Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

04/02/2019

Nguyễn Gia Kiểng : Vì sao tôi trở về và lại ra đi ?

Quốc Phương, Nguyễn Gia Kiểng

Ngồi trong khu vườn của một ngôi nhà mang kiến trúc khá đặc trưng Pháp ở vùng Lognes, ngoại ô thuộc mạn Đông Paris, tác giả của biên khảo "Tổ Quốc Ăn Năn" được biết đến từ vài chục năm trước chia sẻ với BBC về cuộc đời mình.

bbc1

Ông Nguyễn Gia Kiểng từng làm Phụ tá Bộ trưởng Kinh tế thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa và phụ trách một số lĩnh vực cố vấn về kinh tế và kỹ thuật - Bản quyền hình ảnh BBC/BBC VIETNAM

Ông Kiểng kể câu chuyện ông du học, về lại Việt Nam, đi "học tập cải tạo" sau 30/4/1975, trở thành chuyên gia trong chế độ mới, rồi lại rời Việt Nam sang Pháp từ đó đến nay ra sao.

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng kể :

"Tôi sang Pháp hai lần, lần đầu tiên là năm 1961. Sau khi học xong trung học, tôi được học bổng du học tại Pháp. Tôi du học sau sáu năm thì tốt nghiệp. Rồi tôi ở lại làm việc vì tôi nghĩ rằng mới ra trường thì không thể nào có kinh nghiệm được.

"Điều quan trọng là không phải học để tốt nghiệp lấy bằng cấp, mà là làm việc, tiếp xúc với người phương Tây, biết cách làm việc của họ. Cho nên tôi có làm việc, ở lại Pháp sáu năm. Tôi về Việt Nam phục vụ từ năm 1973.

"Lúc đầu tôi làm việc ở ngân hàng. Mới đầu, chúng tôi được quản lý một quỹ đầu tư. Sau đó tôi có sang bên Bộ Kinh tế, Việt Nam Cộng Hòa và làm Phụ tá Bộ trưởng Kinh tế cho đến ngày 30/4/1975.

"Sau đó cũng như số phận của các viên chức miền Nam, tôi có bị đi gọi là tập trung cải tạo" trong vòng ba năm rưỡi, rồi tôi ra và có làm chuyên gia dưới chế độ cộng sản trong một thời gian. Cho tới năm 1982 thì tôi được chính quyền Pháp can thiệp cho và tôi được sang Pháp từ cuối năm 1982. Tôi hành nghề kỹ sư, tôi về hưu cách đây 10 năm".

Hồi cố điều nổi bật sau những năm tháng đã qua, ông Nguyễn Gia Kiểng nói :

"Số phận của mình đều do những yếu tố bất ngờ hết. Khi phe Cộng sản chiến thắng ngày 30/4 đó, thì tôi là một Phụ tá Bộ trưởng, cấp bậc tương đương với một Thứ trưởng. Thì dĩ nhiên cấp bậc thấp hơn người ta đã phải đi học tập cải tạo rồi.

"Tôi không trình diện để đi học tập cải tạo và tôi tìm cách trốn khỏi Việt Nam, nhưng tôi bị bắt ở trở lại Việt Nam, do đó tội của tôi tương đối nặng hơn. Tôi có bị bắt giam hơn ba năm. Trước khi được làm hồ sơ để chuyển sang diện học tập bình thường, thì vào lúc đó họ lại nhận ra một điều.

"Đó là ở miền Nam lúc đó có những máy điện toán và là máy IBM. Trước đó, họ không biết chúng dùng vào việc gì nhưng sau đó họ thấy rằng các cố vấn Nga nói rằng những chiếc máy này rất cần thiết, thành ra họ có đi tìm.

"Lúc tôi được ra học tập, ra khỏi trại, tôi mới biết rằng có những văn kiện tìm kiếm tôi, vì hồi đó tôi có là Trưởng ban Điện toán của Bộ Kinh tế. Tôi là Phụ tá Bộ trưởng, nhưng tôi lại là chủ tịch ba ủy ban là ủy ban điện tin học, ủy ban thuế khóa và ủy ban kế hoạch.

