Pháp, Mỹ hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu
Thu Hằng, RFI, 17/03/2024
Pháp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấp 42 triệu euro cho Việt Nam từ nay đến năm 2028 để tài trợ cho việc gia cố công trình ngăn sói lở bờ biển ở thành phố Hội An. Còn Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam "Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long" với ngân sách 2,9 triệu đô la.
Người nông dân trên cánh đồng lúa khô hạn giữa đợt nắng nóng kéo dài ở tỉnh Cà Mau, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ảnh ngày 23/02/2024. AFP - TAN DIEN
Thỏa thuận giữa Việt Nam bộ Tài Chính Pháp và Liên Hiệp Châu Âu được ký ngày 16/03. Trong số 42 triệu euro, 35 triệu là khoản vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (Agence français du Développement - AFD), 2 triệu euro dưới hình thức viện trợ không hoàn lại của Liên Hiệp Châu Âu và 5 triệu là phần của Việt Nam.
Theo kế hoạch, bãi biển Cửa Đại sẽ được gia cố bằng 7 điểm được xây bằng bê tông và đổ cát để tạo một bãi biển dài 5 km. Mục đích là khôi phục bờ biển, bảo vệ nhà ở và các công trình phục vụ du lịch để hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Ông Olivier Brochet, đại sứ Pháp tại Việt Nam, được trang VnExpress trích dẫn, cho biết Paris muốn cùng với Việt Nam, thông qua cơ quan AFD, thực hiện những mục tiêu ưu tiên liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Ông hy vọng dự án sẽ giúp giải quyết các vấn đề do lũ lụt và sói mòn gây ra và cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Trước đó một ngày, ngày 15/03, Hoa Kỳ cũng thông báo khởi động với Việt Nam Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Theo giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs, dự án có giá trị 2,9 triệu đô la "góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của chúng tôi (Mỹ) với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ".
Trang USAID nhắc lại đồng bằng sông Cửu Long và các hệ sinh thái ven bờ là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ven biển, tăng cường công tác quản lý bền vững nguồn lợi biển nhằm giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng địa phương ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo trang VnExpress ngày 17/03, được AFP trích dẫn, tình trạng nước mặn xâm lấn vựa lúa miền nam có thể khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 3 tỉ đô la thu hoạch hàng năm.
Thu Hằng
******************************
Việt Nam chịu tổn thất gần 3 tỷ USD mùa vụ mỗi năm do nước mặn thâm nhập
RFA, 17/03/2024
Việt Nam phải chịu tổn thất đến gần 3 tỷ USD mùa vụ mỗi năm do nước mặn thâm nhập.
Trong những năm qua, hạn mặn tiếp tục xảy ra tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số kênh, rạch tại các địa phương khô cạn. Ảnh : Nhật Hồ
AFP loan ngày 17/3 dẫn nguồn từ một nghiên cứu mới do Viện Khoa học Tài Nguyên Nước thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam thực hiện và VnExpress đưa tin.
Tổn thất chủ yếu đối với 13 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, "vựa lúa" của Việt Nam nơi cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người trong nước. Tỉnh chịu tác động nhiều nhất là Cà Mau với mức tổn thất được tính là chừng 665 triệu USD mùa vụ mỗi năm. Tiếp đến là Bến Tre ở mức chừng 472 triệu USD.
Hiện tượng thâm nhập mặn thường xảy ra vào mùa khô ; tuy nhiên nước mặn thâm nhập mỗi lúc một tăng do mực nước biển dâng, hạn hán, thủy triều biến động và thiếu nước ngọt từ thượng nguồn đổ về.
Vào đầu tháng này, Bộ Tài Nguyên- Môi trường đưa ra cảnh báo tình trạng thâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến chừng 80.000 ha lúa và trái cây tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Còn Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung ương cho biết thâm nhập mặn thời kỳ 2023-2024 cao hơn trung bình.
Vào tháng hai vừa qua, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chịu đợt nắng nóng kéo dài bất thường dẫn đến hạn hán và nước xuống mức thấp trong các kênh rạch.
Nguồn : RFA, 16/03/2024
******************************
Kiên Giang : đóng bảy cửa cống Cái Lớn để ngăn mặn
RFA, 16/03/2024
Đơn vị quản lý cống Cái Lớn - Cái Bé thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác Thủy Lợi miền Nam đã đóng 7/11 cửa cống tại cống Cái Lớn ở Kiên Giang để ngăn mặn.
Cống ngăn mặn Cái Lớn đóng từ 9 đến 11 van để điều tiết nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn cũng như bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 16/3, xác nhận đơn vị quản lý quyết định chỉ đóng 7/11 cửa cống thay vì 9/11 như kế hoạch ban đầu.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam, cho biết trên tờ Lao động rằng, nếu độ mặn tại trạm cầu Cái Tư vẫn tiếp tục tăng cao >1‰, công ty phối hợp với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vận hành các cụm cống QP5, QP6, QP7 và QP8 để hỗ trợ tiêu rút mặn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng hai tháng 3 và 4 và khả năng kết thúc muộn, mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường. Dự báo, đợt hai đang diễn ra và sẽ kết thúc và ngày 17/3/2024.
Trước đó, Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam lên kế hoạch, trong khoảng thời gian xuất hiện các đợt triều cường, tình hình xâm nhập mặn khu vực thượng lưu cống Cái Lớn vượt ngưỡng 1‰ thì vận hành đóng từ chín đến đóng hoàn toàn 11/11 cửa van cống Cái Lớn.
Các ngày còn lại trong tháng, tùy theo tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn, cống Cái Lớn sẽ vận hành linh hoạt đóng từ năm đến bảy cửa van cống, tối đa đóng chín cửa.
Theo ông Việt Anh, khi đóng hoàn toàn cống Cái Lớn, Cái Bé, mực nước tại trạm hạ lưu cống Cái Lớn tăng cao khả năng vượt +1,20m. Dự báo tình trạng ngập xảy ra ở các vị trí trũng thấp khu vực hạ lưu (phía biển), như dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn, cống Xẻo Rô (phía biển, bờ An Biên), gồm các xã Hưng Yên, xã Tây Yên A có khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng ngập úng sân vườn, nhà khoảng 20-30cm.
Ông Việt Anh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, Công ty giao Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện, phân công vận hành, kiểm tra giám sát thường xuyên diễn biến mực nước, chất lượng nước và vận hành các cống theo kế hoạch. Công ty cũng đề nghị UBND huyện Châu Thành, An Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong nâng cao tạm thời bờ bao ở các nơi xung yếu...
Trước đó (12/3/2024), để đối phó với hạn mặn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên kiến nghị của ông Tam gặp phải sự phản ứng từ giới chuyên gia.
Nguồn : RFA, 16/03/2024
Biến đổi khí hậu, cư dân đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ‘bỏ quê lên phố’
Đào Bảo Trân và em trai Đỗ Hoàng Trung, cặp song sinh 11 tuổi lớn lên trên một chiếc xuồng ọp ẹp ở đồng bằng sông Cửu Long, có những giấc mơ. Trân yêu K-pop, xem video vào ban đêm để học tiếng Hàn và rất thích đến thăm Seoul. Trung muốn trở thành ca sĩ.
Logo Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Mekong – Đại học Cần Thơ. DRAGON là chữ viết tắt của Delta Research And Global Observation Network – Mạng lưới Nghiên cứu Châu thổ và Quan trắc Toàn cầu, được thiết lập từ 2008.
Nhưng hy vọng của các em "không thực tế", Trung nói : "Em biết cuối cùng em sẽ phải lên thành phố để kiếm sống".
Những giấc mơ như vậy tan biến ở sông Mekong phía nam Việt Nam, một trong những khu vực dễ bị tổn thương về khí hậu nhất trên thế giới.
Đối với người nghèo, tương lai đặc biệt không chắc chắn. Một phúc trình về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2022 cảnh báo sẽ có thêm lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Việc khai thác nước ngầm và cát không bền vững để xây dựng đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Và với mực nước biển dâng cao gặm nhấm rìa phía nam và các con đập bao quanh thượng nguồn sông Mekong, việc canh tác ở vùng đồng bằng màu mỡ này ngày càng khó khăn hơn. Theo báo cáo năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đóng góp của ngành này vào GDP của Việt Nam đã giảm từ 27% năm 1990 xuống dưới 18% vào năm 2019.
Tiếng gọi của thành phố, nơi việc làm trong các nhà máy hứa hẹn mức lương tốt hơn, thường là điều khó có thể cưỡng lại đối với 17 triệu dân của khu vực này.
Bà mẹ đơn thân của cặp song sinh, Đỗ Thị Sơn Ca, lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm ngay sau khi các con chào đời. Bà để lại chúng cho bà ngoại Nguyễn Thị Thủy, 59 tuổi. Không đủ tiền thuê đất, gia đình nhỏ này phải sống trên xuồng kể từ đó.
Bà Thủy thuê một chiếc thuyền nhỏ hơn để bán thịt và bánh đậu tại chợ nổi Cái Răng, chợ nổi lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Bà thức dậy trước bình minh để hấp bánh trong nồi trên đống than hồng đặt giữa thuyền. Bà đứng ở mũi thuyền chèo đôi mái chèo to đùng để đẩy thuyền ra chợ.
Vào những ngày thuận lợi, bà kiếm được khoảng 4 đô la - gần như không đủ để đi chợ mua đồ ăn thức uống. Cặp song sinh đã nghỉ học hai năm khi bà của chúng không thể trả học phí và mẹ của chúng, đang vật lộn ở thành phố, cũng không thể giúp gì được. Giờ đây, ngôi nhà trên xuồng trên sông Hậu, nơi trú ẩn duy nhất của họ, đang cần được sửa chữa khẩn cấp với chi phí đắt đỏ và bà Thủy đang tự hỏi làm cách nào để kiếm được 170 đô la trước mùa mưa sắp tới.
"Các cơn bão ngày càng dữ dội hơn", bà Thủy nói. Vào mùa mưa, hễ mưa lớn là phải tát nước cật lực để xuồng không bị chìm. Lũ lụt buộc bà Thủy phải di chuyển sang một con kênh lớn hơn để tránh bị va đập nếu vẫn neo đậu trên bờ, nhưng con kênh lớn hơn lại tiềm ẩn những rủi ro vì sóng lớn hơn.
Việc rời bỏ sông Mekong đến các thành phố lớn hơn hoặc thậm chí ra nước ngoài để có triển vọng tốt hơn không phải là điều mới. Nhưng số người di cư ròng - con số chênh lệch giữa số người di cư khỏi đồng bằng và số người chuyển đến - đã tăng hơn gấp ba lần sau năm 1999. Các chuyên gia lưu ý rằng lý do khiến người dân di cư là rất phức tạp và khó biết biến đổi khí hậu có vai trò lớn đến mức nào.
