Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/12/2020

Tìm hiểu về chính trị Việt Nam trước Đại hội 13

Quốc Bảo

Người Việt Nam vẫn đang sục sôi vì kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 46. Vì sao người Việt quan tâm đến bầu cử Mỹ mà không quan tâm đến chính trị tại Việt Nam ? Câu trả lời cũng giản dị, Mỹ là đất nước tự do và dân chủ nên ai muốn bàn luận thế nào cũng được trong khi tại Việt Nam chính trị là lĩnh vực độc quyền của Đảng cộng sản.

daihoi1

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư-Chủ tịch nước, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 19/11/2020. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Chỉ còn một tháng nữa là diễn ra Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, đây cũng là cuộc sắp xếp lại bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Chúng ta có quyền và trách nhiệm tìm hiểu những gì đang diễn ra tại đất nước mình sinh sống cho dù hiện tại các quyền đó đang bị tước mất bởi Đảng cộng sản.

Cơ cấu quyền lực

Chúng ta hãy hình dung cơ bản tổ chức nhà nước hiện nay của Việt Nam :

- Cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, được bầu ra bởi từng công dân (cử tri) theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Đứng đầu là Chủ tịch quốc hội. Quốc hội lập pháp và định hướng các mô thức phát triển của Quốc gia.

- Quốc hội sẽ bầu Chính phủ, thừa hành định hướng và chiến lược quốc gia, thi hành luật. Đứng đầu là Thủ tướng chính phủ.

- Quốc hội sẽ bầu ra hệ thống Tư pháp gồm các cơ quan Tòa án nhằm bảo vệ công lý hoặc giải quyết các tranh chấp. Tòa án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam. Đứng đầu là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội cũng bầu ra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kiểm sát hoạt động tư pháp, đứng đầu là Viện trưởng.

- Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước, thay mặt nhà nước đối ngoại, đối nội, chủ trì các hình thức nghi lễ quốc gia. Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Dựa trên cấu trúc đấy, từng tỉnh thành khác nhau sẽ có các cấp quyền lực tương ứng :

- Ở mỗi địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp được bầu lên cũng theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Hội đồng nhân dân là đại diện cử tri và là cơ quan giám sát hành pháp và thực thi các chính sách phát triển và quản lý nhà nước tại địa phương theo luật pháp. Đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân sẽ bầu ra các chức danh chính trong cơ quan hành pháp là Ủy ban nhân dân. Đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm các vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp tại địa phương như Chánh án, Phó chánh án, Viện trưởng viện kiểm sát, để thực hiện trách nhiệm Tư pháp.

Trên nguyên tắc của chính trị học hiện đại, ba nhánh quyền lực cơ bản Lập phápHành pháp và Tư pháp nêu trên là độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Khi quyền lực được kiểm soát bởi quyền lực cân xứng, tổ chức nhà nước sẽ được vận hành theo đúng nguyên lý "chính quyền là của nhân dân", chủ quyền thuộc về nhân dân. Chủ thuyết "tam quyền phân lập" trên thực tế không thể tách bạch hóa ở mọi thể chế, giữa Lập pháp và Hành pháp. Hai nhánh quyền lực này cần bổ sung cho nhau về việc hoàn thiện luật và thi hành luật. Vì thế hệ thống tư pháp, quyền xây dựng luật thuộc về Quốc hội nhưng Bộ Tư pháp, thuộc Chính phủ, cũng có chức năng xây dựng luật. Đây là mối quan hệ có bản chất tương hỗ nhau để hoàn thiện quản trị xã hội.

Chúng ta đang nói về một hệ thống tổ chức chính trị dân chủ, cả trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam. Ở đây Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.

Nhưng sự hiện diện có tính độc tôn chân lý của Đảng cộng sản Việt Nam đã phá vỡ nguyên lý cân xứng và độc lập ấy. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 xác quyết vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Dù không khẳng định vị thế tuyệt đối trong Điều 4, nhưng từ lời nói đầu, cùng một số điều khác của Hiến pháp và trong luật bầu cử, vị trí độc tôn của Đảng là không thể thay thế.