"Có lẽ họ nhìn thấy rằng tôi có khả năng về tin học, hơn nữa hiểu về những máy điện toán rất nhiều, thành ra họ trả tự do cho tôi và biến tôi trở thành một chuyên viên của chế độ".

Hợp tác vì ai, cái gì ?

Kỹ sư, nhà biên khảo kể lại rằng lúc đầu ông cũng bị theo dõi, nhưng ông đã luôn tỏ ra nói thẳng, nói thật và chỉ mong muốn đóng góp, hợp tác phục vụ cho đất nước, dân tộc, ông Nguyễn Gia Kiểng nói tiếp :

"Mới đầu họ theo dõi, nhưng về sau họ thấy tôi nói thực, nói thẳng. Phải nói vào ngày 30/4 tôi đã chấp nhận thua trận và tôi cũng không ra đi vì tôi nghĩ rằng một dân tộc có lúc phải tranh đấu với nhau, có thể va chạm, nhưng một dân tộc không thể cứ tiếp tục nội chiến, cứ xung đột tới cùng thì không còn là dân tộc.

"Cho nên lúc đó tôi đã chấp nhận để đóng góp với tư cách là một người thua trận, tức là là một người đem khả năng khoa học kỹ thuật mà mình biết để góp phần đóng góp cho đất nước một phần nào hay phần đó. Nên khi tôi ra khỏi chỗ học tập, nhân tiện tôi xin kể một chuyện, tôi gặp một ông cựu Bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam của phe cộng sản. Đó là ông Trương Như Tảng.

bbc2

Miền Nam Việt Nam đã từng trải nghiệm một mức độ phát triển nhất định về kinh tế, kỹ thuật và thị trường ở khu vực dưới thời Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh GETTY IMAGES

"Lúc đó ông ấy bất mãn và ông là giám đốc một công ty, tôi lúc đó làm trong Ban kỹ thuật của Thành phố. Ông đó muốn đóng cửa một nhà máy. Nhưng lúc đó tôi ở ban kỹ thuật của thành phố, tôi không đồng ý.

"Ông hỏi tôi tại sao anh là một người chế độ cũ, tại sao anh lại ủng hộ chế độ mới như vậy, mà anh lại không đồng lòng đóng cửa luôn công ty đó đi ? Chế độ này đâu có phục vụ gì ai ?

"Tôi nói : tôi là một kỹ sư. Một kỹ sư mà nhìn thấy một nhà máy có vấn đề, gặp khó khăn, thì cũng giống như là một bác sỹ nhìn thấy một bệnh nhân. Bổn phận bác sỹ nhìn thấy một bệnh nhân là chữa, bổn phận của một người kỹ sư có lương tâm nghề nghiệp của mình là phải tìm cách cứu nhà máy đó. Nhà máy này tôi thấy có thể cứu được, thì tôi thấy là không đồng ý để ông đóng cửa".

Chia sẻ con đường từ quyết định "hợp tác" đó, rồi ra nước ngoài trở lại và trở thành nhà biên khảo mà cuốn sách "Tổ Quốc Ăn Năn" là một trong các tác phẩm, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng nói :

bbc3

Ông Nguyễn Gia Kiểng từng là chuyên gia về tin học và có thời gian làm việc dưới chế độ mới ở miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975 - Bản quyền hình ảnh BBC/BBC VIETNAM

"Phải nói rằng chữ hợp tác đó không phải là tôi hợp tác với chế độ, chủ nghĩa cộng sản là điều tôi đã phản bác từ thời thanh niên, cách quản lý đất nước của họ, cách phân biệt đối xử. Sự thực, theo tôi, cuộc nội chiến vẫn tiếp tục sau ngày 30/4, chỉ có điều là cuộc nội chiến đơn phương, một bên có bạo lực và một bên không có. Sau ngày 30/4 không có "hòa bình" trong dân tộc.

