Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/10/2019

Chúng ta không vô can

Trần Hùng

Tới giờ phút này chúng ta đã có thể khẳng định chắc chắn là có nhiều nạn nhân trong số 39 người thiệt mạng trên container đông lạnh được vận chuyển vào Anh trong ngày 23/10 là người Việt Nam. Sự kiện này đã làm rúng động lương tâm của cả nhân loại cũng như của mọi người Việt Nam. Trước hết chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và bạn bè của các nạn nhân, những người đồng bào thiếu may mắn của chúng ta. Thảm kịch đau lòng này một lần nữa chất vấn mọi người Việt Nam, tại sao những người đồng bào của chúng ta lại phải mạo hiểm cả sinh mạng của mình để tìm kiếm một cuộc sống nơi đất khách ? Tại sao đất nước ta lại thành ra như ngày hôm nay ? Chúng ta có vô can trước cái chết của những đồng bào mình ? Và phải làm thế nào để những thảm kịch thế này đừng tái diễn ?...

lm1

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam cùng khoảng 500 giáo dân cầu nguyện cho 39 người chết trong nhà thờ ở Yên Thành.

Chắc chắn là tất cả những nạn nhân xấu số trong thảm kịch này đều có lý do mới dám mạo hiểm như vậy, chắc chắn họ không phải là những người duy nhất, và cũng chắc chắn rắng nếu đất nước này có thể mang lại cho những đứa con của nó một cuộc sống xứng đáng thì không ai phải chấp nhận sự mạo hiểm như vậy cả. Cái gì đang xảy ra trên đất nước này ?

Tương lai bế tắc, không có con đường để vươn lên

Phần lớn các nạn nhân trong vụ việc này đều xuất thân từ vùng Nghệ Tĩnh, một vùng kém phát triển tại khu vực bắc Miền Trung. Với dân số hơn 4,5 triệu, đây là một trong những khu vực tập trung dân số đông nhất Việt Nam, nhưng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vốn không thể nào nuôi nổi một dân số lớn như vậy, và cũng không thể mang lại một cơ hội nào cho thế hệ trẻ. Tình trạng này đã tạo ra cả một làn sóng di cư, tìm việc làm trong cũng như ngoài nước, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, không chỉ tại Anh mà cả nhiều nước Châu Âu, Đông Á và ngay cả tại Lào, Thái Lan. Thảm hoạ Formosa càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Đối với nhiều người, ở lại, không chỉ bế tắc mà còn không thấy cả cơ hội để thoát khỏi bế tắc, không thấy hiện tại và cũng chẳng nhìn thấy được tương lai.

Và thế là rất nhiều người đã đặt cược tất cả, nhiều lúc là cả sinh mạng của mình, vào một chuyến đi đổi đời tại trời Âu, nó tạo thành một xu thế tại khu vực này và được xem là con đường nhanh nhất và duy nhất để vươn lên. Nhiều người, tự có phương tiện, hay vay mượn, cũng tìm mọi cách để tham gia vào xu thế này, để thoát nghèo và cả để làm giàu. 39 nạn nhân xấu số là một trong số đó, quê hương đã không thể mang lại cho họ một cuộc sống xứng đáng và cơ hội để vươn lên. Ai phải chịu trách nhiệm ? Chắc chắn là những người đã tuyên bố lãnh đạo đất nước toàn diện và tuyệt đối trong hơn nửa thế kỷ qua. Đảng cộng sản đã kiểm soát khu vực Nghệ Tĩnh trong hơn 65 năm qua (1954-2019), 65 năm mà không chuyển đổi nổi một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ, thì phải nói là một thất bại vượt mọi tưởng tượng. Thất bại khủng khiếp này của đảng cộng sản đã buộc người dân nơi đây tìm cơ hội vươn lên tại một vùng đất khác, không chỉ 39 người, mà hàng triệu người.

Tình trạng vô chính phủ tại các vùng quê

Một vấn đề cũng cần được đặt ra trong thảm kịch này là sự lộng hành của các công ty mua giới lao động bất hợp pháp. Hoạt động đưa người đi Anh hay nhiều nước Châu Âu thường là bất hợp pháp nhưng vẫn có cả một mạng lưới tuyển mộ, quảng cáo rầm rộ với nhiều thông tin sai sự thật tại các vùng quê và hoạt động nhiều lúc diễn ra hoàn toàn công khai trước sự im lặng của chính quyền. Trách nhiệm ở đây hoàn toàn thuộc về chính quyền cộng sản. Tình trạng vô luật pháp này cũng giúp nhiều tổ chức tội phạm về cờ bạc, cho vay nặng lãi phát triển, đưa nhiều người dân vào cảnh vỡ nợ và lại phải tìm đường đi ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp để trả nợ.