Nếu vậy, theo logic, Quốc hội, đại diện nhân dân phải xếp dưới sự điều hành của Đảng.

daihoi2

Tính độc lập của Quốc hội Việt Nam : Biểu ngữ tôn vinh Đảng cộng sản Việt Nam được trương cao trên nóc tòa nhà Quốc hội

Đảng cử, dân bầu, Đảng quyết

Quốc hội đại diện cho nhân dân chỉ có ý nghĩa thực sự khi bầu cử không bị tác động bởi chính quyền đương nhiệm hay bởi ý chí của Đảng. Quốc hội Việt Nam được hình thành và đi ngược lại cả hai tiêu chí ấy.

Về nguyên tắc ai trao quyền thì có quyền giám sát. Nhân dân không dễ để hiểu biết, nắm thông tin và đôi khi cả quan tâm tới những điều trọng yếu của quốc gia nên nhân dân không bao giờ là đối trọng với Chính phủ. Do đó, dân bầu Đại biểu quốc hội, thay mặt mình giám sát các hoạt động của chính phủ. Không có quy định Đại biểu quốc hội phải là đảng viên Đảng cộng sản, nhưng số Đại biểu quốc hội khóa XIV, người ngoài Đảng chiếm không quá 5% tổng số ghế. Quốc hội khóa XIV chỉ có 2 người tự ứng cử và cũng là đảng viên. Đảng cộng sản, trên thực tế đã điều hành Ủy ban Mặt trận Tổ quốc như một chủ thể duy nhất để giới thiệu và lập danh sách ứng viên Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì thế, Đại biểu quốc hội ngoài Đảng, nếu có, thì cả chất và lượng cũng không bao giờ là đối trọng với Chính phủ.

Một vấn đề nữa là làm sao Đại biểu quốc hội có thể thực thi vai trò giám sát của mình khi phần lớn họ lại là cấp dưới của Thủ tướng chính phủ. Một sự kiêm nhiệm như vậy sẽ vô hiệu hóa vai trò Quốc hội. Cấp dưới nào có thể giám sát cấp trên bằng chính quyền lực mà cấp trên trao cho họ. Ai sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, tức nhân dân khi chính phủ thực thi sai đường lối chính sách. Về logic theo cơ cấu trên là không ai cả. Các thành viên của Chính phủ cũng chịu trách nhiệm trước Quốc hội như Thủ tướng và về nguyên tắc, họ có thể không tuân theo Thủ tướng hoàn toàn. Và thêm nữa, họ cũng đi giám sát chính họ !

Theo thông lệ 5 năm, Đảng cộng sản sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc. Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương, rồi Ban chấp hành Trung ương bầu Bộ chính trị, bầu Tổng bí thư và giới thiệu các vị trí lãnh đạo như Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ để sau đó, Quốc hội bầu.

Tuy nhiên khi Đảng đã nhất mực về sự lãnh đạo toàn diện thì việc Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu chỉ là hình thức. Quốc hội sẽ bầu như Đảng cử. Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước hay Thủ tướng bắt buộc là Đại biểu quốc hội và có thể là người ngoài Đảng nhưng thực tế thì không những các vị trí đó phải là Đảng viên mà còn phải là Đảng viên ở các cấp cao nhất, tức Ủy viên Bộ chính trị.

Chúng ta thấy điều trớ trêu là với cơ chế hiện nay của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đa số Đại biểu quốc hội đều là cấp dưới của thủ tướng về mặt Đảng. Do vậy, tính chất quan trọng nhất trong một chế độ dân chủ là bầu cử đã bị tước đoạt đi ý nghĩa khi Đảng hoàn toàn sắp đặt từ cơ chế tới nhân sự. Người dân không biết dựa vào đâu để chọn ra đại diện để quyết định những vấn đề liên quan tới vận mệnh của mình và xã hội.

daihoi3

Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức đứng trên tất cả dù là hành pháp, tư pháp hay lập pháp… Ảnh minh họa Bộ Chính trị khóa 12 gồm 19 người (nay chỉ còn 15 : ông Trần Đại Quang chết, ông Đinh La Thăng ở tù, ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh, ông Hoàng Trung Hải đang bị giam lỏng)

