Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

22/10/2019

Chúng ta không chỉ thay đổi chế độ cộng sản

Trần Hùng

Trong một cuộc trò chuyện về chính trị, một người anh có than thở với tôi rằng : "anh biết chế độ này rồi sẽ sụp đổ, nhưng chế độ khác lên thì vẫn vậy thôi, các lãnh đạo hay các tổ chức khác cũng chỉ biết tới quyền lợi và quyền lực của mình thôi, chẳng có thay đổi gì nhiều cả". Anh khá mất niềm tin vào phong trào dân chủ. Suy nghĩ của anh cũng là suy nghĩ của khá nhiều người Việt, nó làm cho nhiều người mất hết ý chí đấu tranh và tạo ra tâm lý rã hàng cho nhiều người khác.

Phải nói là lo lắng này cũng hoàn toàn chính đáng. Lòng tham và ham muốn quyền lực nằm trong bản chất của mỗi con người và trong suốt dòng lịch sử đất nước ta, chưa có chính quyền nào thoát khỏi cám dỗ của nó, cứ chính quyền trước bị đánh đổ thì chính quyền mới dựng lên vẫn độc tài và tham nhũng không khác nhiều chính quyền trước. Thực tế chúng ta chưa bao giờ có một chính quyền trong sạch cả. Trong lịch sử thế giới gần đây, cũng không thiếu những cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài này chỉ để thay thế bằng một chế độ độc tài khác, và tình trạng tham nhũng cũng gần như nhau. Vậy có lý do gì để tin rằng cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta sắp tới không đi vào vết xe đổ này ?

Khi nói tới cuộc cách mạng dân chủ sắp tới, nhiều người, kể cả những người được xem là người đấu tranh, đều cho rằng mục đích cuối cùng (cứu cánh) của cuộc cách mạng này là để thay đổi chính quyền và chế độ cộng sản. Quan điểm này sai. Nếu chỉ như thế thì nguy cơ về một chế độ vừa độc tài vừa tham nhũng được dựng lên sau chế độ cộng sản là rất lớn. Cứu cánh thật sự của cuộc cách mạng dân chủ là thay đổi văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam (rất ít người nhấn mạnh điều này). Việc thay đổi chế độ và chính quyền cộng sản chỉ là hệ quả của sự thay đổi về văn hóa chính trị. Chỉ khi chúng ta thay đổi được văn hóa nô lệ đã tồn tại cả ngàn năm trên đất nước ta bằng văn hóa dân chủ thì chúng ta mới có thể vượt lên trên số phận của mình. Nhiều người sẽ xem đó chỉ là lý thuyết, quá trừu tượng để người dân có thể hiểu, nhưng nó không trừu tượng chút nào nếu chúng ta đi sâu vào một vài ví dụ cụ thể.

sach1

Chỉ khi chúng ta thay đổi được văn hóa nô lệ đã tồn tại cả ngàn năm trên đất nước ta bằng văn hóa dân chủ thì chúng ta mới có thể vượt lên trên số phận của mình.

Thay đổi quan niệm về hoạt động chính trị

Từ trước tới nay chúng ta vẫn quan niệm mục đích của hoạt động chính trị là để được nổi tiếng, để làm quan, được giữ vai trò hay địa vị nào đó, để tìm kiếm công danh cho mình, hay nhiều người tham vọng hơn, để trở thành "anh hùng dân tộc", tất cả những mục đích này đều có nghĩa là vì bản thân mình. Dưới chế độ quân chủ có những đời vua có tới hàng chục, hàng trăm cuộc nổi dậy của người dân, chắc chắn là người dân có lý do chính đáng mới nổi dậy nhiều vậy, và tất cả những cuộc nổi dậy này đều bị đàn áp, thậm chí là bị tàn sát bởi "những người làm chính trị". Quan lại chỉ biết tới con đường công danh của mình chứ không biết tới cuộc sống của người dân, chỉ biết tới mình chứ không biết tới dân tộc.

