Một cái nhìn về Afghanistan
Afghanistan chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất và đúng nghĩa. Họ sống thành các bộ lạc, rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn và không chia sẻ với nhau "một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung". Các bộ lạc thường xuyên xung đột với nhau và thậm chí ngay trong nội bộ của mình. Cũng chưa có một chính quyền nào, từ trước đến nay, tại Afghanistan kiểm soát được hoàn toàn lãnh thổ. Các đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới, sau khi chinh phục được Afghanistan một thời gian đều phải bỏ cuộc vì thế có câu "Afghanistan là nghĩa trang của các đế quốc".
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan thì dư luận thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng đều cho rằng Taliban sớm muộn sẽ đánh bại chính quyền dân chủ Kabul và kiểm soát đất nước. Quả thật, trong thời gian qua Taliban đã tấn công nhiều khu vực do Kabul kiểm soát và họ tuyên bố đã kiểm soát được 85% lãnh thổ.
Trái với dư luận, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng ngay cả khi Taliban kiểm soát được 2/3 lãnh thổ thì cũng không có chuyện chính quyền Kabul sụp đổ vì Afghanistan rộng lớn và thưa người, cư dân sống chủ yếu ở vùng Đông Bắc. Chính quyền Kabul đủ sức để giữ lại khu vực này. Người Mỹ tuy rút khỏi Afghanistan nhưng không hoàn toàn bỏ rơi như Việt Nam Cộng Hòa hồi 1975. Mỹ vẫn viện trợ quân sự và kinh tế cho Kabul.
Chắc chắn sẽ có đụng độ giữa Taliban và chính quyền Kabul, có thể hàng chục nghìn người dân Afghanistan sẽ chết vì chiến tranh nhưng sau một thời gian tình hình sẽ ổn định. Taliban hiện đang rất mạnh nhưng theo thời gian, thế lực sẽ yếu dần. Quá khứ hung bạo của họ khiến người dân lo sợ và xa lánh chứ không ủng hộ như ngày trước. Taliban ý thức được điều đó và sẽ bớt quá khích. Afghanistan sẽ trải qua nhiều thảm kịch đau lòng nhưng sẽ không sụp đổ.
Afghanistan có thể sẽ trải qua nhiều thảm kịch nhưng sẽ đứng vững trước Taliban
Taliban không có đồng minh trong khu vực ngoại trừ Pakistan. Iran tuy ủng hộ Taliban nhưng lại khác biệt về tôn giáo, Iran theo phái Shia trong khi Taliban theo phái Sunni. Cả Pakistan và Iran đều không muốn Taliban cầm quyền. Nga và Trung Quốc đều đang có vấn đề về Hồi giáo nên sẽ không muốn Taliban cầm quyền vì Taliban là một chế độ Hồi giáo toàn nguyên. Trung Quốc có khu vực Tân Cương bất ổn và chung đường biên giới với Afghanistan nên rất lo lắng. Mỹ vừa rút là Trung Quốc đã vội vàng mời Taliban đến Bắc Kinh đàm phán. Dù cả hai đều cần nhau nhưng mối quan hệ này khá phức tạp vì Taliban chỉ dựa trên quyền lợi kinh tế nên thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Taliban có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Ấn Độ, một cường quốc trong khu vực cũng có vấn đề với Hồi giáo ở khu vực tự trị Kashmir và Pakistan nên không hề muốn Taliban cầm quyền. Như vậy dù là một quốc gia trung tâm của vùng Trung Á, nằm giữa ngã tư Đông và Tây nhưng không có hàng xóm nào muốn Taliban lên cầm quyền.
Nhiều người Việt Nam "đồng tình" với việc rút quân của Mỹ và chê bai người Afghanistan không biết tự lo cho mình. Điều đó không sai nhưng nên có một cái nhìn bao dung hơn. Rõ ràng là dân trí người dân nơi đây rất thấp, thấp hơn cả Việt Nam hồi trước năm 1975. Thậm chí ông Đinh Xuân Quân, một diễn giả thường xuyên trên kênh Hoàng Bách Channel, người đã có nhiều năm làm việc tại đây còn cho rằng Afghanistan đang sống ở thời Trung cổ. Chúng ta thất vọng cho người Afghanistan cũng như thế giới thất vọng cho chúng ta vì cho đến tận bây giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ.
Do chiến tranh và điều kiện sống khắc nghiệt nên tuổi thọ của người dân Afghanistan rất thấp: 2/3 dân số dưới 30 tuổi. Sau 20 năm người Mỹ có mặt ở đây thì có thể thấy được là hơn 50% người dân Afghanistan đã lớn lên và trưởng thành dưới chế độ dân chủ, dù chưa hoàn thiện. Một thế hệ trí thức Afghanistan mới đang hình thành. Họ được tiếp xúc với thế giới văn minh và được thông tin đầy đủ chứ không bị bưng bít như trước đây. Nếu nước Mỹ kiên nhẫn ở lại thêm 10 năm nữa hoặc chính quyền Kabul giữ được ổn định trong khoảng thời gian đó thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Afghanistan sẽ trở thành một nước dân chủ trong khu vực.
Hậu quả nào từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan ?
