Tòa án cộng sản Việt Nam vừa làm dày thêm hồ sơ khủng bố của chính mình khi tuyên án 12 năm tù (tương đương với thời gian giam giữ của một phạm nhân bị kết án chung thân tại các nước Tây Âu, nghĩa là án cao nhất vì các nước này đã bỏ án tử hình) cho ông Châu Văn Khảm, một Việt kiều Úc đã 70 tuổi, với cáo buộc "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân". Bên cạnh đó, hai người bị cho là đồng phạm Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền cũng bị tuyên những bản nặng nề không kém với 11 và 10 năm tù giam. Chưa kể 3 người không được nêu tên bị phạt 3-4 năm tù về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Báo Vnexpress còn trích dẫn nhận định của Hội đồng xét xử là qua hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy có đủ cơ sở xác định các bị cáo đều biết Việt Tân là tổ chức phản động nhưng vẫn tham gia, nên phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Đấu tranh cho nhân quyền không phải là khủng bố…
Rõ ràng là nhà nước cộng sản cũng tự nhận thấy bản án mà họ giáng lên đầu những người này là quá thô bạo, nhưng nếu quan sát những phiên tòa xét xử người đấu tranh trong khoảng một năm nay chúng ta chỉ buồn chứ không sốc, vì những bản án nặng nề, bất nhân đang là công cụ quen thuộc mà nhà cầm quyền dùng để răn đe, dọa dẫm những tiếng nói bất đồng. Nhà nước cộng sản đang đi vào giai đoạn bối rối, lo âu nhất từ trước đến nay, một mặt tìm cách thoát khỏi đế quốc Trung Quốc sắp sụp đổ, một mặt ngoan cố giữ cho bằng được đảng cộng sản trong điều kiện mà họ nghĩ là thuận lợi khi Hà Nội gần như không bị chỉ trích về nhân quyền bởi nước Mỹ dưới thời Donald Trump và một Âu Châu đang phải vật lộn với những bất ổn nội bộ.
Nhưng chính quyền cộng sản đã sai lầm với nhận định trên, những bản án như thế này chỉ có tác dụng gây phẫn nộ những người yêu nước và cả quần chúng Việt Nam, chưa kể nó còn khắc hoạ rõ nét đảng cộng sản như một "lực lượng chiếm đóng" tàn nhẫn. Những bằng chứng được sử dụng để kết tội rất sơ sài, lỏng lẻo hoàn toàn thiếu sức thuyết phục như : gặp gỡ chủ tịch Việt Tân, làm giấy tờ giả, kích động biểu tình... Tòa hoàn toàn không đưa ra được bất cứ hậu quả, tổn thất nào do các hành động trên gây ra, nhưng họ vẫn buộc tội và kết án những nghi phạm này như là "tác giả" của những tội ác nghiêm trọng…
Mức độ man rợ của bản án này có lẽ không cần mổ xẻ thêm nữa, điều mà người viết vô cùng thắc mắc là vì sao chưa thấy sự hiện diện và lên tiếng của đại sứ Úc ở Việt Nam, khi một công dân của Úc bị bắt và xét xử. Việt Tân đã ra thông báo phản đối và chỉ trích bản án này, nhưng chưa thấy họ công bố những nỗ lực vận động chính phủ Úc để biến phiên tòa thành một mặt trận đấu tranh ngay tại sào huyệt của chế độ. Chưa kể đấu tranh có tổ chức cũng cần phải dự trù cho các khả năng có thể xảy ra, khi bị bắt và bị vu khống dùng tiền để tài trợ khủng bố thì tổ chức cần phải lên tiếng phủ nhận ngay lập tức, và chia sẻ mục đích sử dụng tốt đẹp mà họ hướng tới. Điều này có thể bị cho là vô ích đối với một phiên tòa "bỏ túi" của cộng sản Việt Nam nhưng lẽ phải cần phải được cổ vũ và cất lên dù trong hoàn cảnh yếm thế và ngặt nghèo nhất. Chưa kể nó còn có tác dụng minh oan cho người gặp nạn.
Sau cùng, chúng tôi xin chia sẻ sự phẫn nộ và đồng cảm với những nạn nhân của bản án phi pháp này. Hơn nữa, chúng tôi muốn dành sự kính mến và ngưỡng mộ đến những người dũng cảm dấn thân vì tương lai dân tộc. Chúng tôi đang cố gắng cùng các lực lượng dân chủ tranh đấu để đất nước sớm có tự do và để những người như ông Châu Văn Khảm được bày tỏ quan điểm chính trị của mình mà không bị vướng vòng lao lý.
Việt Nghĩa
(13/11/2019)