Dưới chế độ cộng sản, tình trạng này cũng không khá hơn bao nhiêu. Đảng cộng sản luôn tự đặt mình lên trên đất nước, nhưng có bao nhiêu quan chức dám lấy quyết định khước từ mọi quyền lực và bổng lộc của chế độ và tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, nghĩa là dám đặt đất nước lên trên bản thân mình ? Chẳng có bao nhiêu. Di sản này cũng góp phần tạo nên tình trạng xô bồ như hiện nay trong phong trào dân chủ, khi nhiều người vẫn xem việc tranh giành danh tiếng và địa vị là điều quan trọng nhất. Tất cả đều là hệ quả của quan niệm cho rằng mục đích của hoạt động chính trị là vì bản thân mình, dù nhiều người có thể không nhận ra hoặc không dám thú nhận.

Cuộc cách mạng dân chủ đòi hỏi một bước nhảy vọt về quan niệm này, thay vì xem mục đích của hoạt động chính trị là "vì mình", thì chúng ta phải tiến tới một nền văn hóa mới xem mục đích của hoạt động chính trị là để đóng góp vào thành công chung cho đất nước. Hệ quả tự nhiên khi chúng ta quan niệm như vậy là sự tìm kiếm con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để đóng góp cho thành công của dân chủ, của đất nước, nghĩa là ủng hộ hoặc tham gia vào các tổ chức chính trị dân chủ.

Bước nhảy vọt này là một bắt buộc để đất nước có thể tiến tới một tương lai mới, vì nếu vẫn quan niệm hoạt động chính trị là để tìm kiếm quyền lực và địa vị cho bản thân mình thì dù chế độ cộng sản sụp đổ, chúng ta sẽ chỉ xây dựng lên được một chế độ độc tài mới chứ không thiết lập được dân chủ, và nếu vẫn xem hoạt động chính trị là tìm kiếm danh lợi cho bản thân mình thì chúng ta cũng chỉ đóng góp xây dựng lên một chính quyền tham nhũng mới mà thôi.

Bước nhảy vọt này cũng là một bắt buộc nếu muốn đánh bại được chế độ cộng sản. Chúng ta đều phải đồng ý với nhau rằng chế độ này chỉ có thể bị đánh bại khi có một lực lượng đối lập mạnh làm đối trọng với nó. Nhưng nếu vẫn quan niệm làm chính trị là để nổi tiếng, để tìm kiếm quyền lực và địa vị cho mình, "vì mình", chúng ta sẽ không có lý do để ủng hộ cho các lực lượng chính trị đứng đắn, giúp các tổ chức đó mạnh lên vì họ có thể làm cho mình mờ nhạt đi và trở thành đối thủ tranh giành quyền lực với mình sau này. Hơn nữa một lực lượng chính trị cũng chỉ có thể mạnh lên khi những người tìm đến với lực lượng đó xem rằng hành động của mình là để đóng góp vào một thành công chung cho đất nước, còn nếu vẫn quan niệm mình làm chính trị để tìm kiếm một chỗ đứng cho bản thân mình thì chỉ làm cho tổ chức suy yếu, thậm chí là tan rã vì tranh giành và đấu đá. Tới khi nào chúng ta chưa đạt được bước nhảy vọt tư tưởng này thì khi đó đất nước chưa thể có dân chủ.

Thay đổi quan niệm về đất nước

Từ trước tới nay với dân tộc ta, đất nước chỉ là tài sản của một người, một dòng họ hay của một tổ chức… Đất nước chưa bao giờ được hiểu như là một thực thể của chung mọi người và cũng là của mỗi người cả. Chính vì thế mà lòng yêu nước của người Việt nói chung rất thấp, đơn giản là vì chúng ta không thể yêu một thứ không phải là của mình. Vì đất nước không phải là của mình nên chúng ta đã không thấy mình cần có trách nhiệm gì với đất nước. Nếu một người Việt Nam bỏ nước ra đi và được nhập tịch một quốc gia phương Tây nào đó, ít ai phiền lòng mà phần lớn đều chúc mừng họ, vì đó cũng là mơ ước của nhiều người khác. Nếu được lựa chọn từ bỏ tổ quốc Việt Nam để trở thành người Mỹ hay người Úc, tuyệt đại đa số người Việt sẽ không lưỡng lự. Đất nước gần như không có một chỗ đứng quan trọng nào trong suy nghĩ của người Việt, tinh thần dân tộc của chúng ta đã xuống rất thấp ; chính xác hơn, nó chưa bao giờ cao. Tình trạng này là một sản phẩm do sự tụt hậu nặng nề về tư tưởng chính trị gây ra và đã kéo dài quá lâu, đó là quốc gia Việt Nam, hiểu như là một thực thể của chung mọi người Việt Nam, vẫn chưa được khai sinh ra.

