Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/04/2020

Có bao nhiêu tổ chức dân chủ đối lập Việt Nam hiện nay ?

Việt Hoàng

Danh sách các tổ chức chính trị Việt Nam trước năm 1975 rất dài nhưng tất cả đều “biến mất” sau biến cố 30/4/1975. Một số tổ chức được khôi phục lại tại hải ngoại sau đó, chủ yếu là tại Mỹ. Đông nhất là các tổ chức tách ra từ Việt Nam Quốc Dân Đảng của (chủ tịch) Nguyễn Thái Học, tiểu biểu là hai tổ chức: Tân Đại Việt của ông Nguyễn Ngọc Huy và Đảng Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký, được khôi phục lại năm 1988 tại Mỹ.

Sau 1975 tại Việt Nam, chính thức chỉ còn một tổ chức chính trị duy nhất đó là Đảng cộng sản và hai tổ chức ngoại vi của nó là Đảng xã Hội Việt Nam của Nguyễn Xiển và Đảng Dân Chủ Việt Nam của Dương Đức Hiền. Hai tổ chức này đều bị dẹp bỏ năm 1988.

Có khá nhiều tổ chức “bất hợp pháp” trong nước được thành lập như Đảng Thăng Tiến Việt Nam của linh mục Nguyễn Văn Lý, Đảng Vì Dân của Nguyễn Công Bằng, Đảng Dân Chủ Việt Nam của Hoàng Minh Chính, Con đường Việt Nam của Trần Huỳnh Duy Thức...

Ở hải ngoại sau năm 1975 có thêm các đảng chính trị như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Đảng Việt Tân) của Đỗ Hoàng Điềm, đảng Nhân Dân Hành Động của Nguyễn Sĩ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi (đây là tổ chức do công an Việt Nam lập ra để bắt bớ những người đối lập), đảng Dân chủ Nhân dân của Đỗ Thành Công và bảy ‘chính phủ lâm thời’ của Nguyễn Hữu Chánh (2003), Đào Minh Quân, Lý Tòng Bá, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Thế Quang, Trần Dần...

chinhphuluuvong1

Những “chính phủ lưu vong” như thế này không phải là các tổ chức chính trị mà chỉ là “phường chèo”.

Trước hết cần hiểu thế nào là một tổ chức chính trị? "Một tổ chức chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi".

Một tổ chức chính trị thật sự phải có ít nhất hai điều kiện: Một tư tưởng chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị. Đó cũng chính là hai thứ mà các tổ chức chính trị đóng góp cho phong trào dân chủ Việt Nam. Tư tưởng chính trị để làm kim chỉ nam dẫn đường cho các thành viên của tổ chức và đồng thời tư tưởng đó phải được đúc kết thành văn bản với tên gọi “Dự án chính trị” (hay cương lĩnh chính trị) để giới thiệu cho người dân. Bất cứ một tổ chức nào cũng phải đưa ra được một Dự án Chính trị để người dân biết tổ chức đó đề nghị những gì, muốn gì và sẽ làm gì trong hiện tại lẫn tương lai. Đội ngũ cán bộ nòng cốt, là những người nắm rõ tư tưởng đường lối của tổ chức, thống nhất trong lập trường và trong mọi hành động của tổ chức nhằm thực hiện những gì mà tổ chức đề nghị trong Dự án chính trị.

Nếu mọi người đồng ý với nhận định trên thì có thể thấy là các tổ chức chính trị hiện nay của Việt Nam mà tôi vừa liệt kê ở trên, hầu hết đều không có thực chất. Theo nhận định của chúng tôi thì hiện giờ chỉ còn hai tổ chức đang hoạt động là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Việt Tân. Tất cả các đảng phái khác chỉ còn tên chứ không có hoạt động gì. Thỉnh thoảng các tổ chức ở Mỹ cũng ra vài bản tuyên bố này nọ, nhân một sự kiện nào đó nhưng chúng đều rơi vào sự thờ ơ của quần chúng.

Bảy (7) “chính phủ lưu vong” như của Đào Minh Quân hoàn toàn không phải là các tổ chức chính trị mà chỉ là những “phường chèo” do mấy ông già về hưu, không có việc gì làm, buồn, nên bày ra để mua vui với nhau. Điều đáng nói là Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt bớ và kết tội không ít người dân trong nước với lý do tham gia vào các tổ chức “phường chèo” đó. Lên án các tổ chức “phường chèo” là tất nhiên nhưng lên án họ một thì phải lên án đảng cộng sản hai. Đảng cộng sản đã mất hết sĩ diện lẫn sự xấu hổ khi buộc tội người dân vì tham gia vào các “chính phủ lưu vong” như vậy. Đảng cộng sản thừa biết đó là các phường chèo và họ đâu có gây hại gì cho chính quyền.

Đấu tranh chính trị là làm những gì? Không phải ai cũng biết điều này. Đã có nhiều người hiểu ra rằng, đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị vì thế để chiến thắng nó thì phải có một tổ chức chính trị ngang tầm hoặc hơn tầm.

