Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/05/2020

Chính trị không phải là trò chơi

Việt Hoàng

Chính trị và các hoạt động chính trị chưa bao giờ là lĩnh vực và công việc dễ dàng. Nó là kiến thức tổng hợp của mọi kiến thức, là chuyên môn tổng hợp của mọi chuyên môn. Có nhiều ngộ nhận về chính trị như đấu tranh cá nhân cũng là đấu tranh chính trị, có thể tranh đấu và giành thắng lợi mà không cần tổ chức, không cần tư tưởng và thậm chí không cần cả một đội ngũ nhân sự. Có người còn cho rằng xây dựng một tổ chức chính trị không khó, chỉ cần thời cơ là có thể xây dựng được…

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) là tổ chức luôn phản đối lối đấu tranh nhân sĩ, vì sao ? Lý do : Lối tranh đấu đó sẽ không bao giờ thành công dù sự hy sinh rất lớn. Chúng tôi không hề ghét hay ganh tị gì với những nhân sĩ mà ngược lại, vì rất trân quí họ nên mới phải lên tiếng. Các nhân sĩ là thành phần hiếm hoi và ưu tú của đất nước. Họ có hiểu biết, dũng cảm và vì đại nghĩa. Họ cần được phân tích, cảnh báo và hướng dẫn để sự hy sinh của họ không uổng phí. Tất nhiên chọn lựa cuối cùng là chính bản thân mỗi người chứ không phải ai khác.

Tôi xin mượn lời chia sẻ của bạn Đỗ Cao Cường, một người bảo vệ môi trường để gửi đến những bạn trẻ có ý định dấn thân cho chính trị :

"Khi một người Hồng Kông đứng lên, cả triệu người Hồng Kông che chắn, nhưng khi một người Việt Nam đứng lên, họ phải xác định không gia đình, không sự nghiệp, không bạn bè. Đôi khi, một mình họ chống lại cả thế giới này".

Tổ chức chính là chỗ dựa cho những người tranh đấu.

taphop1

Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức chính trị với nhau.

Chính trị không bao giờ là trò chơi. Nó đòi hỏi một quyết tâm cao với một lý tưởng quảng đại, lòng dũng cảm và một kiến thức chính trị nhất định. Rất nhiều người Việt Nam ưu tú đang ở trong chốn lao tù, dù họ chỉ nói lên tiếng nói của sự thật và lương tâm. Các cá nhân không bao giờ là đối thủ của chính quyền, dù vậy chính quyền vẫn bắt bớ và đàn áp nhằm mục đích răn đe người khác. Tôi xin nhắc lại, những nhân sĩ mà chúng tôi nói đến là những người có ý định tranh đấu nghiêm túc chứ không phải những người lên tiếng vì lương tâm (1).

Hiện tại có rất nhiều người lên tiếng phản đối chế độ cộng sản nhưng họ không có tham vọng chính trị, không định trở thành người hoạt động chính trị chuyên nghiệp vì thế, họ thấy cái gì hay, cái gì đúng, cái gì cần làm thì họ làm. Họ không cần đến một lộ trình hay một "giải pháp" nào dài hơi. Mong ước của họ là chế độ cộng sản bị đào thải và chỉ thế thôi. Cái gì sẽ đến sau chế độ cộng sản họ chưa nghĩ tới và chưa quan tâm.

Tập Hợp là một tổ chức chính trị nghiêm túc, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là dân chủ hóa đất nước. Đánh bại đảng cộng sản chỉ là một công việc trên hành trình dân chủ hóa đất nước. Chúng tôi khác với các nhân sĩ là điều đương nhiên. Việc chỉ trích lối đấu tranh nhân sĩ cũng vì chúng tôi nhìn thấy sự bế tắc của phương pháp đó. Các nhân sĩ có bao giờ tự hỏi vì sao Đảng cộng sản chiến thắng và cầm quyền được đến bây giờ dù họ làm hết sai lầm này đến sai lầm khác ?

Sự thực là : "Dù chúng ta nghĩ gì về đảng cộng sản, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng họ là trường hợp đầu tiên mà người Việt Nam đã kết hợp được với nhau trong một tổ chức lớn với một dự án thay đổi xã hội và đã thành công, dù rằng nền tảng kết hợp của họ là một chủ nghĩa mị dân" (2).

Năm 1945, Đảng cộng sản đã chiến thắng và giành được chính quyền chỉ với khoảng 2.000 đảng viên vì họ là tổ chức duy nhất có một "dự án chính trị" và một "đội ngũ chính trị". Đến giờ thì ai cũng biết là dự án cộng sản theo tư tưởng Mác-Lênin là sai và tầm bậy nhưng để chiến thắng được Đảng cộng sản thì phong trào dân chủ đối lập cũng phải có một dự án chính trị và một đội ngũ nhân sự mới để thay thế. Không có con đường nào khác.

