Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/10/2019

Hôm nay là họ, bao giờ sẽ đến lượt chúng ta ?

Việt Nghĩa

Đa số người Việt Nam hôm nay chọn giải pháp luồn lách, làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho cái xấu, tước đoạt cơ hội của người khác, đặc biệt là những người kém may mắn, gia cảnh khó khăn… để đạt được mục đích của mình. Mỗi chúng ta nên xấu hổ, ăn năn khi chứng kiến cảnh người Anh rưng rưng nước mắt, cầm nến cầu nguyện cho 39 nạn nhân, trong đó có nhiều người Việt Nam tử vong trong container nhập cư trái phép hôm 23/10/2019 vừa qua với một sự xót xa, thông cảm cùng khẩu hiệu "người nhập cư, tị nạn được chào đón ở đây". Vậy chúng ta, những người đồng bào của họ đã có trách nhiệm gì trong những cái chết vô cùng đau đớn, bi thảm, chẳng khác hình phạt hành hình thời trung cổ đó ?

ho1

Người dân Anh thắp nến cầu nguyện cho những người xấu số.

Có người nguỵ biện rằng những nạn nhân này ham tiền, cuồng vật chất khi tìm mọi cách để vượt biên vào Anh, vậy hãy tự xét lại bản thân xem chúng ta có ham tiền không ? Nếu không tại sao chúng ta chọn phương án chung chi, hối lộ để có được công việc dễ dàng, nhanh gọn, hòng giành được những ưu thế phục vụ mục đích tiến thân ? Chúng ta thường đánh giá con người qua trang sức họ đeo, chiếc xe họ đi, quần áo họ mặc và độ dày của ví tiền, vậy chúng ta không cuồng vật chất ư ? Người Việt không chỉ nhập cư bất hợp pháp vào các nước Châu Âu mà nhiều người Việt khó khăn nhưng không có điều kiện còn phải qua những nước nghèo như Lào, Campuchia... để làm chui kiếm sống. Trái lại, người dân ở hai nước mà chúng ta hay xem thường Lào, Campuchia gần như chẳng màng đến con đường vượt biên, tha phương cầu thực như những người Việt khốn khó.

Chúng ta cũng thừa biết tham nhũng và bất công sẽ tước đoạt cơ hội của người nghèo, kẻ yếm thế... nhưng chúng ta cũng góp sức đắc lực trong việc tước đoạt cơ hội tiến thân của họ bằng cách câm lặng, làm ngơ trước những bất công mỗi lúc một trắng trợn, thậm chí còn tiếp tay hòng kiếm chác những lợi ích sặc mùi gian trá. Bất công, hối lộ không chỉ tồn tại trong khu vực công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân, mà cả khu vực doanh nghiệp nước ngoài cũng không tránh khỏi. Người Việt trong các tập đoàn đa quốc gia thường là những người có năng lực vượt bậc, có thu nhập tốt so với mặt bằng chung, nhưng điều đó không ngăn cản được bản tính "luồn lách" nhằm kiếm được thật nhiều tiền, phục vụ cho những ước mơ nặng về vật chất và khá "bẩn thỉu" : sắm xe, mua nhà, cho con đi du học, định cư nước ngoài... Tôi nhận định "bẩn thỉu" vì đồng tiền họ kiếm được để phục vụ cho những mục đích này thường là những đồng tiền hối lộ, gian trá, có được từ bất công do họ tạo ra, nhằm cưỡng đoạt lợi ích chính đáng của người khác.