Sự sụp đổ của nền giáo dục, tuổi trẻ bị được định hướng sai

Nhiều người trong số 39 nạn nhân xấu số chỉ mới ở độ tuổi 19, 20, nghĩa làm mới rời khỏi ghế nhà trường, vậy nền giáo dục Việt Nam đã định hướng cho thế hệ trẻ như thế nào mà lại tạo ra tình trạng này ? Tôi ở cùng quê với phần lớn các nạn nhân, và với những gì quan sát được thì có thể khẳng định là giới sư phạm và cả nền giáo dục phải chịu một phần trách nhiệm cho thảm kịch này. Nền giáo dục thối nát tới mức mà nhiều giáo viên làm việc cho cả các công ty xuất khẩu lao động, và tuổi trẻ đang sắp bước khỏi ghế nhà trường đang rất cần được định hướng, thì những giáo viên này hướng cho lớp trẻ đi vào con đường chấm dứt sự nghiệp học hành để trở thành "khách hàng" của các công ty xuất khẩu lao động. Hành động này thuần tuý vì lợi ích của chính những giáo viên này chứ không dựa trên một trách nhiệm hay một giá trị đạo đức nào cả. Lớp học cuối cấp 3 của một người em tôi có tới 1/3 số học sinh lựa chọn con đường này sau khi được các thầy cô "định hướng", nó tạo ra cả một tâm lý ngự trị trong xã hội. Nền giáo dục Việt Nam có thể nói là đã hoàn toàn sụp đổ.

Sự khủng hoảng của các giá trị đạo đức trong xã hội

Nhưng tại sao nền giáo dục và hệ thống công quyền lại xuống cấp tới như vậy ? Dường như giá trị được đề cao nhất trong nền giáo dục, trong hệ thống công quyền và cả trong xã hội là đồng tiền, nó đứng trên cả đạo đức nghề giáo đối với giáo viên, trên cả trách nhiệm với hệ thống công quyền, trên cả sinh mạng con người với nhiều người dân. Tại sao ? Nguyên nhân nằm ở cách tổ chức của xã hội hiện nay. Bản tính của con người, dù ý thức được hay không, là mưu tìm sự vinh quang và một tầm quan trọng nào đó, dù trong chính quyền hay trong giáo dục, trong khoa học hay trong kinh doanh, để được quí trọng.

Nhưng trong một đất nước mà quyền lực chính trị chiếm ngự tất cả, và quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ giữ độc quyền chính trị bằng bạo lực trong một thời gian vô hạn định thì người dân, kể cả cá nhân mỗi người trong bộ máy chính quyền, còn có cách nào để tìm kiếm được một chút vinh quang cho mình ? Họ chỉ còn lại một vũ khí là đồng tiền. Ðồng tiền là vũ khí hiệu lực nhất để mua, và lấy lại, một phần quyền lực đã bị tịch thu, để cho những người sở hữu nó một chỗ đứng được tôn trọng trong xã hội (1).

Chính điều này đã làm cho đồng tiền trở thành giá trị được đề cao nhất trong xã hội Việt Nam, nhất là tại các vùng quê, nó làm cho người ta kiếm tiền bằng mọi giá, nhiều lúc bất chấp cả luật pháp, đạo đức và ngay cả sinh mạng của mình. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải trả lại cho xã hội những quyền lực mà đáng lẽ nó phải có, phải quyền lực hóa người dân (nghĩa là phải có dân chủ). Khi ai trong chúng ta cũng có thể cảm thấy tự hào và ý nghĩa vì những gì chúng ta đang làm, chúng ta sẽ có lý do để gắn bó với đất nước và làm việc một cách có trách nhiệm, dù có thể là thu nhập chưa cao, chứ không phải là ra đi để kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mọi hậu quả.

Chúng ta có vô can ?

Với tất cả những nguyên nhân trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cộng sản, họ đã thất bại toàn diện về mọi mặt, nhưng vẫn cố bám lấy quyền lực bằng mọi giá, và kéo dài thêm thảm kịch này của dân tộc. Họ còn nắm quyền tới ngày nào thì ngày đó nguy cơ về một thảm kịch như trên tái diễn vẫn còn hiện rõ. Nhưng như vậy có phải chúng ta vô can ? Câu trả lời là không. Chúng ta không vô can vì chúng ta đã gián tiếp cho phép đảng cộng sản nắm quyền cai trị đất nước tới ngày hôm nay, chúng ta đã không đánh bại được sự gian trá và tồi dở đang thống trị trên đất nước này. Chúng ta đã để cho đảng cộng sản huỷ hoại đất nước tới mức mà nhiều đồng bào của chúng ta phải bất chấp cả mạng sống để tìm một cuộc sống ở một đất nước khác, để vươn lên. Không ai trong chúng ta vô can cả, chúng ta đã tiếp tay, dù là gián tiếp, dẫn tới thảm kịch này.

Ý thức được rằng mình không vô can cũng có nghĩa là chúng ta đã nhận lĩnh trách nhiệm chấm dứt thảm kịch này. Phải đánh bại đảng cộng sản và dân chủ hoá đất nước, để mang lại cho người dân một hi vọng vươn lên trên chính đất nước này thay vì tìm mọi cách để ra đi, để mang lại một ý nghĩa mới cho nền giáo dục, cho hệ thống công quyền và cho cả xã hội Việt Nam, để mở ra một tương lai mới cho mọi người Việt Nam.

Muốn thế thì phải tìm mọi cách có thể để gia tăng sức mạnh cho các lực lượng đối lập, chỉ có một lực lượng dân chủ mạnh mới có thể đủ khả năng để đánh bại đảng cộng sản và dân chủ hoá đất nước. Phải chấm dứt những thảm kịch này, không chỉ cho những người đồng bào Việt Nam của chúng ta mà cho cả chính lương tâm của mỗi chúng ta. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện...

Trần Hùng

(27/10/2019)

(1) Trích bài Một cách nhìn tham nhũng và chống tham nhũng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 1186 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)