Chính trị là một lĩnh vực đặc biệt bao trùm lên mọi mặt của xã hội. Chính trị chưa bao giờ là dễ dàng. Từ khi loài người hình thành nên các cộng đồng thì tranh luận về chính trị đã bắt đầu và suốt hàng ngàn năm qua vẫn chưa ngã ngũ và sẽ không bao giờ ngã ngũ. Dù thế, một dân tộc, muốn không rơi vào vực thẳm của đói nghèo và chiến tranh thì phải có những nghiên cứu và tìm hiểu nghiêm túc về chính trị. Đây là một công việc khó khăn và phức tạp mà chỉ một thành phần thiểu số mới có khả năng tiếp thu và sau đó truyền đạt lại cho đại chúng.

Nếu trí thức Việt Nam có tri thức và trí tuệ thì dân tộc ta đã không mắc vào cái họa cộng sản. Tất nhiên không chỉ mỗi Việt Nam bị cái họa đó mà nhiều quốc gia khác, "văn minh" hơn chúng ta cũng bị họa cộng sản. Điều đáng nói là hầu hết các dân tộc đã trút bỏ được cái họa đó nhưng đất nước ta thì chưa. Người dân Việt Nam không có lỗi mà trí thức Việt Nam mới là người có lỗi vì trí thức luôn là trí tuệ, tâm hồn và tiếng nói của mỗi dân tộc.

Nguyên nhân khiến trí thức Việt Nam không làm tròn bổn phận ‘hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" đến từ di sản lịch sử và văn hóa Khổng giáo. Những điều này Tập Hợp, đặc biệt là ông Nguyễn Gia Kiểng đã phân tích rất đầy đủ trong cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn" và trong nhiều bài viết của mình.

Có ý kiến cho rằng Tập Hợp chưa thuyết phục được người dân Việt Nam vì dự án chính trị dân chủ đa nguyên của chúng tôi chưa hay hoặc khả năng "quảng bá sản phẩm" của chúng tôi còn kém… Điều này không hoàn toàn đúng. Chính trị chưa bao giờ là một mặt hàng như một loại hàng hóa nào đó. Chính trị phức tạp, rộng lớn và cao cả hơn rất nhiều. Chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên mọi lãnh vực nhưng lại không sờ mó, kiểm tra ngay lập tức được như hàng hóa.

MASSAUX_AFFICHE_DEF_2.indd

Chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên mọi lãnh vực nhưng lại không sờ mó, kiểm tra ngay lập tức được như hàng hóa.

Nếu chính trị mà giản dị như một loại hàng hóa thì Đảng cộng sản đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và chi tiền sang các nước dân chủ mua về hệ thống chính trị văn minh của họ để dùng từ lâu. Như vậy vừa được cầm quyền suốt đời, vừa không bị dân chửi, vừa phát triển đất nước. Tất nhiên là không có chuyện đó vì chính trị là văn hóa, thói quen, cách tư duy và lối hành xử của cả dân tộc, được hình thành suốt chiều dài lịch sử. Muốn thay đổi tư duy chính trị của người Việt cho phù hợp với thế giới văn minh thì phải thay đổi văn hóa của cả dân tộc, chính vì thế mà cuộc cách mạng dân chủ lần này khó khăn và lâu dài.

Nếu nhìn vào số lượng bấm like (thích) các bài viết của Tập Hợp hay số người lên tiếng ủng hộ công khai cho Tập Hợp thì có người cho rằng chúng tôi thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của người dân. Điều đó chưa hẳn đã đúng. Chính trị luôn là quan tâm của một thiểu số nhỏ ưu tú trong mỗi quốc gia. Chính trị phức tạp, phải suy tư, thao thức, trăn trở và động não nên không phải là mối quân tâm và ưu tư thường trực của quần chúng. Lấy ví dụ, các ca sĩ hay các diễn viên hài rất được ủng hộ, fan của họ rất đông. Diễn viên hài Việt Hương có 1,9 triệu người theo dõi. Vlogger An Nguy có 3,4 triệu fan… Nhưng họ có thay thế cho các tổ chức chính trị được không ? Tất nhiên là không. Họ được vỗ tay vì mang lại niềm vui, tiếng cười dễ dãi cho mọi người trong khi chính trị mang lại sự nhức nhối, suy tư mà không phải ai cũng hiểu. Chính trị không phải là một trò chơi hay một sô diễn (game show) cho nên không thể có nhiều tiếng vỗ tay. Các tỉ phú đôla cũng thế, dù giàu có cỡ nào thì họ cũng không thể thay thế cho các chính đảng trừ khi họ tham gia vào chính trường.

taphop3

Chính trị không phải là một trò chơi hay một sô diễn (game show) cho nên không thể có nhiều tiếng vỗ tay.