Trong bài trước chúng tôi đã phân tích, tổn thất của Mỹ sau 20 năm ở Afghanistan rất thấp. 2.400 người lính đã tử thương, trung bình mỗi năm là 120 người nhưng phần lớn họ tử thương trong giai đoạn đầu. Cuộc chiến của Mỹ tại đây đã kết thúc vào năm 2014. Mỹ vẫn còn vài nghìn quân, có nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Afghanistan chứ không tham chiến. Mấy năm qua, mỗi năm chỉ có hơn chục lính Mỹ tử thương, chủ yếu vì tai nạn. Số tiền mà Mỹ chi cho Afghanistan là 2.000 tỉ USD trong 20 năm qua nhưng hiện tại chỉ còn vài tỉ mỗi năm, một con số không đáng kể so với ngân sách quốc phòng Mỹ hàng năm lên đến gần 800 tỉ USD (1).
Như vậy cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến này là rất thấp và không đáng kể. Cuộc tháo chạy của Mỹ khỏi Afghanistan vì thế không phải do vấn đề tiền bạc hay mất mát về nhân sự. Mỹ bỏ chạy vì đã mất hết ý chí và do những bất ổn bên trong nội bộ. Việc rút quân một cách vội vã trong âm thầm, không cả bàn giao các căn cứ quân sự cho Kabul cũng khiến Mỹ mất thể diện và uy tín. Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đã đánh dấu một biến cố quan trọng: Từ nay vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ đã hoàn toàn chấm dứt.
Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã thực sự chấm dứt sau sự kiện tháo chạy khỏi Afghanistan.
Ngay cả việc Mỹ phải dùng lính đánh thuê tại Afghanistan thay vì quân chính qui cũng phản ánh sự xuống cấp của lục quân Mỹ. Những người lính đánh thuê này không có lý tưởng, tinh thần hy sinh và thậm chí là cả sự huấn luyện cần phải có. Họ chỉ biết chiến đấu vì tiền và vì thế đã xảy ra trường hợp các công ty đánh thuê trả tiền cho Taliban để không phải giao chiến. Chiến tranh là điều không ai muốn nhưng nếu chiến tranh là để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa và thiết lập hòa bình thì phải chấp nhận hy sinh chứ không thể dùng lính đánh thuê thay thế cho quân đội.
Việc Mỹ chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới có lợi hay hại ?
Trong thời gian tranh cử, Joe Biden có viết một bài báo với nội dung là "Tại sao nước Mỹ cần trở lại lãnh đạo thế giới ?". Việc làm lãnh đạo thế giới mang lại cho Mỹ rất nhiều đặc quyền, đặc lợi. Bằng chứng là nước nào cũng muốn trở thành bá chủ thế giới. Một ví dụ nữa là sự ổn định và độc tôn của đồng đô-la. Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có quyền in tiền một cách thoải mái và lạm phát thì chia đều cho cả thế giới. Tuy nhiên đa số người dân Mỹ không muốn điều đó. Họ muốn "nước Mỹ trước hết" và "nước Mỹ một mình" (America First và America Alone). Nhiều người Mỹ gốc Việt cũng nghĩ như vậy. Họ cho rằng Mỹ không phải lo chuyện bao đồng hay làm sen đầm quốc tế.
Như vậy, một mặt Mỹ không còn muốn làm lãnh đạo thế giới mặt khác Mỹ cũng không còn khả năng đó. Từ sau Chiến tranh thế giới hai, Mỹ đã gây nhiều thiệt hại cho phong trào dân chủ. Mỹ đã từng bỏ rơi đồng minh như Việt Nam Cộng Hòa, Đài Loan rồi Iraq, Syria, người Kurd, và bây giờ là Afghanistan. Nhiều nước trên thế giới nhận ra rằng Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy.
Việc Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới theo chúng tôi là một điều tốt. Nhóm G7 cộng 4 (gồm Úc, Ấn, Hàn và Nam Phi) vừa họp thượng đỉnh tại Anh Quốc (tháng 6/2021) đã hóa thân từ một câu lạc bộ kinh tế - tài chính của các nước phát triển thành một Liên minh chính trị - dân chủ. Lần đầu tiên G7 đã chính thức lên tiếng và bày tỏ lập trường về chính trị khi mạnh mẽ lên án Nga và Trung Quốc.
Dù sức mạnh của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới nhưng từ nay trở đi Mỹ không còn đơn phương quyết định mọi chuyện của thế giới. Mỹ chỉ là một tiếng nói trong tập thể các nước dân chủ. Nhóm G7 sẽ thay thế cho vai trò của Mỹ. Thế giới cần Mỹ và Mỹ cũng cần thế giới. Mỹ sẽ rút về phía sau và hậu thuẫn tối đa cho liên minh dân chủ. Mỹ vẫn có trách nhiệm và khả năng bảo vệ hòa bình thế giới bằng việc ngăn chặn sự gây hấn của Nga và Trung Quốc bằng sức mạnh vô đối của lực lượng không quân và hải quân.
Chiến tranh là điều không ai muốn và có lẽ nó sẽ không xảy ra nữa, dù vậy việc chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh cũng là cách để bảo vệ hòa bình. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ không còn và cũng không cần thiết nữa. Việc từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này trong một bài viết khác.
Việt Hoàng
(6/8/2021)
(1) Việt Hoàng, "Hai quyết định gây thất vọng của Joe Biden", Thông Luận, 26/04/2021