Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/01/2021

Lựa chọn tự do hay bình đẳng ? Một cách đặt vấn đề sai lầm !

Nguyễn Hưng

Liệu có phải là có tự do thì không thể có bình đẳng, hay có bình đẳng thì không thể có tự do, nhất định phải chọn một trong hai như là các luận điệu của chủ nghĩa dân túy trong bối cảnh phân cực chính trị gần đây ?

Để giải thích về vấn đề này, trước tiên ta sẽ tìm hiểu khái niệm "Tự do" và "Bình đẳng" theo cách hiểu đơn giản nhất.

"Tự do" theo phần lớn các định nghĩa là trạng thái không bị áp chế, ràng buộc. Người tự do có nghĩa là người không bị bắt buộc làm những điều mình không mong muốn, mà được sống và hành động đúng với lương tâm, sở nguyện của mình. Người tự do có quyền mưu cầu hạnh phúc và được làm những điều mình muốn để đạt được hạnh phúc.

Nhưng tự do không có nghĩa là được thoải mái xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Không thể "tự do giết người" bởi điều này xâm phạm đến quyền được sống của người khác, cũng không thể có "tự do đánh cắp tài sản" bởi làm vậy là xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác. Không có thứ "Tự do" nào có thể tồn tại dựa trên sự đánh đổi "Tự do" của người khác.

Trên thực tế, nếu mọi người được thoải mái xâm phạm và chà đạp lẫn nhau thì đây chính là biểu hiện cho trạng thái hỗn loạn hoang dã. Mà kết quả của nó là khiến cho mọi người đều bị mất tự do bởi vì không một ai còn được đảm bảo về quyền lợi nữa. Lúc này xã hội sẽ vận hành theo kiểu mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Kẻ yếu sẽ bị chà đạp và bị tước đoạt tự do vì phải chấp nhận phục tùng tuyệt đối kẻ mạnh, trong khi kẻ mạnh cũng không hoàn toàn được tự do khi phải luôn dè chừng trước sự tranh chấp quyền lợi từ những kẻ mạnh khác.

Chính vì hệ lụy từ trạng thái hỗn loạn hoang dã, luật pháp đã ra đời nhằm đưa mọi thứ vào trật tự và quy củ. Thoạt nhìn, luật pháp có vẻ là một sự ràng buộc làm cho mọi người trở nên mất tự do. Nhưng thực chất, đây là sự ràng buộc chính đáng. Và chính sự ràng buộc này đã khiến cho các chủ thể trong xã hội không thể xâm phạm đến quyền và lợi ích của nhau, qua đó đảm bảo cho mọi người có được quyền tự do thật sự.

Sự xuất hiện của luật pháp gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước. Nhưng trớ trêu thay, khi nhà nước cùng với hệ thống luật pháp đã xuất hiện, con người cũng chẳng được tự do hơn. Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ khái niệm thứ hai cũng cần được định nghĩa trong bài, đó là "Bình đẳng".

Một cách đơn giản nhất, "Bình đẳng" được hiểu như là sự ngang bằng, không hơn không kém lẫn nhau. Nhưng nếu như vậy thì đây là một khái niệm rất rộng, bởi vì không ai biết ngang bằng là ngang bằng về cái gì, cũng như hơn kém là hơn kém nhau cái gì.

Chính vì vậy nên "Bình đẳng" tiếp tục được phân ra thành nhiều nhánh khác nhau, mà trong những nhánh này thì có ba nhánh là nổi bật cũng như được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ và đời sống nhất, đó là: Bình đẳng về quyền lợi, Bình đẳng về cơ hội, cuối cùng là Bình đẳng về kết quả.

tudo1

"Bình đẳng" có ba nhánh nổi bật đó là : Bình đẳng về quyền lợi, Bình đẳng về cơ hội, cuối cùng là Bình đẳng về kết quả.

"Bình đẳng về quyền lợi" không phải là khái niệm xa lạ gì với nhân loại. Hầu hết những tư tưởng và triết lý tiến bộ sau này như tự do, công chính, dân chủ, nhân quyền.v.v…đều bắt nguồn và được thôi thúc từ nhận thức "Bình đẳng về quyền lợi". Đó là mỗi con người, không phân biệt địa vị, giai cấp, xuất thân, tôn giáo, chủng tộc, giới tính, đều ngang nhau về quyền và phải được đối xử một cách công bằng, không ai có đặc quyền hơn ai.

