Cư dân Hà Nội chưa hết bàng hoàng với sự cố môi trường từ nhà máy Rạng Đông, thì ngay lập tức cùng với đó là bản tin về những chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội một cách kinh hoàng (hầu như ở mức đỏ và tím trở lên). Chưa hết, khi hai sự kiện kia chưa nguôi, chúng ta lại được ’đón nhận’ thêm vụ việc khác : Nguồn nước sạch các vùng phía Tây Nam thủ đô Hà Nội nhiễm độc do ô nhiễm ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là nếu không phải ô nhiễm vì váng dầu mà vì thuốc độc thì sao ? Ai sẽ chịu trách nhiệm ?
Hết không khí, rồi đến giờ là cả nước. Vậy sau nước sẽ là gì ? Là đất chăng ? Không, không phải là đất, mà sẽ là chính chúng ta. Đã, đang và chắc chắn sẽ là chính chúng ta.
Chúng ta còn điều gì để nói hay cố gắng nghĩ một cách lương thiện nhất về chính quyền này hay không ? Tôi nghĩ là không. Cho đến cả những con người thờ ơ nhất, ’không quan tâm chính trị’ cũng khó mà nói là họ không có chút cảm xúc bực bội, phẫn uất nào với chính quyền này, khi mà sự việc kia xảy ra xong phải đến tận 5 ngày sau chính quyền mới lên tiếng. Tận 5 ngày, chính quyền này chơi đùa với cuộc sống của vài trăm nghìn con người ở ngay thủ đô trong tận 5 ngày ! Vậy thì tôi cá chắc rằng mỗi người chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi ’chính quyền này có đặt ưu tư là con người lên hàng đầu hay không ?’.
Các vị nhân sĩ, các trí thức sẽ có người hả hê lắm. Có người trách cứ ‘người Việt hèn, không dám lên tiếng’. Có người ngẫm ’cứ như thế này chẳng mấy chốc mà dân sẽ tự nổi dậy’. Tôi nghe khá nhiều dòng suy nghĩ như vậy.
Tôi không biết rằng liệu các vị đó có bao giờ đổ trách nhiệm cho chính bản thân mình hay không, hay là rồi chỉ đổ cho ’người Việt’, cho ‘người dân’ một cách chung chung như vậy ?
Các vị đó đều đã sai. Rất sai trong tư duy chính trị của mình.
Thứ nhất, là các vị không hiểu đặc tính của quần chúng. Quần chúng rất thực dụng, vì thế cho dù có áp bức nữa, có ô nhiễm nữa, có đè nén nữa, họ sẽ vẫn luôn tự xoay xở tìm cách để sống, thậm chí tìm cách để chết. Đừng cho rằng họ sẽ nổi dậy một cách tự phát. Họ thực dụng nên họ không ’ngu’ như các vị tự nghĩ như vậy đâu. Đặc tính thứ hai là, quần chúng thiếu kiên nhẫn. Và vì thiếu kiên nhẫn, nên càng không bao giờ họ sẽ tự nổi dậy một cách tự phát để rồi đâm đầu vào một cuộc khủng hoảng dài ngày mà không hề có kết quả hay một tương lai rõ ràng. Đặc tính cuối cùng là quần chúng không lãng mạn. Họ sẽ chỉ đứng lên khi có một tổ chức hoặc một mặt trận dân chủ đủ mạnh mà chắc chắn sẽ mang lại thắng lợi.
Cũng chính vì những đặc tính đó, mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi mới nói rằng, cuộc vận động dân chủ của chúng ta có 5 giai đoạn mà trong đó, việc quần chúng xuống đường chỉ ở giai đoạn cuối cùng. 5 giai đoạn đó là :
Xây dựng một cơ sở tư tưởng.
Xây dựng mội đội ngũ cán bộ nòng cốt.
Xây dựng và kiểm điểm phương tiện.
Xây dựng cơ sở quần chúng.
Tiến công giành chính quyền.
Chúng tôi vẫn đang trên con đường này ở giai đoạn 2 và 3. Chúng tôi cho rằng việc chuẩn bị là vô cùng quan trọng, và vì thế khi chưa chuẩn bị đủ các điều kiện, chúng tôi sẽ không vội vã ’ra mặt’ một cách vô ích. Vì chúng ta đấu tranh cho tương lai, cho chiến thắng, cho sự thay đổi chứ không phải vì nhất thời mà có thể nông nổi, bất cẩn.
Điều thứ hai mà các vị nhân sĩ, trí thức Việt sai ở trong tư duy của mình đó là các vị luôn cho rằng đấu tranh hay làm chính trị là luôn phải một mình, không dính dáng gì đến tổ chức hay bất cứ đoàn thể nào. Hợp quần luôn luôn tạo ra sức mạnh. Người Việt chúng ta có câu tục ngữ ‘một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’. Câu tục ngữ đó là nói lên sức mạnh của việc nhóm họp và đoàn kết. Tôi nghĩ là mỗi vị trí thức ở đất nước Việt Nam đều là một tia lửa sáng nhỏ. Chúng ta rất may mắn vì trong thời kỳ ‘bão gió’ như thế này, nhưng vẫn có những đốm lửa nhỏ nhoi hy vọng. Nhưng những đốm sáng riêng rẽ sẽ dễ dàng bị dập tắt bởi cả một cơn gió mạnh. Muốn vượt qua được hoàn cảnh đó, chỉ có góp lửa, đoàn kết lại. Khi một que diêm nhỏ bị gió thổi, que diêm sẽ tắt. Nhưng nhiều que diêm cháy gộp lại bị ngọn gió thổi qua, ngọn lửa chỉ to lên thôi !
Một điều nữa, tôi cho rằng sự độc lập của trí thức là độc lập về tư duy. Có nghĩa là dù các vị tham gia hay ủng hộ tổ chức nào đó, nhưng nếu các vị có ý tưởng mới, cách nhìn độc đáo, các vị vẫn là những trí thức với tư duy độc lập, và cái tư duy của các vị sẽ được thăng hoa với sự hỗ trợ của tổ chức mà các anh là thành viên. Ngược lại, dù không tham gia hay ủng hộ tổ chức nào, nếu không có điểm sáng gì về tư tưởng, thì anh cũng chỉ là con người của một xu hướng hay một quan điểm chính trị nào đó, và rồi các anh sẽ sớm bị quần chúng đào thải. Tôi thấy rằng các vị nhân sĩ chỉ có một áp lực duy nhất là áp lực tự bản thân của họ. Tôi không đặt áp lực từ chính quyền vào đây, vì những người đã khiếp nhược trước chính thể độc tài thì ta nên gạt họ ra khỏi thành phần mà tôi đang nói, là các trí thức.
Đất nước này đang ngày càng tan nát. Và nó sẽ càng tan nát hơn nữa nếu chính tấm lòng ưu tư cho đất nước của quý vị cũng tan nát. Chúng ta chỉ có cơ hội này là cơ hội cuối. Một lần cuối cùng cho tất cả, để vực dậy đất nước, vực dậy chính chúng ta và tương lai của con cháu chúng ta.
Nếu các vị vẫn còn im lặng, thì sau không khí, sau đất, sau nước, sau chúng ta chính là con cháu chúng ta. Tôi nghĩ rằng một người cha tốt, một người mẹ hiền sẽ không bao giờ cam chịu để cho con cái, cháu chắt sẽ sống, hít thở và uống một nguồn nước và không khí ô nhiễm cả. Và không người trí thực thật sự nào cam tâm nhìn quê hương bị ô nhiễm từng ngày về cả nghĩa đen và nghĩa bóng như thế này !
Việt Thủy
(17/10/2019)