"Vẫn có những người thắng trận "đầy đọa" những người thua trận, cho nên về chế độ thì tôi hoàn toàn không hợp tác, tôi hợp tác với đất nước Việt Nam, tôi làm những gì mà tôi có thể làm cho đất nước Việt Nam trong hoàn cảnh của một người không thể làm gì khác. Tôi là người Việt Nam và lúc nào tôi cũng muốn phục vụ, trong tất cả mọi hoàn cảnh, tôi phục vụ đất nước Việt Nam, tôi hợp tác với đất nước Việt Nam, nhưng không phải là tôi hợp tác với chế độ.

"Sau đó, vai trò của tôi cũng không còn, dầu sao đặc tính của chế độ cộng sản như mọi người cũng biết, họ rất là nghi kỵ, họ vẫn nhìn chúng tôi như là kẻ thù, những người nào không thuộc đảng của họ, thì họ không thể duy trì ở một chức vụ cao, như là một chuyên viên, chuyên gia cao cấp được, cho nên vẫn có sự theo dõi, vẫn có sự nghi kỵ, mặc dù chúng tôi không làm gì cả".

Dám "bắt Tổ Quốc ăn năn" ?

Về lý do viết cuốn biên khảo "Tổ Quốc Ăn Năn" và cách hiểu thế nào là Tổ Quốc, tác giả Nguyễn Gia Kiểng chia sẻ :

"Cho đến lúc tôi được chính quyền Pháp can thiệp thì tôi sang bên này. Cùng với một số anh em, chúng tôi đã lập ra một Tập hợp Dân chủ Đa nguyên và chúng tôi chia sẻ với nhau là một dân tộc sau một cuộc nội chiến, cũng giống như một cặp vợ chồng, một gia đình sau một cuộc xung đột lớn, chúng ta chỉ có hai chọn lựa thôi : một là chúng ta hòa giải để cuộc sống chung tiếp tục, hai là chúng ta không chấp nhận hòa giải và chấp nhận tan vỡ.

"Không chấp nhận hòa giải sau một cuộc nội chiến tương đương với việc để quốc gia tan vỡ, nhiều người không biết điều đó. Cho nên trong tinh thần đó, để nói lên tinh thần đó, tôi có viết cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, tôi đặt ra câu hỏi Tổ Quốc là ai ? Theo định nghĩa của tôi, Tổ Quốc là mọi người Việt Nam, người Việt Nam phải nghĩ lại. Tôi nghĩ như thế.

"Tức là mọi người Việt Nam đều phải nghĩ rằng họ đã có một cái lỗi gì đó, mình phải ăn năn, mình phải xét lại cách ứng xử của mình đối với đất nước, nhiều người cứ nói là tôi coi thường Tổ Quốc, bắt Tổ Quốc phải ăn năn. Họ nghĩ rằng Tổ Quốc là thiêng liêng.

"Tôi không nghĩ như thế, tôi nghĩ Tổ Quốc là bạn với tôi, là con tôi, là cha tôi, là tổ tiên tôi, là những người thành công, cũng như những người thất bại - là tất cả chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Đó là Tổ Quốc !

bbc4

Tác giả Nguyễn Gia Kiểng bên một số cuốn sách mà ông viết hoặc tham gia soạn thảo - Bản quyền hình ảnh BBC/BBC VIETNAM

"Đáng lẽ chúng ta yêu nước trước hết là yêu đồng bào. Chúng ta phải thể hiện lòng yêu nước đó bằng cách yêu quý, khoan dung với người đồng bào của chúng ta. Trái lại trong dòng lịch sử, chúng ta nhân danh Tổ Quốc để "giết người" chống chúng ta, chúng ta nhân danh Tổ Quốc để "buộc tội", để "bỏ tù", có khi để xử tử tội phản quốc. Nhưng chúng ta không nhân danh Tổ Quốc để mà tha thứ, để mà hàn gắn với nhau, để quý trọng nhau.

"Theo tôi từ nay trở đi nếu có một điều chúng ta phải suy nghĩ lại, nhân tiện nói về Tổ Quốc, tôi nghĩ rằng chúng ta phải quan niệm Tổ Quốc là một tình yêu trước hết, chứ không phải là một sự thù hận".

Viết gì cho một chương mới ?

