Đảng cầm quyền là một tổ chức chính trị được người dân bầu chọn, có trách nhiệm đứng ra điều hành và quản lý bộ máy nhà nước với những nhiệm kỳ có thời hạn. Tính chính danh và hợp pháp của các đảng cầm quyền có được là do sự ủy quyền của toàn bộ người dân thông qua một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Tính chính danh của một đảng cầm quyền không dựa vào thành tích của nó trong quá khứ như Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thường tuyên truyền.
Biểu tượng của đảng cộng sản Việt Nam vẫn là lá cờ búa và liềm màu vàng trên nền đỏ. AFP
Không phải ai cũng hiểu đúng về nhiệm vụ và chức năng của đảng cầm quyền. Với đa số người Việt thì đảng cầm quyền đồng nghĩa với đảng cai trị, tức là một lực lượng ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ người dân… Với Việt Nam thì đó là chuyện có thật, hết phong kiến đến cộng sản, giai cấp cầm quyền luôn là những kẻ cai trị và bóc lột chứ không phải các đảng cầm quyền đúng nghĩa, tức là các chính đảng thật sự.
Theo định nghĩa của chúng tôi, thì "một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn". Như vậy, "một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị và mục tiêu mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi" (1).
Một tổ chức chính trị phải có một tư tưởng chính trị, còn gọi là dự án chính trị hay cương lĩnh chính trị, trong đó trình bày cho người dân được biết tổ chức đó muốn gì, đề nghị những gì và giải pháp để thay đổi xã hội hiện tại ra sao... Bởi vì bản chất và nguyên tắc của một cuộc vận động và đấu tranh cho dân chủ là : "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp chính trị’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục để người dân đồng ý và sau đó là vận động tranh cử và dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai và minh bạch để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó" (2).
Như vậy, đầu tiên đảng cầm quyền phải xuất phát từ một đảng chính trị, sau đó đảng cầm quyền thông qua dự án chính trị của mình, thuyết phục người dân về một giải pháp chính trị mới và cố gắng vận động quần chúng để dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và trở thành đảng cầm quyền. Mục đích và cố gắng trở thành đảng cầm quyền là để thực hiện một dự án chính trị như đã đề nghị trước đó.
Làm chính trị là để cống hiến, hy sinh và phụng sự cho một lý tưởng cao đẹp chứ không phải để cai trị, cướp bóc hay đánh bóng tên tuổi. Làm chính trị cũng như những nghề nghiệp khác, nó đòi hỏi sự đam mê, nghiêm túc và tinh thần học hỏi không ngừng. Cùng một sự kiện xảy ra thì luôn có những cái nhìn và quan điểm khác nhau. Với những người làm chính trị thì cái nhìn phải sâu hơn, phải hiểu vì sao sự kiện đó xảy ra, hậu quả của nó là gì, phải rút ra kinh nghiệm như thế nào và nhất là có tìm được giải pháp cho vấn đề đó hay không ?...
Sự khác biệt lớn nhất của những người làm chính trị chuyên nghiệp với dư luận quần chúng hay các với các nhà phân tích chính trị là ở chổ đó. Muốn có được viễn kiến và đưa ra được các giải pháp thích hợp cho các vấn đề trọng đại của đất nước thì những người hoạt động chính trị phải thường xuyên bàn bạc, trao đổi, học hỏi để sàng lọc các ý kiến, loại bỏ các ý kiến chủ quan và ủng hộ cho các ý kiến đúng đắn. Muốn như vậy thì những người làm chính trị phải sinh hoạt và tham gia vào một tổ chức chính trị. Chỉ những người tham gia và sinh hoạt trong một tổ chức mới có được sự hiểu biết và bản lĩnh vì đã cọ xát với nhiều ý kiến khác nhau và với nhiều người có những ưu tư như mình. Tổ chức cũng chính là môi trường để đào tạo ra các chính trị gia, tức là những người làm chính trị chuyên nghiệp.
Muốn thuyết phục được người dân và để trở thành những người lãnh đạo thì người làm chính trị phải có bản lĩnh và sự tự tin. Sự tự tin đặt trên nền tảng của sự hiểu biết chỉ có thể có được trong một quá trình dài học hỏi và nghiên cứu một cách nghiêm túc trong môi trường của một tổ chức chính trị. Tổ chức là môi trường để học hỏi, đào tạo và tìm kiếm các chính trị gia, là những người lãnh đạo tương lai của đất nước.
Những ý kiến cho dù không đặc sắc lắm của một người sinh hoạt lâu năm trong tổ chức vẫn khả thi và đúng đắn hơn nhiều so với những ý kiến của một cá nhân tự cho mình là xuất sắc. Người Việt vẫn thường lấy câu chuyện về những lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản với sự xuất thân thấp hèn như thiến heo, y tá, đốn củi… ra để giễu cợt về trí tuệ của người cộng sản, nhưng họ không hiểu rằng những người lãnh đạo đó, ít nhiều cũng có "văn hóa tổ chức", biết lắng nghe, tổng hợp và thực hiện tốt các kế hoạch của đảng đề ra. Tại sao chúng ta không tự hỏi, họ "ngu" thế sao vẫn đè đầu cưỡi cổ cả dân tộc trong suốt 70 năm qua ?