Chính vì chúng ta chưa có một quốc gia đúng nghĩa, nên tinh thần dân tộc của ta rất thấp, rồi chính nó lại làm cho mọi vấn đề khác đều bế tắc. Muốn xử lý những vấn đề như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, tụt hậu hay độc tài, chúng ta cần những con người sẵn sàng tìm giải pháp chung cho cả đất nước thay vì chỉ cho bản thân mình, nghĩa là cần những người yêu nước thực sự. Nhưng tinh thần dân tộc thấp khiến chúng ta thiếu những con người như vậy và vì thế mà cả dân tộc lại tiếp tục phải chịu đựng ô nhiễm, tham nhũng, tụt hậu và độc tài… Càng thế thì người Việt lại càng không có lý do để yêu nước. Một vòng tuần hoàn đáng buồn vẫn lặp đi lặp lại cho tới nay. Làm sao để thoát khỏi nó ?

Tại sao phần lớn người Việt Nam lại muốn chia sẻ một tương lai chung với người Mỹ, người Úc, hay các dân tộc Châu Âu thay vì với những người đồng bào Việt Nam của mình ? Câu trả lời rất đơn giản : đó là vì nước Mỹ, Úc hay các nước Châu Âu có một dự án tương lai chung đáng mơ ước, đó là giấc mơ Mỹ, là những phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống, sức mạnh của quốc tịch Úc hay các nước Châu Âu. Còn chúng ta, chúng ta đã có dự án tương lai chung nào xứng đáng để mọi người Việt Nam đều mơ ước ? Thực tế là chúng ta chẳng có dự án tương lai chung nào cả, mạnh ai nấy sống, dẫm đạp lên nhau để vươn lên nếu cần. Thắng thì làm vua, nghĩa là thỏa sức cai trị và vơ vét ; thua thì làm giặc, nghĩa là phá hoại thật nhiều nếu có thể. Với một tình trạng như vậy thì ai muốn chia sẻ một tương lai chung với chúng ta ? Phần lớn người Việt có lý do để bỏ nước ra đi, để chia sẻ một tương lai chung với các dân tộc tiến bộ, hay ít nhất là gạt bỏ đất nước ra khỏi tâm thức để thực hiện dự án tương lai của riêng mình. Trên thực tế, nhiều người đã gần như sống "lưu vong" dù đang ở ngay trên đất nước Việt Nam.

Muốn chấm dứt được tình trạng này, chúng ta phải sáng tạo ra một dự án tương lai chung mới, một dự án tương lai chung đáng mơ ước để có thể động viên mọi người Việt Nam tham gia cùng xây dựng và chia sẻ thay vì bỏ đi tìm kiếm một dự án tương lai ở nước khác. Chúng ta phải định nghĩa lại (chính xác là định nghĩa đúng) ý niệm quốc gia như là một nguyện ước cùng sống chung, xây dựng và chia sẻ một tương lai chung với những người đồng bào Việt Nam của mình. Như vậy một dự án tương lai chung đáng mơ ước sẽ đặt nền tảng cho việc xây dựng một đất nước mới, cho mọi người Việt Nam một lý do để ở lại thay vì ra đi, để đấu tranh thay vì bỏ cuộc, để yêu quý thay vì ghét bỏ đất nước Việt Nam. Đó chính là thứ không có không được nếu muốn đổi dòng lịch sử, muốn xây dựng nên một tương lai mới cho mọi người Việt Nam. Và trách nhiệm sáng tạo ra dự án tương lai chung Việt Nam đó chắn chắn phải thuộc về các tổ chức chính trị thực sự có tấm lòng với đất nước. Có bao nhiêu tổ chức đã ý thức được trọng trách to lớn của mình ? (1)

