Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/05/2020

Bế tắc nhân sự Đại hội 13

Việt Hoàng

Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đang đến gần nhưng qua theo dõi báo chí thì chúng ta có thể thấy được sự bế tắc toàn tập của họ. Ông Nguyễn Phú Trọng, có lẽ vì sức khỏe không được tốt nên rất ít xuất hiện. Ngay cả trong đại dịch Covid-19 cũng không thấy ông đâu.

Tuy nhiên những lúc ông Trọng xuất hiện hiếm hoi thì chỉ có một vấn đề được ông ấy quan tâm đó là vấn đề nhân sự cho Đại hội 13 của đảng. Tất nhiên là như vậy vì với bất cứ tổ chức chính trị nào thì hai vấn đề "tư tưởng chính trị" (đường lối) và "nhân sự cán bộ" luôn là quan trọng nhất. Ngay từ cuối năm 2018 thì Đảng cộng sản đã thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội của Đảng, gồm : Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế xã hội, Tiểu ban Điều lệ đảng, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Trong đó hai tiểu ban quan trọng nhất là Tiểu ban văn kiệnTiểu ban nhân sự đều do ông Trọng làm trưởng ban.

NSDH13-1

Những lúc ông Trọng xuất hiện hiếm hoi thì chỉ có một vấn đề được ông ấy quan tâm đó là vấn đề nhân sự cho Đại hội 13 của đảng

Về tư tưởng đường lối của Đảng cộng sản thì có thể thấy là họ hoàn toàn bế tắc vì chủ nghĩa cộng sản đã bị cả thế giới lên án là tội ác chống lại nhân loại. Trong khi đó tiêu chuẩn để cơ cấu cán bộ cho Đại hội 13 vẫn là :

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc.

- Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.

- Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban chấp hành Trung ương. Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài).

Khi tư tưởng đường lối của đảng đã bế tắc thì nhân sự sẽ khủng hoảng theo, vì bất cứ một chính đảng nào cũng chỉ đoàn kết được với nhau khi cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị. Một tổ chức chính trị mà không có tư tưởng chính trị được văn bản hóa thành một Dự án chính trị thì không có lý do gì để tồn tại. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chết. Đảng cộng sản đã hoàn toàn trần trụi về mặt tư tưởng vì vậy họ chỉ còn gắn kết với nhau bởi quyền lợi. Thế nhưng quyền lợi vật chất luôn là thứ gây chia rẽ thay vì đoàn kết trong các tổ chức. Khi tiền bạc là thứ duy nhất để kết dính các thành viên thì Đảng cộng sản đã biến thành một tổ chức mafia chứ không còn là một tổ chức chính trị nữa.

Có lẽ cần nhắc lại qui luật "hai trong ba", trong ba thứ : Lương thiện, Cộng sản và Trí tuệ thì luôn luôn chỉ có hai thứ "đồng hành" được với nhau. Có nghĩa là một người Cộng sảnLương thiện thì không thể có Trí tuệ, hoặc một người Cộng sảnTrí tuệ thì không thể Lương thiện và một người vừa Lương thiện vừa Trí tuệ thì không thể là Cộng sản. Cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nam Tư Milovan Djilas từng có một câu nói nổi tiếng rằng : "20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu". Thực ra câu nói này chỉ để an ủi những người cộng sản phản tỉnh chứ thực ra câu này phải đổi lại như sau mới chính xác : "20 tuổi mà theo cộng sản là ngu, 40 tuổi mà theo cộng sản là gian".

Nhiều người có thể lầm lẫn về điều này nhưng ban lãnh đạo Đảng cộng sản thì họ biết rất rõ. Ông Trọng viết trong một bài báo gần đây :

"Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự".

Khi lý tưởng không còn thì chỉ còn những kẻ cơ hội. Họ tìm mọi cách ‘chui sâu, leo cao’ để trục lợi cho bản thân và gia đình. Làm gì có người hy sinh cho lý tưởng cộng sản bây giờ. Năm 1945 chỉ với 2.000 đảng viên, Đảng cộng sản đã cướp được chính quyền nhưng giờ đây với 5,2 triệu đảng viên nhưng Đảng cộng sản đang trên tiến trình sụp đổ.  

Ông Trọng cũng cho biết :

"Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự".

Cái gọi là chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng chỉ gây chia rẽ và xung đột nặng nề trong nội bộ đảng cộng sản. Những người bị cho vào lò không bao giờ "tâm phục, khẩu phục" vì Việt Nam làm gì có dân chủ. Khi luật pháp không đúng, rõ ràng và minh bạch thì không thể thuyết phục được ai.

NSDH13-2

181 cán bộ được tập trung "bồi dưỡng kiến thức chính trị".

