"Lịch sử loài người có thể được nhìn như là cuộc hành trình của con người về tự do, để tự giải phóng khỏi sự ngu dốt, bệnh tật, đói khổ, nhọc nhằn và nhất là khỏi ách thống trị của các chế độ bạo quyền và vì dân chủ đã chứng tỏ là phương thức tổ chức xã hội hợp lý nhất để thực hiện tự do nên lịch sử thế giới cũng là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ”.
(Chương 2, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Theo phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) thì đã có ba làn sóng dân chủ diễn ra trong lịch sử nhân loại và chúng ta đang ở trong làn sóng dân chủ thứ tư. Các chế độ dân chủ được hình thành theo các làn sóng dân chủ đó.
Làn sóng dân chủ lần thứ nhất diễn ra với cuộc Cách mạng Hoa kỳ năm 1776 và Cách mạng Pháp năm 1789 nhằm lật đổ các chế độ quân chủ dựa trên thần quyền. Một số quốc gia dân chủ non trẻ đã hình thành như Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan… Mỹ là quốc gia khá đặc biệt, ra đời khi chưa có lịch sử, với nhiều di sản văn hóa khác nhau và dân trí còn thấp tuy nhiên họ rất may mắn khi được các nhà cách mạng đồng thời cũng là các nhà tư tưởng chính trị lãnh đạo và dẫn dắt. Họ được gọi là những người Cha Lập Quốc (Founding Fathers).
Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ được thiết lập bởi những nhà cách mạng đồng thời cũng là các nhà tư tưởng chính trị…
Làn sóng dân chủ thứ hai bắt đầu với thế chiến Hai nhằm đánh đổ chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa dân tộc quá khích để khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc và quyền tự quyết của các dân tộc. Các chế độ thực dân bắt buộc phải trả lại độc lập cho các nước thuộc địa, nhờ thế mà nhiều nước thuộc địa đã thiết lập được dân chủ.
Làn sóng dân chủ thứ ba nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản và các chế độ độc tài sản phẩm của chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu từ năm 1974 với cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng lật đổ nhà độc tài Salazar tại Bồ Đào Nha. Làn sóng dân chủ này đã bị khựng lại từ giữa thập niên 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt. Chủ nghĩa thực tiễn lên ngôi ở Mỹ và các nước Phương Tây với việc đặt quyền lợi, nhất là quyền lợi kinh tế lên trên hết. Dân chủ và nhân quyền không còn là quan tâm hàng đầu của các chính quyền. Trung Quốc và các nước độc tài đều là đối tác của các nước phát triển nhất là Mỹ. Hậu quả là Trung Quốc trở nên hùng mạnh và trở thành mối đe dọa cho trật tự và hòa bình thế giới.
Làn sóng dân chủ thứ tư bắt đầu từ năm 2010 nhằm vào các nước độc tài mở cửa về mặt kinh tế. Bản chất của các chế độ này đơn thuần là cướp bóc chứ không hề có tư tưởng hay một dự án chính trị nào. Chúng tồn tại dựa trên sự đàn áp vì thế không thể tiếp tục.
Dựa trên các làn sóng dân chủ đó mà chúng tôi đưa ra vài nhận định về sự hình thành các chế độ dân chủ theo những cách khác nhau:
1. Do lực lượng bên ngoài áp đặt
Sau chiến tranh thế giới lần hai các nước thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan…buộc phải trả độc lập cho các nước thuộc địa như Ấn Độ, các nước Châu Á, Nam Mỹ và Châu Phi. Hai chế độ dân chủ tại Nhật và Đức cũng bị áp đặt dân chủ sau khi thua trận. Ấn Độ trở thành nước dân chủ sau khi được người Anh trao trả độc lập và nhờ sự kiên trì lẫn viễn kiến của Mahatma Gadhi. Các nước bị áp đặt dân chủ thường là thành công trong quá trình thiết lập dân chủ vì trước khi trao trả độc lập cho các nước đó, lực lượng chiếm đóng nước ngoài đã loại bỏ các thế lực độc tài và cực đoan. Họ ủng hộ cho các lực lượng dân chủ, là những người có uy tín trong dân chúng và không thù địch với họ.
