Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo có chi phí sản xuất thấp và đã trở thành một trong những nguồn năng lượng thay thế phát triển với tốc độ nhanh nhất toàn cầu. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là định hướng của Việt Nam. Tuy vậy, khi phát triển năng lượng quốc gia đi kèm định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng thì càng cần thận trọng trong đánh giá lựa chọn đầu tư điện gió để giảm thiểu cái giá phải trả cho tương lai.
Điện gió và năng lượng sạch
Điện gió là điện năng được tạo ra bởi sức gió tác động làm quay tuabin điện gió. Chuyển động quay của tuabin này gắn với chuyển động quay của máy phát điện và tạo ra điện. Độ lớn cánh quạt, kích cỡ của tuabin và vận tốc gió sẽ quyết định tỉ lệ sinh ra điện. Điện năng tạo ra có thể hòa vào điện lưới quốc gia qua hệ thống truyền tải và phân phối điện tới đối tượng tiêu thụ.
Năng lượng tái tạo là lựa chọn bắt buộc của thế giới, khi nguồn nhiên liệu hoá thạch sử dụng để tạo ra năng lượng cạn dần, chi phí khai thác cao, và tạo ra khí nhà kính làm trái đất nóng lên. Các khí này chủ yếu gồm CH4, N20, đặc biệt C02 chiếm 80% tổng lượng phát thải và đây là một trong những mối quan tâm lớn nhất trong các thoả thuận chung về khí hậu toàn cầu, trong đó điển hình là hội nghị Paris - COP21, đòi hỏi các quốc gia chịu trách nhiệm về giảm thải khí nhà kính và hạn chế nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 2 độ C trong thế kỷ 21.
Hội nghị Glasgow 2026 sẽ được vương quốc Anh tổ chức vào tháng 10-2021 để tiếp nối các vấn đề về biến đổi khí hậu. Yêu cầu về cam kết và đầu tư của các quốc gia về năng lượng sạch tiếp tục được đặt ra và các nước đang phát triển sẽ nhận được một phần vốn hỗ trợ để triển khai việc này. Trong báo cáo năm 2020 của IEA (International Energy Agency - Cơ quan năng lượng quốc tế) về đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu, các quốc gia đang phát triển cần tăng đầu tư năng lượng sạch hàng năm gấp bảy lần, từ dưới 150 tỷ USD năm 2020 lên hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 để đưa thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net - zero emissions – Có thể hiểu đây là mức cân bằng lượng khí nhà kính và lượng khí đào thải ra khỏi khí quyền đạt mức bằng 0 bằng cả phương pháp nhân tạo và tự nhiên) vào năm 2050 .
Covid-19 đã ngưng đọng phần nhiều các hoạt động toàn cầu, qua đó cũng giảm khí thải. Lượng CO2 đã giảm 5,8% vào năm 2020, tương đương gần 2 Gt CO2 (2 tỉ tấn C02) - mức giảm lớn nhất từng có và lớn hơn gần 5 lần so với mức giảm năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù vậy tổng lượng C02 toàn cầu năm 2020 vẫn ở mức 31.5 Gt. Dầu, than đá và khí đốt vẫn chiếm khoảng 80% nhiên liệu tạo ra năng lượng toàn cầu.
Việt Nam cần thận trọng với điện gió. Ảnh : Vận chuyển tuabin gió tại Lâm Đồng.
Khoảng 80% khí C02 thải ra từ hoạt động công nghiệp, vận chuyển và sản xuất điện do các hoạt động này sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong vận hành sản xuất như khí đốt, xăng, dầu. Đó là lí do các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang chuyển đổi mô hình sản xuất điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện sang điện gió, điện mặt trời và các công nghệ tái tạo hiện đại khác. Đáng chú ý là lượng lớn khí CH4 có phát thải từ thuỷ điện hay không đang là một đề tài nghiên cứu và tranh luận. Thủy điện hiện tạo ra khoảng 1.330 Gigawatt (Gw) và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năng lượng tái tạo với khoảng 60% tổng lượng điện tái tạo thế giới. (Số liệu 2020 từ IEA, Power - Technology, International Hydropower Association).