Thời kỳ của các vĩ nhân đã đi qua. Trí tuệ của con người đã đạt đến mức khá cao nhờ cuộc cách mạng về truyền thông và internet. Mọi huyền thoại về sự mê hoặc của những người xuất chúng đã đến lúc chấm dứt. Không nên tìm kiếm và chờ đợi sự xuất hiện của một vị minh chủ hay một ai đó có chân mạng đế vương…
Những câu thơ sấm truyền đọc cho vui và giải trí thì được chứ không nên tin vào những điều mơ hồ như thế. Làm sao một người sống cách đây 500 năm đã không thể giải quyết được các vấn đề của thời đại họ khi đó lại có thể biết và giải quyết được những vấn đề hiện nay của chúng ta ? Những niềm tin không hề có căn cứ kiểu này đã làm thui chột tinh thần tranh đấu của cả dân tộc, nếu ai cũng chờ đợi vị minh chủ xuất hiện và không làm gì cả thì hạnh phúc và tự do sẽ không bao giờ tự tìm đến với chúng ta.
Ngày nay, nhận định về người lãnh đạo chính quyền rất giản dị. Người lãnh đạo chính quyền phải là người đứng đầu đảng cầm quyền và đảng cầm quyền phải do dân bầu ra. Như vậy, thông qua một cuộc bầu cử, người dân sẽ chọn ra một chính đảng chính trị có viễn kiến, có hiểu biết, lương thiện và có một kế hoạch hành động rõ ràng, cụ thể… để ủy quyền cho họ điều hành đất nước trong một nhiệm kỳ, thường là 4-5 năm. Nếu đảng cầm quyền đó làm việc tốt thì họ sẽ được dân chúng tín nhiệm trong cuộc bầu cử sau để tiếp tục điều hành chính phủ, còn không người dân sẽ bầu một đảng chính trị khác thay thế đảng chính trị không thỏa mãn được nguyện vọng của dân chúng. Người lãnh đạo của đảng cầm quyền thực ra cũng không quá quan trọng và người dân cũng không cần quá tập trung chú ý vào người đó. Quan trọng nhất là cương lĩnh, dự án chính trị của đảng cầm quyền có đúng đắn và có phục vụ cho lợi ích của dân tộc và quyền lợi của người dân hay không.
Việt Nam trong tương lai nên chọn mô hình chính trị "đại nghị và tản quyền" vì đó mô hình chính trị thích hợp cho trường hợp Việt Nam : vừa mang tính dân chủ cao, vừa phản ánh đúng những khác biệt về văn hóa cũng như địa lý của đất nước. Trong mô hình này người dân sẽ bầu chọn một trong những đảng chính trị ra tranh cử thay vì một trong những cá nhân ra ứng cử, bởi vì một đảng chính trị qui tụ được nhiều người luôn luôn sáng suốt hơn một người. Việc lựa chọn ai làm người lãnh đạo trong các chính đảng là việc riêng của đảng viên trong các chính đảng, chỉ có những người thường xuyên sinh hoạt và làm việc với nhau mới hiểu rõ ai là người có khả năng, tư cách và trí tuệ nhất để được bầu làm lãnh đạo. Ngoài xã hội, đảng nào có số phiếu cao nhất thì sẽ trở thành đảng lãnh đạo (nếu không đủ đa số qui định thì các chính đảng phải liên minh với nhau), người đứng đầu đảng (hoặc liên minh) thắng cử sẽ trở thành lãnh đạo chính phủ. Những đảng phái không thắng cử sẽ đứng vào hàng ngũ đối lập, giám sát và chuẩn bị nhân sự và dự án chính trị mới để đưa ra tranh cử trong những dịp bầu cử sau. Mô hình này đang được áp dụng rất thành công ở các nước phát triển như Úc, Anh, Đức, Nhật, Canada, Ý...
Mô hình chế độ tổng thống đang gặp khủng hoảng lớn trên toàn thế giới, từ hai nước văn minh và dân chủ nhất như Mỹ, Pháp cho đến Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ-Latinh. Các chế độ tổng thống luôn đẻ ra các nhà độc tài như ở Nga, Belarussia, các nước Trung Á (thuộc Liên Xô cũ), Thổ Nhĩ Kỳ, Zimbabwe, Paraguay, Venezuela, Philippines… Các cuộc "bầu cử sơ bộ" ở Mỹ và Pháp rất hài hước và vô lý khi nội bộ đảng không chọn được người lãnh đạo nên phải nhờ người dân "chọn hộ" ? Người dân thì làm sao quen biết và tiếp xúc với những ứng cử viên như Donald Trump để lựa và chọn ? Vì lẽ đó những ai có tài "chém gió" giỏi nhất, hung hăng nhất có thể sẽ trở thành tổng thống và đó không phải hoàn toàn do lỗi của người dân mà là do thể chế chính trị.
