Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/09/2020

Bộ tứ mới sau Đại hội XIII

Bùi Quang Vơm

Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2021, nghĩa là chỉ còn không đến 5 tháng nữa, nhưng diện mạo nhân sự chủ chốt, số lượng ủy viên bộ chính trị sẽ được bổ sung, Bộ tứ mới, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước và đặc biệt là vị trí Tổng bí thư, vẫn chưa có một tín hiệu được phỏng đoán nào. Hiện tượng chưa từng có.

botu0

Bộ tam cũ : Thủ tướng chính phủ, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội

Ở các kỳ Đại hội khác, dù nhân sự luôn là tuyệt mật, cơ cấu Bộ chính trị, các vị trí chủ chốt, như Bộ tứ, đặc biêt là hại vị trí Tổng bí thư và Thủ tướng, dư luận bao giờ cũng phỏng đoán được với độ chính xác ít nhất cũng khoàng 60-70%. Lần này thì không. Phản ánh khủng hoảng trong nhân sự đảng, khoảng trống trong nhân sự kế tiếp.

Nhìn vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay, người ta không khó nhận thấy khoảng cách quá xa giữa những người tại vị và lực lượng của đội ngũ kế cận bổ sung. Cả về trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, đặc biệt là lập trường tư tưởng, quá trình thử thách, đều không đủ độ tin cậy đối chiếu với quan điểm nền tảng chính thống.

Đảng đã không làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ? hay những nhân tố đủ tiêu chuẩn để lọt qua lưới lọc cổ điển đã trở nên khan hiếm ? Điều mà người ta thấy rõ ràng là việc lấp đầy chỗ trống của cơ cấu 19 ủy viên Bộ chính trị và 200 ủy viên Trung ương vào thời điểm hiện tại là một thứ nhiệm vụ "bất khả thi". Gần 5 triệu đảng viên, không còn ai vừa tin vào chủ nghĩa Mác vừa leo lên tới cấp trung ương mà lại "nghèo và trong sạch".

Những ai sẽ vào Bộ chính trị ?

Bộ chính trị sau Đại hội XII gồm 19 người là một sản phẩm chịu áp lực của Nguyễn Tấn Dũng. Để Nguyễn Tấn Dũng chịu rút khỏi Bộ chính trị, Đại hội XII buộc phải chấp nhận bổ sung 3 nhân vật do Dũng đề nghị là Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng, bỏ qua con số 15 đã thành luật không lời. Để tạo thành con số lẻ 19, Nguyễn Phú Trọng đưa Trương Hòa Bình vào làm đặc vụ chìm bên cạnh Thủ tướng, kiềm chế Chính phủ.

Sau bốn năm, Đinh La Thăng đi tù, Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo, còn lại Nguyễn Văn Bình không quyền lực, không có dấu hiệu ra tòa, nhưng không rõ thuộc quy hoạch cho vị trí nào.

Đinh Thế Huynh mất ghế ủy viên, dù cho đến nay vẫn không được chính thức công bố miễn nhiệm, cộng với cái chết bất ngờ và bí ẩn của Trần Đại Quang, số ủy viên bộ chính trị về lại con số 15.

Nếu không có cơ chế đặc biệt (tái cử hay tái ứng cử quá 65 tuổi), con số tái ứng viên Bộ chính trị của Đại hội XIII sẽ chỉ còn 7 người, gồm :

1. Phạm Bình Minh (1959)

2. Nguyễn Văn Bình (1961)

3. Vương Đình Huệ (1957)

4. Võ Văn Thưởng (1970)

5. Trương Thị Mai (1958)

6. Phạm Minh Chính (1958)

7. Tô Lâm (1957)

Do khan hiếm lực lượng kế cận, phương án quay về con số 15 ủy viên, thậm chí rút xuống 13 có lẽ được lựa chọn. Như vậy, có thể thấy các ủy viên bổ sung sẽ có thể là :