Chúng ta đã từng chứng kiến hai cuộc chạy trốn cộng sản với qui mô hàng triệu người (1954 và 1975) và hàng loạt cuộc chạy trốn nhỏ lẻ sau 1975, kèm theo đó là hàng vạn cái chết tang thương, thậm chí mất xác, nhưng chúng ta chưa bao giờ nghiêm túc giải quyết nguyên nhân thật sự của vấn đề : Vấn nạn cộng sản. Chúng ta cúi mặt và đầu hàng trước một đội ngũ cộng sản đã chia rẽ đến bạc nhược, chỉ đang cố gồng mình "ngoan cố", hòng che đậy sự thối nát và đe dọa sự phản kháng của người dân. Chúng ta đổ thừa cho cơm áo gạo tiền và nỗi vất vả mưu sinh để biện minh cho hành động im lặng nhục nhã này. Trên thế giới, chẳng có dân tộc tiến bộ nào ngu ngốc đến mức "chỉ chọn mưu sinh". Họ vừa mưu sinh vừa tranh đấu không phải chỉ cho bản thân họ, mà còn cho tương lai con cháu như Hồng Kông, còn chúng ta thì chuẩn bị cho tương lai của hậu thế ở tận Mỹ, Úc... bằng con đường luồn lách, bất lương.

Chúng ta đã sai khi kết án Việt Nam không còn tương lai từ quá sớm, việc "vượt biên" không phải mới xảy ra khi có tai ương cộng sản, nó từng là sản phẩm phổ biến mang tên "chạy giặc", đó cũng là điều bất khả kháng, vì một dân tộc cứ 30-40 năm lại có một cuộc chiến thì còn chỗ nào bình yên ? Nhưng hiện tại chúng ta đang có một hi vọng mới : gần như tuyệt đại đa số đã đồng ý phương pháp đấu tranh bất bạo động để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên trên tinh thần hòa giải dân tộc. Đó sẽ là kim chỉ nam cho một cuộc tranh đấu xứng đáng nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là tranh đấu cho dân chủ, tự do thật sự bằng giải pháp "dân chủ đa nguyên". Cuộc tranh đấu này sẽ đập tan định kiến : Việt Nam không còn tương lai. Giải pháp thì đã có, nếu chúng ta không nhanh tay nhập cuộc thì những thảm kịch như vừa xảy ra sẽ còn diễn ra liên tục, với mức độ tang thương đau xót tăng đến mức khó tưởng, sẽ sói mòn niềm tin vào một tương lai chung của dân tộc. Đặc biệt, thế hệ trẻ sẽ cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng và tìm cách hòa tan vào một cộng đồng mà họ cho là tử tế hơn, có tương lai hơn.

Trong số những nạn nhân xấu số chắc chắn có những người mạo hiểm vì chán ghét lối sống luồn lách, đạo đức giả trong nước, họ muốn tìm một công việc mới, một môi trường tích cực, lương thiện hơn, chứ không hẳn chỉ vì tiền. Những nạn nhân này rõ ràng nhân phẩm còn tốt hơn khối người trong nước đang rắp tâm huỷ hoại dân tộc, họ thà bỏ xác nơi xứ người còn hơn làm người bất lương ở cố quốc. Cũng có những nạn nhân vì thiếu kiến thức nên bị lừa. Cũng có những người bế tắc và tuyệt vọng nên phải nhắm mắt đưa chân. Lý do gì đi nữa thì nó cũng xuất phát từ một xã hội đổ vỡ mọi niềm tin và sự nghèo khó. Chẳng có người dân của một quốc gia dân chủ bỏ nước ra đi bằng con đường mạo hiểm như vậy cả. Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn bất lực trong việc mang lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

Sự việc xảy ra quá đau lòng và nó đang chất vấn lương tâm mỗi người trong chúng ta. Chúng ta tiếp tục im lặng để sống trong nỗi thấp thỏm lo âu hay lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị đứng đắn với một giải pháp mới để thay đổi hiện tại đáng buồn và một tương lai bất định của chính con cháu chúng ta ? Chúng ta còn im lặng và thờ ơ đến bao giờ ?

