Báo Thông Luận trong ngày 30/01/2021 vừa qua cho đăng tải "Tài liệu học tập nội bộ 1986" có tên là "Cơ Sở Tư Tưởng" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với lời giới thiệu như sau :
"Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ra đời cuối năm 1982, do sự gặp gỡ của một nhóm trí thức cùng thao thức với đất nước và cùng chia sẻ một nhận định là phải thay đổi hẳn quan niệm hoạt động chính trị. Cuộc đấu tranh mới không thể là sự tiếp nối cuộc xung đột trước 1975 mà phải nhắm mục đích duy nhất là dân chủ hóa đất nước và, do đó, đòi hỏi một dự án chính trị mới, một thái độ mới, một cách suy nghĩ mới và những phương thức đấu tranh mới...".
Thông Luận là cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) và tổ chức chính trị này không có lý do để công khai hóa một tài liệu học tập nội bộ quan trọng bậc nhất của mình là "cơ sở tư tưởng" vào thời điểm 35 năm sau NẾU ban lãnh đạo của tổ chức KHÔNG tự hào và KHÔNG tự tin về con đường mà họ đã chọn, đã đi và quyết tâm tiếp tục đi tới, KHÔNG tự hào và KHÔNG tự tin họ đã "trước sau như một" về những điểm căn bản :
- Mục đích duy nhất của THDCĐN là nước Việt Nam được dân chủ hóa.
- THDCĐN đã có một Dự Án Chính Trị mới, một Thái Độ mới, một Cách Suy Nghĩ mới, những Phương Thức Đấu Tranh mới.
Tuy nhiên, sẽ có người đặt câu hỏi : THDCĐN có chủ quan không ? Sự thật có đúng như vậy không ?
Câu hỏi quan trọng và chính đáng nên câu trả lời cũng nên đầy đủ và trung thực, từng điểm một.
Dân chủ hóa Việt Nam là mục đích duy nhất của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Nếu không lấy "dân chủ hóa Việt Nam" là mục đích trọng yếu nhất thì những người sáng lập đã không lấy danh xưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
THDCĐN bền bỉ tranh đấu cho mục đích này mặc dù gặp khó khăn, trở lực từ nhiều phía. THDCĐN hoạt động dưới nhiều hình thức nhưng chỉ riêng sự hiện diện của cơ quan ngôn luận Thông Luận gần như không gián đoạn suốt mấy chục năm dài với số lượng độc giả chọn lọc và khá đông đảo là minh chứng về phẩm chất của tờ báo và sự nhất quán trong các chủ trương, đường lối của THDCĐN. Đối kháng với chế độ độc tài, độc đảng, bưng bít thông tin, thường xuyên xuyên tạc sự thật ở Việt Nam thì một cơ quan ngôn luận nghiêm chỉnh, nói lời phản đối dõng dạc, trình bầy các giải pháp cụ thể, tối ưu cho đất nước như Thông Luận, là một cần thiết khó thể phủ nhận.
THDCĐN, trong quá trình hoạt động gần 4 thập niên, không phải không có lúc bất đồng nội bộ dẫn đến cảnh kẻ đến, người đi. Tuy nhiên nhân sự nòng cốt và các giá trị căn bản cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy suyển.
Khác biệt với một số các đoàn thể chính trị khác, THDCĐN nhấn mạnh nhiều đến tư tưởng, đường lối, chương trình hoạt động. Làm việc tương đối kín đáo thay vì phô trương, rất ít chức tước, không suy tôn cá nhân, không theo lãnh tụ chế. THDCĐN cũng không bị phiền toái hay tai tiếng không đáng có về mặt đạo lý hay chuyện tiền bạc - do cẩn trọng giữ gìn sự trong sạch hay chính vì THDCĐN không phải là nơi để người ta tìm kiếm lợi lộc, quyền lực, danh vị dù là thực danh hay hư danh ?
