch Đạt Lang

(18/12/2018)

*****************

Biểu tình ‘Bảo vệ người Việt tị nạn’ tại Little Saigon (Người Việt, 16/12/2018)

 tinan2

Cô Tracy La, giám đốc tổ chức VietRise, đại diện cho thế hệ trẻ, con của người Việt tị nạn, kêu gọi chính quyền Donal Trump hãy thận trọng về chính sách trục xuất người Việt tị nạn. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Điểm khác biệt dễ thấy nhất so với các cuộc biểu tình của người Việt ở Bolsa là không chỉ có người trẻ gốc Việt tham gia, mà còn có người Cambodia, người Hispanic, Guatemala và các nước Mỹ Latin khác. Những người gốc Việt trẻ là thế hệ thứ hai sinh ra ở Mỹ, con của những người Việt tị nạn từ những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Số còn lại hầu hết là thế hệ người Việt thứ nhất tới Mỹ từ khi còn nhỏ theo cha mẹ trong hành trình đi tị nạn. Ngoài ra, cũng có một số người lớn tuổi và trẻ em tham dự.

Họ tới từ các tổ chức khác nhau trong cộng đồng Việt tại Orange County như API Rise, Viet Unity SoCal, Viet Rise, Viet Rainbow of Orange County. Cũng những người tự nguyện tới riêng lẻ. Có trường hợp người biểu tình đi cả gia đình.

Đoàn người giơ cao các biểu ngữ "Bảo vệ người tị nạn", "Bảo vệ cộng đồng Việt Nam", "Bảo vệ gia đình", "Abolish I.C.E" (Hủy bỏ I.C.E).

tinan3

Cuộc biểu tình lên tiếng bảo vệ những người Việt tị nạn có nguy cơ bị trục xuất, tại khu vực trung tâm Little Sài Gòn sáng ngày 15 tháng Mười Hai, 2018. (Hình : Tâm An/Người Việt)

Trước ống kính của nhiều hãng truyền thông lớn như CBN, LA Times, SBTN, RFA… cô Lan Nguyễn, thay mặt ban tổ chức, có bài phát biểu tuyên bố lý do của cuộc biểu tình :

"Hôm nay chúng tôi tới đây để bảo vệ cộng đồng những người tị nạn ở Hoa Kỳ. Như quý vị đã biết, tuần trước Bộ An ninh Hoa Kỳ đã họp với Bộ Ngoại giao Việt Nam để đàm phán lại hiệp định đã ký kết năm 2008. Theo hiệp định này, chính quyền liên bang không có quyền trục xuất những người Việt tới Mỹ trước năm 1995. Nhưng chính quyền hiện tại đang đàm phán lại hiệp định này. Nếu cuộc đàm phán này thành công thì có thể hơn 8.500 người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995 sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Năm 2017, Sở Di trú đã trục xuất 17 người Việt tị nạn ở Mỹ từ trước năm 1995 mà không được chính quyền liên bang bảo vệ. Chúng tôi không muốn người Việt tị nạn bị trục xuất. Chúng tôi không muốn tất cả người tị nạn ở đây bị trục xuất, bao gồm cả những người từ Đông Nam Á và từ các nước khác".

tinan4

Anh Tùng Nguyễn, một trong những người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995, có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh trục xuất, đang kêu gọi mọi người hãy lên tiếng bảo vệ những người Việt tại Mỹ bị trục xuất. (Hình : Tâm An/Người Việt)

Anh Tùng Nguyễn, người sáng lập Asians & Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC), một tổ chức giúp đỡ những người đã một thời lầm lỡ phải chịu án tù tội được có điều kiện hòa nhập trở lại với cộng đồng, kể câu chuyện của chính anh :

"Tôi theo gia đình sang Mỹ tị nạn từ khi mới 16 tuổi. Vì môi trường Mỹ quá mới mẻ, tôi bị shock về văn hóa, lại bị bạn bè ăn hiếp, vì một phút nông nổi tuổi trẻ, tôi đã gây ra lỗi lầm. Điều đó đã khiến tôi phải trả giá bằng 18 năm tù giam. Sau khi ra tù, tôi đã cố gắng sống một cuộc sống lương thiện, đàng hoàng, có công ăn việc làm, có gia đình vợ con. Quá khứ đã trôi qua mấy chục năm rồi, tôi đã thay đổi thành người tốt, giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Những cống hiến đó của tôi đã được Thống đĐốc California là ông Jerry Brown tha thứ, xóa tội cho tôi".