Bà Mimi Vũ, chuyên gia về di cư và chống buôn người tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói : "Biến đổi khí hậu vừa là chất xúc tác vừa là tác nhân thúc đẩy quá trình di cư". Bà nói nó đã ảnh hưởng đến sinh kế và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng ở một khu vực vẫn còn kém phát triển hơn các vùng khác của Việt Nam. Khu vực này thiếu những nền tảng phát triển vững chắc chẳng hạn như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cao, khả năng tiếp cận nước sạch thường xuyên và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
"Mọi thế hệ đều vẫn phải vật lộn", bà nói.
Và việc chuyển đến thành phố cũng không đảm bảo được điều gì.
Mẹ của cặp song sinh có khởi đầu mới khi chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, tìm việc làm ở một xưởng may, kết hôn và sinh con. Nhưng cuối cùng cả bà và chồng đều bị sa thải — trong số hàng nghìn công nhân ở Việt Nam bị mất việc vì đơn hàng ở nước ngoài thấp. Kể từ đó họ đã chuyển về làng quê của chồng. Ông Ca, 34 tuổi, chưa bao giờ học xong và đang tìm việc làm nhưng không biết tiếp theo họ sẽ làm gì.
"Gia đình tôi nghèo. Vì thế tôi không nghĩ quá xa về phía trước. Tôi chỉ hy vọng các con tôi có thể được học hành đầy đủ", bà nói.
Hiện tại, bà sẽ không thể giúp gia đình đóng học phí hay sửa xuồng và Tết vừa rồi cũng không được gặp các con.
Bà Vũ, chuyên gia về di cư, cho biết những công nhân lớn tuổi trở về làng sau khi bị sa thải thường không muốn quay trở lại thành phố, nơi họ không còn nhìn thấy màu hồng, bởi cuộc vật lộn hàng ngày.
Trong số đó có ông Phạm Văn Sang, 50 tuổi, rời quê hương Bạc Liêu đến Thành phố Hồ Chí Minh ở độ tuổi 20 sau khi thời tiết khó lường khiến việc trồng lúa và nuôi tôm không còn khả thi.
Ngày nay, ông và vợ, Lương Thị Út, 51 tuổi, sống trong một căn phòng rộng khoảng 9,2 mét vuông, chứa đầy những thứ họ cần để điều hành một gian hàng bán thức ăn cho công nhân nhà máy trong thành phố. Ông nói món chính của họ là món bún cá đậm đà kiểu vùng sông Mekong mà theo ông, món này mang đến cho những người công nhân nhà máy nhớ nhà "sự an ủi" với hương vị của đời sống cũ.
Ông Sang cho biết ông bị ám ảnh bởi những kỷ niệm về quê hương, tuổi trẻ ở quê, nuôi tôm cùng gia đình. "Tôi buồn cho thế hệ con cháu không có tương lai".
Các chuyên gia lưu ý rằng lý do khiến người dân di cư là rất phức tạp và khó biết biến đổi khí hậu có vai trò lớn đến mức nào.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch tăng cường nền kinh tế nông nghiệp của khu vực sông Mekong, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng gạo của cả nước và rất quan trọng để cung cấp lương thực cho các nước khác, như Indonesia và Philippines. Kế hoạch này bao gồm thử nghiệm các công nghệ mới để giảm lượng khí thải từ lúa gạo đồng thời tăng sản lượng và lợi nhuận, tạo thêm nghề cá và vườn cây ăn quả, xây dựng sân bay và đường cao tốc để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhưng sức hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị nhộn nhịp với 9,3 triệu dân, cổ máy tài chính của Việt Nam – là điều khó cưỡng đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Trung Hiếu, 23 tuổi, cho biết ngay cả những người ở nông thôn cũng coi việc chuyển lên thành phố hoặc tốt hơn là ra nước ngoài là cách thoát nghèo nhanh nhất.
Hiếu sống trong khu tập thể mà anh ở chung với một thanh niên khác ở vùng đồng bằng. Anh làm hai công việc - một ca 12 giờ trong một nhà máy sản xuất các linh kiện ngành dược, sau đó là nhiều giờ lái xe ôm cho một công ty xe grab của Việt Nam. Anh thích đi học và muốn trở thành giáo viên dạy văn, nhưng thu nhập từ nông trại của gia đình anh ở tỉnh Đồng Tháp thuộc lưu vực sông Mekong đã giảm sút trong những năm qua. Khi anh học xong, gia đình phải lựa chọn giữa việc cho anh vào đại học hay để em gái anh học xong.
Anh quyết định chuyển lên thành phố để có thể gửi tiền về quê. "Em gái tôi học giỏi, tôi rất vui", anh nói.
Hiếu ban đầu lên thành phố cảm thấy hoang mang và nhớ nhà, nhưng dần dần thành phố ngày càng thu hút anh. "Bạn dần dần thích nghi, bạn tồn tại", anh nói. Anh ấy đang học cách phát triển mạnh mẽ ở thành phố : làm việc chăm chỉ nhưng cũng cần kết nối và giao tiếp.
Tuy nhiên, anh vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ vào đại học, thực hiện ước mơ trở thành giáo viên và làm việc tại một ngôi trường ở vùng đồng bằng Mekong giống như trường anh và em gái đã học. Anh cho biết điều đó sẽ khiến anh cảm thấy gần nhà hơn.
"Mọi người đều muốn quay trở lại nơi họ sinh ra và lớn lên", anh nói.
AP
Nguồn : VOA, 14/03/2024
Trước thềm Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28, hôm nay, 28/11/2023, một báo cáo khoa học được công bố cho thấy biến đổi khí hậu là thủ phạm của thiệt hại trung bình khoảng 6% thu nhập đối với dân cư toàn cầu trong năm 2022. Thiệt hại nặng nề nhất là nhóm các quốc gia kém phát triển nhất. Về mặt khu vực, khối Đông Nam Á thuộc khu vực chịu tổn thất lớn nhất với khoảng 14% GDP.
Một trang trại kê ở làng Nanu ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, bị hạn hán. Ảnh chụp ngày 17 tháng 10 năm 2023. AP - Uzmi Athar
Tổng cộng hàng nghìn tỉ đô la thiệt hại do biến đổi khí hậu, nhưng theo AFP, nghiên cứu do Đại học Delaware (Hoa Kỳ) tiến hành, cho thấy tổn thất do khí hậu biến đổi chênh lệch rất lớn giữa các nhóm nước, giữa các nhóm dân cư, và khu vực địa lý. Thiệt hại tập trung nhiều nhất vào các quốc gia có thu nhập thấp, các khu vực nhiệt đới, nhìn chung mật độ dân số cao hơn, và thu nhập thấp hơn. Ngược lại, GDP của nhiều nước phát triển, đặc biệt ở Bắc Âu, lại tăng. Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên cảnh báo xu thế này có thể đảo ngược.
Một trong các vấn đề chính của COP28 là vấn đề tài chính. Cộng đồng quốc tế phải xác lập được một khuôn khổ cho các quỹ hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất để đối phó với các tác động của biến đổi khí, điều đã được quyết định tại COP27. Đây cũng là mục tiêu của bản báo cáo, theo ông James Rising, tác giả báo cáo, trợ lý giáo sư Đại học Delaware.
Theo Liên Hiệp Quốc, các nước đang phát triển cần hơn 300 tỉ đô la/năm để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu, số tiền các nước giàu khó lòng chi ra. Trong lúc đó, theo một nghiên cứu của Climate Analytics, 25 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới ước tính thu lời khoảng 30.000 tỉ đô la trong vòng hơn hai thập niên, từ 1985 đến 2018.
Tính tổng cộng từ năm 1992, tức Hội nghị về Trái đất của Liên Hiệp Quốc tại Rio, các nước thu nhập thấp và trung bình đã gánh chịu 21.000 tỉ đô la thiệt hại do biến đối khí hậu. Đền bù tổn thất cho các thiệt hại dự kiến cũng sẽ là một tranh chấp chính tại COP28.
Trọng Thành
Biến đổi khí hậu : "Thảm họa được dự báo, nhưng quyết tâm ngăn chặn vẫn yếu ớt
Chủ đề nổi bật trên báo chí Pháp ra ngày hôm 28/10/2022 dĩ nhiên là các mối đe dọa nghiêm trọng đối với khí hậu và môi trường và các phản ứng còn yếu kém của các chính phủ, nhà nước được ghi trong bản báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố hôm qua.
Lòng sông Zayandeh Roud bị khô cạn, Ispahan, Iran. Ảnh chụp ngày 10/07/2018. AP - Vahid Salemi
Trên trang nhất Le Monde chạy hàng tựa lớn: "Khí hậu: Những nỗ lực "thiếu sót một cách khủng khiếp". Tờ báo ghi nhận là 10 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Khí hậu Thế giới (COP27) từ ngày 06-18/11 tại Sharm-El-Sheikh (Ai Cập), Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một lời cảnh báo mới cho các chính phủ trên toàn thế giới.
Nỗ lực chống biến đổi khí hậu còn yếu kém
Theo Liên Hiệp Quốc, các cam kết về chống biến đổi khí hậu mà các quốc gia đưa ra cho đến nay, ngay cả khi được tôn trọng, vẫn đẩy trái đất vào một quỹ đạo nóng lên thảm khốc với nhiệt độ tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này.
Đối với Liên Hiệp Quốc, các kế hoạch khắc phục mới nhất được các quốc gia khác nhau thông qua vẫn không tương xứng với nguy cơ. Định chế này kết luận: Năm vừa qua quả là một "năm lãng phí" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong bài phân tích trang trong, Le Monde nói rõ thêm là báo cáo do Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc công bố cũng ghi nhận một vài tiến bộ nhỏ từ phía các quốc gia, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn còn rất xa các mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, và vẫn không vạch ra được một con đường "đáng tin cậy" để hạn chế đà nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, mục tiêu tham vọng nhất của hiệp ước quốc tế này.
Điều đáng lo ngại là các cam kết được đưa ra vừa không đủ, vừa không được tôn trọng. Theo Liên Hiệp Quốc, nếu các quốc gia tiếp tục chính sách hiện tại, mức tăng của nhiệt độ thậm chí có thể lên tới 2,8°C vào năm 2100.
Trong một khung nhỏ mang tựa đề "Lượng khí nhà kính trong khí quyển đạt những kỷ lục", Le Monde nêu bật báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), báo động rằng trong năm 2021 vừa qua nồng độ CO₂ trong khí quyển đã đạt mức cao chưa từng thấy trong hơn 2 triệu năm. Họa vô đơn chí, nồng độ khí mêtan, một loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính, cũng đặc biệt tăng cao.
Hậu quả, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới là nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mực nước biển dâng cao và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường ngày càng nhiều.