Đầu những năm 1980, điện gió đã phát triển tại Mỹ. Công suất tại California đã đạt 1.000 MW thời điểm đó. Năm 2020, tổng công suất của tất cả các trang trại điện gió trên toàn thế giới đạt 744 Gw, cả onshore - trên bờ - và offshore - ngoài khơi, đủ để tạo ra 7% nhu cầu điện của thế giới và góp phần giảm 1.1 Gt C02 (Theo Global Wind Energy Council - GWEC). Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C tới 2030, GWEC ước tính cần tổng cộng 2.526 Gw, ước tính mỗi năm cần tăng thêm 180 Gw. Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Tây Ban Nha là 5 nước sản xuất nhiều điện gió nhất, chiếm khoảng 68% tổng công suất điện gió toàn cầu. Ba nước đầu trong số đó cũng là ba quốc gia tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới. Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu về tăng công suất sản xuất thêm 52 Gw năm 2020. Phần lớn việc sản xuất điện gió đều là các dự án trên bờ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu có 30 Gw điện gió ngoài khơi năm 2030. Công suất điện gió offshore khoảng 34,4 Gw toàn cầu, dẫn đầu bởi Vương quốc Anh và Trung Quốc lần lượt là 10,5 và 10 Gw.
Chi phí triển khai các dự án offshore cao hơn hẳn onshore. Chi phí khảo sát, móng, tuabin, vận hành sản xuất và bảo trì trên biển cao hơn đáng kể so với trên bờ. Dù vậy, chi phí sản xuất của onshore và offshore vẫn giảm dần, lần lượt đạt 5.3 cent kWh và 11.5 cent kWh. (Theo International Renewable Energy Agency, IRENA - Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế). Một so sánh: Điện tạo ra từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch có giá từ 5 cent -18 cent kWh.
Mặc dù vậy, công suất của các dự án offshore có thể lớn hơn hẳn onshore nhờ vào tốc độ gió. Theo nguyên lý công suất khả dụng tỷ lệ thuận với lập phương của tốc độ gió, thì nếu tốc độ gió ở ngoài khơi tăng gấp đôi trên đất liền, sẽ sinh ra gấp 8 lần sức quay tuabin gió. Qua đó gia tăng công suất tạo ra điện.
Nghị quyết 55-NQ/TW của Đảng cộng sản về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm nhiệt điện than, hạn chế việc triển khai thêm thuỷ điện và phát triển các nguồn năng lượng sạch khác, trong đó có điện gió. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 Gw so với tổng công suất hiện tại khoảng 60 Gw. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến hết ngày 3/8/2021 đã có 106 nhà máy điện gió gửi hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm và đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký COD của 106 nhà máy điện gió này là 5,655 Gw. Tính tới 22/7/2021 đã có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 0,611 Gw đã vận hành thương mại. Tại Ninh Thuận, Dự án điện gió kết hợp điện mặt trời do công ty Trung Nam làm chủ đầu tư đang hoạt động với công suất dự kiến 10 tỉ kwh/năm, đang là tổ hợp có công suất cao nhất Việt Nam về hai hình thức sản xuất điện này. Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 vùng có tiềm năng về năng lượng gió để phát triển. Bạc Liêu đang là địa phương có trang trại gió biển đầu tiên. Một số địa phương khác có dự án điện gió đang trong giai đoạn được phê duyệt chờ khởi công, hoặc đã khởi công là Vũng Tàu, Sóc Trăng, Quảng Trị, Đà Lạt, Cà Mau, Trà Vinh, Daklak.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Bộ công thương) đã đưa mục tiêu phát triển điện gió đạt trên 1,1cGw năm 2025. Tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ của Việt Nam khoảng 42 Gw, ngoài khơi là 160 Gw. Nếu nhìn công suất kỳ vọng, thì điện gió đã đáp ứng tương đối mục tiêu. Nhất là Việt Nam có tài nguyên gió nhiều vùng với vận tốc 6m/s trở lên, rất phù hợp để làm điện gió. Nhưng chúng ta cần nhìn thật kĩ những Dự án có tác động môi trường lớn như điện gió. Lợi ích về năng lượng sạch không thể chối từ nhưng mặt ngược lại thì sao?
1. Những hạn chế chung mà thế giới đã nói về điện gió
- Phụ thuộc sức gió: Khi có bão có thể làm hỏng tuabin.
- Ảnh hưởng xấu tới đời sống của động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Tuabin có thể gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng thính giác.
- Xói mòn vùng đất lắp đặt tuabin. Vùng lắp đặt tuabin sẽ không có cây xanh tồn tại.
- Mỹ quan: Những tuabin khồng lồ sẽ ảnh hưởng đến các góc ngắm nhìn ra ngoài tự nhiên.