Thay đổi về cách thức giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong xã hội

Trong hơn 50 năm đầu triều Nguyễn, trước khi người Pháp tới (1802-1858), chúng ta có tới hơn 400 cuộc nổi dậy của người dân, tất cả đều thất bại, phần lớn những người lãnh đạo những cuộc nội dậy này đều bị tàn sát, có những cuộc nổi dậy bị tàn sát tới cả ngàn người. Đó là cách mà chúng ta giải quyết những xung đột trong xã hội trong quá khứ. Có thể nói là chúng ta luôn trong một tình trạng nội chiến thường trực. Với tình trạng này thì thất bại của Việt Nam trước người Pháp là điều không thể tránh được. Một trong những nguyên nhân khiến nhà Nguyễn chấp nhận cắt 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp là để dồn quân ra Bắc đàn áp cuộc khởi nghĩa của Tạ Văn Phụng, nghĩa là thỏa hiệp nhượng đất với người ngoài để có sức tàn sát những người Việt Nam chống đối. Tinh thần dân tộc và tình nghĩa đồng bào gần như đã không tồn tại trong thời kỳ nhà Nguyễn, và không chỉ trong thời kỳ này.

Tinh thần nội chiến không phải bắt đầu từ thời nhà Nguyễn mà có lẽ đã bắt đầu ngày từ khi lập quốc của đất nước ta, những cuộc nổi dậy trở thành thường thực, cường độ bạo lực luôn tăng lên thay vì giảm đi, với những cuộc chiến không ngớt giữa Đại Việt và Champa (hai vương quốc cấu thành nên nước Việt Nam ngày nay), rồi Nam - Bắc Triều, Trịnh - Nguyễn phân tranh, rồi Tây Sơn và cao điểm là nội chiến Quốc - Cộng, người Việt đã cầm vũ khí lên tàn sát nhau trong 30 năm làm chết hơn 5 triệu người. Tinh thần nội chiến này đã làm cho đất nước ta kiệt quệ về mọi mặt, trong nhiều trường hợp còn mất cả chủ quyền. Đáng buồn là tinh thần này vẫn còn rất nặng tới nay, người Việt vẫn chia rẽ, thù hận, vẫn mạt sát, khinh ghét nhau vì những lý do về tôn giáo, quan điểm chính trị, vùng miền, sắc tộc, phe nhóm… thay vì thương yêu nhau. Người Việt biết nhưng không chịu hiểu, tất cả chúng ta, dù có khác biệt, đều là người Việt Nam.

