Việt Nam có một bờ biển trải dài hơn 3.000km được xem là một trong những nước có lợi thế lớn cho phát triển ngư nghiệp, du lịch, thương mại quốc tế, dịch vụ thương cảng và tin học. Với vị trí địa lý đặc thù và thềm lục địa trải dài theo Biển Đông, Việt Nam nằm trên con đường hàng hải nhộn nhịp về lưu lượng hàng hóa và tàu thuyền qua lại của thế giới. Tuy vậy cho đến nay, nước ta chưa bao giờ là một cường quốc biển và đang tụt hậu về mọi mặt. Những người quan tâm đến hiện tình đất nước đều đồng ý rằng nước ta có lợi thế về bờ biển, nhưng lợi thế đó đang biến mất.
Thay vì phát huy, chúng ta đang hủy hoại bờ biển
Một thực trạng nhức nhối hiện nay đang diễn ra là dọc các bờ biển trải dài từ bắc vào nam, ra tới các hòn đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, hàng loạt các công trình và dự án bất động sản được xây dựng vô tội vạ. Không khó để có thể thấy, dường như các tỉnh thành có bờ biển thu hút khách du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng cho đến Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc và nhiều nơi khác đều xuất hiện dày đặc các dự án bất động sản. Tình trạng chung của những nơi này là quy hoạch bất chấp cảnh quan và môi trường, có nhiều lý do được đưa ra : từ thay đổi diện mạo đô thị cho đến nhu cầu phát triển du lịch. Tuy nhiên, đa số các dự án đó đều có chung một vấn đề : tìm cách tránh né Báo cáo tác động môi trường.
Tình trạng xả thải thẳng ra biển là một vấn nạn cần được chấm dứt tại Việt Nam. Ảnh minh họa Chất thải ô nhiễm đổ ra vịnh Nha Trang vào tháng 5/2019
Những công trình lớn mọc lên, kéo theo đó là quá trình xây dựng đòi hỏi hoạt động khoan sâu vào tầng địa chất để lấy nước từ hệ thống nước ngầm phục vụ cho quá trình xây dựng. Chưa dừng lại ở đó, phần lớn hệ thống các khách sạn và công trình này trong quá trình vận hành phục vụ khách đều sử dụng nguồn nước từ khai thác nước ngầm trong lòng đất. Sự việc cuối năm 2015, Chi nhánh cấp nước quận Sơn Trà (quận có nhiều khách sạn dọc bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng) phản ánh tình trạng khai thác trái phép nguồn nước ngầm của các khách sạn ở đây cho thấy một bất cập tai hại từ vấn đề quy hoạch thiếu tầm nhìn, cho đến quản lý hạ tầng và tài nguyên lòng đất (1).
Quá trình xây dựng, bê tông hóa và hoạt động khai thác trái phép nguồn nước ngầm khiến thềm bờ biển (gần nơi các khách sạn được xây dựng) ngày càng yếu đi và lún xuống so với mực nước biển, bên cạnh đó tác động của các yếu tố tự nhiên như sóng biển, dòng chảy ngầm trở lại của sóng biển khiến quá trình xâm thực của biển diễn ra nhanh hơn và làm bãi biển hẹp lại. Nhiều nơi đã hoàn toàn mất bờ biển hoặc chỉ còn một phần nhỏ không đáng kể như Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận), thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam). Những nơi khác, bãi biển không những đang bị xâm thực nghiêm trọng mà còn bị lấn chiếm cho các dự án bất động sản lấn biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.
Một điều nghiêm trọng nữa là bờ biển thay vì được bảo vệ thì lại là nơi để các tập đoàn hóa chất luyện kim như Fomosa ở Hà Tĩnh đổ các loại chất thải không thể phân hủy với khối lượng vô cùng lớn, thậm chí rác công nghiệp cũng được đem ra biển chôn làm ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các dự án nhiệt điện than đang hoạt động và được cấp phép sẽ tiếp tục là những nguồn thải ô nhiễm cả trong không khí lẫn nguồn nước khi thải ra biển. Các hoạt động khai thác khoáng sản và nuôi trồng thủy hải sản như nuôi tôm mọc lên khắp nơi, không theo một quy hoạch khoa học nào cũng như thiếu hệ thống xử lý nước thải cũng là nguồn xả thải đáng kể vào biển.