- An toàn: Những tuabin ngoài khơi có thể gây ra tai nạn cho tàu biển ban đêm.
Việc cấp bách là cần rà soát, và cho dừng ngay những dự án đang xé nát núi đồi để cắm cọc. Ảnh : Quảng Trị đang xẻ đồi để làm điện gió gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
2. Những điều Việt Nam cần đặc biệt thận trọng
- Địa lý Việt dài và hẹp. Mật độ dân số lớn, bao quanh bởi núi và biển, ở giữa là rừng. Việt Nam rất cần tự nhiên và cũng rất phụ thuộc vào tự nhiên. Các dự án điện gió để đạt các công suất đăng ký và theo quy hoạch, cần một diện tích lớn để triển khai, tập trung vào vùng Nam trung bộ (Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), Nam bộ và có thể Tây Nguyên. Mục tiêu và chức năng tự nhiên của Việt Nam là trở thành một nước công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp và hàng hải. Quỹ đất vốn hẹp, nhiều đồi núi, tính cả phần diện tích cho nông, lâm nghiệp, đất ở, nếu triển khai nhiều vùng điện gió sẽ chiếm một phần lớn đất sử dụng và phần đất đó chỉ có thể có các hoạt động như trang trại dưới các vùng lắp đặt. Chúng ta cũng mất luôn lợi thế của một quốc gia duyên hải để thiết lập các khu công nghiệp trải đều khắp lãnh thổ. Công suất sinh ra từ điện gió có thể không bù đắp nổi thiệt hại do mất đất cho điện gió. Làm điện gió ồ ạt có thể là thảm họa cho chúng ta.
- Hơn 3000 km chiều dài biển là tài nguyên giá trị nhất của Việt Nam. Và xây dựng khai thác các thương cảng lớn là tiềm năng thương mại khổng lồ cho đất nước. Vùng biển phía nam có diện tích khoảng 142.000 km2, lí ra phải nằm trong quy hoạch về thương cảng sẽ phải chia sẻ cho điện gió cùng những ảnh hưởng chưa lường trước được trong hoạt động khai thác thuỷ sản và môi trường biển khi cắm các tuabin khổng lồ vào lòng biển. Mất mát biển có khả năng nhiều hơn hẳn những gì thu được từ các tuabin gió!
- Tất cả những gì phát triển ở Việt Nam, kể cả con người, đều phải gắn với "cái đuôi" định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. May mắn là tới 2020, dù dự kiến có 14 dự án offshore với công suất tới 30 Gw (ngang mục tiêu Mỹ), chính phủ Việt Nam vẫn đang dùng rào chắn về giá (8.5 cent kWh onshore và 9.8 cent kWh offshore) và cơ chế phân bổ công suất sản xuất offshore (2-3 Gw cho tới năm 2030) để chưa có dự án offshore nào khởi công (Mục đích chính trị là một đề tài khác). Tuy nhiên, các dự onshore đang tấp cập "dựng cọc" và triển khai. Thực tế thật đáng báo động: Việt Nam hiện đang không thiếu điện, hơn nữa, hệ thống truyền tải điện truyền thống chưa đồng bộ với hệ thống điện tái tạo. Việc cấp bách là cần rà soát, và cho dừng ngay những dự án đang xé nát núi đồi để cắm cọc. Việc nghiên cứu các công nghệ sản xuất điện khác như điện mặt trời, điện khí, điện từ sinh khối, cải tiến công nghệ sản xuất điện từ nhiên liệu hoá thạch, có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện sạch. Trên hết, cần một sự khảo sát nghiêm túc và chính xác trước khi phê duyệt đầu tư.
Các dự án báo cáo khả thi, dù trung thực về mặt kĩ thuật triển khai, cũng không hoàn toàn phản ánh trung thực về tác động môi trường. Đây là công việc của chính quyền. Các cơ quan quản lý quốc gia phải đánh giá và lựa chọn. Đảng cộng sản luôn "làm khó" việc phê duyệt dự án với đủ các tiêu chí kĩ thuật trên giấy, nhưng hầu như bỏ ngỏ việc thực tế thi công và kiểm soát các yếu tố môi trường khi đã cấp phép khởi công. Đầu tư vào năng lượng là việc tối quan trọng, cần một thể chế chính trị lương thiện, chính quyền cởi mở để đánh giá thật đúng các khía cạnh thiệt hơn dài hạn ở tầm vóc quốc gia chứ không phải nhiệm kỳ của Đảng như bây giờ.
Quốc Bảo
(25/8/2021)