Trong bài "Tác hại của hiện tượng khí hậu bị hâm nóng trên sức khỏe con người", Le Monde cho biết là theo một báo cáo của tạp chí y khoa The Lancet, mỗi năm đều có đến hàng trăm ngàn người bị tử vong một cách trực tiếp hay gián tiếp vì biến đổi khí hậu. Tỷ lệ người chết vì nóng bức chẳng hạn, đã tăng 68% trong giai đoạn 2017-2021 so với giai đoạn 2000-2014 trước đó.
Mùa thu nóng nực không phải là hay
Nhật báo thiên tả Libération cũng đưa tin về bản báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc qua hàng tựa : "Để hạn chế đà hâm nóng, các nỗ lực không xứng tầm". Tuy nhiên, trang nhất và hồ sơ chính của tờ báo đã nhấn mạnh đến tình trạng thời tiết thất thường hiện nay tại Pháp với hàng tựa lớn : "30 độ vào mùa thu – hiện tượng thời tiết ấm lại đáng ngại".
Theo Libération, việc trời đang nóng trở lại tại Pháp là điều chưa từng thấy với nguy cơ là làm cho hạn hán kéo dài qua mùa đông, dẫn đến tình trạng thiếu nước đáng kể.
Đối với tờ báo thiên tả Pháp, tình hình nhiệt độ nóng bất thường trong những tuần lễ gần đây, sau đợt hạn hán lịch sử vào mùa hè vừa qua, là một biểu hiện mới, có thể nhìn thấy rõ ràng, của biến đổi khí hậu, và đe dọa khả năng tiếp cận nguồn nước và gây tổn hại cho đa dạng sinh học.
Phóng viên của Libération đã đến tỉnh Var, miền đông nam nước Pháp, nơi đang bị hạn hán, tìm gặp nhiều dân làng đang phải sống trong hoàn cảnh bị thiếu nước. Tại nhiều nơi, cư dân chỉ được dùng không đầy 100 lít mỗi ngày cho mỗi người, thành ra có người thú nhận "hai ngày mới tắm một lần", chỉ xả bồn cầu "sau hai hoặc ba lần đi tiểu"… Thị xã Saint-Paul-en-Forêt, vốn đã nhận được "giải thưởng làng hoa" đầu tiên của mình, năm nay đã đành phải để hoa tàn vì thiếu nước.
Theo Libération, tác hại của biến đổi khí hậu tại Pháp rõ nét như vậy, thể mà cấp lãnh đạo cao nhất lại có vẻ lơ là.
Trong bài xã luận "Đối mặt với mùa thu nóng nực, Macron có những phản ứng thờ ơ", tờ báo ghi nhận là trong buổi xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước France 2 vào tối thứ Tư vừa qua, tổng thống Pháp đã thể hiện sự thiếu quan tâm đến chủ đề này khi hầu như không đề cập đến sinh thái, chỉ nói phớt qua vào lúc cuối, nhưng lại mượn lời của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc báo động rằng một "thảm họa toàn cầu" đang rình rập.
Đối với Libération, ông Macron đã lại bỏ phí một cơ hội đánh động dư luận, vào lúc mà nước Pháp đang trải qua một mùa thu "nóng nực" khác thường và đáng lo ngại trên nhiều khía cạnh, trong khi Liên Hiệp Quốc cùng ngày báo động về khả năng của các quốc gia ký kết thỏa thuận Paris trong việc kiềm chế đà hâm nóng toàn cầu.
Cuộc sống người Pháp ra sao khi giá cả tăng cao
Cũng dành trang nhất cho thời sự Pháp như Libération, nhưng nhật báo thiên hữu Le Figaro lại chú ý đến khía cạnh tác động của tình trạng giả cả tăng cao trên đời sống hàng ngày của người dân Pháp. Ngay dưới hàng tựa lớn : Cuộc sống người Pháp thay đổi ra sao khi giá cả tăng cao", Le Figaro ghi nhận là khi lạm phát vượt quá 5%, phần lớn người dân đang thay đổi thói quen tiêu dùng.
Tờ báo đã dành nhiều trang bài để phân tích và minh họa kết quả một cuộc khảo sát do hãng Odoxa-Backbone Consulting thực hiện, theo đó đã có đến 3/4 trong số những người được thăm dò cho biết là họ đã giảm chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, trong lúc 2/3 đã giảm phần chi tiêu cho ăn uống.
Theo Le Figaro, trong những tuần lễ gần đây, người Pháp đã cố thích nghi cách sống của mình với tình hình giá cả tăng cao: Hạ nhiệt độ sưởi trong các căn hộ, bớt đi nghỉ với bạn bè, tăng mua đồ đã kinh qua sử dụng...
Giới giầu cũng tiết kiệm, theo cách riêng !
Điều lý thú được Le Figaro ghi nhận là nếu tiết kiệm đã trở nên bắt buộc với tầng lớp ít tiền, thì việc giảm bớt chi tiêu cũng biến thành thực tế đối với các tầng lớp khá giả nhất trong xã hội.
Theo ghi nhận của giám đốc hãng thăm dò ý kiến Odexa thực hiện cuộc điều tra cho báo Le Figaro thì "Các tầng lớp giàu có lo sợ rằng ngày mai sẽ khó khăn hơn. [...] Mối quan ngại này thậm chí còn xuất hiện trong giới đã bỏ phiếu cho Macron hoặc Pécresse trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua".
Tờ báo nêu bật một số lời chứng, từ Camille, một bà mẹ ở độ tuổi bốn mươi có bảy đứa con, "tay cầm điện thoại thông minh, chân đi giầy cao gót (đắt tiền) hiệu Louboutin" đã quyết định là sẽ không về nghỉ ở nhà quê trong nhiều tháng "ít ra là vào những ngày cuối tuần ngắn ngủi", cho đến bà Marie-Thérèse, sẽ cúp khẩu phần "bánh mì cá hồi" thường dành cho con mèo cưng của bà. Không kể đến Charles, một giám đốc điều hành sống tại Paris, đã rất "phẫn nộ" trước tình trạng vật giá leo thang khiến cho ông chỉ còn có thể "đi nghỉ một lần nữa tại biệt thự của ông ở miền quê Normandie".
Theo Le Figaro, không phải ai cũng ngán ngẩm vì lạm phát. Nhiều giới đã nhìn tình hình một cách phấn khởi : Các hãng hàng không giá rẻ đang đầy khách, việc bán đồ cũ bùng nổ và các cửa hàng giảm giá mạnh luôn đầy khách.
Cuộc sống sau một cơn đột quỵ ra sao
Nhân dịp ngày mai 29/10 là "Ngày đột quỵ thế giới", nhật báo công giáo Pháp La Croix đã chạy tựa lớn trang nhất : "Tái tạo cuộc sống sau một cơn đột quỵ", ghi nhận lời chứng của một số bệnh nhân về cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn của họ sau khi bị tai biến mạch máu não, từ cú sốc ban đầu cho đến những hậu quả liên tục với quá trình phục hồi chậm chạp.
Điều được tờ báo ghi nhận là đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu nơi phụ nữ Pháp. Với 30.000 ca tử vong mỗi năm, đây là nguyên nhân tử vong thứ ba trên cả nước và là nguyên nhân đầu tiên nơi phụ nữ.
Theo Bộ Y tế, hiện có hơn 500.000 người phải sống với hậu quả của đột quỵ ở Pháp. Hơn một nửa số ca đột quỵ là những người từ 75 tuổi trở lên. Một phần tư số nạn nhân dưới 65 tuổi và 15% dưới 50 tuổi.
Các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là huyết áp cao, hút thuốc và béo phì.
"Thâu tóm Twitter"
Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất cho vụ "Thâu tóm Twitter", phân tích sự kiện rốt cuộc nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk, chủ nhân của Tesla và SpaceX đã chính thức hóa việc mua lại Twitter với giá 44 tỷ đô la.
Sau nhiều tháng lộn xộn, nhà tỷ phú này đã loan báo việc mua qua một dòng tin ngắn vào hôm qua, một ngày trước thời hạn mà tư pháp Mỹ đưa ra. Elon Musk đã gửi một thông điệp đến các nhà quảng cáo để làm rõ ý định của mình.
Les Echos tự hỏi đây là một "kết cuộc có hậu" hay sự mở đầu cho sự cáo chung của Twitter dưới dạng thức hiện tại. Trong thông điệp vài dòng, ông chủ mới của Twitter khẳng định sở dĩ ông mua mạng xã hội này, đó là vì điều quan trọng đối với tương lai của nền văn minh là có một nơi công cộng để trao đổi trực tuyến, nơi nhiều ý kiến có thể tranh luận một cách lành mạnh, không dùng đến bạo lực.
Trọng Nghĩa
Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, dù thế giới đang ở thời điểm mùa đông khắc nghiệt với số ca nhiễm và tử vong tăng cao trở lại bởi đại dịch Covid-19 nhưng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vẫn diễn ra sau hơn một năm bị trì hoãn. Những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng của các nhà khoa học, đặc biệt là bản báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu được công bố chỉ gần ba tháng trước khi COP26 diễn ra đã thu hút nhiều sự chú ý. Bản báo cáo cho thấy mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris COP21 khó có thể đạt được vì phần lớn các nước đã không thực hiện được cam kết, điều này đưa đến hậu quả lớn là trái đất sẽ nóng hơn mức 1,5°C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ, mức nhiệt nóng lên nếu bị vượt qua, sẽ đưa đến những thảm họa chưa từng có cho con người.
Những cảnh báo về biến đổi khí hậu dường như vẫn còn mơ hồ đối với phần lớn người dân các nước, trong đó có Việt Nam, một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều người đọc qua các bài viết về môi trường, biến đổi khí hậu đã chỉ để lại những nhận xét với thái độ bàng quang, thậm chí phủ nhận vai trò của con người đối với biến đổi khí hậu. Hội nghị COP26 và những diễn biến của nó cho thấy, biến đổi khí hậu và môi trường đã là vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng nhất của nhân loại, vì vậy, cũng là vấn đề lớn nhất của dân tộc Việt Nam.
Mô hình khí hậu và những cảnh báo
Những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đã có từ cách đây hơn 70 năm, thu hút sự chú ý ngày càng nhiều các nhà khoa học về khí hậu, họ cùng nhau lên tiếng về những hiểm họa của trái đất thông qua các mô hình dự báo. Ngay từ những năm 1970, nhờ sự phát triển của khoa học máy tính, các nhà khoa học đã sử dụng máy tính để mô phỏng các mô hình khí hậu được xây dựng từ các phương trình khoa học phức tạp. Những mô hình này đã dự báo chính xác trong 50 năm qua về sự ấm lên của trái đất (1), và hiện nay ngày càng đạt đến độ chính xác cao hơn nhờ các máy tính có công nghệ tinh vi hơn.