Đức, Nhật đã trải qua một thảm kịch quốc gia rất kinh khủng do chế độ phát xít và quân phiệt gây ra nên sau đó họ đã nhanh chóng đạt được đồng thuận lớn giữa tầng lớp trí thức và dân chúng là đoạn tuyệt với các chế độ độc tài và lựa chọn dứt khoát thể chế dân chủ. Nhờ thế họ đã trỗi dậy một cách ngoạn mục và mạnh mẽ.
Ấn Độ đã thiết lập được dân chủ sau khi được Anh quốc trao trả độc lập nhờ sự sáng suốt của Mahatma Gandhi.
2. Các chế độ độc tài tự thay đổi
Có hai trường hợp, một là chính quyền thật tâm và thành thực chuyển đổi về dân chủ như trường hợp Đài Loan và Nam Phi. Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch (chủ tịch Quốc dân Đảng, đảng độc quyền lãnh đạo Đài Loan) đã chủ động dân chủ hóa đất nước bằng cách cho phép đối lập hoạt động và tranh cử tự do. Đảng Dân Tiến đối lập ra đời năm 1986 và chủ tịch đảng hiện tại là bà Thái Văn Anh. Lý do chính khiến Đài Loan thành thật và quyết tâm dân chủ hóa đất nước vì họ cần có dân chủ để đương đầu với Trung Quốc.
Nam Phi cũng thành công trong việc chuyển hóa về dân chủ khi chính quyền trả tự do và cho phép ông Nelson Mandela (1918-2013) được ra tranh cử và trở thành tổng thống đầu tiên bằng một cuộc bỏ phiếu tự do sau 27 năm bị cầm tù vì chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Trường hợp thứ hai là các chế độ độc tài dân chủ hóa một mình và thất bại như Liên Xô. Đối lập dân chủ vắng mặt và sự chấm dứt của chế độ độc tài đã nhường chỗ cho sự hỗn loạn và sau đó thay thế bằng một chế độ maphia.
3. Do đảo chính nội bộ
Khi các chế độ độc tài không còn lý do để tồn tại thì chúng phải bị đào thải ngay cả khi không có đối lập. Tuy nhiên vì không có lực lượng đối lập nên sự thay đổi đã đến bằng các cuộc đảo chính ngay trong nội bộ chính quyền. Sự chuyển hóa này mở ra một thời kỳ hỗn loạn và sự thiết lập dân chủ đã rất khó khăn sau đó. Rumania, các nước Châu Phi, Nam Mỹ hay Việt Nam Cộng Hòa là những ví dụ. Nạn nhân chính là các cựu quan chức của chế độ cũ vì các chính quyền mới muốn lấy lòng dân chúng. Bỏ tù và trừng phạt thật nặng các “đồng chí” của mình là cách mị dân tốt nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất.
4. Dưới áp lực của các cuộc cách mạng đường phố
Như một trái cây đã chín hay một đồng cỏ đã quá khô…chỉ cần một một cơn gió nhẹ hay mồi lửa nhỏ là trái chín phải rụng và đồng cỏ sẽ bốc cháy. Sự kiện một anh sinh viên bán hàng rong tự vẫn vì bị cảnh sát hành hạ tại Tunisia đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng với tên gọi Mùa Xuân Ả Rập tại các nước như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Lybia…Người dân Ả Rập vùng dậy sau một biến cố. Chính quyền đàn áp nhưng không được vì khí thế và số lượng quần chúng tham gia quá lớn. Quân đội không ủng hộ chính quyền, giữ thái độ im lặng hoặc ủng hộ phong trào nổi dậy của quần chúng. Các lãnh đạo độc tài thất thế nên bỏ chạy và một chính quyền mới được lập nên.
Cũng như trường hợp thứ ba, vì không có đối lập dân chủ nên các quốc gia đó chỉ có thể thay thế chế độ độc tài bằng các chế độ dân chủ nửa vời, các quyền con người bị hạn chế đến mức tối đa.
5. Các chế độ độc tài chủ động đối thoại và thỏa hiệp với đối lập dân chủ
Đây là cách thiết lập dân chủ tại các nước Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ như Ba Lan, Séc và mới đây là tại Myanmar. Các cuộc chuyển hóa về dân chủ theo phương thức này rất thành công và diễn ra trong hòa bình. Không có chuyện thanh trừng các quan chức chế độ cũ, không đổ máu và không gây ra những vết thương mới cho dân tộc. Đây cũng là cách thức thiết lập dân chủ mà Tập Hợp mong muốn cho Việt Nam.
