Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/06/2020

Liệu có xảy ra Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc ?

Việt Hoàng

Báo chí thế giới bắt đầu gọi cuộc đối đầu Mỹ-Trung bằng cụm từ quen thuộc "Chiến tranh Lạnh". Không ít người lo ngại sẽ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai cường quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng xấu đi là điều ai cũng có thể thấy. Nước Mỹ của Donald Trump đang thoái lui với chủ trương "America First" (nước Mỹ trước hết), cũng đồng nghĩa với "America Alone" (nước Mỹ một mình) và Trung Quốc thì có vẻ muốn lấp vào chổ trống mà Mỹ bỏ lại. Liệu chiến tranh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc để khẳng định ngôi vị bá chủ thế giới không ?

Đầu tiên, thế nào là "Chiến tranh Lạnh" ? Đây là cuộc chiến về ý thức hệ giữa hai khối "Cộng sản - Dân chủ" (Xã hội chủ nghĩa - Tư bản chủ nghĩa) do Liên Xô và Mỹ lãnh đạo sau thế chiến 2. Tuy hai siêu cường Mỹ và Liên Xô không trực tiếp giao chiến với nhau nhưng cả hai đều đã ủng hộ và giúp đỡ tận tình cho các nước đồng minh giao tranh với nhau trên toàn thế giới như Việt Nam, Triều Tiên, Indonesia, Afghanistan, Nicaragoa, Bolivia, Cuba… Các cuộc chiến đó không hề Lạnh chút nào mà rất Nóng. Trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) thì cả Trung Quốc và Mỹ đều đã trực tiếp tham chiến. Chiến tranh Việt Nam cũng vậy, Mỹ và quân đồng minh đã trực tiếp đổ quân vào miền Nam, Trung Quốc và Liên Xô cũng gửi chuyên gia và cố vấn đến miền Bắc. Hàng triệu người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Gần 8 triệu tấn bom đã thả xuống Việt Nam (gấp 2 lần số bom được dùng trong thế chiến 2) chưa kể 7,5 triệu tấn đạn dược và 75 triệu lít chất độc hóa học...

coldwar1

Chiến tranh Lạnh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc không ?

Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 40 năm với tất cả quyết tâm hạ gục lẫn nhau của hai khối cộng sản và dân chủ. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và chinh phục không gian đã làm Liên Xô kiệt quệ. Chiến tranh Lạnh kết thúc khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

Có thể thấy hiện nay Mỹ và Trung Quốc không hề có mâu thuẫn đối kháng về ý thức hệ như hồi Chiến tranh Lạnh dù hai chế độ có khác nhau về thể chế chính trị. Mỹ dưới thời Donald Trump đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Khối các nước dân chủ đang bối rối và chưa kịp trở tay trước sự rút lui đột ngột của Mỹ. Donald Trump gây hấn với tất cả các nước dân chủ, từ Châu Âu cho đến Châu Á trong khi lại tỏ ra thân thiết với Nga, Bắc Triều Tiên, Việt Nam...

Trung Quốc cũng vậy, họ gây hấn với tất cả thế giới kể cả với một quốc gia đàn em có cùng ý thức hệ độc tài cộng sản là Việt Nam. Mỹ công khai từ nhiệm vai trò lãnh đạo khối dân chủ và Trung Quốc cũng gây gổ để rút lui và co cụm lại như nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp). Cả hai đều không chuẩn bị cho chiến tranh vì họ không hề lôi kéo hay tranh thủ đồng minh. Rõ ràng là cả Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định gây chiến với nhau.

Trong Chiến tranh Lạnh cả Mỹ và Liên Xô đều xông lên tuyến đầu và hai khối "Cộng sản - Dân chủ" đã hình thành hai chiến tuyến rất rõ ràng. Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều cô đơn. Không chỉ thế cả hai đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng trong nội bộ. Tại Mỹ, chủ nghĩa phóng khoáng đang bị khủng hoảng khi tự do được đẩy lên quá cao trong lúc liên đới xã hội và bình đẳng bị bỏ lại phía sau. Donald Trump là một tổng thống dân túy nên chỉ càng làm cho nước Mỹ chia rẽ sâu sắc hơn thay vì đoàn kết lại. Người dân tức giận và phẫn nộ trước sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. Các cuộc biểu tình và bạo loạn sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd đã chứng minh cho điều đó.

coldwar2

Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc cô đơn ?