Các mô hình khí hậu trước đó đã mô phỏng rằng, nếu trái đất nóng lên tới một ngưỡng nhiệt độ tầm 2°C cao hơn so với thời tiền kỹ nghệ (giữa thế kỷ 19) thì khí hậu sẽ tích lũy những thay đổi đủ lớn mà từ đó, sẽ làm khí hậu thay đổi vĩnh viễn theo hướng tiêu cực và không thể trở lại trạng thái cũ. Ví dụ, chỉ cần rừng Amazon bị phá hủy từ 20-40% cùng nền nhiệt độ đang tăng lên như hiện nay thì diện tích rừng Amazon sẽ bắt đầu quá trình suy giảm do hạn hán, cháy rừng và từ đó sẽ biến mất (rừng Amazon đã bị đốn hạ 17% kể từ năm 1970) (2). Các nhà khoa học gọi đây là những điểm bùng phát. Có đến 37 điểm bùng phát được phát hiện và điều đáng lo ngại là khi một điểm bùng phát xảy ra thì sẽ là điều kiện để kéo theo những điểm bùng phát khác bị vượt qua, như một hiệu ứng domino.
Trong các báo cáo mới nhất, các nhà khoa học đã khẩn thiết kêu gọi đưa mục tiêu về mức chênh lệch nhiệt độ so với thời kỳ tiền kỹ nghệ là 1,5°C để hạn chế ít nhất hậu quả của các điểm bùng phát này.
Bề mặt trái đất nóng lên gây ra những hiện tượng mà với hệ quả của nó, sẽ khiến cho trái đất tiếp tục nóng lên theo vòng lặp lại. Nhiệt độ bề mặt tăng khiến băng tan cả ở hai cực của trái đất, băng tan làm giảm diện tích bề mặt băng (nơi phản chiếu ngược lại ánh sáng mặt trời) đã làm tăng khả năng hấp thụ nhiệt và khiến quá trình băng tan diễn ra nhanh hơn.
Với hơn 70% diện tích bề mặt trái đất, đại dương là nơi hấp thụ nhiều nhiệt nhất từ ánh sáng mặt trời, vì vậy cùng với việc trái đất ấm lên, sự giãn nở nước bởi nhiệt độ tăng đã góp phần vào quá trình nước biển dâng.
Bề mặt trái đất ấm hơn khiến lượng nước bề mặt đại dương bốc hơi nhiều hơn làm lượng hơi nước tăng lên khi đi vào và ra khỏi bầu khí quyển (vòng tuần hoàn nước trong khí quyển). Điều này đưa đến một hiện tượng mà các nhà khoa học đã kết luận là “những vùng ẩm ướt dần ẩm hơn và những vùng khô hạn dần khô hơn”. Hiện tượng đó cũng làm thay đổi cường độ mưa khiến một lượng mưa trong năm thay vì trút xuống làm nhiều đợt với cường độ thấp, thì nay trút xuống với lượng mưa rất lớn chỉ trong vài đợt mưa. Hệ quả của nó là gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa so với nhiều năm trước, và cũng gây ra tình trạng hạn hán khắc nghiệt ở các thời điểm mùa khô còn lại trong năm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt lịch sử ở Châu Âu hồi giữa năm 2021 và những năm gần đây ở Trung Quốc; cháy rừng khắp nơi trên thế giới, nắng nóng bất thường và hỏa hoạn ngày càng tăng ở Bắc Mỹ… đã chỉ là những biểu hiện dễ thấy nhất của biến đổi khí hậu, những hậu quả thảm khốc và khó lường hơn đang ở phía trước.
Băng tan ở hai cực của trái đất khiến mực nước biển ngày càng dân cao. Điều này ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người sống ở các vùng ven biển.
Nhân loại đã thức tỉnh ?
Trong hơn 1000 năm qua, sự thay đổi nhiệt độ của bề mặt trái đất chỉ dao động trong khoảng 1°C, điều này đã giúp khí hậu ổn định và tạo điều kiện cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 250 năm qua, trái đất đã ấm hơn 1°C do quá trình phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Với lượng khí hiện đã được thải ra trong bầu khí quyển, thì cho dù ngay lúc này đây, chúng ta dừng ngay lập tức quá trình xả thải thì trái đất vẫn sẽ tiếp tục nóng lên trong hàng chục năm tới, nước ở các đại dương sẽ tiếp tục giãn nở, các dải băng vẫn sẽ tiếp tục tan, vì vậy nước biển sẽ vẫn tiếp tục dâng lên trong hàng trăm năm tới. Kể từ năm 1901, mực nước biển đã dâng 19cm với trung bình mỗi năm tăng 1,7mm, tuy nhiên chỉ trong giai đoạn ngắn 10 năm từ 2007 đến 2016 thì trung bình mỗi năm mực nước biển đã dâng xấp xỉ 4mm. Điều này cho thấy nước biển dâng với tốc độ ngày càng nhanh. Biến đổi khí hậu do con người gây ra, đã làm thay đổi vĩnh viễn khí hậu trái đất theo hướng tiêu cực.
Hội nghị COP26 dù kết thúc với sự đồng thuận cùng cam kết mạnh mẽ hơn từ các nước, nhưng so với những gì mà giới khoa học kỳ vọng thì những gì đạt được của COP26 vẫn chưa đủ. Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 36% tổng lượng phát thải khí nhà kính đã trì hoãn mốc thời gian cam kết giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Nỗ lực chung của Hội nghị vấp phải những trở ngại đến từ các nước có chế độ độc tài và các lãnh đạo dân túy, nguyên thủ các nước này, trong đó có nguyên thủ hai nước lớn là Trung Quốc và Nga đã không tham dự COP26 vì nhiều lý do. Đứng trước mối nguy lớn nhất của nhân loại, giờ đây chúng ta cần phải xem nỗ lực chống biến đổi khí hậu cần phải song hành với nỗ lực chống lại các chế độ độc tài và lực lượng dân túy. Bởi họ đã luôn thể hiện sự xem nhẹ, thậm chí chống đối nỗ lực bảo vệ môi trường và khí hậu: Donald Trump, tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; thủ tướng Scott Morrison của Úc từ chối cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để duy trì xuất khẩu than đá; Tổng thống Jair Bolsonaro của Brasil là người phải chịu trách nhiệm cho việc rừng Amazon bị tàn phá đến mức báo động...
Những hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cần phải có những khoản tài chính rất lớn và nỗ lực đến từ một chính quyền lương thiện có dự án chính trị cho đất nước để khắc phục. Việt Nam hiện không có cả hai và đang là quốc gia đứng hàng thứ 6 bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Theo một đánh giá, có đến hơn 74% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các tác động của khí hậu, những nhóm người nghèo thiếu khả năng hồi phục sau ảnh hưởng, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do các điều kiện về môi sinh và khả năng tiếp cận y tế.
Người dân và đặc biệt là trí thức cần phải thức tỉnh và quan tâm nhiều hơn đến môi trường và khí hậu. Việt Nam đã tụt hậu xa so với thế giới về mọi mặt, giờ đây, nếu không kịp thời nhận diện nguy cơ lớn nhất của nhân loại đồng thời cũng là nguy cơ lớn nhất cho dân tộc, chúng ta không những có nguy cơ mất nước trên thực tế, mà sẽ không còn gì để nói với nhau. Chế độ cộng sản đã chứng tỏ họ không phải là giải pháp, ngược lại còn là nguyên nhân cho mọi sai lầm. Dân chủ hóa đất nước là giải pháp bắt buộc để có thể nghĩ đến những thay đổi tích cực.
Dân chủ hóa đất nước là giải pháp bắt buộc để có thể nghĩ đến những thay đổi tích cực.
Câu hỏi sống còn
Biến đổi khí hậu ngoài những tác động trong hệ thống khí hậu (khí quyển, đất liền và đại dương, sinh vật…) và hoạt động phát thải khí nhà kính của con người, còn bị tác động bởi các hoạt động địa chất (phun trào núi lửa, đứt gãy các tầng địa chất gây ra động đất) và quá trình thoát ly các khí nhà kính như CO2 và Metan từ đáy đại dương - nơi lưu giữ phần lớn các loại khí này. Trái đất với sự phức tạp và nhiều bí ẩn chưa được khám phá đã là nơi chứa đựng những thách thức lớn cho con người, trong hoàn cảnh tốt hơn nếu chúng ta không gây nên hiện tượng trái đất ấm lên thì quá trình thích nghi với môi trường sống trên trái đất cũng đã là một cố gắng lớn.
Sự phát triển của công nghệ dù đã đạt được những thành tựu lớn nhưng những ứng dụng của nó trong khắc phục hậu quả về môi trường và biến đổi khí hậu còn khiêm tốn so với thách thức đặt ra. Những mô hình khí hậu dĩ nhiên là không thể chính xác tuyệt đối nhưng với những dự đoán ngày càng sáng tỏ hơn về những hậu quả mà con người phải đối mặt, nó đủ để giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những hành động nhằm cải thiện môi trường khí hậu trong tương lai.
Khoảng 70% quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015) không thực hiện đủ cam kết. Để thực hiện được mục tiêu của các cam kết này, các quốc gia phải giảm lượng phát thải gấp 5 lần thực tế hiện nay trong thập kỷ 2020 - 2030. Hậu quả đang diễn ra của biến đổi khí hậu, cùng những dự báo bi quan cho thấy chúng ta sẽ chậm trễ trong việc ngăn chặn thảm họa nếu không sớm đạt được cam kết mạnh mẽ hơn. Tổng mức tài chính 100 tỷ USD của các quốc gia giàu có để hỗ trợ cho các nước nghèo giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn là con số nhỏ, so với tổng chi cho quốc phòng 2.000 tỷ USD hàng năm của các nước. Trước tình cảnh nguy khốn này, thế giới thay vì tiếp tục đổ tiền vào các mục đích chống lại lẫn nhau thì hãy dành số tiền đó để đầu tư vào các giải pháp công nghệ về môi trường, khí hậu.
Trong lúc cả thế giới vẫn chưa có đủ sự quyết tâm và ý chí chính trị, trái đất vẫn sẽ tiếp tục nóng lên và những hậu quả từ đó vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, điều chúng ta cần làm ngay lúc này là đối mặt với một câu hỏi lớn : Thế hệ mai sau, nhân loại sẽ tiếp tục phát huy nền văn minh hay chỉ chật vật để duy trì sự sống ?