Châu Âu có lẽ đã nhận thức được sự nguy hiểm của các chế độ tổng thống nên đã chọn một thái độ rất rõ ràng khi phản ứng gay gắt chưa từng thấy với tổng thống Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhiều nước Châu Âu đã trục xuất các bộ trưởng đương quyền của Thổ Nhĩ Kỳ khi họ đặt chân vào Châu Âu nhằm vận động kiều dân Thổ đang làm việc tại đây ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp để chuyển đổi thể chế chính trị, từ "đại nghị" sang "tổng thống".
Chính vì phản xạ tổng thống và niềm tin mơ hồ về một vĩ nhân minh trị nào đó đã khiến cho công cuộc vận động dân chủ Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Người dân Việt Nam nói chung và giới trí thức Việt Nam nói riêng vẫn còn nghĩ rằng việc gia nhập hay thành lập tổ chức chính trị là một trò chơi chính trị của những thế lực đen tối và vì thế họ đã không xem mình là một thành phần của trò chơi đó. Biểu lộ của sự hiểu lầm này là sự thờ ơ, thái độ bàng quan của người dân Việt Nam trước những biến cố chính trị. Họ không ủng hộ, không tham gia, không biểu lộ thái độ và luôn tạo ra một khoảng cách với các tổ chức chính trị.
Trước đây (bây giờ thì có khá hơn) luôn có những người, thậm chí là trí thức lớn, tuyên bố (một cách tự hào) rằng tôi không tham gia vào bất cứ một tổ chức nào ! Tất nhiên là trừ những người tuyên bố như vậy để nhận được sự ủng hộ tài chính của đồng bào hải ngoại. Và đây cũng là một cái "sai" của đồng bào hải ngoại, đáng ra phải ủng hộ cho các tổ chức chính trị thay vì các cá nhân, trừ trường hợp nhân đạo, vì chỉ có các tổ chức chính trị mới có thể cung cấp người và phương tiện để xây dựng tự do và dân chủ cho Việt Nam chứ không phải các cá nhân. Tuy nhiên cũng khó trách đồng bào vì niềm tin của họ đã nhiều lần bị đánh cắp.
Phần lớn người dân và trí thức Việt Nam vẫn xem chính trị là chuyện của người khác chứ không phải của mình. Nếu quả thật phần đông người Việt Nam nghĩ như vậy thì chắc còn phải chờ rất lâu và tiếp tục chung sống dài hạn với chế độ độc tài cộng sản. Trong khi đó tranh đấu cho các quyền tự do lập hội và tự do bầu cử là để được tham gia vào sinh hoạt chính trị, nghĩa là chọn một chính đảng chính trị có khả năng mang lại tự do hạnh phúc, một tương lai tươi sáng hơn hiện tại qua lá phiếu là bổn phận chung của tất cả mọi người Việt Nam. Đây là một thái độ chính trị quan trọng để làm thay đổi vận mạng đất nước, thay đổi cuộc sống của mình, nói chung để có một tương lai khác tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại. Phải vượt lên được thành kiến xem chính trị không phải là việc của mình là một cố gắng không ngừng nghỉ, với chính mình và với chính văn hóa của dân tộc mình.
Từ lâu nay mọi cố gắng kết hợp để đấu tranh chống độc tài không thành hình được vì chưa "giải tỏa" được mặc cảm với chính trị, và cũng chưa bình thường hóa được sinh hoạt chính trị với người dân. Đây là mâu thuẫn chính trong tâm thức của dân tộc Việt Nam mà những người đấu tranh cho tự do dân chủ phải chú ý đến.
Tập thể hay giai cấp có thể khai thông được lấn cấn này là giới trí thức Việt Nam, những người có điều kiện suy nghĩ và so sánh những ưu khuyết điểm của các thể chế chính trị trên thế giới để rút những tinh hoa cho xã hội Việt Nam. Muốn thực hiện được việc này, giới trí thức Việt Nam phải tiên phong trong việc thay đổi tư duy của mình, nghĩa là muốn thay đổi vận mạng đất nước phải gia nhập vào một tổ chức chính trị. Vì đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa những tổ chức chính trị chứ không phải là võ đài thi đấu của những cá nhân. Phải hiểu rằng không có các tổ chức chính trị dân chủ đối lập hùng mạnh thì không thể chiến thắng và thay thế được bộ máy đồ sộ của đảng cộng sản. Nếu không thắng được đảng cộng sản đương quyền trong các cuộc bầu cử tự do, chúng ta không thể thay đổi vận mạng đất nước, mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Nhắc lại, đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau. Trí thức Việt Nam không có chọn lựa nào khác là hãy tham gia vào một tổ chức có bề dày kinh nghiệm và có một dự án chính trị thích hợp với điều kiện Việt Nam, hay kêu gọi thành lập một tổ chức chính trị có tầm vóc để cùng tham gia với những tổ chức chính trị có sẵn để cùng nhau thay đổi vận mạng đất nước.
Việt Hoàng
15/04/2017