Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

17/03/2021

Chiến tranh Mỹ -Trung là tất yếu ?

Việt Hoàng

1. Bẫy Thucydides

Cụm từ "bẫy Thucydides" là một thuật ngữ dùng để chỉ xung đột là không tránh khỏi khi một cường quốc đang lên muốn thay thế vị trí của cường quốc thống trị hiện tại. Giáo sư Graham Allison của trường Đại học Harvard trong cuốn sách "Định mệnh chiến tranh. Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides ?" đã sử dụng câu chuyện kinh điển về cuộc chiến Hy Lạp cổ đại để giải thích cho cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Sử gia Thucydides (500 năm trước Công nguyên) từng đúc kết : "Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu".

Theo giáo sư Allison thì tình trạng tương tự đã xảy ra 16 lần trong suốt 500 năm qua và 12 lần đã kết thúc bởi chiến tranh. Liệu điều đó có xảy ra với Mỹ và Trung Quốc hay không ? Mỹ đã trở thành cường quốc số 1 thế giới từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 sau khi thay thế Anh quốc. Cuộc "chuyển giao" vai trò "thống trị" đó đã diễn ra trong hòa bình vì văn hóa và các giá trị nền tảng giữa hai nước khá tương đồng.

Suốt 70 năm qua dù vẫn hùng mạnh nhưng trọng lượng nền kinh tế Mỹ không còn áp đảo như trước. Theo dự báo của IMF thì nền kinh tế Mỹ đang là 21% của thế giới sẽ giảm xuống 13% vào năm 2030. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 nền kinh tế Mỹ chiếm 52% trọng lượng kinh tế thế giới. Trong khi đó nền kinh tế của Trung Quốc đã bằng 70% Mỹ. Trung Quốc tự tin sẽ vượt mặt Mỹ trong chục năm tới.

bay1

Cụm từ "bẫy Thucydides" là một thuật ngữ dùng để chỉ xung đột là không tránh khỏi khi một cường quốc đang lên muốn thay thế vị trí của cường quốc thống trị hiện tại.

2. Vì sao Trung Quốc phải đối đầu với Mỹ và các nước dân chủ ?

Nếu Trung Quốc chọn con đường dân chủ và trỗi dậy hòa bình thì chắc chắn sẽ không gây lo ngại cho thế giới. Đức và Nhật sau thế chiến 2 là ví dụ. Vì sao Trung Quốc không thể làm như vậy ? Tại sao Trung Quốc không thể dân chủ hóa đất nước ? Câu trả lời : Nếu Trung Quốc dân chủ hóa thì sẽ tan vỡ thành nhiều quốc gia.

Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, Trung Quốc là một đế quốc. Đế quốc ở đây có nghĩa là nhiều quốc gia nhỏ bị áp đặt bởi một quốc gia lớn bằng bạo lực và một ý thức hệ. Trung Quốc là một lãnh thổ rộng lớn bao gồm nhiều sắc dân như Hán, Mông, Hồi, Tạng với 5 vùng tự trị là dân tộc Choang ở Quảng Tây, Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người Hồi ở Ninh Hạ, Nội Mông và Tây Tạng. Ngoài ra còn có Hồng Kông và Đài Loan.

Trung Quốc là một đế quốc từ lúc mới ra đời và là đế quốc duy nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay. Trong suốt chiều dài lịch sử 2500 năm đó Trung Quốc tồn tại và duy trì hoàn toàn dựa vào bạo lực. Thế giới đã thay đổi nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc không muốn thay đổi. Họ vẫn muốn duy trì một nước Trung Quốc thống nhất và rộng lớn. Không ai muốn đi vào lịch sử vì đã làm Trung Quốc vỡ ra nhiều quốc gia. Chính vì tâm lý đế quốc này mà Trung Quốc không thể chuyển hóa về dân chủ.

Ban lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến với Mỹ. Hôm 8/3/2021, tờ South China Morning Post có bài viết "Trung Quốc cần tăng chi tiêu quốc phòng chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh với Mỹ" (China’s military must spend more to meet US war threat"), bài viết dẫn lời Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Hứa Kì Lượng nói rằng Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho "Bẫy Thucydides". Theo ông thì Trung Quốc cần phải tăng ngân sách quốc phòng để thực hiện hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa hai nước. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng năm 2012 tăng lên hơn 208 tỉ USD, tức tăng gần 7% so với năm 2020.

3. Cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ xảy ra như thế nào ?

Nước Mỹ từ khi Bill Clinton đắc cử tổng thống năm 1993 đã cuồng nhiệt chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng và toàn cầu hóa với chủ trương "chỉ làm kinh tế". Mỹ đã lợi dụng Trung Quốc nhưng cũng đã góp phần làm cho Trung Quốc trở nên hùng mạnh như ngày hôm nay. Trong nhiệm kỳ 2 của mình, Obama đã nhận ra sự trỗi dậy nguy hiểm của Trung Quốc nên đã có kế hoạch bao vây và cô lập Trung Quốc bằng Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất nhiên là Mỹ không muốn chiến tranh bằng quân sự với Trung Quốc dù ở cửa trên. Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một cú đánh chí mạng vào nền dân chủ Mỹ. Các vấn đề bất cập tích tụ trong nhiều năm của nước Mỹ đã được phơi bày một cách phũ phàng và dữ dội khiến cho nước Mỹ chao đảo và uy tín xuống thấp chưa từng có.

Dù Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội Trung Quốc về quân sự nhưng nội tình bất ổn khiến Mỹ khó lòng lấy quyết định chiến tranh với Trung Quốc. Joe Biden đang sửa chữa sai lầm của Donald Trump bằng cách khôi phục lại quan hệ với các nước dân chủ và đồng minh truyền thống để cùng đương đầu với Trung Quốc. Bao vây, cô lập và tẩy chay Trung Quốc là những bước đi cần thiết và hòa bình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Làn sóng các công ty Mỹ và EU rút khỏi Trung Quốc sẽ không thể đảo ngược.

bay2

Giáo sư Graham Allison, tác giả cuốn sách "Định mệnh chiến tranh. Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides ?"

Xung đột quân sự giữa hai nước liệu có xảy ra hay không ? Theo giáo sư Allison thì có 5 lý do dẫn đến xung đột Mỹ - Trung đó là :

- Va chạm giữa lực lượng Trung Quốc và tàu chiến Mỹ đang thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển Đông.

- Lãnh đạo Đài Loan tuyên bố độc lập.

- Xung đột quân sự giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ.

- Chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ.

- Chiến tranh thương mại biến thành xung đột quân sự.

Nếu có một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc thì chắc chắn đó sẽ là một cuộc chiến trên Biển Đông. Hiện nay dù Trung Quốc đang tăng cường răn đe Đài Loan nhưng theo chúng tôi Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan. Lý do Đài Loan rất khó đánh chiếm. Đài Loan có lực lượng không quân vào hạng mạnh nhất trên thế giới. Chúng ta cũng đừng quên sự kiện đảo Kim Môn của Đài Loan, nơi mà gần nhất chỉ cách Hạ Môn của Trung Quốc 2 km và cách Đài Loan đến 210 km. Trung Quốc đã bắn pháo và tấn công Kim Môn trong suốt 21 năm nhưng đều bị Đài Loan đánh bại. Các cuộc tấn công đó bắt đầu từ tháng 8/1958 đến năm 1979 mới chấm dứt, sau khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Biển Đông là huyết hộ giao thông trên biển của Trung Quốc và thế giới. Trung Quốc rất muốn độc chiếm Biển Đông và Mỹ cũng nhận ra điều đó nên phải bảo vệ Biển Đông bằng mọi giá. Chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu có, sẽ xảy ra trên Biển Đông và khi đó Trung Quốc sẽ tấn công các đảo của Việt Nam ở Trường Sa để làm căn cứ quân sự. Đánh Việt Nam cũng dễ nhất so với tất cả các nước trong khu vực. Đây là ý kiến của nhà báo David Hutt, ông cho rằng nếu có một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tấn công như là một cách để khởi động trước khi có một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng biển này. (RFA, 10/3/2021)

Theo nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì chiến tranh nóng bằng vũ khí giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không xảy ra. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có rất nhiều vấn đề trong nội bộ cần phải giải quyết, cả hai đều không muốn chiến tranh. Dư luận hai nước và thế giới cũng không ủng hộ cho một cuộc chiến như vậy. Chiến tranh cũng không thể xảy ra giữa hai nước có vũ khí hạt nhân. Việc Trung Quốc lên gân là để trấn an trong nội bộ.

Mỹ và thế giới sẽ tấn công Trung Quốc trên mọi mặt trận như kinh tế, văn hóa, dân chủ, đặc biệt là nhân quyền...Đây là cuộc chiến một chiều khiến Trung Quốc sụp đổ từ bên trong, một cách từ từ. Nếu Trung Quốc sụp đổ ngay thì sẽ gây ra hỗn loạn và là một tai họa cho thế giới và không ai muốn điều đó xảy ra.