Sự bế tắc toàn tập trong việc chọn lựa nhân sự cho Đại hội 13 được minh chứng qua việc tuyển chọn cán bộ bằng cách "cơ cấu". Ngay từ cuối tháng 10/2019, Đảng cộng sản đã "tuyển chọn" 181 cán bộ để tập trung "bồi dưỡng kiến thức chính trị". Những người này sẽ là cán bộ qui hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và theo báo chí thì "100% cán bộ chiến lược khóa 13 đều đạt giỏi, xuất sắc".

Như vậy, ngay cả dân chủ tối thiểu trong Đảng cũng không còn. Tất cả cán bộ cho nhiệm kỳ tới đã được "qui hoạch". Chuyện bầu chọn trong nội bộ đảng cũng không được phép. Những cán bộ này được tuyển chọn như thế nào? Hầu hết họ được "giới thiệu" và do Tổ giúp việc của Tiểu ban nhân sự quyết định hoàn toàn. Trong lịch sử của mình chưa bao giờ ban lãnh đạo Đảng cộng sản lại co cụm như thế. Những người được giới thiệu đều là phe cánh của ông Nguyễn Phú Trọng. Chính cách tuyển chọn cán bộ quái gở như thế này đã loại bỏ hoàn toàn các đảng viên có năng lực thật sự. Cũng như các triều đại phong kiến lúc suy tàn, Đảng cộng sản sẽ chọn những người trung thành hơn là những người có năng lực thật sự.

Cho dù rất muốn thay đổi và chuyển hóa về dân chủ vì đường nào Đảng cộng sản cũng đã lấy quyết định "bỏ Tàu theo Mỹ" nhưng họ không thể làm được điều đó. Cách đây gần 20 năm, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận định như vậy và thực tế chứng minh cho điều đó :

"Việc chuyển hoá từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị là một cuộc chuyển hóa cực kỳ khó khăn mà chưa một đảng cộng sản nào làm được. Cuộc chuyển hóa này đòi hỏi một thay đổi văn hóa. Phải thay văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình, văn hóa căm thù bằng văn hoá anh em, văn hóa cướp bóc bằng văn hóa lương thiện, văn hóa khủng bố bằng văn hóa đối thoại và thỏa hiệp, văn hóa phá hoại bằng văn hóa xây dựng. Và dĩ nhiên cũng cần thay những kiến thức cũ bằng những kiến thức mới. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa to lớn và toàn diện, đòi hỏi những cấp lãnh đạo có văn hóa cao và tầm nhìn xa, những người mà đảng cộng sản hoàn toàn không có. Bộ máy khắc nghiệt của đảng đã loại bỏ khỏi vị trí lãnh đạo hầu hết những người lương thiện, có trí tuệ và nhân cách"  (*).

Đảng cộng sản cầm quyền suốt 75 năm tại Việt Nam và thực tế cho thấy họ đã thất bại hoàn toàn, trên mọi lĩnh vực. Họ là một đảng chính trị nên họ hiểu "tư tưởng chính trị và đội ngũ nhân sự" là hai thành tố quyết định cho sự thành bại của một tổ chức chính trị.

Họ hiểu : "Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý".

Ông Trọng phát biểu trong một buổi họp rằng :

"Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ…".

Muốn đội ngũ nhân sự chính trị có thực chất thì phải có tư tưởng chính trị để gắn kết họ với nhau và với hệ thống chính trị của đảng. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã phơi bày sự hoang tưởng, nhảm nhí và độc ác. Chủ nghĩa đó đã bị cả thế giới lên án và vứt vào sọt rác lịch sử. Các đảng viên cộng sản không còn lý tưởng để gắn kết với nhau và để cống hiến mà chỉ còn mỗi quyền lợi. Các nhân sự cấp trung và cấp thấp trong Đảng cộng sản đều không quan tâm đến sự tồn vong của Đảng. Họ chỉ cố gắng làm việc và tranh thủ kiếm chác từ chức vụ của mình. Một cán bộ khá cao cấp mà tôi từng gặp nói rằng "việc bên trên đã có bác Trọng và các bác lo rồi".

Dù không ở trong nội bộ của họ nhưng chúng ta có thể hình dung được sự bế tắc và khủng hoảng cao độ của ban lãnh đạo Đảng cộng sản trước Đại hội 13. Họ không biết phải làm gì và làm như thế nào. Thực tế là họ không còn bất cứ giải pháp nào cho chính họ và cho đất nước ngoài con đường dân chủ hóa. Tuy nhiên quán tính của các chế độ độc tài rất lớn. Họ biết là bế tắc nhưng lại không thể thay đổi. Các đảng viên cộng sản có hiểu biết và tấm lòng chỉ còn cách từ bỏ con tàu sắp đắm đó để tìm đến và kết hợp với một tổ chức chính trị dân chủ thực sự để cùng nhau mở ra một trang sử mới cho dân tộc.

Việt Hoàng

(05/05/2020)

(*) Nguyễn Gia Kiểng, "Một cuộc chuyển hóa không thể được", Thông Luận số 148, tháng 5/2001 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1852 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)