Ngược lại với tinh thần này, cuộc cách mạng dân chủ sắp tới đòi hỏi chúng ta có một tinh thần mới. Dân chủ sẽ khai sinh ra ý niệm quốc gia như là một thực thể của chung mọi người và cũng là của mỗi người, của những người cầm quyền và cả những người đối lập, của người Công giáo và cũng là của người Phật giáo, của người Kinh và cả các sắc tộc khác, người Bắc hay Nam, giàu hay nghèo, một quốc gia của những người dân chủ và cả những người cộng sản… đất nước là của tất cả chúng ta. Nhưng làm sao để xây dựng nên một tinh thần như vậy khi mà hận thù giữa các thành phần dân tộc vẫn chồng chất ? Chắc chắn là chúng ta phải thay đổi tinh thần nội chiến bằng một tinh thần mới, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Hòa giải là tháo gỡ những mâu thuẫn và thù hận giữa những người Việt Nam với nhau để tiến tới hòa hợp dân tộc, nghĩa là để người Việt Nam quý mến nhau, nâng đỡ nhau để cùng vươn lên, cùng xây dựng một tương lai chung như những người anh em. Dân chủ đa nguyên chắc chắn là điều kiện bắt buộc để thực hiện tinh thần này, vì hòa giải đòi hỏi phải sòng phẳng với quá khứ, sự thật phải được nói lên, phải chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử, phải bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự cho các nạn nhân… Những thứ đó chỉ có một chính quyền dân chủ mới làm được. Nhưng đó chỉ là một nửa chặng đường, phần còn lại khó khăn hơn nhiều. Cố gắng hòa giải trong lòng người đòi hỏi thủ phạm gây ra những đổ vỡ thành tâm xin lỗi, nhận sai với những nạn nhân và được nạn nhân tha thứ. Đây là cách hành xử chưa từng có trong văn hóa của dân tộc ta. Và nó rất khó khăn để có thể thực hiện vì có những đổ vỡ rất rất khó để có thể hàn gắn, rất khó để có thể tha thứ. Nó là một bước nhảy vọt về văn hóa của dân tộc ta, có thể chúng ta sẽ phải mất hàng thế hệ mới thực hiện được trọn vẹn tinh thần này.

Dù là rất khó nhưng vẫn phải làm, phải nêu cao tinh thần này ngay từ bây giờ, nếu không chúng ta sẽ không có tương lai. Một dân tộc mà mọi người chỉ tìm cách thù ghét nhau, hãm hại nhau, chơi xấu nhau thay vì quý mến nhau, giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau để vươn lên, thì chúng ta sẽ không vươn lên được, sẽ không có tương lai nào cả. Đây cũng có thể di sản lớn nhất mà chúng ta nên để lại cho các thế hệ mai sau, chúng ta đã kế thừa một đất nước đầy đổ vỡ, hận thù chồng chất, vậy thì chúng ta hãy để lại cho các thế hệ sau một đất nước của sự bao dung và hòa giải, của tình anh em tìm lại, của tình nghĩa đồng bào.

Vừa rồi là ba ví dụ cụ thể mà cuộc cách mạng sắp tới phải làm, khi thực hiện được cuộc cách mạng văn hóa này chúng ta không chỉ thay đổi được chế độ và chính quyền cộng sản mà còn có thể xây dựng được một đất nước tốt đẹp hơn nhiều. Còn nếu không thì chúng ta vẫn sẽ "ổn định" với số phận của mình, như anh bạn tôi và nhiều người Việt Nam lo lắng, sau độc tài vẫn là độc tài, sau tham nhũng vẫn là tham nhũng, sau thù hận vẫn là thù hận...

Thay đổi các giá trị văn hóa nền tảng là điều rất đau nhức, đó là một cuộc đấu tranh với chính mình, tự chất vấn mình - điều mà trong hàng ngàn năm ông cha chúng ta đã không làm được. Tuy vậy chúng ta không chỉ thay đổi những giá trị nền tảng như trong ba ví dụ trên, chúng ta còn cần phải thay đổi nhiều giá trị nền tảng khác, như về liên đới xã hội, về cách tổ chức xã hội, những quan niệm về hoạt động kinh tế, thay đổi cả cách chúng ta đối xử với đất nước Việt Nam và với những người Việt Nam khác, và nhất là thay đổi nhận thức về các giá trị đạo đức nền tảng xứng đáng được tôn vinh trong xã hội. Đó là một cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng chính trị to lớn và toàn diện, sẽ thay đổi số phận của 100 triệu người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, một cuộc cách mạng mà một cá nhân, dù xuất sắc tới đâu cũng không thể nào làm được. Chỉ có những tổ chức đủ mạnh và mang trong mình những giá trị này mới có thể chuyên chở và lan tỏa chúng bằng một dự án tương lai chung, để chúng trở thành những giá trị nền tảng cho dân tộc Việt Nam.


Trần Hùng

(22/10/2019)

(1) Các bạn đọc có thể tham khảo dự án tương lai chung (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề xuất cho đất nước ở đây : Bit.ly/KSKNTH

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 1420 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)