Chiến tranh công hàm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam cho gọn) và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (từ đây gọi là Trung Quốc) chỉ chấm dứt sau khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Có thể là Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice, tắt là ICJ) đặt trụ sở tại The Hague, Hòa Lan. Không có phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, cuộc chiến tranh công hàm sẽ tiếp tục cho đến khi một bên có sức mạnh áp đặt công lý lên kẻ yếu.
Logo của ICJ - Ảnh minh họa
Dựa vào phân tích của những luật gia hàng đầu của Việt Nam và một vài luật gia trong cộng đồng người Việt hải ngoại thì đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra ánh sáng công lý quốc tế. Nhưng khó hiểu thay, cho tới nay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không kiện, quyết không kiện mà chỉ chọn đánh Trung Quốc bằng công hàm. Thế này là thế nào ?
Vấn đề là phải kiện để công lý được thực thi vậy KHÔNG kiện là có vấn đề. Không kiện sẽ thú nhận hai điều. Một, kiện sẽ thua. Hai, có những toan tính bí mật mà hai đương sự có thể thậm thụt với nhau trong bóng tối cho một giải pháp hai bên đã ngã giá. Những công hàm qua lại hiện nay chỉ là hỏa mù.
Những thế lực bá đạo thường nghiêng về những giải pháp trong bóng tối hơn là ra ánh sáng. Như đã xảy ra trong Hội nghị Thành Đô 1990 giữa lãnh đạo cộng sản Việt Nam và lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.
Trừ khi và cho tới khi chính quyền cộng sản Việt Nam đâm đơn kiện Trung Quốc trong thời gian sắp tới, có những suy đoán vì sao Việt Nam không kiện.
1. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chỉ có thể thụ lý vụ kiện sau khi hai bên nguyên đơn và bị cáo chính thức công bố sẽ chấp nhận phán quyết của ICJ là dứt khoát. Không có sự thừa nhận tiền định của đôi bên thì ICJ không thể tiến hành được. Đây là điều kiện khó khăn cho cả Việt Nam và Trung Quốc vốn có tiền lệ bất tuân luật pháp quốc tế. Nhưng dẫu sao chỉ cần một bên tham gia, tòa án vẫn có thể tiến hành vụ kiện dù bên không tham gia tiến trình có thể dùng lý do này để khước từ phán quyết của tòa án. Như Trung Quốc đã phủ nhận phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA – Permanent Court of Arbitration) ngày 12/7/2016, sau khi bị Phi Luật Tân kiện về chủ quyền và đặc quyền kinh tế trên những đảo đá ngầm chìm nổi trên Biển Đông năm 2015.
Việt Nam không kiện vì biết có kiện Trung Quốc, vốn thuộc hàng sư phụ của Việt Nam về gian trá, sẽ không ăn thua. Việt Nam sẽ điều đình thậm thụt với Trung Quốc để chịu một giải pháp ít thiệt hại nhất. Chính nghĩa bị hoen ố nhưng đổi lại Đảng cộng sản chủ nghĩa vẫn còn lãnh thổ để cai trị.
2. Lý do được nhiều học giả, giáo sư, luật sư đồng ý Việt Nam nên kiện Trung Quốc với lý do công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý.
Tự điển pháp luật định nghĩa công hàm (diplomatic note) là văn kiện ngoại giao chính thức của Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao gửi cho Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao của nước khác với nội dung trao đổi, thông báo, yêu sách hay phản đối hoạt động, sự kiện hoặc vấn đề nào đó có liên quan hoặc cả hai cùng quan tâm. Như vậy công hàm là thư chính thức của một quốc gia không phải thư tay, thư trao đổi thường tình giữa hai cá nhân.
Tính trói buộc pháp lý của công hàm được ICJ được xác lập qua phán quyết ngày 1/7/1994 nhân vụ kiện tranh chấp chủ quyền hai hòn đảo nhỏ giữa hai nước Qatar và Bahrain trong Vịnh Ba Tư 1991.