Xin nhắc lại, cứu cánh (mục tiêu cuối cùng) của Tập Hợp là dân chủ hóa đất nước chứ không phải chỉ mỗi đánh bại đảng cộng sản. Nhiều người tranh đấu trong đó có những khuôn mặt khá nổi tiếng đều cho rằng chỉ cần đánh đổ cộng sản cái đã, mọi chuyện sau đó tính sau. Chính vì sự hời hợt và thiếu viễn kiến nên các nhân sĩ luôn cho rằng có thể đánh bại chế độ cộng sản mà không cần tổ chức. Họ chống cộng bằng sự phẫn nộ nên không có lộ trình hay một kế hoạch nào. Họ cũng không ủng hộ cho bất cứ một tổ chức nào. Thất bại và bế tắc là đương nhiên.
Câu hỏi đặt ra cho những người thật sự quan tâm đến đất nước là sau chế độ cộng sản sẽ là cái gì? Là sự hỗn loạn hay một đất nước chuyển tiếp thành công về dân chủ trong hòa bình và trật tự?
Đấu tranh thiết lập dân chủ là dự án lớn nhất của dân tộc ta từ xưa đến nay vì thế phải có lộ trình, phương pháp và tổ chức. Nếu chỉ để bày tỏ sự tức giận thì sẽ không đi đến đâu. Người dân cần được biết dự án chính trị của các tổ chức chính trị để biết tương lai và chỗ đứng của mỗi người trong đó. Thiết lập dân chủ không phải là trò chơi hay xổ số, không thể trông chờ vào sự may rủi mà phải tạo ra sự đồng thuận dựa trên một tư tưởng chính trị được cụ thể bằng một dự án chính trị đúng đắn và khả thi. Xây dựng dân chủ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng và muốn có được ngôi nhà tốt thì móng phải vững. Dự án chính trị chính là nền móng của ngôi nhà dân chủ đó.
Các nước Bắc Âu là mẫu mực thành công về dân chủ.
Các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland) là mẫu mực thành công của dân chủ vì họ quan niệm đúng đắn về chính trị và các hoạt động chính trị. Họ xem hoạt động chính trị là một sự hy sinh và cống hiến cho một lý tưởng quảng đại chứ không phải để tìm kiếm thành công cá nhân. Thủ tướng các nước Bắc Âu đi làm bằng xe đạp và có một cuộc sống cá nhân khá khiêm tốn. Chỉ số hạnh phúc ở Bắc Âu luôn đứng đầu thế giới. Ngoài GDP ra thì còn nhiều chỉ số khác để đánh giá một quốc gia hạnh phúc và phát triển đó là sức khỏe người dân, số người béo phì hay bị tâm thần, tuổi thọ người dân, tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ li dị, tỉ lệ tốt nghiệp đại học, số người chết vì nghiện ngập, khả năng vươn lên của tầng lớp dưới…Để làm tốt những việc đó thì chính phủ phải gọn nhẹ, minh bạch, tôn trọng tự do, dân chủ, và đề cao sự liên đới xã hội. Không đâu mà liên đới xã hội cao như Bắc Âu và đó cũng là mô hình lý tưởng mà các nước đều muốn vươn tới kể cả Hoa Kỳ.
Việt Nam đã chín muồi cho sự thay đổi. Chuyển hóa về dân chủ là lựa chọn tất yếu và duy nhất cho Việt Nam. Dù vậy cách thức thiết lập chế độ dân chủ cho Việt Nam trong tương lai như thế nào thì lại rất phụ thuộc vào sự cố gắng và nỗ lực của đối lập dân chủ và các đảng viên đảng cộng sản còn ưu tư với đất nước. Nếu không chuẩn bị và bàn thảo về một giải pháp đúng đắn và khả thi cho đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Nhóm bỏ cuộc (hay bỏ chạy) khỏi Việt Nam của các quan chức cộng sản như đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc vừa bị tố cáo bỏ 2,5 triệu USD mua quốc tịch đảo Síp…luôn là một thiểu số rất ít vì không phải đảng viên cộng sản nào cũng giàu có đến như vậy. Đa số chúng ta đều gắn chặt cuộc đời và số phận với đất nước Việt Nam vì vậy phải có giải pháp chung cho cả dân tộc chứ không thể luồn lách bằng các giải pháp cá nhân.
Việt Hoàng
(31/08/2020)