Những cuộc cách mạng đầu tiên như Cách mạng Hoa Kỳ năm 1776 hay Cách mạng Pháp năm 1789 không hẳn bắt nguồn từ những lý luận trừu tượng như là quyền tự do cá nhân, mà phần nhiều là phản ứng của dân chúng thể hiện qua sự bất mãn trước thực trạng vơ vét của giai cấp thống trị cùng với những bất công xã hội. Điều dân chúng mong muốn là thiết lập nên một xã hội bình đẳng và công bằng hơn.

Ý niệm "Bình đẳng về quyền lợi" đã bắt đầu được khẳng định và củng cố từ thời đại Khai Sáng vào thế kỷ thứ 17, 18 bởi các nhà tư tưởng lỗi lạc như John Locke (1632-1704), Montesquieu (1689-1755)... Những người này cũng cổ vũ cho quyền tự do cá nhân ít bị hạn chế cùng với nền dân chủ phân quyền.

Ngày nay, trong Hiến pháp tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, tư tưởng "Bình đẳng về quyền lợi" đều được cụ thể hóa thông qua quy định "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật".

Trên thực tế, "Bình đẳng về quyền lợi" có quan hệ họ hàng với khái niệm "Tự do", và là mẹ đẻ của tư tưởng "Pháp trị" - vốn quy định không ai được đứng trên pháp luật và mọi người đều có nghĩa vụ phải tuân thủ pháp luật, kể cả người đứng đầu quốc gia hay người điều hành chính phủ.

Trở lại với vấn đề đã được nêu ra ở trên, khi sự xuất hiện của nhà nước và pháp luật, trớ trêu thay, lại không làm cho con người trở nên tự do hơn. Đó là vì tuy đã có sự hiện diện của luật pháp, nhưng cái ý niệm "Bình đẳng về quyền lợi" lại chưa xuất hiện, điều này đã dẫn đến hàng loạt tình trạng tiêu cực.

Những nhà nước cổ đại đầu tiên đã ban hành hệ thống luật pháp với nỗ lực nhằm xóa bỏ tình trạng hỗn loạn hoang dã thời nguyên thủy.

Tuy nhiên, cũng chính những nhà nước trên đã công khai thừa nhận các đặc quyền của giai cấp thống trị như giới chủ nô, quý tộc phong kiến và triều đình. Điều này khiến cho những người không thuộc giai tầng trên như nô lệ, nông dân và hầu hết dân chúng trong quốc gia bị ràng buộc vào hệ thống đẳng cấp hà khắc mà không có cách nào thoát khỏi.

Dưới tình trạng này, hệ thống luật pháp với ý nghĩa ban đầu là bảo vệ con người khỏi bị xâm phạm, lại trở nên vô tác dụng khi có sự tranh chấp giữa những người thuộc đẳng cấp trên - vốn được hưởng mọi đặc quyền mà luật pháp quy định, với những người thuộc đẳng cấp dưới - vốn không hề nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào.

Như vậy, tình trạng hỗn loạn hoang dã chỉ giảm bớt chứ không hề chấm dứt, luật pháp chỉ nghiêm minh với những người thuộc cùng đẳng cấp, khi có sự khác biệt về đẳng cấp thì luật pháp trở nên vô hiệu. Và với những người đứng đầu quốc gia như nhà vua thì luật pháp chỉ còn là trò chơi mà ở đó, ông ta có thể thao túng và sửa đổi một cách tùy tiện.

Ngày nay, tình trạng hỗn loạn hoang dã vẫn còn tiếp diễn ở các quốc gia độc tài thiếu dân chủ. Bản chất của chế độ độc tài là đặc quyền của giai cấp thống trị, đi kèm với sự thao túng tùy tiện của vị chúa tể cai trị nền độc tài đó.

tudo2

Ngày nay, tình trạng hỗn loạn hoang dã vẫn còn tiếp diễn ở các quốc gia độc tài thiếu dân chủ.

Tóm lại, để đảm bảo được "Tự do" cần phải có sự tồn tại một hệ thống ràng buộc chính đáng - đó chính là pháp luật. Nhưng hệ thống pháp luật này phải đảm bảo được tính "ngang nhau về quyền lợi" cũng như ràng buộc được tất cả mọi chủ thể trong xã hội.