Mặt khác, đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tranh đấu có tổ chức là tối cần thiết nhưng Tổ Chức vẫn không bằng Tổ Quốc. Tổ Chức dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là phương tiện không là cứu cánh. THDCĐN đã minh thị chủ trương kết hợp rộng rãi hay ngay cả hội nhập vào đoàn thể khác miễn là có đồng thuận về lý tưởng và tư tưởng. Vẫn biết đối tượng của chính trị là quyền lực nhưng THDCĐN không tranh đoạt quyền lực với bất cứ giá nào. THDCĐN không làm chính trị đảng phái, phe phái. THDCĐN nói rõ ý định muốn làm chính trị theo đúng nghĩa của danh từ chính trị - làm việc nước một cách chính đáng, ngay thẳng. Không nói một đàng, làm một nẻo.
Và cho đến nay không có bằng cớ ngược lại.
Thái độ mới, cách suy nghĩ mới, phương thức đấu tranh mới
Đây là một số ý tưởng chính làm nên sắc thái "cấp tiến" khá độc đáo của THDCĐN được tìm thấy trong tài liệu học tập nội bộ dầy 50 trang có tên là "Cơ Sở Tư Tưởng", dù tài liệu này được hình thành 35 năm trước - trích dẫn (nguyên văn) :
"Đất nước đã thống nhất. Đó là một điều hay cho dân tộc mà ta không nên đặt lại nữa. Quốc tế sẽ không có thiện cảm và đồng bào trong nước cũng sẽ không hưởng ứng một cuộc đấu tranh nếu nó nhắm đưa đất nước trở lại tình trạng chia cắt.
Hiện nay các tổ chức đấu tranh lưu vong chỉ tập hợp có một thành phần, đó là thành phần thua trận trước đây. Tập hợp này cùng lắm chỉ có thể đưa đến một cuộc nội chiến đẫm máu và vô ích nếu cứ nhất định coi mình là tụ điểm sau cùng của sự nghiệp cứu nước.
Sau gần một thế kỷ tranh cãi, chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã tự đào thải về mặt tư tưởng. Giới trí thức đã đoạn tuyệt với nó. Không một triết gia, một tác phẩm nào bênh vực nó nữa... Tại Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam thừa hưởng một di sản nhân sự quá kém cỏi do chính họ tạo ra. Nhu cầu của cuộc chiến quá dài mà họ chủ trương đã khiến họ chỉ tạo ra và thăng tiến những phần tử tăm tối, chỉ biết phục tùng. Kết quả là sau ba mươi năm những phần tử dốt nát và thiển cận đã hiện diện một cách áp đảo ở tất cả các giai tầng của đảng. Nhân sự đã kém, sự phân phối trách nhiệm và vai trò lại vô lý khiến cho đảng không ra khỏi cái tồi tàn. Những người có khả năng sửa sai thì hoặc không nhìn thấy vấn đề hoặc không muốn. Những người thấy vấn đề thì lại không có quyền lực. Trong bối cảnh nhân sự như vậy giả sử có một vài lãnh đạo cao cấp có ý chí sửa sai thì họ cũng đành bó tay.
Đất nước ta ngày nay chỉ còn có ba loại người, loại người bịp bợm, loại người thua bại và loại người bị lừa. Bọn bịp bợm là bọn đầu sỏ cầm quyền tại Hà Nội hiện nay. Những người thua gồm đại bộ phận quân nhân, công tư chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những người bị lừa là đại bộ phận nhân dân, quân đội, đảng viên trong chế độ cộng sản đã bị gạt gẫm chiến đấu và hy sinh cho bọn đầu sỏ Hà Nội, tưởng rằng sẽ đem lại Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, để rồi vỡ mộng thấy Lệ thuộc, Kềm kẹp và Đói khổ. Người bị thua cũng như người bị lừa đều là nạn nhân của sự bịp bợm. Họ là đại bộ phận dân tộc và là những người Việt Nam chân chính. Sứ mạng lịch sử của họ là phải tin tưởng nhau, thương yêu nhau, bắt tay nhau để cứu nước và cứu mình. Đó là căn bản của một tập hợp dân tộc mới.
Trong một tập hợp dân tộc mới không có ai chiêu hồi ai, không có ai được quyền tự đặt mình vào địa vị xá tội cho người khác, không ai phải quy thuận ai. Tất cả đều bình đẳng, mọi người đều là anh em ruột thịt.