Trung Quốc đang gây hấn để co cụm như phân tích của Tập Hợp. Họ đang phải đối đầu với làn sóng chống đối quyết liệt của người dân Hồng Kông. Bất lực và sợ đám cháy Hồng Kông lan rộng nên Trung Quốc đã lấy một quyết định cứng rắn là xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông khi thông qua "Đạo luật an ninh quốc gia" đối với Hồng Kông. Trung Quốc và các nước độc tài còn lại sẽ vô cùng khốn đốn sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang đứng trước bờ vực khủng hoảng và đổ vỡ. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ tìm cách rút các nhà máy ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác để bao vây và cô lập Trung Quốc. Một đồng thuận trên toàn thế giới (chứ không riêng mỗi chính quyền Donald Trump) là xem Trung Quốc như mối đe dọa cho hòa bình thế giới khi Trung Quốc phát triển nhưng vẫn từ chối công nhận các quyền cơ bản của con người.

Đó là bề chìm, còn bề nổi thì chúng ta đang chứng kiến các cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã hủy bỏ những ưu đãi kinh tế dành cho Hồng Kông và mới nhất là việc ngoại trưởng Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ hiện diện ngày càng nhiều hơn ở khu vực này. Liệu có xảy ra đụng độ ở Biển Đông hay không ? Câu trả lời là có thể có, có thể không.

coldwar3

Biển Đông sẽ là nơi xảy ra xung đột Mỹ-Trung ?

Trung Quốc bị vây bọc tứ phía trên biển, biển Hoa Đông thì có Nhật trấn giữ, rồi đến Đài Loan và sau đó là Biển Đông. Việc Trung Quốc hù dọa tấn công Đài Loan là chuyện khó xảy ra vì không quân của Đài Loan được giới chuyên gia nhận định là tinh nhuệ nhất thế giới. Nhật Bản lại càng không thể, như vậy chỉ có Biển Đông là yếu nhất. Philippines và Việt Nam đều không phải là đối thủ của Trung Quốc, trình trạng pháp lý nơi đây không được rõ ràng và đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia. Nếu cần một cuộc giao chiến trên biển thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chọn Biển Đông. Tuy nhiên như đã phân tích, Trung Quốc không sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ và EU. Tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch.

Chính quyền Donald Trump đang khiêu khích và gây gỗ với Trung Quốc trên mọi mặt trận vì chống Trung Quốc là lá bài cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Chúng ta hy vọng là Trung Quốc không mắc mưu Mỹ khi khai chiến ở Biển Đông. Tất nhiên là Trung Quốc sẽ không nhằm vào quân đội Mỹ mà sẽ nhắm vào Việt Nam vì vậy chính quyền Việt Nam cũng cần cảnh giác, tránh khiêu khích hay chọc giận Trung Quốc để họ có cớ tấn công, chiếm đóng các đảo của Việt Nam. Đồng thời phải chuẩn bị để đối phó các cuộc tấn công từ Trung Quốc. Việt Nam phải kiên quyết giữ các đảo đến cùng vì nếu mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. Nên gửi đến Trung Quốc một thông điệp là Việt Nam sẵn sàng biến một xung đột khu vực thành xung đột quốc tế. Với thái độ chống Trung Quốc như hiện nay trên thế giới thì Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn là Hà Nội. Bài học từ Ukraine vẫn còn đó. Nga lấy được bán đảo Crimea nhưng bị Mỹ và EU cấm vận, Ukraine thì mất đất. Chỉ có Mỹ là được lợi khi có cớ cấm vận và làm suy yếu nước Nga.

