Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/05/2019

Nghĩ gì về cuộc bầu cử tổng thống Ukraine 2019?

Việt Hoàng

Hôm 21/4/2019 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử Ukraine khi Volodimir Zelensky, một danh hài đã đắc cử tổng thống trong vòng hai với tỉ lệ phiếu áp đảo 73% so với tổng thống đương nhiệm Poroshenko.

zelensky0

Diễn viên hài Zelensky trở thành tổng thống thứ 6 của Ukraine như là một giấc mơ tuyệt vời. 

Zelensky sinh ngày 25 tháng 1 năm 1978 (41 tuổi). Trước khi hoạt động chính trị, ông là một diễn viên hài và nhà làm phim. Ông từng tốt nghiệp khoa luật đại học kinh tế quốc dân Kiev-Ukraine.

Việc diễn viên hài Zelensky trở thành tổng thống thứ 6 của Ukraine như là một giấc mơ tuyệt vời. Giấc mơ đó không chỉ gây hưng phấn mạnh mẽ cho người dân Ukraine mà còn cho cả người dân từ một quốc gia xa xôi là... Việt Nam. Nhiều blogger Việt Nam ca ngợi và tung hô tân tổng thống Ukraine hết lời, đặc biệt là bài diễn văn nhậm chức của ông tại quốc hội hôm 20/5/2019.

Cuộc bầu cử tại Ukraine vừa qua đã diễn ra một cách dân chủ và minh bạch. Gian lận phiếu bầu và can thiệp từ bên ngoài như Mỹ, EU và Nga đã không xảy ra. Những ý kiến cho rằng Poroshenko là "con rối của Mỹ" trở nên nhảm nhí khi Zelensky chiến thắng một cách áp đảo trong vòng hai. Zelensky là khuôn mặt đại diện cho một thế hệ mới tại Ukraine. Quyết tâm và mong muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước và nhân dân của ông có thừa nhưng mong muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là một chuyện khác.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị lâu năm, có kinh nghiệm và kiến thức về chính trị nên rất thận trọng trong việc đánh giá về Zelensky. Cái mà chúng tôi thấy Zelensky còn thiếu, đó là một tổ chức chính trị mạnh và một dự án chính trị khả thi cho đất nước. Đảng "Đầy tớ nhân dân" mà ông sáng lập hồi tháng 3/2018 còn quá non trẻ. Việc ông đưa những người bạn của mình từ ngành truyền thông lên làm lãnh đạo chính phủ rất mạo hiểm nhưng không còn cách nào khác.

Trong cuộc tranh luận giữa ông và Poroshenko tại sân vận động Kiev, Zelensky cho biết là 5 năm về trước ông bỏ phiếu cho Poroshenko và không hề có ý định hoạt động chính trị nhưng vì chính quyền và bản thân Poroshenko quá kém cỏi nên ông mới quyết định dấn thân.

Trở thành tổng thống là công việc "dễ nhất" trong hành trình mới của Zelensky. Hai nhiệm vụ quan trọng mà người dân kỳ vọng ở ông đó là chống tham nhũng và xây dựng dân chủ cho Ukraine. Muốn chống được tham nhũng thì phải có ba điều kiện:

1) Chưa từng tham nhũng (tay chưa nhúng chàm).

2) Không nợ nần gì ai và không phụ thuộc vào thế lực nào.

3) Có lực lượng mạnh để không bị "vô hiệu hóa".

Zelensky đã có hai điều kiện đầu tuy nhiên điều kiện thứ ba mới là khó nhất. Nếu không có lực lượng mạnh và áp đảo tại quốc hội thì phe đối lập sẽ tìm mọi cách để hạn chế quyền lực của tân tổng thống. Việc giải tán quốc hội trước thời hạn là một bước đi nhằm thiết lập một đa số thân tổng thống trong quốc hội. Nếu chống được được tham nhũng thì việc xây dựng dân chủ ở Ukraine không khó vì EU và Mỹ sẽ hết lòng ủng hộ.

Không phải chờ lâu, hai dự luật sửa đổi luật bầu cử mà Zelensky đề xuất sau khi trở thành tổng thống đã bị quốc hội Ukraine bác bỏ khi chỉ được 92 đại biểu đồng ý đưa vào nội dung làm việc của quốc hội, trong khi theo luật phải có ít nhất 226 đại biểu (trên 50%) đồng ý. Nội dung của hai dự luật nói trên đề xuất tổ chức bầu cử quốc hội theo danh sách các đảng, bãi bỏ chế độ tự ứng cử vào quốc hội với tư cách cá nhân, đồng thời hạ mức sàn để các đảng lọt vào quốc hội từ 5% xuống 3%. Đây là cách duy nhất để Zelensky có được đa số trong quốc hội nhờ vào hào quang của bản thân sau chiến thắng vang dội trước Poroshenko. Dự luật về sửa đổi thủ tục mua sắm công cũng không được đưa ra thảo luận, do chỉ có 127 đại biểu đồng ý đưa vào chương trình nghị sự.

Con đường trước mắt của Zelensky đầy chông gai chứ không hề suôn sẻ.