Tóm lại chúng ta muốn chấm dứt những đau khổ mà đồng bào cả nước đang phải chịu đựng và thay đổi dòng lịch sử đang rất bất lợi cho dân tộc.
Cuộc tranh đấu của chúng ta vì vậy phải vượt hẳn lên trên những thù hận, luyến tiếc quá khứ, những tham vọng cá nhân. Nó hoàn toàn được thúc đẩy bởi những tình cảm cao thượng. Nó hoàn toàn hướng về tương lai.
Chúng ta muốn thay đổi hướng đi của lịch sử và cái bối cảnh tồi kém hiện nay chứ không phải chỉ tranh giành hơn thua, chỉ muốn hoán vị kẻ thống trị và kẻ bị trị.
Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng chúng ta không phải là những tàn dư của chính quyền Sài Gòn trước đây. Chúng ta không phải là những kẻ bại trận năm 1975, mà là những kẻ thắng trận của ngày mai. Cuộc chiến đấu của chúng ta không phải là sự kéo dài cuộc chiến trước đây mà là một cuộc đấu tranh hoàn toàn mới của toàn dân Việt Nam nhằm đánh đổ một chính quyền độc ác bất lực và tìm ra một hướng đi khác cho dân tộc.
Nhưng đấu tranh trước hết đòi hỏi chúng ta đồng ý với nhau trên một dự án chính trị cho tương lai, về những phương pháp đấu tranh phù hợp với bối cảnh đất nước và về những công tác trước mắt của tập thể người Việt tỵ nạn. Tập trung những điểm đồng ý đó là cơ sở tư tưởng chỉ đạo hành động.
Đó là căn bản đồng thuận (consensus) của một kết hợp mới.
Cơ sở tư tưởng – hay căn bản đồng thuận – này phải hội đủ ba yếu tố :
1. Nó phải tích cực, nghĩa là bao hàm những điều mà ta thấy là đúng và nên làm chứ không phải chỉ gồm những lời cáo buộc đối phương. Phủ nhận cái vô lý chưa đủ để chứng minh rằng ta có lý. Chống lại kẻ sai chưa phải là đúng. Cơ sở tư tưởng của ta do đó phải chứa đựng một dự án cho xã hội ngày mai. Nó phải đặt đúng những vấn đề trọng đại của đất nước và tìm ra được những hướng giải quyết cho từng vấn đề.
2. Nó phải được hiểu thật quán triệt, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Mọi người đều phải hiểu rõ và hiểu như nhau đến mức mà trước một biến cố mọi người đều phải có phản ứng tương tự.
3. Nó phải có khả năng lôi kéo được sự hưởng ứng sau cùng của đại khối dân tộc. Đó không thể là một lập trường thỏa mãn một thành phần dân tộc này và thiếu công bình với một thành phần dân tộc khác. Nó không thể ve vãn người này và gây sự bất bình nơi người khác.
Một đội ngũ lãnh đạo đáng tin cậy cũng quan trọng không kém một dự án chính trị đứng đắn. Một dự án chính trị dù hay tới đâu cũng cần có những người lành mạnh và có khả năng để làm hậu thuẫn cho nó. Không có những con người lành sạch, nó chỉ là một chiêu bài bịp bợm. Thiếu những người có khả năng nó chỉ có thể là một nghĩa trang của những ước mơ. Nhân sự của đội ngũ lãnh đạo cũng cần phải nói lên được tính chất hoàn toàn mới của cuộc đấu tranh Cứu Nước và phải phản ảnh một tập hợp dân tộc mới.
Việc tổ chức thành một mặt trận chung phải là thành quả của nhiều cố gắng riêng biệt qua nhiều giai đoạn mà giai đoạn đầu tiên là tạo dựng một cơ sở tư tưởng chỉ đạo cho cuộc đấu tranh. Mỗi nhóm, mỗi hội đoàn đều phải khiêm tốn tự coi mình là những viên đá xây dựng kết hợp sau cùng.
Đoàn kết trên một cơ sở tư tưởng chứ không chung quanh một lãnh tụ.