Nếu Trung Quốc vì bị khiêu khích hay vì một lý do (điên rồ) nào đó mà quyết định gây ra một cuộc hải chiến nhỏ, cho dù có kềm chế, trên Biển Đông thì hậu quả Trung Quốc sẽ bị cấm vận còn Việt Nam sẽ mất đảo và cũng chỉ Mỹ là hưởng lợi. Mỹ sẽ không đánh trả Trung Quốc nếu Trung Quốc không trực tiếp tấn công Mỹ. Khác với Đài Loan, Mỹ cũng không có lý do gì để giúp Việt Nam chiếm lại các đảo nếu bị Trung Quốc xâm chiếm. Quan hệ Mỹ-Việt chưa đủ lớn và đủ độ tin cậy để Mỹ làm điều đó. Hy vọng Donald Trump đánh Trung Quốc hộ Việt Nam chỉ là giấc mơ hoang đường. Cũng may cho Mỹ và thế giới là Donald Trump kém cỏi và vụng về nếu không hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Theo nhận định của Tập Hợp thì căng thẳng Mỹ-Trung là có thật và ngày càng dâng cao khi mọi thăm dò đều cho thấy Donald Trump đang bị thua điểm Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 sắp tới. Tuy nhiên chiến tranh sẽ không xảy ra dù Nóng hay Lạnh. Mỹ và Trung Quốc không hề đối đầu về ý thức hệ mà chỉ vì lý do kinh tế. Mỹ không còn là lãnh đạo của khối dân chủ mà chỉ là một "chế độ tài phiệt". Trung Quốc cũng không còn là quốc gia cộng sản mà chỉ là chế độ độc tài cá nhân trị. Cả hai nước đều sỡ hữu vũ khí hạt nhân, cả hai đều không dám gây chiến và xung đột, ngoại trừ "khẩu chiến".

Vậy Mỹ và Trung Quốc sẽ làm gì ? Cả hai sẽ ngày càng to tiếng và "ăn miếng trả miếng" với nhau để đổ lỗi và biện hộ cho những thất bại trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Khả năng cao là Mỹ sẽ có tổng thống mới trong cuộc bầu cử tới đây. Đoàn kết người dân Mỹ, hàn gắn với các đồng minh dân chủ sẽ là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới. Mỹ cũng cần thời gian để trấn tĩnh và chấn chỉnh lại nền dân chủ của mình.

coldwar4

Khả năng cao là Mỹ sẽ có một vị tổng thống mới biết đoàn kết người dân Mỹ, hàn gắn với các đồng minh dân chủ - Ảnh minh họa Donald Trump và Joe Biden (phải)

Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ. Thời gian này có thể kéo dài khoảng 10 năm. Làn sóng bất mãn sẽ gia tăng khi kinh tế Trung Quốc sa sút. Người dân Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Họ làm ăn và đi du lịch khắp thế giới, cuộc sống của họ đã cải thiện rất nhiều, cho nên rất khó để quay lại với cuộc sống nghèo khó như trước. Không chỉ các tỉnh nghèo của Trung Quốc bất mãn mà sắp tới các tỉnh giàu có của Trung Quốc cũng sẽ bất mãn và không muốn chia sẻ gánh nặng với Bắc Kinh. Trung Quốc tan vỡ thành nhiều quốc gia độc lập là điều khó tránh khỏi. Hy vọng là sự tan vỡ đó xảy ra trong hòa bình như Liên Xô hồi trước.

Việt Nam có mọi lý do để lo lắng và thận trọng. Đảng cộng sản Việt Nam rất khó khăn khi bắt buộc phải chọn phe.

"Bỏ Tàu theo Mỹ" là một lựa chọn tình thế nhằm lợi dụng Mỹ trong quan hệ song phương chứ không hẳn vì chia tay ý thức hệ cộng sản. Sự xoay trục nửa vời này có thể sẽ gặp rắc rối với Donald Trump, một tổng thống dân túy bốc đồng. Sau khi Trung Quốc co cụm và rút lui thì vai trò của Việt Nam sẽ giảm đi, những ưu đãi và dễ dãi của Mỹ và EU dành cho Việt Nam cũng không còn. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ rất bối rối và khốn đốn trong những ngày tới.

Việt Hoàng

(06/06/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1430 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)