Xót thương cho những người xấu số là lẽ đương nhiên nhưng không lẽ chúng ta chỉ dừng lại ở đó ? Để rồi lại tiếp tục đón nhận những tin tức bất hạnh khác của đồng bào mình, rồi lại xót thương ? Lấy gì làm đảm bảo rằng bất hạnh sẽ không đổ lên đầu người thân hay bà con ruột thịt của chúng ta ?

Nạn ô nhiễm môi trường như không khí và nguồn nước, tai nạn giao thông, y tế lạc hậu, giáo dục nhồi sọ, thực phẩm bẩn…đang bủa vây chúng ta tứ phía và không chừa một ai. Giàu cũng phải ăn, uống và hít thở không khí. Không ai trong chúng ta là vô can và nếu chúng ta không hành động thì sẽ không có gì thay đổi cả. Không có giải pháp cá nhân mà chỉ có một giải pháp chung cho tất cả chúng ta. Luồn lách không phải là giải pháp khôn ngoan vì chúng rất tạm bợ và đầy bất trắc. Người Việt Nam hãy chung tay để "Thức tỉnh quần chúng về sự cần thiết của một giải pháp chung cho cả dân tộc" :

"Sự mâu thuẫn đáng phẫn nộ giữa tiềm năng to lớn và hiện trạng bi đát của dân tộc, giữa ước vọng dân chủ rộng khắp và sự kéo dài thách đố của chế độ độc tài toàn trị có một nguyên nhân chính : đó là tâm lý luồn lách để tìm những giải pháp cá nhân cho những vấn đề cá nhân. Tâm lý đó là di sản lịch sử và văn hóa của hàng ngàn năm trong đó con người hoàn toàn không có tiếng nói, phải chịu đựng chính quyền như một định mệnh và tìm cách thích ứng để tự tồn. Luồn lách để tồn tại đã, một mặt, buộc người dân phải chấp nhận làm những điều không lương thiện và góp phần làm ung thối thêm xã hội, mặt khác, khiến người dân phải thỏa hiệp với chế độ, đóng góp cho chế độ và do đó giúp chế độ tồn tại, một điều không ai muốn.

Cố gắng đầu tiên, trọng đại và cam go của những người dân chủ là thức tỉnh dân chúng rằng bắt buộc phải có một giải pháp chung, nghĩa là một thay đổi chế độ chính trị, chứ mỗi người không thể xé lẻ và luồn lách để tự giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân. Sẽ chỉ có một thiểu số không đáng kể thành công như vậy và sự thành công nếu có cũng chỉ là tạm bợ và đầy bất trắc.

Phải đánh đổ trước hết chủ nghĩa luồn lách và phát huy ý chí sống lương thiện, xứng đáng và trách nhiệm. Chừng nào quần chúng còn chưa tin là mọi người Việt Nam đều gắn bó với nhau trong một số phận chung, và do đó cần một giải pháp chung, cuộc vận động dân chủ vẫn chưa thể thành công và chế độ độc tài vẫn tồn tại, hay nếu có sụp đổ do sự ruỗng nát của chính nó thì cũng chỉ nhường chỗ cho một tình trạng hỗn loạn vô chính phủ còn tồi tệ hơn cả một chế độ độc tài.

Khó khăn chính của cuộc cách mạng tâm lý này là nó đòi hỏi cả lý luận lẫn sự kích thích và do đó chỉ có những kết hợp chính trị mới có thể vận động được một cách hữu hiệu. Các nhà nghiên cứu, các nhà tư tưởng, ngay cả các nhân sĩ uy tín, nếu có, cũng bất lực vì chính sự kiện họ đứng một mình cũng đã không nhiều thì ít chứng tỏ họ chọn lựa giải pháp cá nhân và khiến cho những hô hào của họ về một ý thức chung mất rất nhiều tác dụng. Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên hiểu trách nhiệm và vai trò của mình trong cuộc đột phá tâm lý này".

(Trích Chương 7, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Việt Nghĩa

(27/10/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Nghĩa
Read 1108 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)