Như vậy, "Tự do" và "Bình đẳng" (về quyền lợi) không hề mâu thuẫn với nhau, trái lại còn gắn liền và liên kết chặt chẽ với nhau cả về ý nghĩa lẫn nội dung. Nếu không có "Bình đẳng về quyền lợi" thì tất yếu không thể xuất hiện cái gọi là "Tự do".

Sau khi đã giải quyết xong ngộ nhận về mối quan hệ giữa "Tự do" và "Bình đẳng" trong chính trị - xã hội. Thì tiếp theo ta hãy cùng phân tích một ngộ nhận khác cũng nhức nhối không kém, đó là ngộ nhận về "Tự do" và "Bình đẳng" trong kinh tế.

Vốn không khác với lĩnh vực chính trị - xã hội, trong kinh tế cũng từng xảy ra tình trạng hỗn loạn hoang dã. Đây không phải là điều mới xuất hiện gần đây mà đã có từ rất lâu, nhưng hiếm ai để ý và nhận ra. Đó là vì trước kia, nền kinh tế chủ yếu là đóng và tự cung tự cấp, quan hệ giữa các chủ thể kinh tế chưa phát triển sâu đậm.

Nhưng từ thế kỷ 16 đến 18, khi nổ ra các cuộc phát kiến địa lý, nhiều vùng đất mới được biết đến đã làm thúc đẩy quá trình thuộc địa hóa cũng như là giao thương xuyên quốc gia.

Sau khi bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 19, với sự tích lũy tư bản, giai cấp tư sản ngày càng lớn mạnh và quyền thế, trong khi hệ thống luật pháp lại chưa được cập nhập, điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, giai cấp tư sản hoàn toàn không phải đối mặt với bất cứ ràng buộc nào.

Điều này đã dẫn đến quá trình sát nhập ồ ạt các công ty nhỏ để hình thành nên những tập đoàn lớn khống chế cả một ngành kinh tế. Sau đó, các tập đoàn lớn mạnh này lại hối lộ, cấu kết, bắt tay với quan chức nhà nước nhằm khiến cho chính quyền làm ngơ trước sự bành trướng, tùy tiện loại các bỏ đối thủ cạnh tranh, ép giá, cũng như để họ được mặc sức đàn áp người lao động.

Chủ nghĩa tư bản tự do thả lỏng đã làm nảy sinh ra hiện tượng độc quyền tư nhân, đi kèm với nó là chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đây là giai đoạn thối nát, bất công cùng cực và bóc lột tàn bạo. Không những không có bình đẳng về kinh tế, nguyên tắc "Bình đẳng về quyền lợi" cũng bị xâm phạm nghiêm trọng do luật pháp và công lý đã bị mua chuộc.

Trong khi giai cấp tư sản đã thay thế hoàn toàn vị trí của tầng lớp quý tộc chủ nô, phong kiến xưa kia thì giai cấp lao động vốn phát triển mạnh về số lượng lại càng bị bần cùng hóa và phải sống trong chế độ nô lệ kiểu mới.

Cũng vào thế kỷ này, chủ nghĩa cộng sản được đề xuất như là sự phản ứng lại trước thực trạng tăm tối của chủ nghĩa tư bản. Với lý tưởng đẹp ban đầu, chủ nghĩa cộng sản dần thu hút được sự ủng hộ từ nhiều người. Nhưng khi đã đạt đến đỉnh cao quyền lực, chủ nghĩa cộng sản khiến nhiều người ngỡ ngàng tự chất vấn bản thân khi đã vô tình ủng hộ cho tội ác vĩ đại nhất nhân loại.

Sai lầm chết người của chủ nghĩa cộng sản đến từ hai nguyên nhân chính :

- Thứ nhất, trong khi cổ vũ cho "Bình đẳng về kết quả", tức là xóa bỏ tư hữu và thực hành phân phối của cải đồng đều cho mọi người, chủ nghĩa cộng sản lại bác bỏ "Bình đẳng về quyền lợi", công khai thừa nhận sự thống trị của giai cấp vô sản (mà thực chất là sự thống trị của tầng lớp quan liêu đầu sỏ "đại diện" cho giai cấp vô sản) lên xã hội, trong khi tước bỏ tư cách công dân của giai cấp tư sản và tống họ vào trại tập trung.

Chủ nghĩa cộng sản đã thủ tiêu nguyên tắc "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" khi thừa nhận rằng có một số giai cấp được "bình đẳng" hơn những giai cấp khác.