4. Kế hoạch xoay trục của Việt Nam sẽ đi về đâu ?

Việt Nam là một nước nhỏ nên không có khả năng thay đổi cán cân hay tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy trong cuộc đối đầu này Việt Nam bắt buộc phải "chọn phe" chứ không thể đu dây như từ trước đến nay. Theo chúng tôi phân tích và nhận định thì Việt Nam đã lấy quyết định "xoay trục" sang Mỹ. Tất nhiên sẽ là như thế vì kết quả của cuộc thư hùng giữa Mỹ và Trung Quốc là quá rõ ràng, Trung Quốc sẽ thua. Điều khiến Việt Nam khó khăn trong vụ xoay trục lần này là sự khác biệt giữa hai thể chế chính trị. Trước đây Việt Nam đã nhiều lần xoay trục từ Liên Xô sang Trung Quốc rồi từ Trung Quốc sang Liên Xô nhưng cả hai nước khi đó đều là cộng sản, đều cùng ý thức hệ. Lần này thì rất khác, muốn "theo Mỹ" thì muốn hay không Đảng cộng sản cũng phải dân chủ hóa đất nước.

Tuy nhiên, với việc ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 3 sau đại hội 13 và bản báo cáo chính trị vẫn tiếp tục khẳng định đi lên chủ nghĩa cộng sản…cho thấy Đảng cộng sản rơi vào tình thế hoàn toàn bế tắc. Họ không muốn dân chủ hóa đất nước vì sợ mất quyền lực. Nhưng con đường cũ đã đi vào tuyệt lộ. Đảng cộng sản không thể dựa vào Trung Quốc như cũ nữa, mối tình "đồng sàng dị mộng" Việt Nam - Trung Quốc đã kết thúc dù cả hai đều không công khai. Trung Quốc thừa biết Việt Nam đã "theo Mỹ" nhưng cũng không thể làm lớn chuyện vì sợ kinh động người dân Trung Quốc. Việt Nam theo Mỹ nhưng vẫn muốn "độc đảng" nên phải giấu diếm người dân việc "xoay trục".

Vấn đề ở đây là Đảng cộng sản không thể giấu được ai, cái kim trong bọc cũng đã lồi ra. Nhiều người đã nhận ra sự xoay trục của Việt Nam. Theo đài VOA (2/3/2021) thì Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông sản Việt Nam với hơn 2,4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2020 đạt mức kỷ lục 79 tỷ USD trong khi chỉ nhập khẩu chưa đến 10 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Rõ ràng Mỹ đang tìm cách giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đó là cách duy nhất để Việt Nam thoát khỏi quĩ đạo của Trung Quốc. Một tin tức khá đặc biệt là Việt Nam không nhập và sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc trong khi nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước Châu Âu đã dùng loại vắc-xin này.

Quyết định xoay trục của Đảng cộng sản sang Mỹ và các nước dân chủ sẽ khiến Việt Nam ngày càng phải tôn trọng và chấp nhận luật chơi dân chủ. Thể chế chính trị của Việt Nam không phù hợp và thích nghi với luật chơi chung đó. Càng ngày người dân, các doanh nhân và ngay cả bộ máy chính quyền Việt Nam cũng nhận ra rằng cơ chế chính trị hiện nay không đủ khả năng điều tiết mối quan hệ và và xử lý các tình tiết mới nảy sinh trong quá trình làm ăn và hợp tác với các nước dân chủ. Muốn hay không Việt Nam cũng phải thay đổi. Cùng một điệu nhạc không thể nhảy theo hai kiểu khác nhau.

bay3

Theo Tập Hợp phân tích và nhận định thì Việt Nam đã lấy quyết định "xoay trục" sang Mỹ.

5. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên làm gì trong hoàn cảnh đó ?

Theo chúng tôi thì phong trào dân chủ Việt Nam không cần chống đối hay nuôi dưỡng ý định lật đổ chế độ cộng sản làm gì. Trái cây khi chín tự nó sẽ rụng. Những gì không phù hợp với qui luật tiến hóa thì tự nó sẽ bị đào thải. Đảng cộng sản sẽ phải rút lui vào lịch sử vì không còn là giải pháp cho đất nước và không đại diện cho một tương lai bắt buộc phải đến. Sự sụp đổ của Đảng cộng sản sẽ đến từ bên trong. Điều quan trọng nhất cần làm bây giờ là xây dựng các tổ chức chính trị dân chủ thật sự với một dự án chính trị khả thi để thay thế cho giải pháp cộng sản cùng với một đội ngũ nhân sự có hiểu biết và năng lực để cùng nhau làm việc.

Tập Hợp đang làm như vậy, chúng tôi đề nghị một giải pháp mới cho Việt Nam trong tương lai, đó là giải pháp dân chủ đa nguyên được trình bày đầy đủ trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho Việt Nam một tổ chức chính trị có tư tưởng, có viễn kiến, có nhân sự chính trị, có tinh thần bao dung và hòa giải…Chúng tôi tin là người dân Việt Nam sẽ sớm có cơ hội để lựa chọn một giải pháp tốt nhất cho bản thân và cho đất nước.

Việt Hoàng

(17/03/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)