Phương pháp hay lộ trình tranh đấu của một tổ chức chính trị để dành được chính quyền bằng phương pháp bất bạo động là gì? Theo chúng tôi thì phương pháp đó là: "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị". (1)

luatkhoa2

Giải pháp thay thế của Tập Hợp được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Muốn chiến thắng đảng cộng sản và thiết lập dân chủ cho Việt Nam thì phong trào dân chủ phải có một vài tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Các tổ chức chính trị này phải có một “giải pháp thay thế” khả thi để thuyết phục và động viên quần chúng. Quần chúng cần một giải pháp mới và một niềm tin vào thắng lợi. Họ cần được hướng dẫn và lãnh đạo, quan trọng nhất, quần chúng cần biết sau chế độ cộng sản sẽ là gì? Nếu không hình dung được tương lai thì quần chúng sẽ không ủng hộ cho bất cứ cuộc cách mạng nào. Giải pháp thay thế của Tập Hợp được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Như vậy nhiệm vụ chính của các tổ chức đối lập là đưa ra một “giải pháp thay thế” cho “giải pháp cộng sản” và thuyết phục người dân rằng giải pháp đó sẽ mang lại tự do, dân chủ cho mọi người và sự phồn vinh cho đất nước. “Hành động” quan trọng nhất trong cuộc tranh đấu hiện nay chủ yếu là trên mặt trận lý luận và tư tưởng. Hai nhiệm vụ của các tổ chức chính trị là thuyết phục và kết hợp.

Hầu hết các tổ chức đối lập hiện nay không hoặc chưa đưa ra được các giải pháp cho Việt Nam. Cứu cánh (mục đích sau cùng) của một tổ chức dân chủ là mang lại tự do và dân chủ thực sự cho Việt Nam. Đánh bại Đảng cộng sản chỉ là một công việc trên hành trình thiết lập dân chủ cho đất nước chứ đó không phải là cứu cánh. Nếu thuyết phục được người dân để họ ủng hộ cho một giải pháp mới thì khi đó không cần phải xuống đường biểu tình thì Đảng cộng sản cũng phải rút lui vào lịch sử. Đảng cộng sản Liên Xô đã sụp đổ dù không có các tổ chức đối lập dân chủ. Tuy nhiên, vì thiếu vắng các tổ chức dân chủ thực sự nên hậu quả là nước Nga đã chuyển hóa từ chế độ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân (Putin).

Một tổ chức dân chủ phải có tư tưởng và nhân sự. Nhân sự của các tổ chức đối lập là bí mật của các tổ chức vì vậy để nhận diện các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chỉ còn một cách là nhìn vào tư tưởng, dự án chính trị và lãnh đạo của tổ chức đó.

Tầm vóc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn còn khá khiêm tốn vì chưa nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là trí thức Việt Nam. Văn hóa Khổng Giáo vẫn còn ngự trị và chi phối mạnh mẽ tư duy của giới trí thức Việt Nam. Nên biết văn hóa Khổng Giáo hoàn toàn mâu thuẫn và chống đối văn hóa dân chủ. Trí thức Khổng Giáo được đào tạo để làm công cụ, tay sai cho chế độ chứ không phải để tranh đấu và lãnh đạo xã hội.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử của nước ta, các cuộc thay đổi triều đại đều do các quan võ hoặc các anh hùng hảo hán lãnh đạo chứ chưa bao giờ do giới trí thức lãnh đạo, kể cả cuộc cách mạng cộng sản.

Cuộc cách mạng lần này dứt khoát là phải do trí thức lãnh đạo. Có thế Việt Nam mới thực sự bước vào kỷ nguyên dân chủ. Nếu không chúng ta chỉ thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng một chế độ độc tài khác như ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn”. (2)

Cuộc cách mạng do trí thức lãnh đạo khác gì các cuộc cách mạng khác trong lịch sử Việt Nam? Khác biệt lớn nhất và quan trọng của cuộc cách này này là quan niệm về chính trị. Phải xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là một cố gắng thể hiện, qua pháp luật, lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội. Cứu cánh của chính trị là phục vụ và tôn vinh con người. Như vậy, bắt buộc những người hoạt động chính trị phải có sự hiểu biết về quốc gia và thế giới, hiểu biết về cách vận hành của các định chế quốc tế và bộ máy nhà nước. Đức tính mà những người làm chính trị cần có đó là sự dũng cảm, lòng bao dung, sự lương thiện, tôn trọng lẽ phải, sự thật và nhất là lý tưởng phục vụ con người và xã hội.

Cuộc cách mạng này “không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có”.

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Sở dĩ trí thức Việt Nam vẫn chưa ủng hộ cho các tổ chức đối lập là vì họ không hiểu, thế nào là một tổ chức chính trị, cứu cánh của hoạt động và đấu tranh chính trị là gì? Họ không biết vì họ không muốn biết chứ không phải vì chúng quá khó hay vì chúng chưa được khám phá.

Các tổ chức đối lập dân chủ Việt Nam muốn nhận được sự ủng hộ của người dân thì phải thay đổi các quan niệm cũ về hoạt động chính trị bằng những quan niệm mới, văn minh, tiến bộ và phù hợp với thời đại. Trí thức và người dân Việt Nam cũng thế, phải dành thì giờ để tìm hiểu về chính trị và các tổ chức chính trị để quyết định nên ủng hộ cho tổ chức nào. Đảng cộng sản Việt Nam đã chết vì nó không có bất cứ một Dự án chính trị nào cho đất nước. Chủ nghĩa Mác Lênin đã được thực tế chứng minh là hoang tưởng, độc ác và nhảm nhí. Chủ nghĩa đó đã bị cả thế giới lên án như là tội ác chống lại nhân loại và đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử.

Việt Hoàng

(16/04/2020)

(1). https://www.thongluan.blog/2020/01/tranh-au-nao-e-thang-loi-viet-hoang.html?

(2). https://www.thongluan.blog/2016/12/chon-lua-giua-van-ong-quan-chung-va.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1428 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)