Vài chục năm trước, sau khi trở lại Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng đã hoàn tất và cho công bố cuốn biên khảo luận thảo luận về chính trị với tựa đề "Tổ Quốc Ăn Năn", khi được hỏi là nếu hiện nay muốn viết thêm một Chương bổ sung hay tiếp nối cho cuốn biên khảo, thì sẽ viết gì, tác giả nói :

"Tôi sẽ viết về những cơ hội đã bỏ lỡ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có những cơ hội mà chúng ta đã bỏ lỡ. Cơ hội thứ nhất là sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam với chương trình rất hoành tráng, rồi nó hoàn toàn thất bại, không thực hiện được bất cứ một phần nhỏ nào, trong bất cứ mục tiêu nào.

"Thời gian đó đáng lẽ đã phải là một thời gian nghĩ lại. Nghĩ lại trước hết là những người lãnh đạo ở chế độ cộng sản phải nghĩ lại, những ông như là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, ông Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, những người đó, hay ông Lê Đức Anh v.v..., những người đó phải nghĩ lại.

"Nhưng phần còn lại, những người thuộc phe thua trận như chúng tôi cũng phải giúp họ nghĩ lại. Bằng một thái độ nói : thôi, những chuyện gì đã qua, chúng tôi cũng bằng lòng bỏ qua. Các ông không sợ gì cả nếu như các ông thay đổi, nếu các ông thực hiện đường lối hòa giải dân tộc thực sự thì có chúng tôi.

"Chúng tôi biết các ông có lỗi, chúng tôi cũng có phần có lỗi, nhưng chúng ta nên nhìn về tương lai hơn là về quá khứ. Tôi nghĩ đó là vào thời điểm 1980 khi chương trình hoành tráng của Đại hội IV thất bại.

"Tôi đã làm việc trong chế độ, tôi biết là có những hoang mang, có nhiều người biết là chủ nghĩa này không thành công, có nhiều biết là chế độ này thất bại, họ muốn nghĩ lại, nhưng một phần họ không đủ can đảm nghĩ lại và một phần vì điều kiện xã hội cũng làm cho họ không dám nghĩ lại.

"Lần thứ hai tôi nghĩ là một cơ hội rất là lớn cho nhiều dân tộc, như là các dân tộc ở Đông Âu, hay cả một nước ở Châu Á tôi nghĩ đến là nước Mông Cổ, Ngoại Mông, là khi mà bức tường Berlin sụp đổ. Đáng lẽ lúc đó chúng ta phải gạt tất cả những ưu tư về chủ nghĩa, chúng ta hãy nhìn nhau hãy nhìn là anh em, hãy nhận lại bạn bè. Đó là một cơ hội rất lớn.

"Thế nhưng ở trong nước có những người lại nghĩ rằng phải kiên trì, không còn Đảng thì không còn mình, họ nghĩ rằng sau những gì họ đã làm với người khác, những người khác sẽ không tha thứ cho họ, cái đó ở trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và một phần những dư luận ở miền Nam lại cho rằng đây là một cơ hội để 'dứt điểm chế độ' và có thể để 'trừng phạt' những 'tội ác cộng sản' chẳng hạn.

"Cuối cùng là những người cộng sản tuy rằng họ ở trong thế lúng túng, có thể nói là khi bức tường Berlin sụp đổ thì như 'trời sập' trên đầu họ, nhưng họ là lực lượng duy nhất và họ vẫn trụ được. Và chúng ta bỏ lỡ một cơ hội".

bbc5

Ông Nguyễn Gia Kiểng (phải) đang sống tại Lognes, thuộc ngoại ô mạn Đông Paris, Pháp

Sắp bỏ lỡ thêm một cơ hội ?

"Ngày hôm nay, chúng ta đang sắp sửa bỏ lỡ một cơ hội, tại vì Đại hội vừa qua của Đảng Cộng sản, tôi nghĩ rằng có một sự rập khuôn theo công thức của Trung Quốc, tức là cũng nhất thể hóa, cũng tập trung quyền lực vào một người, rồi cũng đặt trọng tâm vào vấn đề chống tham nhũng.

"Những điều đó theo tôi không có tác dụng, bởi vì nếu chúng ta thực sự muốn chống tham nhũng, phải hiểu bản chất của tham nhũng. Chúng ta phải hiểu đó là một vấn đề có tính cách đạo đức. Tham nhũng định nghĩa của nó là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân, bản chất của nó là như thế.

