Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

01/10/2016

Khinh bỉ ai và làm được gì ?

Báo Tổ Quốc số 235

dinh1

Ông Đinh Thế Huynh, thường trực ban bí thư Đảng cộng sản Việt Nam

Ông Đinh Thế Huynh, thường trực ban bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chắc chắn vói sự đồng tình của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa đưa ra một lời tuyên bố kêu gọi tạo ra một "văn hóa khinh bỉ những kẻ tham nhũng" để bọn tham nhũng không sống được. Lời kêu gọi này có ý nghĩa gì và sẽ đem lại kết quả nào ?

Không biết ông Huynh và ông Trọng có ý thức được không nhưng lời kêu gọi này trước hết là một thú nhận bất lực. Khinh bỉ là vũ khí của kẻ yếu. Nếu có sức mạnh người ta trừng trị kẻ gian chứ không chỉ khinh bỉ. Khi sự bất lực lại đến từ những người cầm quyền cao nhất, nhân vật số 1 và nhân vật số 2 của đảng cầm quyền trong một chế độ đảng trị, thì phải nói rằng bộ máy Đảng và Nhà Nước cộng sản đã ung thối đến độ không thể cứu vãn. Nếu ông Trọng và ông Huynh thực sự tin rằng họ có thể chống được tham nhũng thì họ đã lầm lớn. Họ rập khuôn theo Tập Cận Bình và cũng sẽ thất bại như Tập Cận Bình, nhưng nhanh hơn và ê chề hơn.

Tham nhũng là gì ? Đó là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân. Có hai yếu tố để có thể tham nhũng : phải có quyền và phải thiếu đạo đức. Những người tham nhũng hiện nay đều là quan chức cộng sản. Muốn chống tham nhũng thì trước hết phải giảm bớt quyền lực của chính quyền. Quyền lực dẫn tới tham nhũng và quyền lực tuyệt đối đưa tới tham nhũng tuyệt đối. Chính quyền này là một chính quyền toàn trị, nó đẻ ra tham nhũng. Đạo đức là những mệnh lệnh của trí tuệ và tâm hồn có sẵn trong từng người –như không giết người, không trộm cuớp, không dối trá, không bội ước - đến từ giáo dục và môi trường văn hóa. Người ta có hay không có chứ không thể được thuyết phục để có. Vì vậy một quan chức tham nhũng không thể cải hóa mà bắt buộc phải bị thay thế. Điều này cũng đúng đối với một chế độ. Ở một mức độ nghiêm trọng nào đó một chế độ tham nhũng phải bị thay thế chứ không thể cải hóa để hết hay bớt tham nhũng.

Đó không phải chỉ là lý luận. Kinh nghiệm của tất cả mọi quốc gia cũng đã chứng tỏ rằng giải pháp duy nhất đối với một chế độ tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác.

Điều này lại càng đúng với các chế độ cộng sản. Chủ nghĩa Mác-Lênin phủ nhận những giá trị đạo đức thông thường và tự cho phép làm bất cứ gì để cướp và giữ chính quyền. Bởi thế các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ chọn các cấp lãnh đạo theo tiêu chuẩn trung thành bảo vệ chế độ chứ không phải theo tài năng và đạo đức. Thí dụ cụ thể là chính hai ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh. Họ đã lên đến địa vị cao nhất trong Đảng chỉ nhờ làm công tác bảo vệ Đảng bằng cách cố ngụy biện để bào chữa cho một chủ nghĩa đã phơi bày quá rõ rệt sự sai trái. Một thí dụ khác là Trần Đại Quang, một người đã chà đạp trắng trợn lên pháp luật và đạo đức bằng cách cho công an giả làm côn đồ hành hung những người dân chủ. Đó cũng đã là trường hợp của các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng. Để chỉ kể những trường hợp gần đây nhất. Bộ máy sàng lọc của Đảng Cộng Sản đã chỉ để lại những cấp lãnh đạo như thế.

Nếu hai ông Trọng và Huynh dám đi tới tận cùng của lý luận họ sẽ thấy rằng tuy chống tham nhũng là vấn đề sống còn của đất nước nhưng điều kiện bắt buộc để chống tham nhũng là phải thay đổi chế độ.

 

Ban biên tập Tổ Quốc

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Báo Tổ Quốc
Read 863 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)