Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/12/2020

Nỗi đau đến hẹn lại lên

Kỷ Nguyên

Miền Trung Việt Nam, với vị trí địa lý và đặc thù địa hình là nơi có khí hậu khắc nghiệt và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết. Tính đến thời điểm hiện tại, với 9 cơn bão và 5 đợt lũ mà miền Trung trực tiếp hứng chịu thì năm 2020 đã trở thành một trong những năm có số lượng các cơn bão và đợt lũ vượt xa mức trung bình hàng năm, những thiệt hại về người và vật chất cùng tính chất nghiêm trọng của thảm họa vừa qua là những hình ảnh khó quên đối với người dân nơi đây.

Từ những ngày đầu tháng 10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh đã khiến mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã là một trong những nơi hứng chịu lượng mưa nhiều nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 5 ngày, mực nước sông Hương chạm mốc báo động 4 tương đương với lũ lịch sử năm 1999 - trận lũ cần thời gian hơn 10 ngày và với lượng mưa gấp đôi - để đạt đỉnh lịch sử. Tình trạng nước lũ lên nhanh cũng diễn ra ở nhiều nơi khác nhau từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, trong khoảng thời gian căng thẳng này, nước lũ dâng cao ở đâu thì trên facebook xuất hiện các thông tin kêu cứu ở đó, các mẫu tin kêu cứu được chia sẽ với lời lẽ nguy cấp, khẩn thiết đã cho thấy tình cảnh éo le, tuyệt vọng của bà con.

noidau1

Các mẫu tin kêu cứu được chia sẽ với lời lẽ nguy cấp, khẩn thiết đã cho thấy tình cảnh éo le, tuyệt vọng của bà con và sự bất lực của chính quyền.

Dù đã có Trung tâm dự báo khí tượng và sự hỗ trợ của các Trung tâm dự báo hiện đại của Mỹ, chính quyền từ trung ương đến địa phương các tỉnh miền Trung đã không có được sự tham mưu kịp thời để có phương án ứng phó với các đợt lũ lên nhanh, những đợt di tản dân đã không đáp ứng được cả về quy mô, tốc độ cũng như phương tiện cứu hộ.

Ngay trong tâm lũ, hoạt động cứu nạn của chính quyền thể hiện sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí dẫn đến mất mát. Chủ tịch một xã của tỉnh Quảng Bình tử vong vì ứng cứu người dân trong mưa lũ là hậu quả đau lòng trong công tác cứu hộ. Sự bất lực của chính quyền trong tiếng kêu cứu khẩn thiết của người dân đã đưa đến một hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện: các cano từ nhiều nơi, không bàn bạc cũng chẳng hẹn nhau đã âm thầm được vận chuyển lần lượt đến các vùng tâm lũ, hình ảnh các chuyến cano ngược xuôi giải cứu các trường hợp nguy cấp đã làm nức lòng người dân cả nước.

Cùng với lũ lụt do mưa lớn kéo dài, các vụ sạt lở đất diễn ra với mức độ nghiêm trọng đã khiến năm nay số lượng người thiệt mạng vì sạt lở đứng đầu các nguyên nhân tử vong do thiên tai bão lũ. Chiều ngày 12/10, thời điểm lũ đạt đỉnh ở Huế cũng là lúc lộ ra thông tin về vụ sạt lở đất làm 13 cán bộ trong đó có Phó Tư lệnh và nhiều quân nhân cấp cao quân khu 4, phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn Bộ Quốc phòng cùng chủ tịch huyện Phong Điền của Huế bị vùi lấp. Những thông tin được làm sáng tỏ sau đó đã cho thấy đoàn công tác này thực hiện nhiệm vụ tiếp cận khu vực mà trước đó, 30 công nhân của công trình của thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích. Lộ trình di chuyển, phương tiện sử dụng và địa điểm đoàn 13 cán bộ gặp nạn đã làm bộc lộ ra nhiều vấn đề trong công tác cứu nạn của chính quyền cũng như quân đội.