"Như vậy nếu chúng ta duy trì chế độ độc tài có quá nhiều quyền lực dồn vào quá nhiều một đảng, chúng ta không thể chống được tham nhũng, bởi vì chừng nào có quyền lực, chúng ta đều hiểu là vẫn còn tham nhũng. Đó là vấn đề nguyên tắc, nhưng thực tế cũng cho ta biết đạo đức là những gì chúng ta chỉ có thể làm gương, chứ chúng ta không thể thuyết phục được.

"Cho nên như mọi vấn đề đạo đức, tham nhũng khi đã đạt tới một mức độ nào đó thì nó không thể sửa chữa được nữa. Ở một mức độ nào đó, người ta không thể cải tổ được một chính quyền tham nhũng để nó hết tham nhũng, mà người ta chỉ có thể thay thế một chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác.

"Hiện nay, đáng lẽ ra - tôi nghĩ một chính quyền khác không nhất thiết phải là chính quyền 'chống cộng', không nhất thiết phải là chính quyền hoàn toàn độc lập với Đảng Cộng sản, cũng có thể có những người Cộng sản ở trong đó. Thì đây là một cơ hội mà tôi nghĩ rằng vào lúc này chúng ta đang sắp có một cơ hội. Cơ hội đó đến bởi vì công thức, mô hình gọi là Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa đã đến 'giai đoạn chót', đằng nào nó cũng sẽ bị 'đào thải'.

"Trung Quốc (kể cả Việt Nam) đang gặp những khó khăn... không phải chỉ là do Donald Trump gây cuộc chiến tranh thương mại đâu, mà bởi vì các quốc gia - dù các quốc gia phương Tây, các nước dân chủ giàu mạnh ở một mức độ nào đó - trong cuốn Dự án Chính trị của chúng tôi "Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai" - chúng tôi đã nói rõ là bắt buộc phương Tây, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, phải xét lại sau một thời gian họ chấp nhận thâm thủng mậu dịch, dù là Donald Trump, hay không phải Donald Trump, cũng bắt buộc phải thăng bằng mậu dịch.

"Và thời đại vàng son [đã hết], giai đoạn ân huệ của chính sách Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mà về bản chất là xuất khẩu thật nhiều, với giá thật rẻ để xuất khẩu tối đa - có nghĩa là Trung Quốc cũng như Việt Nam xuất khẩu 'sự nghèo khổ' mà chính họ là tác giả. Tôi nghĩ mô hình đó dù có 'Donald Trump' hay không cũng chấm dứt và chúng ta sắp phải xét lại toàn diện.

"Tôi nghĩ vào giờ này là những người Việt Nam, nếu chúng ta quan tâm tương lai của đất nước mình, thì đây chính là lúc chúng ta nhìn nhau với một con mắt thân thiện hơn để cùng nhau tìm một giải pháp cho đất nước, để đừng làm lỡ thêm một cơ hội nữa. Và tôi nghĩ rằng, tôi hơi bi quan, bởi vì tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua, chính quyền đã hành động ngược với nhu cầu và tình thế. Tức là thay vì có một thái độ khoan dung hơn để tìm một giải đáp chung cho tất cả đất nước, thì lại có những bản án rất thô bạo.

"Tôi nghĩ rằng chính quyền này họ không hiểu rằng cả mô hình Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang bế tắc", ông Nguyễn Gia Kiểng nói với BBC từ nhà riêng tại Lognes, ngoại vi Paris, Pháp.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 04/02/2019

Ông Nguyễn Gia Kiểng, hiện sinh sống tại Pháp, là một nhà hoạt động, thành viên sáng lập của tổ chức Tập Hợp Dân chủ Đa nguyên, từng đi 'học tập cải tạo' sau biến cố 30/4/1975 ở miền Nam Việt Nam. Chia sẻ của ông nằm trong loạt bài thuộc chuyên mục 'Người Việt toàn cầu' của BBC Tiếng Việt.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, Nguyễn Gia Kiểng
Read 2213 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)