1. Lương Cường sẽ là Bộ trưởng Bộ quốc phòng

2. Phan Đình Trạc, trưởng Ban nội chính

3. Trần Cẩm Tú, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương

4. Vũ Đức Đam, sẽ là Phó thủ tướng thường trực.

5. Nguyễn Thành Phong, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

6. Bùi Thanh Sơn Bộ ngoại giao hay Nguyễn Xuân Thắng Hội đồng lý luận trung ương.

Việc lựa chọn giữa Bùi Thanh Sơn hay Nguyễn Xuân Thắng thể hiện tranh chấp giữa cấp tiến và bảo thủ. Nếu ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng còn mạnh, Nguyễn Xuân Thắng sẽ trúng cử.

Ai sẽ là Tổng bí thư ?

Với 13 người trên, sẽ không có ai đáng mặt Tổng bí thư, không có ai đáng làm Chủ tịch nước.

Trong các ủy viên Bộ chính trị hiện tại, cả những người sẽ tái cử lẫn sẽ bổ sung, không có ai vượt trội hơn hẳn để có thể giữ ghế Tổng bí thư. Đó là lý do bắt buộc chấp nhận ít nhất một trường hợp đặc cách, trong 3 phiếu đặc cách có thể, dành cho ông Phúc, bà Ngân hoặc ông Vượng.

botu2

Trong các ủy viên Bộ chính trị hiện tại, cả những người sẽ tái cử lẫn sẽ bổ sung, không có ai vượt trội hơn hẳn để có thể giữ ghế Tổng bí thư.

Có thể có chút ít ảnh hưởng nhờ những bộc lộ tin cậy công khai một cách cố ý của ông Trọng và từ vị trí Thường trực Ban bí thư, như vị trí số hai trong đảng, nhưng ông Trần Quốc Vượng chưa bao giờ chứng tỏ năng lực cả về lý luận lẫn năng lực kỹ trị kinh tế, trong khi, trong Bộ chính trị hiện nay, ông là người nhiều tuổi nhất trong những người quá tuổi. Nếu bỏ phiếu, ông Vượng chắc chỉ có một phiếu, là phiếu của ông Trọng. Cơ chế đặc cách sẽ khó được chấp nhận cho một người như vậy.

Bà Ngân xuất thân Bến Tre, dân vỉa hè Hà Nội nói "quê một cục", "hợp với công tác quần chúng, phong trào, thi đua khen thưởng, quá lắm là nghi lễ, khánh tiết, chứ làm gì đủ đức để lên ngôi cửu đỉnh". Nếu có đặc cách, bà Ngân chắc được chọn cho chân Chủ tịch nước. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, phải nói là chế độ yên bình, không có loạn tiếm quyền, nên chẳng có ai có công cứu giá, ngôi chủ tịch nước có thể để cho phụ nữ, dĩ hòa vi quý.

Dưới ông Trọng, hiện tại, người có uy tín nhất vừa hơn hẳn vừa bao trùm là ông Nguyễn Xuân Phúc. Mặc dù Nguyễn Xuân Phúc chịu tiếng kém lý luận, vụng ăn nói, nhưng khuynh hướng áp đảo hiện nay là hiệu quả quản lý. Tăng trưởng kinh tế, nền tảng duy nhất để đảm bảo ổn định xã hội, cứu cánh cho tính chính danh của đảng, nghĩa là ổn định chế độ, ổn định nội bộ, chứ không phải là lý luận chủ nghĩa Mác với tư tưởng Hồ Chí Minh. Có người còn nói rằng, những từ tự vỗ ngực, lơ lửng trên mây của ông Trọng "chưa bao giờ có cơ đồ như bây giờ..." cũng chỉ là "giọng ăn theo, nói leo" những thứ do ông Phúc và ông Minh làm, chứ cứ theo đúng "định hướng xã hội chủ nghĩa" và "lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ lực", thì đói rã họng ra rồi !

Mấy năm vừa rồi, đặc biệt năm 2020, vừa làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vừa làm chủ tịch luân phiên ASEAN, uy tín và vị thế của Việt Nam được thế giới xác nhận, chủ yếu do công của Ngoại giao, có công đầu của Phạm Bình Minh.