Bahrain lập luận rằng trao đổi công hàm giữa hai bộ trưởng ngoại giao Qatar và Bahrain không có giá trị pháp lý trói buộc vì chỉ là ghi nhận, ghi chú chính trị không thể phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện giữa đôi bên. Tòa án Công lý Quốc tế với 15 thẩm phán nghiêng về Qatar, xác định các thỏa thuận pháp lý quốc tế có thể tồn tại ở nhiều hình dạng và danh xưng khác nhau, nhưng không thể từ chối công nhận một số nghĩa vụ pháp lý có thực chỉ vì nó có tên gọi hay thể dạng bất thường.
ICJ với đa số 15/1 phán quyết các biên bản ghi nhớ, công hàm, hay thư từ trao đổi giữa các thẩm quyền quốc gia như tổng thống, thủ tướng hay bộ trưởng ngoại giao có tính trói buộc như một điều ước quốc tế làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý bắt buộc giữa hai quốc gia.
Đây là một tiền lệ mà những luật gia Việt Nam không xét tới trong công hàm Phạm Văn Đồng sẽ thất bại. Người ta có thể vịn vào nội dung hay chi tiết trong công hàm để đòi hỏi công lý, là một chuyện khác, nhưng không thể thách thức giá trị pháp lý của công hàm. Lẽ phải là nền tảng của công lý. Lẽ phải có tính xuyên suốt (consistency) không thể nghiêng ngã vì hoàn cảnh hay bối cảnh chính trị đặc thù nào. Các tòa án thường phán xử theo tiền lệ. Việt Nam kiện Trung Quốc vì tin rằng có thể phủ nhận giá trị pháp lý của công hàm có xác xuất thất bại rất cao.
3. Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 như chúng ta được biết được giải thích vì bị áp lực của một bối cảnh chính trị khác thường và vì niềm tin vào thiện chí của người đồng chí anh em. Nếu đọc công hàm với tâm thức tỉnh táo và thận trọng người ta sẽ thấy cộng sản Việt Nam khó thắng kiện.
Ngày 4/9/1958 Trung Quốc đã tung ra một bản tuyên bố đơn phương nói rằng :
"Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc…".
Rất rõ ràng trong tuyên bố này Trung Quốc đã liệt kê Tây Sa và Nam Sa, tức là Hoàng Sa và Trường Sa vốn đương thuộc quyền quản lý trực tiếp và chính danh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 14/9/1958, tức 10 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố lãnh hải, thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi cho Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc (thủ tướng) Chu Ân Lai một công hàm có nội dung sau :
"Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển".
Lập luận cho rằng thủ tướng Phạm Văn Đồng không nói đến Hoàng sa và Trường sa trong công hàm, tức là phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này không chấp nhận được. Trong tuyên bố của Trung Quốc đã nêu đích danh Tây Sa và Nam Sa chính là Hoàng Sa và Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam.
Một số người cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng chỉ nói đến sự tán thành và tôn trọng lãnh hải 12 hải lý trên các đảo của Trung Quốc nhưng không hề có ý nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai đảo này là một lập luận phản logic. Nó vô lý như khi anh nói với một người rằng tôi tôn trọng đất đai nhà của anh dài tới đầu hẽm này nhưng tôi không công nhận anh là chủ nhà. Hoặc nó ngô nghê như nói rằng tôi công nhận hai anh chị kết hôn với nhau nhưng tôi không nhìn nhận anh là chồng cô này. Những lập luận loại này không thể nào vượt qua được những bộ óc chuyên môn về lý luận logic của các thẩm phán trong Tòa án Công lý Quốc tế.
Với 3 suy diễn trên người ta sẽ hiểu chính quyền cộng sản Việt Nam không dám kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế, và sẽ chấp nhận một giải pháp do Trung Quốc đưa ra sau hỏa mù của công hàm.
Trong tuyên bố ngày 4/9/1958, Trung Quốc đã liệt kê Tây Sa và Nam Sa, tức là Hoàng Sa và Trường Sa vốn đương thuộc quyền quản lý trực tiếp và chính danh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Dân gian có câu 'sai một ly đi một dặm'. Phạm Văn Đồng đã sai đến 12 hải lý, Việt Nam sẽ đi tới… đất Phật Tây Tạng.
Công hàm Phạm Văn Đồng làm người ta nhớ lời của cựu bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khi đi phó hội cùng phái đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam tại Thành Đô, Trung Quốc 1990 : "Chúng ta bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới".
Sơn Dương
(04/05/2020)