Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/08/2020

Chỉnh đốn Đảng, hồi kết cơn mộng du

Quốc Bảo

Không ai có thể biết những thông tin tuyệt mật trong nội bộ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trừ khi chính họ đưa ra để đấu tố lẫn nhau. Tuy nhiên chúng ta có thể suy luận và tìm kiếm một phần sự thật về những bí mật đang diễn ra trong tổ chức của họ để tiên liệu kết cục bằng những thông tin đã công khai. Chúng ta phải tiên liệu và dự đoán về hiện tình Đảng cộng sản vì điều đó liên quan vận mệnh đất nước và quan trọng hơn cả là để có sự chuẩn bị cho tương lai.

Thông tin ‘cung đình’

Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam từng ghi nhận một lượng thông tin lớn và liên hồi từ các cấp cao nhất của Đảng tiết lộ ra để đánh phá lẫn nhau. Các Blog như Chân Dung Quyền Lực và Quan Làm Báo được họ dựng lên, đăng những thông tin mà chỉ có các ‘đồng chí’ với nhau mới có thể biết về gia đình, tài sản riêng, con đường quan lộ, chiêu thức triệt phá nhau và các phe nhóm trong đảng...Cuộc hỗn chiến lúc đó được nhìn nhận như màn giao tranh sống mái của ‘phe’ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phần còn lại. Phần còn lại đấy là khi hạ màn đại hội 12, Nguyễn Tấn Dũng thoái vị, Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như là thủ lĩnh của “phe thắng cuộc”. Ông Trọng độc chiếm quyền lực trong Đảng cộng sản (sau khi ông Trần Đại Quang qua đời) với vai trò Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.

chinhdon-1

Ông Trọng và quyết tâm chỉnh đốn đảng…

Sau đại hội 12, dư luận bắt đầu chứng kiến một cuộc thanh trừng nội bộ lớn chưa từng có với việc các mắt xích trong ‘phe’ Nguyễn Tấn Dũng lần lượt bị bắt hoặc đang bị treo một cái án lơ lửng trên đầu. Đinh La Thăng, Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh…là những nhân vật điển hình.

Trước đại hội 13 lần này, cuộc chiến ‘thông tin’ không như 5 năm trước. Có thể thấy quyền lực bao trùm của ông Trọng khi ở ngôi vị hiện tại, khi không còn ‘đối thủ’ nào nặng ký đã đưa Đảng cộng sản về trạng thái phòng thủ thông tin. Lượng thông tin đem ra ‘giao đấu’ ở thượng tầng ít hẳn so với kỳ đại hội trước làm cho Đảng cộng sản có vẻ ‘sạch’ hơn vì họ đang cần ‘thu phục’ niềm tin từ trí thức và người dân. Đảng cộng sản đang cố gắng làm những việc quan trọng trong nội bộ như tự cải thiện, tự thanh lọc và tự điểu chỉnh.

Nếu quan sát kỹ chúng ta có thể thấy các ‘cuộc chiến’ trên mặt trận thông tin trước các kỳ đại hội Đảng không phải để làm trong sạch hóa nội bộ đảng hay nhằm quản trị xã hội bằng công lý mà chủ yếu là triệt hạ lẫn nhau. Mọi chế độ chuyên chế đều không quan tâm đến công lý. Họ chỉ đưa ra những cái lý của kẻ cầm quyền. Vì vậy, những thông tin được cho là ‘tuyệt mật’ trước các kỳ đại hội đảng không hề có ý nghĩa gì khi nhìn dưới lăng kính của công cuộc đấu tranh cho dân chủ và ước mơ thịnh vượng cho Việt Nam. Các thông tin ‘mật’ lộ ra chỉ giải tỏa cơn khát nhất thời của nhân dân trong đó có cả tầng lớp có quan tâm tới vận mệnh quốc gia nhưng chưa liên kết và đứng chung lại với nhau trong một đường lối tư tưởng chung.