Kỷ Nguyên
(12/12/2021)
----------------------------
(1) Warren Cornwall, "Even 50-year-old climate models correctly predicted global warming", Science, 04/12/2021
(2) Timothy M. Lenton , Johan Rockström , Owen Gaffney , Stefan Rahmstorf , Katherine Richardson , Will Steffen & Hans Joachim Schellnhuber, "Climate tipping points - too risky to bet against", Nature, 27/11/2021
--------------------
* Bài viết sử dụng thêm các số liệu từ các trang :
- https://climatescience.org/
- https://www.unicef.org/
Việt Nam có một bờ biển trải dài hơn 3.000km được xem là một trong những nước có lợi thế lớn cho phát triển ngư nghiệp, du lịch, thương mại quốc tế, dịch vụ thương cảng và tin học. Với vị trí địa lý đặc thù và thềm lục địa trải dài theo Biển Đông, Việt Nam nằm trên con đường hàng hải nhộn nhịp về lưu lượng hàng hóa và tàu thuyền qua lại của thế giới. Tuy vậy cho đến nay, nước ta chưa bao giờ là một cường quốc biển và đang tụt hậu về mọi mặt. Những người quan tâm đến hiện tình đất nước đều đồng ý rằng nước ta có lợi thế về bờ biển, nhưng lợi thế đó đang biến mất.
Thay vì phát huy, chúng ta đang hủy hoại bờ biển
Một thực trạng nhức nhối hiện nay đang diễn ra là dọc các bờ biển trải dài từ bắc vào nam, ra tới các hòn đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, hàng loạt các công trình và dự án bất động sản được xây dựng vô tội vạ. Không khó để có thể thấy, dường như các tỉnh thành có bờ biển thu hút khách du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng cho đến Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Quốc và nhiều nơi khác đều xuất hiện dày đặc các dự án bất động sản. Tình trạng chung của những nơi này là quy hoạch bất chấp cảnh quan và môi trường, có nhiều lý do được đưa ra : từ thay đổi diện mạo đô thị cho đến nhu cầu phát triển du lịch. Tuy nhiên, đa số các dự án đó đều có chung một vấn đề : tìm cách tránh né Báo cáo tác động môi trường.
Tình trạng xả thải thẳng ra biển là một vấn nạn cần được chấm dứt tại Việt Nam. Ảnh minh họa Chất thải ô nhiễm đổ ra vịnh Nha Trang vào tháng 5/2019
Những công trình lớn mọc lên, kéo theo đó là quá trình xây dựng đòi hỏi hoạt động khoan sâu vào tầng địa chất để lấy nước từ hệ thống nước ngầm phục vụ cho quá trình xây dựng. Chưa dừng lại ở đó, phần lớn hệ thống các khách sạn và công trình này trong quá trình vận hành phục vụ khách đều sử dụng nguồn nước từ khai thác nước ngầm trong lòng đất. Sự việc cuối năm 2015, Chi nhánh cấp nước quận Sơn Trà (quận có nhiều khách sạn dọc bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng) phản ánh tình trạng khai thác trái phép nguồn nước ngầm của các khách sạn ở đây cho thấy một bất cập tai hại từ vấn đề quy hoạch thiếu tầm nhìn, cho đến quản lý hạ tầng và tài nguyên lòng đất (1).
Quá trình xây dựng, bê tông hóa và hoạt động khai thác trái phép nguồn nước ngầm khiến thềm bờ biển (gần nơi các khách sạn được xây dựng) ngày càng yếu đi và lún xuống so với mực nước biển, bên cạnh đó tác động của các yếu tố tự nhiên như sóng biển, dòng chảy ngầm trở lại của sóng biển khiến quá trình xâm thực của biển diễn ra nhanh hơn và làm bãi biển hẹp lại. Nhiều nơi đã hoàn toàn mất bờ biển hoặc chỉ còn một phần nhỏ không đáng kể như Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận), thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam). Những nơi khác, bãi biển không những đang bị xâm thực nghiêm trọng mà còn bị lấn chiếm cho các dự án bất động sản lấn biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.
Một điều nghiêm trọng nữa là bờ biển thay vì được bảo vệ thì lại là nơi để các tập đoàn hóa chất luyện kim như Fomosa ở Hà Tĩnh đổ các loại chất thải không thể phân hủy với khối lượng vô cùng lớn, thậm chí rác công nghiệp cũng được đem ra biển chôn làm ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các dự án nhiệt điện than đang hoạt động và được cấp phép sẽ tiếp tục là những nguồn thải ô nhiễm cả trong không khí lẫn nguồn nước khi thải ra biển. Các hoạt động khai thác khoáng sản và nuôi trồng thủy hải sản như nuôi tôm mọc lên khắp nơi, không theo một quy hoạch khoa học nào cũng như thiếu hệ thống xử lý nước thải cũng là nguồn xả thải đáng kể vào biển.
Nhà máy thép Formosa đã thải thẳng chất độc hại ra biển bằng một đường ống dài dưới biển. Dân Trí o,mine, 22/11/2017
Những thảm họa đối với môi trường biển ở trên, phản ánh một chính quyền thiển cận hoàn toàn không hề ưu tư cho vấn đề môi trường sống, trong đó có môi trường biển. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức chính trị duy nhất có dự án cho đất nước đã nhận định về tình cảnh bi đát của bờ biển Việt Nam : "Chúng ta có một bờ biển dài và một đại dương hiền hậu, nhưng biển cả hầu như không có một tiếng gọi nào với chúng ta cả. Chúng ta đã thiếu hẳn quyết tâm chinh phục và tận dụng đại dương. Chúng ta không có kỹ thuật đóng tàu và đi biển, không có đội thương thuyền, không có những nhà hải hành lớn. Cho tới gần đây chúng ta đã chỉ sống với đất như một dân tộc lục địa" (2).
Điều đáng lo nhất là trong lúc chúng ta chưa kịp thay đổi để "quyết tâm chinh phục và tận dụng đại dương" thì một tai họa vô cùng lớn đã và đang ập tới.
Biến đổi khí hậu và nguy cơ mất hoàn toàn bờ biển
Hội nghị khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Anh vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua với sự tham gia của đại diện hơn 200 quốc gia cho thấy tầm quan trọng và mức độ nguy cấp của biến đổi khí hậu. Tình hình đáng báo động với nhận định, COP26 là cơ hội cuối cùng để thế giới đạt một đồng thuận chung về nỗ lực khống chế hiện tượng ấm lên toàn cầu - nguyên nhân gây ra hiện tượng nước biển dâng.
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các thảm họa từ quá trình này. Ở những vùng đồng bằng có các đô thị lớn tập trung đông dân như Sài Gòn thì hoạt động khai thác nguồn nước ngầm cũng đưa đến một thách thức lớn về sụt lún mặt đất, quá trình này còn diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng.
"Theo một nghiên cứu, vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể chìm xuống biển. Hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập. Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất" (3).
Viễn cảnh về một thảm họa như vậy giờ đây không còn xa nữa khi những tác động ban đầu của biến đổi khí hậu đối với các vùng ven biển nước ta đã rất nặng nề. Tình trạng ngập úng xuất hiện thường xuyên hơn dù chỉ trải qua những đợt mưa nhỏ, lũ lụt lên nhanh hơn và gây thiệt hại ngày càng lớn hơn cả nhân mạng lẫn kinh tế.
Bờ biển ngày càng hẹp đi trong khi lòng biển ngày càng trở nên ô nhiễm. Các rạn san hô, nơi cư trú của hơn 600 loài cá biển ở Việt Nam đang dần biến mất, các nhà hoạt động và tổ chức bảo vệ san hô chỉ là những tiếng kêu yếu thế bên cạnh những hoạt động xả thải thô bạo của các nhà máy bất lương được bảo kê bởi chính quyền địa phương. Tình trạng cá chết hàng loạt, người dân ở các vùng ven biển ô nhiễm mắc các chứng bệnh ung thư đã trở thành chuyện bình thường. Người dân đang là nạn nhân trực tiếp, thường xuyên và chịu những gánh nặng cả về kinh tế lẫn sức khỏe cho những sai lầm về hủy hoại môi trường biển.
Trong hoàn cảnh tệ hại đó, một điều may mắn và cũng là hy vọng cho Việt Nam là hội nghị COP26 sẽ kết thúc với sự cam kết mạnh mẽ của các nước tiên tiến (dẫn đầu là Pháp) cho gói tài chính hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển, chuyển đổi sang khai thác và sử dụng các loại năng lượng sạch nhằm giảm phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Nếu chính quyền nhận thức được tầm quan trọng của môi trường và tận dụng tốt thì đây sẽ là cơ hội để nước ta không những cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp một phần tích cực vào mục tiêu kìm hãm sự nóng lên của trái đất.
Kỷ Nguyên
(14/11/2021)
(1) Mai Trang, "Khuất tất trong sử dụng nước ở khách sạn", Báo Đà Nẵng online, 11/05/5015
(2) Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương V : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, 2015
(3) Việt Hoàng, "Biến đổi khí hậu nguy hiểm đến cỡ nào ?", Thông Luận, 03/11/2021
Những thông điệp mới của tổng thống Pháp về chính sách Covid, về kinh tế… trong bài diễn văn tối hôm qua, là chủ đề chính của báo Pháp hôm 10/11/2021. Đây là bài diễn văn lần thứ 9 của tổng thống Macron kể từ đầu đại dịch Covid. Thương lượng căng thẳng tại Hội nghị Khí hậu lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow, Anh Quốc, đang bước vào những ngày cuối là một chủ đề trọng tâm khác.
111111111111111111111
Thủ tướng đảo quốc Barbade, bà Mia Amor Mottley, tại COP26, Glasgow, ngày 08/11/2021, lên án các nước giàu "bỏ quên" 20% đến 30% nhân loại phải gánh chịu các "tổn thất không thể vãn hồi" do biến đổi khí hậu. Paul Ellis AFP
Về khí hậu, Le Monde chạy trang nhất hàng tựa : "Các nước đang phát triển yêu cầu trợ giúp để đối mặt với biến đổi khí hậu". Le Monde nhấn mạnh đến "các thương lượng căng thẳng về vấn đề tài trợ khắc phục các tổn thất". Đầu tư tài chính để cắt giảm khí thải, để thích ứng với biến đổi khí hậu và đền bù các tổn thất "không thể đảo ngược" do biến đổi khí hậu là ba mảng đầu tư chủ yếu được ghi nhận trong Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Tuy nhiên mảng thứ ba, mảng đền bù các tổn thất "không thể vãn hồi", đã và đang bị gạt sang bên lề.
Hôm 08/11, thủ tướng Barbade, đảo quốc vùng Vịnh Caribbean, bà Mia Mottley lên án việc các nước giàu đang nhắm mắt trước việc có đến "20% hoặc 30% nhân loại đang sống tại các khu vực tuyến đầu mà biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây các tổn thất không thể vãn hồi". Tất cả các quốc gia đều chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng tổn thất do bão lũ, nước biển dâng cao, khô hạn… đối với các nước kém phát triển nhất là lớn hơn cả. Theo một ước tính, tổn thất chỉ riêng đối với các nước đang phát triển đã là khoảng 290 đến 580 tỉ đô la/năm, từ đây đến 2030, và 1.700 tỉ đô la/năm đến 2050.