Trong danh sách bạn bè của tôi có nhiều người là nhân sĩ tên tuổi, nhiều người là trí thức nổi danh. Họ chẳng bao giờ bấm like hoặc bình luận về các bài viết của tôi nhưng họ vẫn âm thầm theo dõi. Họ im lặng và tôi cho rằng sự im lặng này đồng nghĩ với "đồng ý". Nhiều bài viết của tôi rất thẳng thắn và động chạm đến nhiều người. Nếu không đồng ý thì họ đã hủy kết bạn từ lâu. Họ hiểu những điều tôi viết và họ tin là đúng, là hợp lý nhưng vì cẩn thận hoặc còn phân vân nên họ chỉ theo dõi và chờ đợi. Họ bị ràng buộc vì nhiều lý do như công việc, sự nghiệp, gia đình…nên chỉ quan sát và theo dõi chứ chưa dám lên tiếng ủng hộ công khai. Tôi tin rằng vào giờ G, khi lịch sử sang trang, Tập Hợp sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết của trí thức và người dân Việt Nam.

Còn các trí thức và đảng viên Đảng cộng sản thì sao? Họ có ủng hộ Tập Hợp không? Theo tôi thì họ hiểu rõ bản chất của chế độ này hơn ai hết. Họ cũng dằn vặt khi phải sống trái với lương tâm của mình. Một giáo viên ở Hòa Bình nói trước tòa rằng: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Một xã hội đảo lộn hoàn toàn mọi giá trị. Muốn làm người tử tế trong xã hội và chế độ này cũng không dễ. Tất cả phải dối trá và sống hai, ba mặt. Những người muốn làm lãnh đạo phải "thượng đội, hạ đạp" nên "trên ghét, dưới khinh" chứ cũng không sung sướng gì. Nếu được chọn lựa giữa chế độ hiện nay với một chế độ dân chủ, một chế độ mà họ được tôn trọng và đối xử công bằng thì chúng tôi tin họ sẽ chọn chế độ dân chủ. "Cơm áo gạo tiền" và cuộc sống mưu sinh khiến họ không thể lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức như Tập Hợp được dù họ biết là hay, là tốt và điều đó không có gì là ngạc nhiên.

Do di sản lịch sử nhất là cuộc chiến quốc-cộng (1945-1975) vừa qua mà lòng người Việt Nam ly tán. Hiếm có một cá nhân hay tổ chức nào mà không bị phản đối. Trong tương lai, một chính phủ dân chủ, dù có làm tốt đến đâu cũng sẽ vấp phải sự chỉ trích của dân chúng. Chúng tôi hiểu, đã là người của công chúng hay làm chính trị là phải chấp nhận sự phán xét và chỉ trích của người dân. Chúng tôi lắng nghe các ý kiến phê phán một cách cầu thị và nghiêm túc. Chúng tôi nhận thấy rằng những lời chỉ trích dành cho Tập Hợp tương đối ít mà kỳ vọng, mong muốn vào Tập Hợp thì khá nhiều. Thời gian gần 40 năm quan đã chứng minh cho sự đứng đắn, viễn kiến, lương thiện và bao dung của Tập Hợp. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với toàn thể nhân dân Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên của tự do, dân chủ và thịnh vượng.

Việt Hoàng

(30/05/2020)

---------------------

1. Đấu tranh chính trị là gì ? (Việt Hoàng)

2. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1485 times

2 comments

  • Comment Link VH mercredi, 24 juin 2020 17:07 posted by VH

    Muốn tạo ra sự thay đổi thì phải có lực lượng. Tập Hợp đang thuyết phục mọi người ủng hộ Tập Hợp để có lực lượng. Khi có lực lượng hùng mạnh thì sẽ buộc ĐCSVN ngồi vào đàm phán để tiến tới bầu cử tự do. Nếu thắng thì sẽ được nắm quyền. Đó là kịch bản mà Tập Hợp đang hướng tới.
    Các dự đoán về VN và thế giới anh có thể đọc trong các bài viết ở mục Quan điểm.
    Việt Hoàng

  • Comment Link Nguyễn Văn Lợi mercredi, 24 juin 2020 12:51 posted by Nguyễn Văn Lợi

    Muốn áp-đặt một thể-chế xả-hội mới cho Việt Nam, thì cần phải có chánh-quyền trong tay.
    Vậy, bằng cách nào Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có được chánh-quyền?
    Không có chánh-quyền trong tay thì phải làm sao?
    Nếu không có gì là bí-mật, thì xin nói cho tôi biết.
    Dự-đoán trong 10 năm tới, tình-thế Việt Nam và Thế Giới sẻ như thế nào?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)