Chia buồn cùng gia đình hai nhà báo kỳ cựu
Hay tin hai cây đại thụ của làng báo Việt Nam hải ngoại, Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh và Ký giả Nguyễn Đình Vinh, vừa nằm xuống, chúng tôi xin thay mặt Ban biên tập trang mạng báo Thông Luận và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên kính lời chia buồn cùng gia đình và những bạn đồng hành của hai bậc đàn anh trong làng báo Việt Nam.
Giáo sư nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, cùng với bào đệ của ông, cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, đã để lại nhiều dấu ấn trong sinh hoạt văn hóa và báo chí Việt Nam Cộng Hòa trước và sau 1975. Những thanh niên lớn lên trong cuộc chiến vừa qua, như chúng tôi ở miền Nam, không bao giờ quên những đóng góp to lớn của hai vị tiền bối này cho nền giáo dục và báo chí miền Nam. Mặc dù không được đào tạo trực tiếp bởi hai giáo sư họ Nguyễn Ngọc, về lý tưởng thông tin và tinh thần phục vụ cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng tôi cũng đã học hỏi được từ hai ông sự lương thiện trong cách diễn đạt cũng như thông tin. Đó là tài sản quí giá nhất mà hai cố giáo sư nhà báo họ Nguyễn Ngọc đã để lại cho cộng đồng người Việt hải ngoại và những người làm công tác truyền thông như chúng tôi có nhiệm vụ trân trọng và phát huy thêm.
Ký giả Nguyễn Đình Vinh là một mẫu mực trong sinh hoạt báo chí và truyền thông hiện đại : âm thầm nhưng hiệu quả. Trong truyền thông, sức lôi cuốn và sự sắc bén nằm trong cách lý luận và trình bày, ông Nguyễn Đình Vinh không những nắm được hai yếu tố đó mà còn biết đưa vào thực tiễn những kỹ thuật truyền thông mới, như mở chuyên mục Blog, để lôi cuốn nhân tài tham gia đóng góp bài vở để từ đó hấp dẫn thêm số người vào đọc trực tuyến. Những bài viết từ Blog này đã được chép lại và phổ biến rộng khắp trên của trang mạng tiếng Việt.
Ban biên tập báo Thông Luận cầu mong hương hồn hai bậc đàn anh trong làng báo hải ngoại được bình an trong cõi sống mới.
Kính điếu,
Nguyễn Văn Huy
Chủ nhiệm báo Thông Luận (thongluan-rdp)
**********************
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng giám đốc Việt Tấn Xã, qua đời (Người Việt, 09/04/2017)
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh được xem là người đặt viên gạch đầu tiên cho khuynh hướng truyền thông mới. Ảnh: Trần Triết/Người Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, cựu tổng giám đốc Việt Tấn Xã của Việt Nam Cộng Hòa, vừa qua đời vào lúc 7 giờ 40 tối (giờ miền Đông) ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Tư, tại bệnh viện Arlington, Virginia, hưởng thọ 87 tuổi.
Tin này được phu nhân của ông Nguyễn Ngọc Linh báo cho nhà báo Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, biết.
Ông Nguyễn Ngọc Linh sinh ngày 29 Tháng Tám, 1930, tại Hà Nội, là một trong những nhà báo kỳ cựu nhất của miền Nam Việt Nam.
Năm 1950, ông là một trong những sinh viên Việt Nam đến Mỹ du học sớm nhất.
Thoạt đầu, ông theo học ngành hóa học, nhưng sau chuyển sang học môn chính trị-kinh tế và tốt nghiệp đại học Bowdoin College, Brunswick, tiểu bang Maine.
Sau đó, ông làm việc cho nhật báo The New York Times.
Năm 1956, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, ông về nước.
Năm 1961, ông gia nhập khóa 12 Trường Võ Bị Thủ Đức, phục vụ trong quân đội đến năm 1965 rồi chuyển sang Việt Tấn Xã làm tổng giám đốc cơ quan này.
Trước đó, dù vẫn còn trong quân ngũ, ông được cử giữ chức giám đốc Hệ Thống Phát Thanh Quốc Gia.
Trong lãnh vực giáo dục, ông là người sáng lập Đại Học Cửu Long và trường Anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh.
Di tản sang Mỹ năm 1975, Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh vẫn gắn bó với ngành truyền thông.
Ông là đồng sáng lập tờ Ngày Nay, bán nguyệt san chuyên đề kinh tế, chính trị.
Ông cũng là bào huynh của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một nhà hoạt động văn hóa và nghiên cứu rất năng động trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. (Đ.D.)