Người dân Ukraine đã trả giá rất đắt cho lối làm chính trị phe nhóm, không có dự án chính trị và viễn kiến của tầng lớp trí thức Ukraine. Năm 2005 họ lật đổ Yanukovych thân Nga và bầu cho Yushenko thân phương Tây lên làm tổng thống trong Cách mạnh Cam. Sau 5 năm họ tẩy chay Yushenko và bầu lại cho Yanukovych. Hai năm sau họ lật đổ Yanukovych trong cuộc cách mạng Nhân phẩm (Maidan 2014) và bầu cho nhà tài phiệt Poroshenko. Và bây giờ, vì quá thất vọng với tầng lớp chính trị gia "truyền thống" nên họ quyết định bầu cho một người ngoài hệ thống chính trị cũ, là người chưa từng hoạt động chính trị đó là Zelensky. Canh bạc này cũng mạo hiểm như mấy lần trước. Một nghịch lý đáng buồn là người dân Ukraine thật tuyệt vời trong khi giới chính trị gia thì quá tệ hại.

Nước Nga đã rất bất ngờ khi Zelensky trở thành tổng thống Ukraine. Tại Nga đó là điều ngoài sự tưởng tượng và không thể chấp nhận. Putin đã có "quà" ngay cho tân tổng thống Ukraine bằng việc dọa cắt trung chuyển khí đối tới châu Âu qua ngả Ukraine từ đầu năm 2020. Putin hôm 24/4 đã ký sắc lệnh về việc cấp hộ chiếu Nga cho người dân Ukraine ở vùng ly khai Donbass bất chấp việc làm này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thử hình dung Trung Quốc cấp hộ chiếu cho người dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc thì chúng ta sẽ thấy được hành động của Putin đáng lên án như thế nào.

Cựu tổng thống Poroshenko cũng đã hoàn thành phần nào sứ mệnh của mình trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn. Ông có công lớn trong việc tách Ukraine ra hoàn toàn khỏi qũi đạo của Nga. Đây là mong muốn lớn nhất của người dân Ukraine trong các cuộc cách mạng vừa qua. Điều ông không làm nổi đó là chống tham nhũng và các nhóm lợi ích chính trị.

Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều lần phân tích, muốn một cuộc đổi đời (một cuộc cách mạng) thành công thì phe đối lập phải có một dự án chính trị cho đất nước và một đội ngũ nhân sự chính trị thật sự có kiến thức về chính trị. Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ đã không có hai điều kiện đó sau khi dành được độc lập. Từ cựu tổng thống Yushenko, cựu thủ tướng Timoshenko, Yanukovich đến Poroshenko…họ đều là những người thuộc thế hệ cũ bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa và tâm lý của chế độ cộng sản. Họ đã chấp nhận thay đổi về dân chủ nhưng quán tính của hệ thống cũ vẫn chi phối rất mạnh. Họ đặt quyền lợi của bản thân và phe nhóm lên trên lợi ích dân tộc. Nạn tham nhũng, tài phiệt thao túng kinh tế và quyền lợi phe nhóm là những vấn nạn kinh niên chưa có thuốc chữa tại Ukraine.

Zelensky là khuôn mặt hoàn toàn mới trên chính trường Ukraine, việc "thay máu" tầng lớp chính trị lãnh đạo cũ là việc bắt buộc phải làm và nên làm. Vấn đề là Zelensky và đội ngũ của ông đã chuẩn bị để nhận lãnh vai trò chèo lái con thuyền quốc gia hay chưa? Có lẽ cũng có nhưng chưa rõ ràng và chắc chắn. Dân tộc nào cũng cần đến một nhà tư tưởng chính trị và một tầng lớp chính trị tinh hoa. Việc này phải được chuẩn bị trong nhiều năm chứ không thể thích là có ngay được.

Ông Bogdan, tân chánh văn phòng tổng thống và là cánh tay phải của Zelensky thông báo có ý định tổ chức trưng cầu dân ý về việc đàm phán với Nga. Ông cho rằng "trưng cầu dân ý là để người dân Ucraina được tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của tổng thống và các đại biểu quốc hội". Đây rõ ràng là một quyết định nguy hiểm và sai lầm. Nếu người dân Ukraine muốn "quyết chiến" với Nga thì làm sao? Một quyết định khó khăn mà ngay cả bản thân chính phủ và quốc hội không thể nào giải quyết được lẽ nào đám đông dân chúng lại quyết định được? Hình như họ không rút ra được gì từ bài học Brexit tại Anh. Việc đòi lại bán đảo Krym và vùng Donbass phụ thuộc hoàn toàn vào một người đó là Putin.

Theo chúng tôi thì mô hình "tổng thống chế" đã không còn phù hợp với thời đại và với bất cứ một quốc gia nào kể cả trường hợp tưởng chừng như ngoại lệ là Mỹ. Zelensky là lựa chọn duy nhất của người dân Ukraine trong lúc này. Nếu Zelensky dũng cảm học theo tấm gương của một quốc gia thuộc Liên xô cũ đã dân chủ hóa thành công khi quyết định chuyển đổi thể chế chính trị từ "tổng thống chế" sang "cộng hòa đại nghị" là Gruzia (Georgia), một nước Trung Á thì tương lai của Ukraine sẽ rất sáng lạn. Chúng ta cầu chúc cho Zelensky may mắn và thành công.

Việt Nam cho dù chưa có dân chủ nhưng lại có một cái may mắn là chúng ta đã có một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, đó là ông Nguyễn Gia Kiểng và một đội ngũ nhân sự chính trị đang lớn dần là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Sỡ dĩ tư tưởng và đường lối của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chưa được đa số quần chúng chấp nhận vì chúng quá mới mẻ, cấp tiến và đi trước thời đại. Chúng tôi tin rằng cái đúng và lẽ phải sớm muộn cũng được người dân ủng hộ và khi đó việc chiến thắng độc tài là sẽ là tất yếu.

Việt Hoàng

(27/5/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1506 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)