Việc tiên liệu sự tồn vong của Đảng và đưa ra mô thức phát triển cho đất nước cần dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn đang diễn ra trong nội bộ Đảng cũng như những yếu tố lịch sử của đất nước và bối cảnh hiện tại của thế giới. Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới vì vậy chúng ta cần hình dung và hiểu được chỗ đứng của dân tộc mình trong dòng chảy của thời đại để từ đó có những khái niệm và định nghĩa đúng đắn về một nước “Việt Nam mới” trong tương lai như Dự án chính trị “Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai” của Tập hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã xây dựng và đề nghị.

Diễn biến trước đoạn kết

Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trước một tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’: Họ đã dứt khoát với lựa chọn ‘thoát Trung’ nhưng họ lại không dứt khoát với việc lựa chọn mô hình tổ chức xã hội dân chủ để đi theo. Lịch sử ghi nhận việc họ từng ‘vênh váo’ trước Trung Quốc bao nhiêu thì lại hạ mình khúm núm bấy nhiêu sau khi Liên Xô sụp đổ. Lịch sử cũng ghi nhận rằng năng lực và nhận thức của họ cũng chỉ luôn đi theo mô hình chuyên chế dù họ có thay đổi quan thầy và chính sách. Có thể hình dung được ý định hiện nay của họ là dù ‘thoát Trung’ bằng cách giảm thiểu chi phối quyền lực từ Bắc Kinh nhưng ý thức hệ độc tài thì không thay đổi.

chinhdon-2

Đảng cộng sản Việt Nam đã dứt khoát với lựa chọn ‘thoát Trung’ nhưng họ lại không dứt khoát với việc lựa chọn mô hình dân chủ để đi theo.

Đảng cộng sản Việt Nam nhìn về mô hình Trung Quốc thời kỳ Đặng Tiểu Bình và đang cố học theo: Sự thịnh vượng đảm bảo cho tính chính danh của Đảng và bạo lực là công cụ duy trì chế độ khi cần. Có thể Nga là một mô hình được ‘lựa chọn’ vì đảm bảo được sự hòa nhập với Phương Tây mà vẫn duy trì được chế độ độc tài dựa trên chế độ tổng thống. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố gắng giữ nguyên hiện trạng với một thỏa ước ngầm giản dị: Tăng trưởng kinh tế biện minh cho sự ổn định chính trị.

Covid-19 như một cơn lốc, cuốn bay đi thoả ước đó, Việt Nam đang từ một nước chuẩn bị đón nhận những nguồn đầu tư dồi dào từ Phương Tây (như là một hệ quả của việc thế giới cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế) bỗng chốc hoá trơ trọi. Covid-19 khiến các quốc gia phát triển phải lo tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh trong nội bộ trước nên chưa thể triển khai các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Đây là một tình thế hiểm nghèo cho sự tồn vong của chế độ vì nó làm phá sản ‘thỏa ước’ giữa Đảng cộng sản và người dân Việt Nam.

Trọng dụng hiền tài là một truyền thống trong văn hóa Trung Hoa. Hẳn nhiên là trọng dụng những người luôn ‘trung với đảng’ chứ không phải ‘hiếu với dân’. Đảng cộng sản Việt Nam cũng sao chép điều này. Trong quốc tang của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mới đây, các cán bộ cao cấp của Đảng đã mượn lời ông Phiêu để đề cập tới việc cho phép ‘nhân tài’ giữ vị trí cao trong chính quyền mà không nhất thiết phải là đảng viên. Nhưng họ cũng không quên nói rằng Đảng là ‘ngôi nhà chung’ cho nhân tài tụ hội và cũng chỉ có Đảng mới làm được điều đó (sic).

Một sự bấn loạn và bế tắc trong công tác cán bộ: Mở rộng cho những người ngoài đảng nhưng vẫn phải kiểm soát. Đảng cộng sản Việt Nam tự mâu thuẫn chứ không hề nhất quán. Ban lãnh đạo Đảng đã xem nghị quyết Trung ương 4 của đại hội 11 và chương trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là hai liều kháng sinh mạnh để chấn chỉnh và xây dựng Đảng. Sắp hết hai kỳ đại hội sau nghị quyết đó và họ đã hoàn toàn thất bại. Không một Ủy viên trung ương nào học và làm theo ông Hồ Chí Minh, và nghị quyết Trung ương 4 chỉ để liên kết tấn công ông Nguyễn Tấn Dũng.