***********************
Cựu Trưởng ban Việt ngữ VOA từ trần (VOA, 11/04/2017)
Cựu trưởng ban Việt ngữ VOA, ký giả Nguyễn Đình Vinh
Cựu Trưởng ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Vinh, vừa qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.
Gia đình cho biết ông Vinh (pháp danh Thiện Hạnh) từ trần lúc 11g30 tối ngày 7 tháng 4, năm 2017, nhằm ngày 11 tháng 3 năm Đinh Dậu, tại thành phố Annandale, bang Virginia, vì căn bệnh ung thư.
Ông là một trong những thành viên kỳ cựu của VOA Việt ngữ, với nhiều chục năm thâm niên cống hiến cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trong tổng chiều dài trên dưới nửa thế kỷ ông làm việc cho chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Ông từng là phát thanh viên, biên tập viên, trưởng ban biên tập, trước khi trở thành người đứng đầu VOA Việt ngữ vào năm 2007.
Ông là người đầu tiên 'rẽ ngoặt', mở đường chiều hướng truyền thông đa phương tiện cho VOA tiếng Việt, và cũng là người đề xuất ý tưởng lập chuyên mục Blogger cho VOA Việt ngữ, làm phong phú nội dung chương trình với các bài phân tích, nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông về hưu cuối tháng 5 năm 2010 để ‘vui thú điền viên’ và quây quần cùng con cháu.
Với lòng yêu nghề và kiến thức hiểu biết uyên bác, hai năm sau, ông trở lại với VOA trong tư cách ‘một cố vấn’, phụ trách biên tập nội dung các bài viết từ các blogger đóng góp cho Blog và Diễn Đàn của VOA Việt ngữ. Từ năm 2012, mỗi tuần ông vẫn đều đặn trau chuốt, chỉnh sửa từng bài viết cho hai chuyên mục đó đến tận đầu tháng này, khi ông đột ngột thông báo ngưng hợp đồng làm việc vì lý do sức khỏe.
Ông Jing Zhang, chủ bút phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của đài VOA, một trong những cấp trên trực tiếp của 10 trưởng ban ngôn ngữ bao gồm tiếng Việt, Thái, Lào, Campuchea, Indonesia, Miến Điện, Tây Tạng, tiếng Hàn, tiếng Quan Thoại, và tiếng Quảng Đông, nhận xét về cựu đồng nghiệp của mình :
"Ông Vinh là một người bạn gần gũi. Đối với tôi, ông ấy là một nhà ngôn ngữ xuất sắc cũng như một nhà báo có hiểu biết rộng. Ông ấy hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, chính trị Việt Nam. Thời ông ấy còn làm việc với VOA, tôi đã học hỏi nhiều điều từ ông ấy. Tôi cũng rất ấn tượng về phong cách lịch lãm của ông ấy, điềm tĩnh và nhẹ nhàng, rất tử tế lịch sự. Ông là người rất tử tế. Trong suốt thời gian dài, ông ấy là một biên tập giỏi cho VOA Việt ngữ, là người coi sóc nhiều nội dung mà chúng tôi đưa lên sóng, lên web. Ông ấy là một biên tập viên rất kỹ lưỡng và chuyên nghiệp".
Tác giả Thiện Ý, một trong những ngòi bút thường xuyên đóng góp bài vở cho trang Diễn Đàn của VOA, trong dòng tâm sự gửi VOA viết rằng : "Tôi vô cùng sửng sốt và xúc động… Thế là từ nay tôi mất một người bạn tâm giao mà cho đến nay tôi vẫn chỉ biết tên mà không biết mặt, mặc dù trong hơn ba năm qua, từ khi gửi bài cho đài VOA, chúng tôi đã có dịp thư từ qua lại".
Trong đoạn đường hưu trí ngắn ngủi cuối đời, ông Vinh không quên dành thời gian tiếp tục đóng góp cho cộng đồng người Việt nói riêng, và cho đất nước Hoa Kỳ nói chung, bằng cách thiện nguyện giúp đỡ những người nghèo khó, già yếu, neo đơn, bệnh tật.
Ông rất ít góp mặt trong các sự kiện hội hè của cộng đồng, nhưng người ta lại thấy ông tại các bệnh viện trong vùng, thông dịch miễn phí cho các bệnh nhân gốc Việt không rành tiếng Anh. Người ta vẫn bắt gặp ông hay lui tới các nhà dưỡng lão hay các khu sinh sống của những người hưu trí, cao niên trong tư cách người tình nguyện giao bữa ăn miễn phí do chính phủ trợ cấp.
"Có nhận ắt phải có cho đi. Sức mình làm được gì thì làm cho xã hội. Mình may mắn hơn nhiều người thì giúp lại những người kém may mắn. Tuổi xế chiều lấy đó làm niềm vui", ông Vinh từng chia sẻ như thế.