Vì vậy, có khả năng sẽ có 2 phiếu đặc cách tái cử ủy viên bộ chính trị :

1. Nguyễn Xuân Phúc (1954), thay thế Nguyễn Phú Trọng cho chân Tổng bí thư Đảng.

2. Nguyễn Thị Kim Ngân (1954), cho vị trí Chủ tịch nước.

Bộ tứ mới

Nếu đúng như dự đoán trên, Bộ tứ của chế độ sẽ có thể như sau :

Tổng bí thư : Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước : Nguyễn Thị Kim Ngân

Thủ tướng chính phủ : Phạm Bình Minh

Chủ tịch quốc hội : Trương Thị Mai

botu3

Bộ tứ mới sau Đại hội 13 ?

Khuôn mẫu Bộ tứ mới này thể hiện sự cân bằng hoàn hảo, gồm hai nam, hai nữ. Tổng bí thư miền Trung, Thủ tướng miền Bắc, Chủ tịch nước miền Nam, và Chủ tịch Quốc Hội xuất thân Quảng Bình, nằm ở giữa giải đất hình chữ S.

Trục chính của chế độ là trục Nguyễn Xuân Phúc-Phạm Bình Minh, trước hết phản ánh tư tưởng chủ đạo là lấy hiệu quả kỹ trị làm trọng. Đường lối sẽ dựa trên căn bản Lợi ích quốc gia và Luật pháp quốc tế, không phải trên nền tảng chủ nghĩa, như từ Đại hội XII trở về trước.

Việc đặt người miền Bắc vào vị trí đứng đầu Chính phủ cho biết quyền quyết định chế độ nằm ở cơ quan hành pháp, dựa trên năng lực quản trị kinh tế, không nằm ở quản lý tư tưởng hay kiểm soát ý thức hệ. Vả chăng, ông Phúc vốn cũng không có năng khiếu về lý thuyết đảng, thậm chí có thể phỏng đoán rằng ông không biết nhiều lắm về triết học Mác-xít. Có thể lờ mờ thấy khởi đầu của mô hình Chủ tịch nước, đại diện Hiến pháp, và Thủ tướng chính phủ, đại diện Hành pháp, không có Tổng bí thư đảng.

Việc Phạm Bình Minh có thể nắm vị trí Thủ tướng cũng cho thấy thái độ rõ ràng của Việt Nam với Đảng cộng sản Trung Quốc.

Khác với trục Trọng-Phúc, đỏ vỏ, xanh lòng, trục Phúc-Minh sẽ là một trục tâm đầu ý hợp, ít nhất cùng trái với quan điểm "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của ông Trọng. Bất cứ ai từng kinh qua quản lý kinh tế, từng giao tiếp trực diện với nền tảng thực chất của kinh tế thị trường đích thực đều không thể hiểu và không thể chấp nhận khái niệm nền kinh tế thị trường được định hướng. Định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào ? Là triệt tiêu dần dần tư hữu và kinh tế tư nhân ? Là tiến dần tới kinh tế tập trung dưới sự điều hành của chính phủ ? Là quay trở lại nền kinh tế kế hoạch hóa ?

Hoặc là điều tiết mọi chỉ tiêu theo tín hiệu vận hành của thị trường, hoặc là làm tê liệt mọi hoạt động của thị trường bằng kế hoạch hay định trước. Không có cái này trong cái kia, hoặc đồng thời là cái kia.

Cùng với trục Phúc-Minh, vai trò của kinh tế quốc doanh, tức là vai trò của doanh nghiệp nhà nước sẽ được tối thiểu hóa. Không có chuyện bóp méo hay làm biến dạng thị trường bằng các mệnh lệnhh chính trị của lãnh đạo đảng thông qua công cụ doanh nghiệp nhà nước. Nếu hệ thống quốc doanh đủ sức để bao trùm nền kinh tế thì nó trở thành hệ thống chính trị, không còn là các định chế kinh tế nữa. Đó là định hướng, nhưng không còn là thị trường. Chủ trương thiết lập chi bộ đảng trong tất cả các doanh nghiệp tư nhân chính là chủ trương chính trị hóa nền kinh tế, học theo Trung Quốc, là một chủ trương phản động và ngu dốt. Nó sẽ chết cùng với với sự "tạ thế" của ông Trọng.