Gần đây, việc Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bị ‘đánh’ vì một tội lạ lùng là ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’ cho thấy nội bộ đảng cộng sản đang đánh nhau bằng những vũ khí cuối cùng. Họ đã phải dùng ‘bom hạt nhân’ để tiêu diệt nhau. Chiêu bài chống tham nhũng, được xem như là công cụ nặng ký để thanh trừng nhau trong nội bộ Đảng giờ đây phải lồng thêm một cái án rất chính trị là ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’ mới đủ sức thuyết phục. Chúng ta có thể suy luận, chế độ đang rất lúng túng vì vũ khí ‘chống tham nhũng’ không còn thuyết phục trong nhiều trường hợp. Nguyễn Đức Chung là một ví dụ.

Vì sao lại như vậy? Đơn giản là không thể xây dựng và chấn chỉnh Đảng bằng cách chống tham nhũng trong chế độ chuyên chế. Bản chất của chế độ chuyên chế được ‘tinh chỉnh hóa’ thành chế độ tham nhũng để tồn tại khi lí tưởng cộng sản chỉ là giáo điều và bịp bợm.

Kinh tế gặp khó, xây dựng và chỉnh đốn Đảng thất bại. Kết cục của Đảng cộng sản Việt Nam tất yếu là phân hóa và tan rã.

Vĩ thanh

Đại hội 13 này sẽ đưa một lứa ủy viên trung ương có độ tuổi xoay quanh lứa sinh năm 1970 lên nắm các vị trí trọng yếu ở các tỉnh thành và trung ương. Đây là thế hệ cầm quyền sau cùng sinh trước 1975. Độ tuổi họ tiếp thu những tư tưởng chính trị cơ bản lúc mà internet chưa phổ cập ở Việt Nam và họ cũng ít được đi du học ở phương Tây nên có thể dự đoán là dù lung lay tư tưởng dữ dội nhưng họ vẫn có thể sẽ tiếp tay duy trì chế độ toàn trị dưới sự dẫn dắt của một Tổng bí thư cực kỳ thủ cựu, là một người vẫn lấy tư tưởng Mác – Lenin để liên kết các thành viên. Ông Trần Quốc Vượng có những lợi thế không nhỏ trong các ứng viên thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng chỉ sau đúng một kỳ đại hội nữa, khi lứa sinh 1975 nắm giữ quyền lực, sự tan rã sẽ diễn ra ở mức độ rất nhanh. Phải nhìn trước và dự đoán rằng, thế hệ sinh sau 1975, được đi học phương Tây, có sự tiếp thu và ảnh hưởng tư tưởng dân chủ đa nguyên từ các nước dân chủ và internet mang lại. Thế hệ đó, như một phản xạ tự nhiên sau chiến tranh và đói nghèo, chỉ biết và lo làm kinh tế chứ không quan tâm đến chính trị và tư tưởng chính trị. Đảng cộng sản sẽ kết thúc sự tồn tại vì không còn lý tưởng.

Chúng ta, những người có quan tâm và đang đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng sẽ chuẩn bị ra sao và đã chuẩn bị tới đâu cho thời cơ lịch sử này? Chúng ta rất cần một cái nắm tay, một tâm hồn bao dung và một tình yêu…dành cho nhau và cho đất nước, vì trên hết, chúng ta là đồng bào. Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải chung sống với nhau trên mảnh đất hình chữ S. Chúng ta đang cần một hệ thống tư tưởng chính trị mới, đúng đắn và phổ quát.

Bài học lịch sử vẫn còn đó: Đất nước chúng ta đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh và thay đổi các triều đại bằng bạo lực và chết chóc. Chúng ta cần kết thúc vĩnh viễn lịch sử đau thương đó bằng cách mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước: Kỷ nguyên của hòa bình, tự do, dân chủ, bao dung và liên đới trong tình anh em tìm lại. Đó chính là Kỷ Nguyên Thứ Hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Quốc Bảo

(15/8/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Bảo
Read 1324 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)