Chủ trương đoàn kết chung quanh một lãnh tụ đã quá lỗi thời. Không ai có khả năng thu hút mọi người và chỉ đạo mọi người cả. Những người muốn làm lãnh tụ chỉ làm cho người ta ghét và mất hy vọng đóng góp vào sự nghiệp chung. Trái lại cơ sở tư tưởng nếu đã được chấp nhận với đầy đủ hiểu biết là một lý do khiến mọi người luôn luôn nhắm tới cùng một mục đích, và hành động ăn khớp với nhau.
Hiện nay phong trào chống đối nói chung thiếu người có trình độ cao. Nhân tài ta không phải không có. Ta có rất nhiều người có khả năng trong cộng đồng tỵ nạn nhưng họ không tham gia cuộc đấu tranh vì ngôn ngữ và môi trường đấu tranh hiện nay làm cho họ nản. Cần phải lôi kéo và thuyết phục những người này hưởng ứng công cuộc đấu tranh Cứu Nước.
Sức khỏe của một tổ chức đấu tranh chính trị là sự đồng tâm nhất trí, kiến thức, trình độ dấn thân và sự gắn bó của đội ngũ nòng cốt. Sức vóc của nó là số đoàn viên và các cơ sở quần chúng. Điều lý tưởng là vừa có sức khỏe vừa có sức vóc, nhưng luôn luôn phải coi sức khỏe là thiết yếu, sức vóc là thứ yếu. Số lượng đoàn viên và cơ sở quần chúng phải nằm trong một tỷ lệ nào đó so với thực lực của đội ngũ cán bộ nòng cốt. Nếu đội ngũ cán bộ nòng cốt không đủ thì phải có can đảm mà tạm gác lại sự kết nạp cấp dưới và cấp quần chúng, nếu không tổ chức sẽ thành lỏng lẻo, uể oải và mất chiến đấu tính, sẽ chỉ như một người to xác nhưng bệnh hoạn.
Chính qua phương pháp đấu tranh mà một mục tiêu chính trị cuối cùng được phơi bầy và đánh giá. Phương pháp đấu tranh của ta vì vậy phải xứng đáng với lý tưởng mà ta theo đuổi.
Trong hiện trạng của cuộc đấu tranh Giải Phóng Dân Tộc và Cứu Nước, chúng ta lại càng phải đặc biệt thận trọng trong việc chọn lựa các phương tiện và biện pháp đấu tranh. Để đương đầu với bạo quyền Hà Nội ta chỉ có một vũ khí duy nhất là chính nghĩa. Do đó ta phải giữ cho chính nghĩa của ta thật trong sáng. Mọi phương tiện và mọi biện pháp hành động có thể làm cho chính nghĩa của ta trở thành đáng ngờ vực đều phải được thẳng thắn gạt bỏ, vì một khi chính nghĩa đã không được vững vàng, trong sáng thì cuộc đấu tranh của ta trở thành vô vọng ngay từ đầu".
Dự án chính trị Dân Chủ Đa Nguyên
"Cơ Sở Tư Tưởng" là tài liệu học tập nội bộ căn bản đặc sắc nhưng có lẽ chưa hoàn hảo 100%. Có thể tìm thấy ở đây một số nhận định không còn hoàn toàn phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hiện tại trong nước Việt Nam và trên Thế Giới. Một vài phát biểu cũng có thể gây tranh luận vì không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên tài liệu năm 1986 này có chỗ đứng lịch sử riêng. Nó làm nên chính nghĩa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì là bằng chứng lịch sử về "thành ý, chính tâm" và viễn kiến của những người đặt nền móng hoạt động đầu tiên cho THDCĐN. Là tấm gương soi cho những người tiếp nối. Nó là tiền thân và cũng là căn bản của một Tài Liệu súc tích hơn, rộng hơn, sâu hơn của đoàn thể chính trị này : Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên.
Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên (97 trang) là lập trường chính trị chính thức và đầy đủ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tu chỉnh lần sau cùng năm 2015, mang tên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Đây là một tác phẩm chính trị nghiêm chỉnh với nhiều cao vọng, đáng đọc và đáng nghiền ngẫm.
Cao Tuấn
(17/02/2021)