Nhà máy thép Formosa đã thải thẳng chất độc hại ra biển bằng một đường ống dài dưới biển. Dân Trí o,mine, 22/11/2017
Những thảm họa đối với môi trường biển ở trên, phản ánh một chính quyền thiển cận hoàn toàn không hề ưu tư cho vấn đề môi trường sống, trong đó có môi trường biển. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức chính trị duy nhất có dự án cho đất nước đã nhận định về tình cảnh bi đát của bờ biển Việt Nam : "Chúng ta có một bờ biển dài và một đại dương hiền hậu, nhưng biển cả hầu như không có một tiếng gọi nào với chúng ta cả. Chúng ta đã thiếu hẳn quyết tâm chinh phục và tận dụng đại dương. Chúng ta không có kỹ thuật đóng tàu và đi biển, không có đội thương thuyền, không có những nhà hải hành lớn. Cho tới gần đây chúng ta đã chỉ sống với đất như một dân tộc lục địa" (2).
Điều đáng lo nhất là trong lúc chúng ta chưa kịp thay đổi để "quyết tâm chinh phục và tận dụng đại dương" thì một tai họa vô cùng lớn đã và đang ập tới.
Biến đổi khí hậu và nguy cơ mất hoàn toàn bờ biển
Hội nghị khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Anh vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua với sự tham gia của đại diện hơn 200 quốc gia cho thấy tầm quan trọng và mức độ nguy cấp của biến đổi khí hậu. Tình hình đáng báo động với nhận định, COP26 là cơ hội cuối cùng để thế giới đạt một đồng thuận chung về nỗ lực khống chế hiện tượng ấm lên toàn cầu - nguyên nhân gây ra hiện tượng nước biển dâng.
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các thảm họa từ quá trình này. Ở những vùng đồng bằng có các đô thị lớn tập trung đông dân như Sài Gòn thì hoạt động khai thác nguồn nước ngầm cũng đưa đến một thách thức lớn về sụt lún mặt đất, quá trình này còn diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng.
"Theo một nghiên cứu, vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể chìm xuống biển. Hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập. Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất" (3).
Viễn cảnh về một thảm họa như vậy giờ đây không còn xa nữa khi những tác động ban đầu của biến đổi khí hậu đối với các vùng ven biển nước ta đã rất nặng nề. Tình trạng ngập úng xuất hiện thường xuyên hơn dù chỉ trải qua những đợt mưa nhỏ, lũ lụt lên nhanh hơn và gây thiệt hại ngày càng lớn hơn cả nhân mạng lẫn kinh tế.
Bờ biển ngày càng hẹp đi trong khi lòng biển ngày càng trở nên ô nhiễm. Các rạn san hô, nơi cư trú của hơn 600 loài cá biển ở Việt Nam đang dần biến mất, các nhà hoạt động và tổ chức bảo vệ san hô chỉ là những tiếng kêu yếu thế bên cạnh những hoạt động xả thải thô bạo của các nhà máy bất lương được bảo kê bởi chính quyền địa phương. Tình trạng cá chết hàng loạt, người dân ở các vùng ven biển ô nhiễm mắc các chứng bệnh ung thư đã trở thành chuyện bình thường. Người dân đang là nạn nhân trực tiếp, thường xuyên và chịu những gánh nặng cả về kinh tế lẫn sức khỏe cho những sai lầm về hủy hoại môi trường biển.
Trong hoàn cảnh tệ hại đó, một điều may mắn và cũng là hy vọng cho Việt Nam là hội nghị COP26 sẽ kết thúc với sự cam kết mạnh mẽ của các nước tiên tiến (dẫn đầu là Pháp) cho gói tài chính hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển, chuyển đổi sang khai thác và sử dụng các loại năng lượng sạch nhằm giảm phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Nếu chính quyền nhận thức được tầm quan trọng của môi trường và tận dụng tốt thì đây sẽ là cơ hội để nước ta không những cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp một phần tích cực vào mục tiêu kìm hãm sự nóng lên của trái đất.
Kỷ Nguyên
(14/11/2021)
(1) Mai Trang, "Khuất tất trong sử dụng nước ở khách sạn", Báo Đà Nẵng online, 11/05/5015
(2) Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương V : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, 2015
(3) Việt Hoàng, "Biến đổi khí hậu nguy hiểm đến cỡ nào ?", Thông Luận, 03/11/2021