Các nước nghèo, các nước đang phát triển coi đây là một "bất công" lớn và kêu gọi các nước giàu thể hiện "tinh thần đoàn kết" hơn. Bà Lola Vallejo, phụ trách mảng Khí hậu của Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế (IDDRI) của Pháp, thừa nhận đây là một đòi hỏi chính đáng về mọi mặt, từ mặt đạo lý, chính trị, đến khoa học, tuy nhiên, hồ sơ này đã "không hề tiến triển".
Theo Le Monde, các nước đang phát triển – được các tổ chức phi chính phủ hậu thuẫn - trong mỗi lần phát biểu đã liên tục đòi hỏi "xác lập một cơ chế tài chính đặc biệt giúp đối phó với các tổn thất, thiệt hại". Nỗ lực này đã bị ngăn chặn chủ yếu từ phía Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Một nhà ngoại giao Châu Âu giải thích, đây là một chủ đề "rất nhạy cảm", các nước giàu nhìn chung không chấp nhận tách chủ đề này thành một mảng riêng, mà muốn gắn liền vấn đề tài trợ cho việc "đền bù tổn thất" với việc tài trợ để "thích ứng" với biến đổi khí hậu. Các nước phát triển, chịu trách nhiệm về mặt lịch sử về biến đổi khí hậu "sợ rằng việc thừa nhận các tổn thất sẽ mở ra con đường cho các khiếu nại về pháp lý, và yêu cầu bồi thường tài chính". Khởi đầu COP26, hai đảo quốc Antigua-và-Barbuda (Vịnh Caribbean) và Tuvalu (Thái Bình Dương) đã tuyên bố tìm kiếm "các khả năng pháp lý" để kiện các nước phát thải lớn.
Việc đầu tư thêm tiền cho việc đền bù tổn thất có vẻ như là bất khả, trong bối cảnh cho đến nay, các nước giàu vẫn còn chưa thực hiện được khoản cam kết 100 tỉ đô la/năm mà các nước giàu, cho việc cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Le Monde cũng ghi nhận một vài tia sáng. Tại COP26 này, Scotland trở thành "vùng lãnh thổ giàu có đầu tiên" chính thức đầu tư tiền cho các tổn thất vì biến đổi khí hậu (số tiền tương đương 1,17 triệu euro). Với bà Franny Petitbon, phụ trách về khí hậu của Care France, số tiền nói trên chỉ là "một giọt nước so với các nhu cầu, nhưng điều quan trọng là hành động này đã phá vỡ một húy kỵ".
Thành bại của COP26 : Luxembourg và Jamaica được chỉ định tìm thỏa hiệp
Trước áp lực của các nước đang phát triển, ngày 08/11, chủ tịch COP26 đã chỉ định hai quốc gia – Luxembourg (đại diện cho khối các nước giàu) và Jamaica (đại diện cho các nước nghèo), phụ trách tìm ra các thỏa hiệp trong hồ sơ gai góc này. Nhà nghiên cứu Zoha Shawoo, Viện Môi trường Thụy Điển (Stockholm Environment Institute), cảnh báo : "Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, chính chủ đề này sẽ quyết định COP26 là thành công hay thất bại, cũng như có thể tác động đến tính chính đáng của các thương lượng về khí hậu nói chung".
Vấn đề "các tổn thất không thể vãn hồi" do biến đổi khí hậu làm COP26 chao đảo cũng là một hồ sơ chính của nhật báo công giáo La Croix. Đặc phái viên của La Croix tại Glasgow, nơi diễn ra COP26, cũng ghi nhận việc công nhận hay không "các tổn thất không thể vãn hồi" là một trong các tiêu chí chủ yếu quyết định thành bại của COP26. La Croix cho biết, chuyên gia về đền bù tổn thất do khí hậu, ông Harjeet Singh (Climate Action Network), đã có mặt tại Glasgow cách đây ít ngày để tìm cách thúc đẩy cơ chế Warzawa, được lập ra để thực thi điều 8 về Tổn thất do biến đổi khí hậu của Hiệp định Khí hậu Paris. Chuyên gia Harjeet Singh tố cáo thái độ "hoang tưởng" của các nước giàu, lo sợ bị đòi hỏi đền bù các tổn thất do lượng khí thải đã gây ra trong lịch sử. Bà Laurence Tubiana, một trong các kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris hy vọng các nước giàu thể hiện "tinh thần đoàn kết", trước khi bị các nước dễ tổn thương nhất kiện.
Về khí hậu, nhật báo kinh tế Les Echos cũng lên án thái độ đạo đức giả của các nước giàu. Les Echos giới thiệu trên trang nhất bài: "COP26 : Chấm dứt thái độ đạo đức giả của phương Tây". Mở đầu bài phân tích, kinh tế gia Jean-Marc Daniel (giáo sư danh dự của trường ESCP) tố cáo lãnh đạo các nước giàu đưa ra nhiều cam kết cắt giảm khí thải CO2, nhưng có rất nhiều khả năng họ sẽ không giữ lời.
Kinh tế gia Pháp kêu gọi các nước có các chính sách chống biến đổi khí hậu thực sự, đặc biệt với việc xác lập thuế carbon. Kinh tế gia Jean-Marc Daniel lấy ngay hành động của thủ tướng Anh Boris Johnson làm ví dụ, một mặt hô hào hành động vì khí hậu, mặt khác sử dụng máy bay để từ Glasgow trở về Luân Đôn (tao nhiều khí thải), chứ không phải bằng tàu hòa.
Theo kinh tế gia Pháp, để hành động một cách thực chất, chính quyền các nước cần tăng mạnh thuế carbon đánh vào các năng lượng hóa thạch, và ngược lại, giảm các loại thuế khác để việc tăng thuế nói trên được xã hội chấp nhận. Song song vào đó là việc khuyến khích các cách tân, cải tiến kỹ thuật, công nghệ giúp cho việc chuyển qua nền kinh tế xanh, thông qua việc giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Về các thương thuyết liên quan đến thuế carbon tại COP26, theo Les Echos, đặc phái viên Khí hậu Mỹ, John Kerry cho biết hy vọng có một thỏa thuận về các quy tắc vận hành thị trường carbon, nhưng chủ tịch COP Alok Sharma tỏ ra không lạc quan với nhận định thương thuyết về chủ đề này đang trở nên khó khăn hơn nhiều "trong những giờ gần đây" với việc thêm nhiều yêu sách từ phía các nước nghèo. Theo Les Echos, các nước đang phát triển đã thống nhất quan điểm, yêu cầu các nước giàu chi trung bình ít nhất 1.300 tỉ đô la/năm cho khí hậu, kể từ 2030. Một nửa số tiền sẽ dành để giảm khí thải, nửa còn lại dành cho thích nghi với biến đổi khí hậu.
1.300 tỉ đô la chắc chắn là một khoản tiền khổng lồ. Nhưng báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc (GIEC) mới đây cũng chỉ ra là, nếu mức tăng nhiệt độ 1,5°C bị vượt qua vào năm 2030, các thảm họa do biến đổi khí hậu sẽ là khủng khiếp. Chỉ riêng một cơn bão lớn năm 2019 đã khiến GDP của Mozambic (quốc gia Châu Phi) sụt giảm 25%.
Về diễn văn tối hôm qua của tổng thống Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến ba điểm chính "Covid, việc làm, hạt nhân". Về Covid, giấy chứng nhận y tế sẽ tiếp tục được áp dụng từ 15/12 tới, với đối tượng đặc biệt được chú ý là người hơn 65 tuổi, bắt buộc tiêm liều nhắc lại thứ ba, và khoảng 6 triệu người Pháp hiện chưa tiêm chủng (Les Echos ghi nhận việc tổng thống gần như đã khẩn nài số người này đi tiêm). Điểm được Les Echos nhấn mạnh trong bài diễn văn là chủ trương xây thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân mới, cùng với tự bỏ kế hoạch cải cách hưu trí trong phần còn lại ít tháng của nhiệm kỳ tổng thống.
Xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân mới cùng lúc với việc phát triển các năng lượng tái tạo là chủ trương của tổng thống Pháp. Tổng thống Pháp nhấn mạnh là "việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân nằm trong chủ trương chung đẩy mạnh việc cắt giảm năng lượng hóa thạch". Theo Les Echos, tổng thống Pháp hy vọng là chủ trương gắn liền điện hạt nhân với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ được người dân Pháp hưởng ứng, bởi khí hậu đang là một trong những quan tâm hàng đầu của người Pháp.
Về dự án cải cách hưu trí, được coi là cam kết tranh cử chính của ông Macron, tổng thống Pháp cho biết là hồ sơ này sẽ được tiếp tục xem xét sau cuộc bầu cử năm tới, với hai điều kiện, một là tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thứ hai là nền kinh tế phục hồi trở lại. Ông Macron cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc làm việc lâu hơn, về hưu muộn hơn. Bài diễn văn hôm qua cũng là dịp để tổng thống Macron khẳng định các kết quả về kinh tế, và đặc biệt là số lượng người thất nghiệp giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.
Về diễn văn của tổng thống Macron, trang nhất Le Figaro chú ý đến việc "Macron mở đường cho việc tiêm chủng liều thứ ba bắt buộc". Cũng như Les Echos, Le Figaro dáng dấp của "một diễn văn tranh cử" trong bài nói chuyện long trọng của tổng thống với người dân Pháp. Xử trí tốt cuộc khủng hoảng Covid để chủ động hơn trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp đến là ghi nhận chung của Le Figaro. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc tổng thống Pháp khẳng định rõ đường lối ngả sang hữu trong chiến lược tranh cử 2022, với trọng tâm là bảo vệ giá trị của việc làm và năng lượng hạt nhân.
Le Figaro có bài xã luận "Chính trị ra khỏi phong tỏa", nhấn mạnh đến không khí xã hội nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, sự kiện quan trọng của đời sống chính trị nước Pháp, một quốc gia dân chủ. Theo Le Figaro, có một tin vui, đó là "chính trị, thứ chính trị thực sự, đã lấy lại vị thế. Tối thứ Hai, hàng trăm nghìn người Pháp đã theo dõi phần trình bày cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên tổng thống sơ bộ đảng Những Người Cộng Hòa (LR). Ngày hôm qua, nguyên thủ Pháp, như thể nối tiếp cuộc thảo luận nói trên, đã hoãn lại một cuộc cải cách hưu trí, thay vào đó là một phát biểu ca ngợi lao động và cổ vũ rõ ràng cho năng lượng hạt nhân". Le Figaro vui mừng : "Không thể phủ nhận được là, mùa thu này, gió đang thổi về cánh hữu".
Diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron cũng là chủ đề chính của nhật báo thiên tả Libération, ra số kép. Trang nhất Libération chạy tựa : "2022 Macron kêu gọi tiêm chủng nhắc lại. Bốn tháng sau bài diễn văn trước, tối hôm qua, ông Macron tuyên bố tiếp tục chiến dịch tiêm chủng, trước khi dành nhiều thời gian để bảo vệ thành quả. Một cách để dành thế chủ động trong cuộc tranh cử tổng thống". Nhật báo thiên tả có bài xã luận nhan đề "Trong trang phục của nhà cải cách", nhấn mạnh nhiều hơn đến các thách thức lớn đang chờ đợi tổng thống, trong bối cảnh dịch bệnh dự kiến sẽ kéo dài suốt thời gian tranh cử.
Báo La Croix hôm nay dành chủ đề trang nhất để chuyển tải báo động của tổ chức từ thiện, Quỹ mang tên tu sĩ Abbé Pierre, về tình trạng một phần năm người Pháp không có đủ phương tiện sưởi ấm mùa đông năm nay. Nhân Ngày toàn quốc về tình trạng bấp bênh về năng lượng được tổ chức lần đầu tiên hôm nay, La Croix có bài xã luận "Trợ giúp bền vững" nhấn mạnh đến việc cần phải có các biện pháp hiệu quả hơn để bảo đảm việc sưởi ấm cho cả chục triệu người Pháp khi giá cả năng lượng tăng mạnh, trong bối cảnh thuế đánh vào các năng lượng hóa thạch tăng, để phục vụ cho mục tiêu chuyển sang kinh tế xanh.
Trọng Thành
Trọng Nghĩa, RFI, 03/11/2021
Tại hội nghị COP26, vào lúc cả thế giới đang cố tìm cách cứu hành tinh khỏi thảm họa khí hậu được cho là tất yếu nếu các nước không nhanh chóng giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, Trung Quốc, nước thải khí nhiều nhất hiện nay, đã bị tố cáo là chỉ hứa suông, thâm chí việc làm thực tế lại đi ngược với những cam kết.
Ảnh chụp từ trên không mỏ than lộ thiên tại Ejin Horo Banner, Ordos, Vùng tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 19/10/2021 via Reuters – China Daily
Như tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 02/11/2021 đã nhấn mạnh, việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không đích thân đến dự hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow là một bằng chứng cho thấy thái độ thiếu quan tâm đến nhu cầu chống biến đổi khí hậu. Với việc chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến Glasgow, dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ không thể đưa ra được những cam kết giảm khí thải nào mới, so với những gì đã đề nghị trước đây, những đề nghị vốn đã vấp phải những phản ứng hoài nghi.
Chủ tịch Trung Quốc quả thực là đã có lời phát biểu tại hội nghị, thông qua một văn bản viết gởi đến COP26, nhưng theo giới phân tích, đây là một thông điệp ngắn ngủi và mơ hồ, với cam kết chung chung là "đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và ít các-bon, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, quy hoạch và xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời lớn".
Điều mà thế giới quan tâm nhất nhân hội nghị COP26 là chiều hướng Trung Quốc giảm bớt việc dùng than trong sản xuất năng lượng, thế nhưng trong bài viết của mình ông Tập chỉ đề cập đến nguyên liệu này than một lần duy nhất.
Trước đó, trong phát biểu trực tuyến với Thượng Đỉnh G20 tại Roma, lãnh đạo Trung Quốc đã khoe rằng "trong 10 năm qua, Trung Quốc đã loại bỏ 120 triệu kilowatt điện than do các cơ sở sản xuất lỗi thời làm ra". Và cũng trong một diễn văn trực tuyến trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 2020, ông đã khẳng định Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia không carbon vào năm 2060, và cam kết là Bắc Kinh sẽ không xây dựng các dự án điện than mới ở nước ngoài.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là lời nói và hành động của Trung Quốc không khớp với nhau.
Trên vấn đề giảm bớt sử dụng than, đúng vào lúc thế giới đang vất vả tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, hãng tin Pháp AFP vào hôm qua 02/11/2021 đã ghi nhận thực tế là Trung Quốc đã quyết định tăng mức sản xuất than thêm hơn 1 triệu tấn mỗi ngày để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Nhật báo Mỹ The New York Times đưa tin chi tiết hơn : "Trung Quốc đang mở rộng các mỏ để sản xuất thêm 220 triệu tấn than mỗi năm, tăng gần 6% so với năm ngoái". Các hoạt động khai thác than lớn và nhỏ đang được hồi sinh trên khắp vùng Nội Mông và Thiểm Tây, nơi có khoảng 170 mỏ được lệnh tăng công suất.
Trên vấn đề chấm dứt xây dựng các nhà máy điện than ở ngoại quốc, một chuyên gia cao cấp về khí hậu và chính sách năng lượng thuộc văn phòng tổ chức sinh thái Green Peace khu vực Đông Á đã tỏ ý nghi ngờ.
Trả lời báo mạng Ấn Độ The Print, nhân vật này cho rằng nếu không có sự tham gia của quốc tế, Trung Quốc sẽ không vội cắt giảm một lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận ở nước ngoài của họ.
Từ khi chính quyền tổng thống Biden quyết định gia nhập trở lại Hiệp Định Khí hậu Paris, Hoa Kỳ đã nhiều lần liên hệ với Trung Quốc để tìm cách kéo Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán về khí hậu. Đặc phái viên khí hậu của tổng thống Biden là ông John Kerry đã đến thăm Trung Quốc hai lần với hy vọng thuyết phục được Bắc Kinh.
Theo các nhà quan sát, nỗ lực của Mỹ không hề được đáp ứng, chuyến thăm của ông Kerry đến Thượng Hải đã thu được rất ít kết quả và chuyến thăm thứ hai đến Thiên Tân bị coi như thất bại, nhất là khi Trung Quốc đã gắn liền hồ sơ khí hậu với những vấn đề khác.
Nhìn chung, sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại Glasgow và sự tập trung mới vào việc dùng than cho thấy Trung Quốc đang làm ngược lại những cam kết về khí hậu táo bạo của họ.
Trọng Nghĩa
*****************
Thanh Phương, RFI, 02/11/2021
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đích thân đến dự hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow. Nếu có mặt ở hội nghị, hôm nay chắc là ông sẽ bị vặn hỏi : Vì sao đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc vẫn cứ gia tăng sản xuất than đá, nguồn năng lượng "bẩn" nhất ?
Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Bao Đầu vùng Nội Mông, Trung Quốc, ngày 31/10/2010. Reuters - David Gray
Theo hãng tin AFP, đúng vào lúc các lãnh đạo thế giới đang nỗ lực tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu để tránh một thảm họa cho hành tinh của chúng ta, Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, lại tăng mức sản xuất than thêm hơn một triệu tấn mỗi ngày.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần dần từ cơn đại dịch Covid-19, cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc đang phải đối đầu với tình trạng giá nguyên liệu tăng vọt, nhất là than đá, chiếm đến 60% các nguồn nghiên liệu cung cấp cho những nhà máy nhiệt điện của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới.
Tình trạng này khiến các nhà máy điện phải hoạt động cầm chừng, trong khi nhu cầu điện năng ở Trung Quốc lại đang tăng cao, khiến chính phủ Bắc Kinh đã buộc khống chế lượng điện tiêu thụ. Giá nguyên liệu tăng cao còn làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Để giảm nhẹ áp lực đó, chính quyền Trung Quốc trong những tuần qua đã cho phép mở lại các mỏ than, một quyết định trái ngược với cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình là nước này sẽ bắt đầu giảm lượng khí phát thải CO2 trước năm 2030.
Kể từ giữa tháng 10, sản lượng than trung bình mỗi ngày của Trung Quốc đã vượt quá 11,5 triệu tấn, theo số liệu chính thức do Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, tức là tăng 1,1 triệu tấn so với cuối tháng 9. Vào tháng trước, ủy ban này cũng đã tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp để làm giảm giá than xuống mức "hợp lý", nhưng không nói rõ sẽ làm cách nào.
Theo nhà nghiên cứu Francis Perrin, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, được trang TV5Monde trích dẫn ngày 11/08/2021, phải tính đến trọng lượng của than đá trong sự cân đối kinh tế của Trung Quốc. Ông Perrin cho biết, năm ngoái, than đá đã chiếm tới 56% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và đóng góp đến 63% khối lượng nguyên liệu dùng trong sản xuất điện. Với một tỷ trọng lớn như vậy, rất khó cho các lãnh đạo của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới chuyển ngay sang một nguồn năng lượng khác.
Là nước sản xuất than hàng đầu thế giới và là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, tuy vậy Trung Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào việc phát triển các năng lượng sạch. Nhưng vấn đề đang được đặt ra đó là Bắc Kinh phải đưa ra những cam kết cụ thể về việc nâng tỷ trọng của các năng lượng sạch trong sản xuất điện.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nếu muốn đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, từ đây đến năm 2050, thì 90% sản xuất năng lượng của Trung Quốc phải từ hạt nhân và các nguồn năng lượng sạch, nhưng hiện giờ tỷ lệ này chỉ mới là 15%.
Chính vì vậy mà trước khi diễn ra hội nghị COP26, thủ tướng Boris Johnson của nước chủ nhà Anh Quốc đã thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cần phải có những biện pháp cụ thể để giảm lượng khí phát thải cũng như đẩy nhanh việc chuyển tiếp sang các năng lượng sạch, nhất là qua việc từ bỏ dần dần sử dụng than đá.
Thanh Phương
Khí hậu tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm 04/11/2021, vào lúc Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Anh Quốc. Hãm lại đà hâm nóng Trái đất - điều có ý nghĩa sống còn với nhân loại – cần những nỗ lực vượt bậc. Trang nhất Le Monde giới thiệu cam kết chấm dứt nạn phá rừng của cộng đồng quốc tế trước 2030.
Ảnh minh họa cho đầu tư "xanh" © CC0 Pixabay
Nhật báo kinh tế Les Echos dành một phần lớn cho chủ đề khí hậu với tâm điểm : Giới tài chính, ngân hàng với khí hậu. Khẩn cấp rút tiền khỏi các năng lượng hóa thạch, đầu tư mạnh cho năng lượng sạch là điều quyết định.