"Nhưng như thế không có nghĩa là tôi được sống yên ổn. Nay chính phủ của tổng thống hiện giờ lại muốn trục xuất những người như tôi về Việt Nam, như thể tôi bị trừng phạt lần thứ hai. Tôi sẽ phải xa gia đình, xa vợ con. Nước Mỹ mới chính là nhà của tôi. Trục xuất một người tới Mỹ từ khi còn là đứa trẻ, lớn lên trong môi trường Mỹ, thậm chí có nhiều người không nói được tiếng Việt nữa, làm sao họ có thể tồn tại ở Việt Nam? Vợ con họ sẽ sống thế nào ? Đây là hành động ly tán gia đình, mà chính phủ không có một sự thương xót hay xem xét lại. Điều đó là vô nhân đạo, là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Vì thế tôi tới đây xin mọi người hãy thương xót cho nhân quyền của người Việt ở Việt Nam và ngay tại Mỹ, cùng lên tiếng, giúp chúng tôi yêu cầu chính phủ ngừng việc xem xét lại hiệp định này", anh Tùng nói.

Anh Vincent Phú Vinh Trần, ở Fountain Valley, một thành viên của tổ chức VietRise, có mặt tham gia biểu tình từ rất sớm. Anh cho biết, trong gia đình anh không có ai bị ảnh hưởng bởi chính sách này, nhưng anh vẫn tới đây để chia sẻ cùng những người Việt tị nạn có nguy cơ bị trục xuất.

tinan5

Cuộc biểu tình lên tiếng bảo vệ những người Việt tị nạn có nguy cơ bị trục xuất, tại khu vực trung tâm Little Sài Gòn sáng ngày 15 tháng Mười Hai, 2018. (Hình : Tâm An/Người Việt)

Anh Vincent đã đọc lá thư tâm sự của một người đã bị trục xuất về Việt Nam năm ngoái :

"Tôi là một người Việt trước đây bị giam giữ, tôi sống ở California, sau án tù tôi dọn tới Ohio. Nhưng khi ở đó được 13 tháng, thì Sở Di Trú và Hải Quan đã bắt và giam giữ tôi. Bốn tháng sau đó, họ trục xuất tôi về Việt Nam, vào ngày 27 tháng Sáu năm 2017. Hơn 18 tháng qua, tôi đã sống ở nơi xa lạ này, tôi vẫn chưa tìm được việc làm, vì tôi không hiểu phong tục ở đây và không có bằng cấp. Ở Việt Nam nếu ai muốn thành công thì phải có họ hàng, bằng cấp, giấy tờ và tiền bạc. Tôi không có gì cả. Tôi không có người thân và không ai quan tâm tới tôi. Mỗi ngày tôi bị lừa đảo, chính quyền Việt Nam không giúp đỡ và không cấp giấy tờ cho tôi tìm sự sống, nếu tôi không cho họ tiền. Tôi muốn cho mọi người ở đây biết rằng, đây không phải là quê hương của tôi".