- Thứ hai, ngay cả thứ "Bình đẳng về kết quả" mà chủ nghĩa cộng sản đề xướng cũng không thật sự là bình đẳng. Bởi vì mỗi người, với trình độ năng lực, tư duy cũng như thái độ làm việc khác nhau, nhưng kết quả mà họ nhận được thông qua việc phân phối tài sản lại đồng đều như nhau, điều này đã gây nên sự bất công đối với những người có năng lực và chăm chỉ, cũng như thủ tiêu sự cạnh tranh, khiến cho mọi thứ đều trì trệ và kém hiệu quả.

Khi "Bình đẳng về kết quả" đã bị chứng minh là một sai lầm to lớn thì giờ đây, chủ nghĩa cộng sản chỉ đơn thuần là một sự bác bỏ "Bình đẳng về quyền lợi".

Thay vì giải phóng giai cấp lao động, chủ nghĩa cộng sản lại đưa tầng lớp quan liêu đầu sỏ lên vị trí quyền lực tuyệt đối, khiến cho tất cả mọi giai cấp, kể cả giai cấp vô sản, trở thành nô lệ cho tầng lớp quý tộc mới này. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là nỗ lực quay ngược chiều kim đồng hồ về lại tình trạng độc tài tùy tiện và hỗn loạn hoang dã xưa kia.

Tổng hợp các yếu tố trên đã khiến cho chủ nghĩa cộng sản không hề mang bản chất giải phóng, tiến bộ như nhiều người mong đợi, mà ngược lại biến nó trở thành một phản ứng bảo thủ, chết chóc và đầy đọa những nơi mà nó được áp dụng. Để cuối cùng phải thất bại và bị loại bỏ hoàn toàn khỏi nền chính trị vào cuối thế kỷ 20.

Về chủ nghĩa tư bản, vốn bất công và còn nhiều thiếu sót, sau quá trình đấu tranh dài hơi của tầng lớp lao động, chủ nghĩa tư bản cũng đã dần hoàn thiện mình.

Đầu thế kỷ 20 đã chứng kiến hàng loạt các cuộc cải cách tiến bộ từ những chính quyền dân chủ tư sản, như việc ban hành các đạo luật trừng phạt tội danh tham ô hối lộ, bãi bỏ độc quyền tư nhân, đảm bảo cạnh tranh công bằng, cho phép công đoàn hoạt động, đảm bảo quyền lao động và tăng cường phúc lợi xã hội.

Luật pháp đã được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện, tạo thành một hệ thống ràng buộc khiến cho giới chủ tư sản phải tuân thủ khi làm ăn kinh doanh. Chủ nghĩa tư bản tự do thả lỏng, mà thực chất là tình trạng hỗn loạn hoang dã trong sinh hoạt kinh tế, cuối cùng đã bị xóa bỏ.

tudo3

"Bình đẳng về cơ hội" lại là một khám phá mới, với những nỗ lực mới để giải quyết những vấn đề đã xuất hiện từ lâu nhưng giờ nhân loại mới phát hiện ra (hay để tâm đến).

Sinh hoạt kinh tế theo chủ nghĩa tư bản, dưới trật tự của hệ thống pháp luật công bằng, được bảo đảm bởi một chính quyền dân chủ - đã được chứng minh là con đường khả thi nhất để đưa nhân loại tiến đến đỉnh cao của sự văn minh, tiến bộ và thịnh vượng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản ngăn nhân loại mạnh mẽ tiến về phía trước.

Khác với "Bình đẳng về quyền lợi" vốn đã được công nhận là một sự đột phá trong tư tưởng làm thay đổi bản chất của xã hội, khiến cho nhân loại đến gần hơn với tự do và tiến bộ. Hay như "Bình đẳng về kết quả" đã được chứng minh là một sai lầm to lớn. Thì "Bình đẳng về cơ hội" lại là một khám phá mới, với những nỗ lực mới để giải quyết những vấn đề đã xuất hiện từ lâu nhưng giờ nhân loại mới phát hiện ra (hay để tâm đến).

Tuy luật pháp đã trở nên công bằng hơn, chính quyền đã dân chủ hơn và loài người được tự do hơn. Trớ trêu thay, không phải ai cũng có cơ hội để được tận hưởng thành quả mà sự tự do này mang lại. Nguyên nhân là vì xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, khiến cho mọi người chưa có cơ hội để phát triển đồng đều.