Những thiệt hại lớn về sinh mạng không những của người dân mà còn của cán bộ cứu hộ qua công tác cứu nạn đã cho thấy mức độ yếu kém, sự bất lực của chính quyền trước những thảm họa thiên tai diễn ra hàng năm. Trang thiết bị cứu hộ thô sơ, nhân sự không được tập huấn bài bản… đã phản ánh một chính quyền không xem trọng giải pháp phòng chống thiên tai, hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả. Đó cũng là một nổi hổ thẹn của chính quyền.

Trong những giờ phút khó khăn đối mặt với lũ dữ, trong tiếng kêu cứu và những tang thương liên tiếp xảy ra với người dân, chính quyền đã không có được những hành động kịp thời để cứu trợ, đây cũng là lúc xuất hiện các mạnh thường quân quên mình lao vào tâm lũ. Ca sĩ Thủy Tiên với tâm thư trên fanpage facebook kêu gọi ủng hộ đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng mạng. Số tiền quyên góp của Thủy Tiên chỉ trong một thời gian ngắn đã lên tới hơn 150 tỷ đồng, một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử quyên góp làm từ thiện với tư cách cá nhân. Thành công của đợt quyên góp này có được, ngoài việc Thủy Tiên vốn đã là một mạnh thường quân có tiếng, một ca sĩ nổi tiếng thì hình ảnh xông pha vào tâm lũ để cứu giúp người dân của cô đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ.

noidau2

Hình ảnh Thủy Tiên xông pha vào tâm lũ của cô ngay sau lời kêu gọi đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ…

Chính quyền gần như bỏ rơi người dân trong những thời khắc khốn cùng nhất đã tạo nên một khoảng trống trách nhiệm rất lớn, hình ảnh cô ca sĩ mảnh khảnh chịu khổ và chấp nhận hiểm nguy cứu trợ bà con đã là niềm hy vọng để người dân có thể gởi gắm tình người đến vùng lũ. Không gì mang lại xúc cảm mạnh mẽ hơn những gì Thủy Tiên đã làm được lúc đó, những tấm lòng thương cảm đã tìm thấy nơi cô sự tin tưởng để đồng hành. Tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của người dân từ mọi miền tổ quốc hướng về bà con miền Trung thông qua các mạnh thường quân, mà điển hình là Thủy Tiên, một bức tranh đẹp thể hiện cho ý chí và khát vọng hòa giải và hòa hợp của dân tộc. Khát vọng thể hiện tinh thần cao đẹp này càng được sáng hơn và quý giá hơn trong bối cảnh chính quyền đã thật sự không còn uy tín cho bất kỳ một tin tưởng nào.

Chính quyền đã thật sự đứng ngoài cuộc, không những trong hoạt động cứu trợ mà còn trong lòng dân. Thành công ngoài mong đợi với số tiền kỷ lục quyên góp được của Thủy Tiên đã là vấn đề lớn làm lúng túng hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức của chính quyền như Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi quyên góp với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống truyền thông và nhiều ban ngành đã không mang lại nhiều sự hưởng ứng, họ bị lu mờ trước một cá nhân như Thủy Tiên.

Những thông tin nêu dẫn luật quyên góp từ thiện để gây sức ép đến hoạt động của Thủy Tiên là biểu hiện của sự xấu hổ trong hoàn cảnh thua thiệt về uy tín của các cơ quan này. Sức ép và đe dọa đó tất nhiên chỉ có thể dừng lại ở tiếng nói của một vài cá nhân, họ không dám có một hành động cứng rắn nào vì lo sợ sẽ hứng chịu một làn sóng phẫn nộ từ người dân. Cá nhân ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện với hình ảnh làm từ thiện mang tính hình thức, trong một số trường hợp bị cộng đồng mạng lên án giả tạo là sự hổ thẹn của chính quyền trong đợt khủng hoảng thiên tai này. Chính quyền thật sự thất bại ngay cả với hoạt động tuyên truyền vốn là điểm mạnh của họ, tính chính danh của chính quyền đã bị hủy hoại.

