Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/08/2021

Thảm kịch của hệ thống chống dịch : Niềm tin sụp đổ

Kỷ Nguyên

Một bầu không khí căng thẳng đang bao trùm cả nước không chỉ riêng ở Sài Gòn khi những ngày cuối tháng 8 ghi nhận con số kỷ lục hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày. Thất bại được báo trước của các biện pháp chống dịch cực đoan và thiếu khoa học như Chỉ thị 16, giờ đây đã thể hiện qua các con số. Sài Gòn đã phong tỏa nghiêm ngặt hơn hai tháng và vẫn tiếp tục phong tỏa thêm nửa tháng nữa là hình ảnh rõ nhất về thảm họa của công tác chống dịch.

phongtoa1

Sài Gòn đã phong tỏa nghiêm ngặt hơn hai tháng và vẫn tiếp tục phong tỏa thêm nửa tháng nữa. Ảnh minh họa Lực lượng an ninh kiểm soát Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 

Một bài học tai hại

Thảm cảnh đại dịch ở Việt Nam hiện nay là kết quả của nhiều sự kiện nối tiếp nhau kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chính quyền cộng sản Việt Nam có cả một năm 2020 vừa chống dịch vừa quan sát để rút ra những bài học cho những quyết sách chống dịch cho năm 2021.

Khủng hoảng dịch bắt đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 1/2020, những biện pháp phong tỏa khắc nghiệt đã giúp chính quyền nước này thành công ngăn chặn sự lây lan của dịch, dù họ đã phải trả những cái giá rất đắt về nhân mạng của người dân. Trong khi đó, cách tiếp cận thông tin cùng các biện pháp ứng phó sai lầm ban đầu với dịch Covid-19 của chính quyền các nước Châu Âu, và sau đó là Mỹ đã khiến số lượng ca nhiễm tăng cao, tâm dịch cả năm 2020 đã ở phần lớn các nước dân chủ phát triển. Nước Mỹ cho đến nay vẫn đang dẫn đầu về số ca nhiễm và tử vong.

Diễn biến của đại dịch ở trên đã đưa đến cho chính quyền Việt Nam một kết luận theo quán tính: mô hình chống dịch cực đoan của Trung Quốc là tốt nhất và phù hợp nhất. Tốt nhất vì theo quan điểm của họ thì ngăn chặn được đại dịch (bất chấp quyền lợi của người dân) sẽ thành công về tính chính danh của hiệu quả cầm quyền. Phù hợp nhất vì các biện pháp cực đoan này thỏa mãn tâm lý kiểm soát cố hữu của chính quyền.

Tính nhất quán thể hiện qua các biện pháp chống dịch có ở cấp lãnh đạo cao nhất và cao trào được đẩy lên thông qua hệ thống truyền thông sau những thành công nhất định trong năm 2020. Những phát ngôn hùng hồn của ông Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như : "Với tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản, có thể khẳng định thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là minh chứng hùng hồn cho sự ưu việt của chế độ ta, trong đó có sự lãnh đạo sát sao của Đảng, chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị…". Hay như ông Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc thể hiện qua câu nói ấu trĩ đến mức các tờ báo phải gỡ sau khi đăng tin : "Thực tại bây giờ nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam !".

Có thể thấy rằng, cao tầng lãnh đạo đã xác quyết lựa chọn và quyết tâm theo đuổi các biện pháp chống dịch cực đoan và đã tạo nên thành công ban đầu. Thậm chí đã có những bài viết tuyên truyền lấy thành công của công tác chống dịch covid-19 để minh họa cho thực tiễn về quản trị quốc gia của đảng cộng sản. Chính quyền đã tự đẩy chọn lựa biện pháp chống dịch đó lên quá cao, gắn liền với lý luận của đảng và không thể phủ nhận sau này.

phongtoa2

Chính quyền Việt Nam đã quá tự tin và chủ quan trước làn sóng dịch thứ tư do biến thể delta gây ra.

Làn sóng dịch thứ tư làm đảo lộn tất cả

Những ngày đầu của tháng 3/2021, biến thể delta đã tạo nên một cơn bão khủng khiếp tàn phá khắp Châu Á, trong đó nặng nề nhất ở Ấn Độ, nơi bắt nguồn của biến thể này. Làn sóng dịch này ập đến trong bối cảnh Việt Nam chỉ mới triển khai tiêm chủng với số lượng vắc-xin đã về lúc đó cực kỳ thấp, thậm chí là không đủ cho lực lượng tuyến đầu.

Những hình ảnh và thông tin về một thảm họa khủng khiếp ở Ấn Độ làm rúng động toàn thế giới, đã có những báo động không những từ giới chuyên gia mà còn từ các nhà báo của chính quyền về bài học cho Việt Nam. Nhưng sự tự tin về thành công của các biện pháp chống dịch được đưa lên mức lý luận đã mang đến sự chủ quan tai hại, hệ thống y tế đã không có được sự nâng cấp và tâm lý buông lỏng quản lý dịch đã xuất hiện.