Đảng cộng sản đứng trên tất cả

Văn kiện đại hội Đảng lần thứ 13 vẫn xác định lấy chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng. Và Đảng cộng sản cho rằng chính điều đó sẽ mãi bảo đảm cho họ là Đảng chính trị duy nhất tồn tại. Trên thực tế, tư tưởng đấy chỉ là một chủ nghĩa mà họ theo đuổi, không có cơ sở nào để nói nó đại diện cho ý chí và nguyện vọng dân tộc. Những Đảng viên học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh không còn bao nhiêu và họ cũng không biết phải học cái gì. Có bao nhiêu đảng viên trong số 5,2 triệu góp ý cho Văn kiện và hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin là gì? Không nhiều. Những người hiểu chưa chắc đã đồng tình. Làm sao có thể đồng tình với thứ mà nhân loại đã bỏ đi?

Đảng cộng sản vẫn cứ tồn tại ngang nhiên và quyết định cơ cấu nhà nước Việt Nam. Cuộc bầu cử chưa diễn ra thì Đảng cộng sản đã thắng 100%, vậy nên mấy ai còn quan tâm bầu cử ? Đảng cộng sản đã "thành công" trong việc vô hiệu hóa mọi vai trò của nhân dân và dập tắt sinh hoạt chính trị dù Hiến pháp và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn nói "Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Một sự dối trá trắng trợn.

Người Việt Nam phải quan tâm đến chính trị

Một cuộc bầu cử thực sự, bất luận văn hóa và thể chế nào cũng phải tạo cơ hội cho tất cả các ứng viên có thiện chí và năng lực. Bằng không đó chỉ là sự thoán đoạt hoặc phân chia quyền lực của một tầng lớp thống trị và bóc lột. Đó cũng là hình thức phản dân chủ mà người Việt Nam đang phải chịu đựng. Cái giá phải trả là giá trị về đạo đức và lòng tin con người bị đánh mất, chân lý bị đảo lộn, xã hội xuống cấp. Sự thờ ơ và thụ động của nhân dân với chính trị dẫn đến sự vô cảm trước các bất công đang diễn ra trước mắt là điều vô cùng nguy hại.

Người Việt Nam còn ưu tư với đất nước đang đòi hỏi Tam quyền phân lập. Tuy nhiên quyền lực thực sự ở các xã hội dân chủ bây giờ không chỉ có vậy. Sự văn minh tất yếu còn đòi hỏi cả quyền của các chuyên gia, nghĩa là quyền lực của kiến thức trong phát triển xã hội. Chúng ta còn cần phải nhắc thêm, trong các xã hội này, truyền thông như một nhánh quyền lực độc lập để nhân dân có thể kiểm soát Chính phủ. Ở Việt Nam Ban tuyên giáo của Đảng đã khống chế nốt quyền lực còn lại này. Thông tin phải theo sự điều hướng của Ban tuyên giáo. Những quyền cơ bản của công dân đã bị Đảng cộng sản tước đi.

trump3

Người dân Việt Nam phải tìm hiểu về các tổ chức chính trị và dự án chính trị của họ…

Chúng ta đang đi về đâu và làm sao để vươn lên ? Đây là một chủ đề lớn và đòi hỏi sự quan tâm của nhiều người. Quan tâm để tìm ra giải pháp. Không chỉ để thoát họa cộng sản mà còn xây dựng lại Việt Nam trong một Kỷ nguyên mới. Người Việt Nam cần hâm nóng bầu không khí chính trị ở đất nước bằng việc tìm hiểu, thảo luận để hiểu rõ hơn về các tổ chức chính trị và các dự án chính trị của họ. Phải hiểu và nắm rõ khuynh hướng chính trị của các tổ chức thì mới biết được mình cần ủng hộ cho ai và cho cái gì.

Muốn Việt Nam có dân chủ thì người dân và trí thức Việt Nam phải tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Chính trị cũng như kinh tế, phải có cạnh tranh mới có tiến bộ và phát triển.

Quốc Bảo

(11/12/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Bảo
Read 1452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)