noidau3

Một trường hợp từ thiện hình thức, giả tạo, tự phô trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, cùng với vị trí địa lý và đặc thù địa hình đã khiến chúng ta ngày càng phải hứng chịu những tác động tiêu cực của thiên tai. Chính vì vậy, Việt Nam cần một chính quyền có viễn kiến, quyết tâm và đặt vấn đề bảo vệ môi trường cũng như công tác phòng chống thiên tai lên hàng đầu. Tuy nhiên chính quyền cộng sản đã thể hiện họ không những không có khả năng đối phó mà còn là thế lực phá hoại môi trường tồi tệ nhất. Số lượng người thiệt mạng vì sạt lở đất nhiều hơn vì nước lũ dâng và hơn cả ảnh hưởng trực tiếp của bão và các nguyên nhân tử vong vì thiên tai khác đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Hàng chục năm nay, việc chính quyền bảo kê cho các hoạt động khai thác rừng trái phép cũng như xuất hiện nhiều thủy điện cóc mọc lên khắp nơi đã khiến hàng trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị tàn phá. Nạn tàn phá rừng cũng là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng ở hầu hết các tỉnh miền Trung – nơi có địa hình hẹp với các dãy núi chạy dọc theo chiều ngang và các con sông ngắn độ dốc cao đổ thẳng ra biển – dù gặp phải những đợt mưa không lớn. Cùng với nạn phá rừng, mưa kéo dài và áp lực xả lũ không có kế hoạch từ các đập thủy điện cũng là nguyên nhân khiến lũ trong những năm gần đây ngày càng lên nhanh, dù lượng mưa thấp hơn các đợt lũ lịch sử trong quá khứ.

Chứng kiến những thảm họa thiên tai mà người dân miền Trung chịu đựng hàng năm, tất cả chúng ta đều nhận ra chính quyền không những bất lực mà còn gián tiếp làm trầm trọng thêm những đau thương đó. "Nỗi đau đến hẹn lại lên" của người dân nơi đây, giờ đây đã không thể trông chờ vào một giải pháp nào đến từ chính quyền tham nhũng này.

Những mất mát, tang thương của người dân Miền Trung chừng nào mới chấm dứt ? Câu hỏi này đã không còn thuộc về chính quyền mà giờ đây chúng ta phải tự nhận về chính mình để tự trả lời, bởi vấn nạn này cần một giải pháp không những đòi hỏi một nỗ lực hành động mà còn một nguồn lực rất lớn qua thời gian, điều mà chỉ có thể đạt được từ một chính quyền lương thiện và viễn kiến trong một quốc gia Việt Nam dân chủ hậu cộng sản.

Chiến thắng chính quyền cộng sản tồi dở không những nhằm xây dựng lại đất nước mà còn để sớm chấm dứt những đau thương mất mát cho dân tộc, những đau thương mà đáng ra trong điều kiện hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Trí thức, giới đấu tranh có thể mất nhiều thời gian để thành công thay đổi chế độ nhưng thời gian càng kéo dài thì chỉ làm nỗi đau của người dân thêm nặng nề và tủi hổ.

Giải quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước như bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai hàng năm cần một Dự án chính trị với các giải pháp đúng đắn đến từ một tổ chức chính trị lương thiện và quyết tâm. Đã đến lúc chúng ta đứng cùng nhau trong một tổ chức đối lập đủ mạnh để buộc chính quyền cộng sản phải nhượng bộ sớm nhất, để vừa xây dựng đất nước vừa khắc phục thảm họa thiên tai vừa để những mất mát không đáng có của người dân không còn là nỗi ám ảnh mỗi mùa mưa bão đến.

Kỷ Nguyên

(10/12/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kỷ Nguyên
Read 951 times

1 comment

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)