Dù mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng không phải ai cũng được bình đẳng và được tôn trọng trong xã hội. Các rào cản phân biệt đối xử với những địa vị, giai cấp, chủng tộc, tôn giáo và giới tính khác nhau vẫn tiếp diễn với một mức độ tinh vi hơn.

Các phong trào dân quyền, nhân quyền bắt đầu bùng nổ từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đã ra sức chống lại và gỡ bỏ những rào cản này. Với hy vọng sẽ đem lại cho con người thuộc mọi thành phần xã hội có cơ hội ngang bằng nhau để được cống hiến và phát triển.

Người da màu được khuyến khích tiếp cận chung các phương tiện giáo dục với người da trắng, cùng với những nỗ lực hòa nhập họ vào cộng đồng xã hội, cũng như loại bỏ những phân biệt đối xử và định kiến ngầm. Phụ nữ được khuyến khích ra ngoài xã hội làm việc trong khi nam giới được khuyên nhủ làm việc nhà giúp đỡ gia đình, việc dỡ bỏ các rào cản sinh sản đối với phụ nữ cũng đang được thảo luận.

Sự tăng cường phúc lợi xã hội tiếp tục được đề xuất, trong khi giáo dục miễn phí ngày càng được ủng hộ và thôi thúc thực hiện. Bởi mục đích nhân văn của nó là cho phép con cái của những người nghèo khó có cơ hội được học tập, vươn lên và cạnh tranh với con cái của những tài phiệt giàu có, vốn được đầu tư đầy đủ về tri thức.

Điều này khiến người nghèo thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, người nghèo do không có điều kiện tài chính để đi học, mà bởi vì không được đi học cho nên đã nghèo lại càng nghèo hơn, dẫn đến tình trạng "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa".

Phúc lợi xã hội cùng với thi hành chế độ giáo dục miễn phí giúp xóa bỏ tình trạng đói nghèo dai dẳng xuyên thế hệ, hơn nữa cũng nhanh chóng thanh toán được những tệ nạn cực đoan như trộm cắp, mại dâm, giết người vốn xảy ra trong bối cảnh nghèo đói và thất học.

Tóm lại, những phân tích trên đã cho ta thấy trong ba phân nhánh lớn nhất của khái niệm "Bình đẳng" thì "Bình đẳng về quyền lợi" cùng với "Bình đẳng về cơ hội" vẫn tiếp tục hiện diện và đóng góp một vai trò lớn cho sự phát triển của nhân loại. Trong khi "Bình đẳng về kết quả" đã được chứng minh là sai lầm không thể chối cãi.

"Bình đẳng về quyền lợi" không hề mâu thuẫn mà gắn chặt với khái niệm "Tự do", sự tồn tại của chúng phụ thuộc lẫn nhau, mất cái này thì không thể có cái kia. Mà nếu như không có "Tự do" thì nhân loại sẽ mãi mắc kẹt trong sự tăm tối của nạn phân biệt đẳng cấp cùng với lối sống hoang dã, hỗn loạn, thú tính, ra sức chà đạp lẫn nhau để thỏa mãn nhu cầu bản thân không khác gì loài vật.

Mặt khác, "Bình đẳng về cơ hội" giúp thúc đẩy một xã hội nhân văn hơn, khiến cho "Tự do" có thêm ý nghĩa. Nếu không có "Bình đẳng về cơ hội" thì sự "Tự do" đó chẳng qua chỉ là thứ "Tự do" què quặt, "Tự do" của đặc quyền thiểu số. Và nền "Tự do" này tất nhiên sẽ không thể khiến con người hạnh phúc bởi vì nó vẫn tiếp tay cho sự bất công tồn tại trước đó, làm con người trở nên thù hận lẫn nhau, cản trở nỗ lực tiến về phía văn minh.

Tóm lại, một nơi được gọi là đáng sống cần phải có sự tồn tại và bổ trợ của hai mặt "Tự do" và "Bình đẳng". Đây không phải là sự đối nghịch mà là sự hỗ trợ lẫn nhau. Bất kỳ luận điểm nào kêu gọi chỉ được chọn một trong hai thì, một là chỉ muốn trở về với tình trạng hỗn loạn hoang dã ban đầu, hoặc hai là chỉ muốn bảo vệ sự thống trị đặc quyền của một tầng lớp nhất định. Cả hai điều này đều gây phương hại và làm cản trở nhân loại có được nền "Tự do" thật sự.

Nguyễn Hưng

(14/01/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hưng
Read 1130 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)