Chị Julie Võ, một trong những nhà hoạt động tích cực trong cộng đồng Việt tại Orange County, bày tỏ ý kiến :

"Tôi là một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, con của những người tị nạn. Tôi cảm động với lời kêu gọi của những người trên đây mà tôi phải có mặt ở đây. Cộng đồng Việt Nam của chúng tôi rất mạnh mẽ, gắn kết. Vì vậy một thành viên bị trục xuất không phải là một thứ bị vứt bỏ. Một cá nhân bị trục xuất không chỉ ảnh hưởng tới họ mà còn ảnh hưởng tới cha mẹ, con cái bạn bè và mọi người trong cộng đồng chúng tôi. Trục xuất không phải là cách giải quyết. Cần phải chấm dứt mọi trục xuất và giam giữ người tị nạn".

tinan6

Cô Linda Nguyễn, cùng chồng người gốc Mexico và con trai, cũng tham gia buổi biểu tình vì lo ngại lệnh trục xuất có thể chia rẽ gia đình phía nhà chồng cô. (Hình : Tâm An/Người Việt)

"Tôi là con của người tị nạn Việt Nam. Ba mẹ tôi đến Hoa Kỳ năm 1995. Tôi được sinh ra năm tháng sau đó. Tôi biết rằng không chỉ người Việt Nam bị trục xuất mà trong tuần tới có 47 người Cambodia cũng rơi vào trường hợp này. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Donald Trump phải thận trọng thỏa thuận với chính quyền Việt Nam để bảo vệ những người tị nạn Việt Nam và Đông Nam Á". Đó là ý kiến của cô Tracy La, giám đốc tổ chức VietRise.

Chị Linda Nguyễn đi biểu tình cùng chồng và một cậu con trai chừng tám tuổi. Chị cho biết đạo luật của chính quyền Trump không ảnh hưởng tới gia đình chị, nhưng có thể sẽ là mối nguy cơ chia rẽ gia đình của chồng chị, vốn là người di cư sang Hoa Kỳ từ Mexico.

Trong lúc đoàn người biểu tình hô vang câu: "Stop ! Stop ! Deportation ! No more family separation !" (Hãy ngừng ! Hãy ngừng ngay việc trục xuất ! Không chia cắt gia đình !), "We got power" (Chúng ta có quyền) trên đường phố Bolsa… thì một số người lái xe trên đường đã ấn còi xe hưởng ứng, tạo nên một không khí sôi động.

Xuất phát từ Phước Lộc Thọ, đoàn biểu vừa tình hô to các khẩu hiệu vừa diễu hành sang khu vực Bánh Mì Lee Sandwiches, sau đó đi về phía đường Moran và dừng lại ở trước tòa soạn Nhật báo Người Việt. Người biểu tình tập trung theo hình vòng tròn để hội ngộ, lên tiếng, chia sẻ cùng nhau. Một số người Mỹ Latin, kể cả những người da trắng cũng tới đây để lên tiếng bảo vệ những người tị nạn có thể bị trục xuất, cho dù gia đình họ không có ai bị ảnh hưởng bởi điều luật này. Cuộc biểu tình kết thúc vào lúc gần 11 giờ trưa.

Như tin đã đưa, Hiệp định Trục xuất Công dân Việt Nam, ký ngày 22 tháng Giêng năm 2008 giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam. Theo Hiệp định này, những người Việt đến Mỹ từ ngày 12 tháng Bảy, năm 1995 và sau ngày này nếu đáp ứng đủ các điều kiện bị trục xuất, phía Việt Nam sẽ tiến hành nhận lại những người này về Việt Nam. Toàn bộ chi phí trục xuất sẽ do phía Mỹ đài thọ.

Tuy nhiên, mới đây, chính phủ Donald Trump muốn đàm phán lại hiệp định năm 2008, trong đó muốn mở rộng việc trục xuất những người Việt đã đến Mỹ trước ngày 12 tháng Bảy, 1995. Đại diện Bộ Ngoại giao hai nước đã đàm phán nhưng hiện chưa tiết lộ kết quả rằng liệu phía Việt Nam có đồng ý nhận lại những người bị trục xuất này hay không.

Nếu như cuộc đàm phán trên thành hiện thực, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người đang cư trú tại Mỹ nhưng chưa là công dân Mỹ nhưng lại vi phạm một lỗi lầm nào đó.

Tâm An

Liên lạc tác giả : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thạch Đạt Lang
Read 1224 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)