Liên tiếp trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4 đã chứng kiến một lượng khách du lịch đông đúc và, dù đã ghi nhận một lượng ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, chính quyền vẫn bất chấp để tổ chức kỳ bầu cử Quốc hội vào ngày 23/5. Biện pháp truy vết nguồn lây vốn dĩ không phù hợp với đặc tính lây lan của biến thể delta, nay với những sai lầm vừa nêu đã khiến cho mức độ lây nhiễm đã sâu rộng trong cộng đồng.

Cơ quan lãnh đạo cao nhất về phòng chống dịch của chính quyền dù đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của làn sóng dịch nguy hiểm này, nhưng ưu tiên lớn hơn của Đảng không phải là tính mạng của dân mà là nhu cầu thành công về mặt chính trị. Hình ảnh tan hoang vì đại dịch của những quốc gia khác đã là tấm bình phong để Đảng yên tâm rằng, dù có thiệt hại nặng hơn về nhân mạng thì cũng có lý cớ để bao biện cho những sai lầm vốn dĩ có thể tránh được.

Toàn bộ hệ thống chống dịch từ trung ương đến địa phương thể hiện sự bất nhất, mỗi nơi làm một kiểu trong khi phải thực thi những quyết sách mang tính chỉ đạo chung. Sự việc những ngày đầu tháng 8/2021 vừa qua, chính quyền Đà Nẵng vội vàng tặng thưởng cho các đơn vị quận, phường chỉ vì số ca nhiễm giảm đã cho thấy chính quyền này không hiểu gì về làn sóng dịch từ biến chủng delta. Đà Nẵng không là ngoại lệ về sự thiếu hiểu biết này.

Niềm tin sụp đổ !

Dù chính quyền đã sử dụng các biện pháp mạnh nhất và liên tục trong hơn hai tháng qua nhưng tình hình đang cho thấy dịch ngày càng lớn về quy mô và hoàn toàn mất kiểm soát toàn cuộc. Họ đã phải đối diện với sự thật rằng họ thất bại nặng nề vì đánh giá sai về làn sóng dịch, sự kiêu ngạo đã nhường chỗ cho sự thất vọng và âu lo.

Đã có những cuộc tháo chạy liên tục trong hơn hai tháng qua của những mảnh đời bất hạnh ở Sài Gòn, nơi mà những lời hứa hẹn hỗ trợ của chính quyền về thực phẩm đã chỉ là những lần tiếp cận hời hợt và thiếu kế hoạch.

Không phải đến khi có đại dịch lần này, chính quyền từ trước đến nay hoàn toàn không có niềm tin đối với người dân và họ cũng biết rằng người dân đối với chính quyền cũng vậy. Những tuyên bố phong tỏa áp dụng theo các Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16 tăng cường được đưa ra trước thời điểm áp dụng vài ngày chỉ là những đánh động có tính toán để người dân tự lo liệu thực phẩm, bất chấp thực tế chính quyền thừa biết rằng sẽ có những đợt lây nhiễm mới từ đây.

phongtoa3

Lực lượng quân đội đã chính thức tham gia vào các khâu chống dịch quan trọng kể cả việc kiểm soát các chốt chặn trên đường phố.

Niềm tin của chính quyền vào khả năng kiểm soát dịch đã chính thức sụp đổ, giờ đây trong cơn quay cuồng để hướng đến mục tiêu cuối cùng và cũng là xuyên suốt trong mọi quyết định : giữ cho được ổn định về mặt an ninh. Từ những đợt điều động công an và quân đội cuối tháng 7 kéo dài gần một tháng qua đang gia tăng cường độ, một chỉ dấu quan trọng cho thấy tình hình dịch không những mất kiểm soát mà nguy cơ về bạo loạn đã hiện hữu. Quân đội đã chính thức tiếp quản các khâu phòng chống dịch quan trọng ở Sài Gòn, Bình Dương và sắp tới khả năng sẽ là cả miền Nam.

Thảm họa nhân đạo ở các tỉnh này và đặc biệt là Sài Gòn đang hiện hữu, tính mạng người dân đang được đặt dưới mục tiêu ổn định an ninh và còn dưới cả kinh tế. Mục tiêu kiểm soát dịch ở mức đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường trước 15/9 của Sài Gòn chỉ để ngăn dòng vốn FDI tháo chạy.

Sau đêm nay (22/08/2021), chúng ta sẽ phải cầu nguyện cho số phận của đồng bào miền Nam.

Kỷ Nguyên

(23/08/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kỷ Nguyên
Read 1101 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)