Nếu đúng là trục Phúc-Minh được Đại hội XIII lựa chọn, có thể hy vọng xu hướng rộng mở xã hội, gần gặn với thế giới dân chủ, cùng với sự hình thành dần dần tính độc lập của tòa án và báo chí.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII

Ông Trọng tự phân công giữ vị trí trưởng Tiểu ban Lý luận và Nhân sự, có chủ ý ghìm lái con tàu Việt theocon đường xã hội chủ nghĩa mác-xít và loại bỏ những nhân tố có tư tưởng cải cách. Đó là tham vọng cố chấp của một bộ não ngoan cố, bảo thủ. Nhưng ông Trọng không biết rằng, cho dù cố gắng mức nào, thủ đoạn cỡ nào thì thực chất ông đã là một quá khứ, một thứ ngáo ộp, một hoàng đế không còn tại vị. Tất cả đêu đã thấy rõ điều đó, thậm chí, chỉ sau khi ông "đứng trên vỉa hè" của chính trường, người ta sẽ nhắc tới ông như một cơn "giãy dụa" cuối cùng.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII tất yếu sẽ còn nguyên chữ "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", còn nguyên "tuyệt đối trung thành với nguyên lý Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh", nhưng nó chỉ còn là cái vỏ, một cái bình rỗng, một xác chết không hồn.

Đại hội lần này sẽ phải đối diện với một mâu thuẫn khó giải. Đó là việc, người chủ trì soạn thảo báo cáo và trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, thông thường là ứng viên đã được lựa chon cho vị trí Tổng bí thư, vì sẽ là người chỉ đạo thực hiên nghị quyết của Đại hội. Nhưng lần này, ông Trọng chủ trì soạn thảo báo cáo chính trị, nhưng không phải là người sẽ tiếp tục chức vụ Tổng bí thư.

Vậy, ai sẽ là người đọc báo cáo, có nghĩa ai sẽ là Tổng bí thư ? Bây giờ, vẫn còn là điều bí ẩn.

Người đọc báo cáo và người chủ trì soạn thảo không phải là một, đã nói rõ báo cáo là cái xác không hồn. Người ta không ai không nhớ, khi nói tới mấu chốt của tăng trưởng, ông Phúc 3 lần kếu lên : "cơ chế, cơ chế, cơ chế". Cơ chế nghĩa là luật, mà luật là "thể chế hóa cương lĩnh đảng", là "định hướng xã hội chủ nghĩa, là kinh tế quốc doanh là chủ đạo". Muốn tăng trưởng phải phá vỡ cơ chế. Đó là ý của ông Phúc. Nếu ông Phúc được chọn làm người đọc báo cáo, thì nội dung Nghị quyết của Đại hội có thể sẽ không phải là nội dung của Báo cáo chính trị.

Đây sẽ là điểm nút gay cấn nhất của Đại hội XIII.

Nếu không thể có cơ chế đặc biệt cho ông Phúc, chỉ có một phiếu cho bà Ngân, liệu ông Phạm Bình Minh có thể là người được giao trách nhiệm đọc báo cáo chính trị không ? Ông Minh là người miền Bắc, giỏi lý luận, lại đang là linh hồn không thể thay thế của chính sách đối ngoại Việt, bạn rất thân với Mỹ và Châu Âu, nhưng rất không thân với Trung Quốc.

Người ta đã nhiều lần dự báo rằng con số 13 là con số cuối cùng của Đảng cộng sản, không biết có ứng nghiệm không !

Bùi Quang Vơm

20/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm
Read 1272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)