Thư đầu năm
Thế giới từ giã một năm 2018 đầy thử thách để bước vào một năm 2019 đầy ẩn số. 2018 đã là một năm rất khó khăn cho dân chủ. Trong khi chế độ cộng sản Trung Quốc của Tập Cận Bình lộng hành và tiếp sức cho chế độ độc tài Nga của Putin hung hăng hơn thì nước Mỹ của Donald Trump trên thực tế đã đào ngũ khỏi liên minh các nước dân chủ sau những tuyên bố ngang ngược đầy giọng đả phá.
Trong suốt hai năm, ở chức vụ tổng thống Mỹ, Donald Trump chưa bao giờ bày tỏ, dù chỉ là một lần, một quan tâm nào đối với các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền, ngay cả tình người. Hơn thế nữa, ông hầu như không bỏ lỡ một cơ hội nào để khiêu khích các nước đồng minh và bày tỏ cảm tình với các tay độc tài sát nhân như Vladimir Putin, Kim Jong-un và Tập Cận Bình. Và dĩ nhiên Trump cũng không hề phiền lòng trước những bản án chính trị cực kỳ thô bạo tại Việt Nam. Khối NATO, lực lượng quân sự của liên minh dân chủ phương Tây, chỉ còn trên giấy tờ chừng nào Trump vẫn còn cầm quyền.
Lời nói là hành động chính trị quan trọng nhất, và bằng lời nói Trump đã gây rất nhiều đổ vỡ cho dân chủ trên thế giới. Trump cũng phá hoại dân chủ bằng hành động cụ thể. Mỹ rút khỏi Cao ủy Nhân quyền và Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên Hiệp Quốc làm yếu đi định chế quốc tế lớn nhất đặt nền tảng trên nhân quyền với chức năng ngăn chặn các xung đột và các vi phạm luật pháp quốc tế. Liên Hiệp Quốc chưa làm tròn được sứ mạng của nó nhưng cũng đã đạt được những kết quả khả quan theo chiều hướng thăng tiến dân chủ, như buộc các quốc gia phải báo cáo định kỳ về nhân quyền trong những năm gần đây. Liên Hiệp Quốc cần được tăng cường nhưng đang yếu đi vì Trump.
Quyết định mới nhất của Trump là bội ước, rút quân khỏi Syria để mặc cho Nga, Iran và chính quyền diệt chủng al-Assad tiêu diệt các lực lượng dân chủ mà chính Mỹ đã khuyến khích thành lập và sau đó hỗ trợ. Chủ nghĩa cô lập vốn đã là một cám dỗ truyền thống của Mỹ nhưng lần này Donald Trump đẩy mạnh hơn, Mỹ không chỉ tự cô lập với thế giới mà với cả các nước thuộc Châu Mỹ, kể cả hai nước láng giềng Canada và Mexico. Donald Trump không chỉ khiến nước Mỹ xa cách với các nước khác mà còn cố tách rời nước Mỹ khỏi các giá trị đạo đức như tôn trọng các cam kết, liên đới với những người nghèo khổ, hoạn nạn. Nước Mỹ cũng chia rẽ như chưa bao giờ thấy và yếu đi.
Nếu nước Mỹ dân chủ của Donald Trump co cụm lại thì Trung Quốc chuyên chính của Tập Cận Bình đang tiếp tục bung ra bành trướng sự hiện diện và ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là Châu Phi và gần đây cả Châu Mỹ La Tinh, qua chiến lược Vành Đai và Con Đường. Các chế độ độc tài bạo ngược được Trung Quốc tài trợ, khuyến khích và củng cố. Trung Quốc không xét lại mà còn huênh hoang quảng bá mô hình chuyên chính của mình. Thế giới quá phẫn nộ với Donald Trump đến nỗi quên đi cuộc chiếm đóng thô bạo Tây Tạng và hàng triệu người đang bị giam giữ trong các trại tập trung tại Tân Cương. Cũng bị quên đi cuộc chiếm đóng bán đảo Crimea và những vụ ám sát những người đối lập của chế độ tội ác Putin.
Bối cảnh thế giới còn ảm đạm hơn khi người ta ý thức rằng Châu Âu, thành trì vững nhất hiện nay của dân chủ, sẽ rất khó có được những hành động tầm vóc để bảo vệ trật tự dân chủ vào giữa lúc chính mình cũng đang bối rối đương đầu với việc nước Anh ra đi và với sự trỗi dậy khắp nơi của các lực lượng dân túy. Pháp, một trong những cột trụ của Liên Hiệp Châu Âu, đang rã rượi vì phong trào phản đối Áo Vàng và sẽ còn bất lực khá lâu với một tổng thống đã mất gần hết uy tín. Câu hỏi đặt ra và có thể khiến nhiều người bi quan là phải chăng đà tiến của dân chủ trên thế giới đã khựng lại và bị đảo ngược ?
Hơn lúc nào hết những người dân chủ cần bình tĩnh và sáng suốt để ý thức rằng đây chỉ là những trở ngại nhất thời mà làn sóng dân chủ nào cũng đã gặp.
Hãy nhìn lại làn sóng dân chủ thứ ba bắt đầu bằng cuộc cách mạng hoa cẩm chướng năm 1974 tại Portugal mà thành quả lớn nhất là đánh gục chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế. Nó đã được tiếp theo ngay sau đó bằng hàng loạt chiến thắng lớn của cộng sản tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Angola, Ethiopia, Afghanistan, Nicaragua v.v. So với giai đoạn đó thì những khó khăn hiện nay của làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang sống không là bao. Nhưng rồi sau đó Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ và chủ nghĩa Marx Lenin bị ném vào sọt rác lịch sử.
Những lý do cụ thể để chúng ta giữ vững lòng tin cũng đã có thể nhìn thấy. Quần chúng Mỹ đã bắt đầu thấy được những tác hại mà Donald Trump gây ra không chỉ cho thế giới mà còn cho chính nước Mỹ. Ảo tưởng và ngộ nhận đang qua đi, nhường chỗ cho thất vọng và phẫn nộ. Trump chắc chắn sẽ thảm bại trong cuộc bầu cử năm 2020 trừ khi bị truất phế trước đó. Có mọi triển vọng ngay trong năm 2019 này cảm tình dành cho ông sẽ xuống thấp tới mức mà dù trơ lì tới đâu Trump cũng không thể ngang ngược như trong hai năm qua. Tại họa Trump đang qua đi.
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng không còn ngờ vực được nữa, như loạt bài gần đây của ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã phân tích. Tất cả chỉ còn là vấn đề của một vài năm. Tập Cận Bình hiện nay không khác Napoléon đầu thế kỷ 19 : ào ạt xông ra trước khi kiệt sức và gục ngã.
Bước vào năm 2019, dù đang ở trong một thời điểm đầy hỗn loạn, chúng ta có mọi lý do để tin rằng làn sóng dân chủ thứ tư vẫn tiếp tục tràn tới để cuốn đi những chế độ cộng sản còn lại và nó sắp gia tăng vận tốc. Đất nước sẽ có dân chủ trong một ngày không còn xa.
Trong niềm tin đó, tôi lại thêm một dịp được hân hạnh thay mặt Khối Truyền thông Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gửi tới quý độc giả và thân hữu lời chúc một năm mới tràn đầy niềm vui và ý chí tiếp tay đưa đất nước vào Kỷ Nguyên Dân Chủ.
Nguyễn Văn Huy