Ông ra đi lặng lẽ trong vòng tay yêu thương của vợ con và các cháu. Lời ông nói sau cùng với gia đình, theo lời người vợ : "I'm happy".
Linh cửu ông được quàn tại nhà tang lễ National Funeral Home, số 7482 đường Lee Highway, thành phố Falls Church, bang Virginia.
Lễ phát tang diễn ra từ 8 đến 9 giờ sáng, ngày thứ Bảy, 15/4/2017.
Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều.
Trà Mi
***********************
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh qua đời, thọ 87 tuổi (VOA, 11/04/2017)
Ông Nguyễn Ngọc Linh được xem là người đặt viên gạch đầu tiên cho khuynh hướng truyền thông mới và đào tạo nhiều lớp phóng viên thành danh thời Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh : Trần Triết/Người Việt
Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã thời Việt Nam Cộng Hòa, qua đời tối 9 tháng Tư, tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi, theo tin từ Nhật Báo Người Việt.
Ông Nguyễn Ngọc Linh có thể được xem là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong, cho khuynh hướng truyền thông mới, và đào tạo nhiều lớp phóng viên thành danh thời Việt Nam Cộng Hòa.
Theo bản tin trên Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Linh sinh ngày 29 tháng Tám, 1930 tại Hà Nội, là một trong những du học sinh Việt Nam đầu tiên đến Mỹ vào những năm 1950. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh Tế - Chính Trị tại Đại Học Bowdoin College, Brunswick, Maine, ông đến làm việc cho báo The New York Times.
Năm 1956, ông Nguyễn Ngọc Linh về nước theo lời kêu gọi của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ông vào quân đội và sau đó làm Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, chức vụ tương đương Bộ Trưởng thời bấy giờ.
Nói về người thầy, cấp trên và ân nhân của mình, nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến, cựu phóng viên của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài Á Châu Tự Do, cho rằng "ông Linh là một nhà cách mạng của truyền thông Việt Nam, khi đưa ra một hệ thống truyền thông bài bản từ công việc tuyển dụng, đào tạo cho đến cách đưa tin bài".
"Vào thời đó, phải nói là rất mới. Ngay sự phân biệt giữa phát thanh và báo chí, tức văn nói và văn viết, thời ấy cũng chưa có sự chú trọng. Đến ông Linh thì có sự phân biệt rõ ràng và đào tạo hẳn một ngành như thế. Về sau này, các tổng giám đốc [Đài phát thanh Sài Gòn] cũng theo con đường đó mà đào tạo thêm người. Ông ấy là người đặt viên gạch đầu tiên, là người tiên phong".
Ngoài hệ thống tổ chức tiên tiến và hiệu quả, nhà báo Nguyễn Ngọc Linh còn để lại cho các cấp chỉ huy truyền thông sau này của thời Việt Nam Cộng Hòa một di sản quý khác là "vốn con người", vẫn theo nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến.
Các học trò của ông Nguyễn Ngọc Linh sau này có rất nhiều người thành danh và theo đuổi nghề báo đến cuối đời, một điều mà khi chia sẻ với nhà báo Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt vào năm 2011, ông Nguyễn Ngọc Linh thừa nhận đó là "niềm hãnh diện lớn nhất trong tất cả những thành tựu đạt được".
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói: "Ông Nguyễn Ngọc Linh là người thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam học báo chí ở ngoại quốc. Ông có công đào tạo ra một lớp làm báo rất đông tại Việt Nam. Những nhà báo nổi tiếng của ngành báo chí miền Nam Việt Nam trước năm 1975 thì số học trò của ông Linh rất nhiều. Có thể kể ra một số tên tuổi như Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Tuyển…"
Trong thời gian đứng đầu ngành truyền thông Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Linh được biết đến là người không những giỏi nghề mà còn rất phóng khoáng. Ông là người dám đưa những tin tức mà người khác chắc chắn không dám loan, với chủ trương đưa tin trung thực và phục vụ nhu cầu của đa số thính giả và độc giả. Chính vì vậy, nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến nói, những người làm truyền thông như ông đã được "sống cùng thời sự" khi ở trong thế giới phong phú được mở ra bởi người thầy Nguyễn Ngọc Linh.
Ngoài công việc truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Linh còn mở trường dạy Anh Văn và làm công việc phiên dịch cho các nguyên thủ quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Nguyễn Ngọc Linh là con trai cụ Nguyễn Trọng Tấn, quan tri phủ tại Phủ Kiến Xương, thuộc tỉnh Thái Bình. Ông là bào huynh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, và Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách, một học giả hiện sống tại Úc.