Le Figaro và La Croix tập trung vào cùng một vấn đề : Khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nóng Trái đất tăng vọt trở lại, sau một năm sụt giảm do kinh tế toàn cầu đình đốn vì đại dịch. Le Figaro giới thiệu dữ liệu của Global Carbone Project, công bố hôm nay : lượng khí thải tăng trở lại 4,9%, sau mức sụt giảm kỷ lục 5,4% năm ngoái. Le Figaro chú ý đến sự bất ngờ của giới chuyên gia về mức độ tăng trở lại mạnh và nhanh nhiều so với dự kiến. Trước đây, giới chuyên gia vốn cho rằng cần phải một, hai năm trước khi tiêu thụ dầu mỏ trở lại mức trước đại dịch.
Nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục tiêu thụ cùng lượng khí thải hàng năm như hiện nay, thì chỉ trong vòng 11 năm là nhiệt độ Trái đất sẽ vượt 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thời hạn chắc chắn sẽ không phải là 11 năm, bởi trong hiện tại tăng trưởng của tuyệt đại đa số các nền kinh tế vẫn tiếp tục tỉ lệ thuận với tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Nhiều nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc thậm chí còn đặt mốc lượng khí thải sẽ chỉ đạt đỉnh vào khoảng 2030.
La Croix dẫn số liệu của Global Carbone Project để cho thấy khả năng thực thi mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C hay thậm chí 2°C là hoàn toàn "nằm ngoài tầm tay ". Để "trung hòa về khí thải vào năm 2050" – như câu "thần chú" mới, được xướng lên thường xuyên tại COP26 - ước tính sơ bộ mỗi năm thế giới phải cắt giảm 1,4 tỉ tấn khí thải CO2, tức tương đương với ¾ của mức 1,9 tỉ tấn khí thải sụt giảm năm 2020, do đại dịch. Năm 2020 thế giới đã gần như ngưng hoạt động trong nhiều tháng. Làm thế nào có thể thực hiện được mục tiêu khó khăn này trong bối cảnh kinh tế hoạt động sôi sục trở lại ?
Hy vọng được gửi gắm vào "sự tăng trưởng của các năng lượng tái tạo" ngay trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, thế giới phải đi nhanh hơn gấp bội trong lĩnh vực này, theo La Croix. Trong tình thế hiểm nghèo hiện nay, thế giới còn gì để hy vọng ? Một đồng minh khác của cuộc chiến khí hậu là ưu tiêu cắt giảm mạnh khí thải mêtan, loại khí hâm nóng mạnh gấp hàng chục lần so với khí thải cacbon. Theo Le Monde, nếu hơn 100 quốc gia thực hiện cam kết đưa ra hôm 02/11, điều này sẽ giúp hãm được gần 0,3°C từ đây đến 2040. Theo giới chuyên gia, giảm mạnh khí mêtan không phải là điều khó, xét về mặt kỹ thuật, cũng như tài chính. Quyết tâm của chính quyền các nước là quyết định. Hơn một phần ba khí mêtan là do ngành công nghiệp dầu mỏ, và rò rỉ khí là nguyên nhân chính.
Bảo vệ rừng là một biện pháp căn bản khác. Le Monde ghi nhận "những lời hứa hẹn đẹp" tại COP26, khi các quốc gia sở hữu hơn 85% rừng trên thế giới cam kết chấm dứt phá rừng trước 2030. Nếu không hành động mạnh mẽ, kịp thời, khó ngăn chặn nạn phá rừng kinh hoàng hiện nay, với khoảng 258 nghìn km² rừng (rộng hơn cả nước Anh) (riêng trong năm 2020), theo viện tư vấn Mỹ WRI. Song song với tuyên bố chống phá rừng, cũng tại COP26, 11 nước, trong đó có Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, cam kết đầu tư 10,3 tỉ euro từ đây đến 2025 để chống phá rừng, cùng với hơn 6 tỉ euro đầu tư của khu vực tư nhân.
Đầu tư nhiều cho các cộng đồng bản địa sống trong rừng để họ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo tồn, chăm sóc các hệ sinh thái là sáng kiến "lần đầu tiên" được khẳng định trên quy mô toàn cầu, theo cựu báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về quyền của các cộng đồng bản địa Victoria Tauli Corpuz. Các cộng đồng bản địa sẽ nhận được 1,4 tỉ euro, tức một phần quan trọng trong số tiền nói trên.
Tuy nhiên, tất cả những sáng kiến trên chỉ là những mảnh ghép tuy quan trọng, nhưng vẫn còn hết sức nhỏ để có thể giúp cho kinh tế toàn cầu thực sự chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay dành một phần lớn số báo cho chủ đề khí hậu. Tựa trang nhất : "Khí hậu : Ngành tài chính huy động lực lượng" nổi bật trên nền hình ảnh một thành phố chìm trong làn khói nâu vàng sẫm. Trên cái nền màu của bụi khí thải của các loại năng lượng hóa thạch ấy, lác đác một vài cánh quạt điện gió.
Hình trang nhất Les Echos phản ánh đúng tình trạng hiện nay của thế giới, khi điện gió, cũng như các loại năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ giải thoát nhân loại khỏi các năng lượng hóa thạch, mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thực tế. Les Echos cũng dẫn ra con số "khoảng 100 nghìn tỉ đô la là khoản tiền cần thiết để nền kinh tế toàn cầu chuyển được sang kinh tế xanh" trong vòng ba thập niên tới.
Lấy đâu ra 100 nghìn tỉ đô la, trong lúc từ 10 năm nay, các nước giàu chưa huy động nổi 100 tỉ đô la hàng năm kể từ 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển ?
Les Echos có bài "Giới tài chính thế giới khởi sự chiến dịch tổng động viên về khí hậu" giới thiệu lý do để hy vọng. Nhật báo kinh tế Pháp chú ý đến sáng kiến mới của giới lãnh đạo tài chính thế giới. Hôm 03/11, sau lãnh đạo các nền kinh tế lớn, đến lượt 450 định chế tài chính (bao gồm các ngân hàng, nhà bảo hiểm, công ty quản lý tài sản) thuộc 45 quốc gia, quản lý các tài sản trị giá khoảng 130 nghìn tỉ đô la, đã cam kết hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2050, như mục tiêu mà nhiều nền kinh tế phát triển đề ra.
Sáng kiến mang tên Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ). Sáng kiến GFANZ, theo ý tưởng của cựu thống đốc ngân hàng trung ương Anh Mark Carney, người bảo trợ của COP26, khởi động từ tháng 4/2021. Tổng số tài sản của các định chế tài chính tham gia kể từ đó đã tăng gần gấp đôi, từ 70 nghìn tỉ đô la lên 130 nghìn tỉ (chiếm khoảng 40% tài sản tài chính/financial asset toàn cầu cầu, theo chính phủ Anh). Theo cựu thống đốc ngân hàng Anh, "đây là một bước ngoặt quyết định".
Tuy nhiên, theo Les Echos, nếu như con số nói trên "gây ấn tượng", cam kết hướng tới "trung hòa khí thải vào năm 2050" của liên minh GFANZ của giới chủ tài chính được đón nhận với "rất nhiều hoài nghi, ngay cả trong các định chế quốc tế" (cụ thể như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc). Les Echos dẫn lời bà Lucie Pinson, thuộc tổ chức phi chính phủ vì khí hậu Reclaim Finance, cũng đánh giá đây là những "lời hứa hão", đồng thời kêu gọi ngành tài chính cần thực thi việc cắt giảm cụ thể các đầu tư cho dầu mỏ, khí đốt và than đá. Bất chấp cam kết đẹp đẽ, chỉ riêng các định chế tài chính Pháp đã tăng đầu tư cho các năng lượng hóa thạch từ 146 tỉ vào năm 2015 lên 174 vào năm 2020.
Người vừa lên án các định chế tài hứa hão nói trên là ai ? Bà Lucie Pinson, trạc 30 tuổi, thuộc tổ chức phi chính phủ vì khí hậu Reclaim Finance (do bà lập ra vào năm 2020) chính là người đang có các nỗ lực đáng được ghi nhận trong việc hợp tác với một số tập đoàn tài chính của nước Pháp, như Ngân hàng Bưu điện AM, Crédit Mutuel… nhằm hỗ trợ việc xây dựng chính sách chuyển sang nền kinh tế xanh.
Les Echos có bài "Giữa các ngân hàng và các tổ chức phi chính phủ, không khí ấm dần", ghi nhận một hiện tượng rất mới từ ít năm gần đây, khi đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ về môi trường, khí hậu trực tiếp tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp lớn, thậm chí cố vấn cho ban giám đốc.
Điều gì đã khiến quan hệ giữa nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và các công ty tài chính được cải thiện ? Theo Les Echos, bà Lucie Pinson của tổ chức phi chính phủ Reclaim Finance, cũng như nhiều tổ chức khác, đã thay đổi lập trường đối đầu không đội trời chung với các cơ sở đầu tư vào năng lượng hóa thạch. Họ chọn biện pháp đối thoại và trở thành đối tác tin cậy với các đối thủ cũ : vừa bảo vệ các mục tiêu về khí hậu và môi trường, nhưng cũng vừa tính đến các khó khăn, bó buộc của phía doanh nghiệp. Một trong các yếu tố quan trọng tạo nên sự tin cậy là việc các tổ chức phi chính phủ đã từ bỏ việc dựa vào các tính toán, số liệu riêng, mà dựa hẳn vào các văn phòng chuyên môn có uy tín cao.
Bài xã luận Les Echos mang tựa đề "Tài chính xanh : Ly nước nửa đầy" cũng ghi nhận một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này tại Pháp. Theo Les Echos, nên vui vì những nỗ lực "không thể phủ nhận được" trong cuộc chiến vì khí hậu của nhiều công ty tài chính, thay vì quá nhấn mạnh đến "những mâu thuẫn và bất cập" của giới tài chính.
Quan điểm này khó chinh phục nhiều người. Nhật báo thiên tả Libération đặc biệt chú ý đến việc lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp đến dự thượng đỉnh vì Khí hậu ở Glagow, với các chuyên cơ tư, phương tiện gây khí thải nhiều nhất. Tổng cộng đã có khoảng 400 chuyến bay như vậy.
Ngay cả thái tử Charles, người dự kiến sẽ kế nhiệm vương miện, nổi tiếng là người bảo vệ môi trường nhiệt thành, cũng đến COP26 với chuyên cơ riêng, sau khi họp G20 tại Roma. Người phát ngôn của Clarence House giải thích xăng của chuyến bay là "xăng bền vững". Libération hoan nghênh đô trưởng Paris, Anne Hidalgo, người đến dự COP26 bằng tàu hỏa, trái ngược với các đồng nhiệm ở Barcelona hay Luân Đôn.
Khí hậu cũng là vấn đề lớn trong quan hệ giữa các cường quốc. Le Monde có bài "Trung Quốc lấy khí hậu làm món hàng trao đổi với chính quyền Mỹ". Nhà báo Frédéric Lemaitre của Le Monde, từ Bắc Kinh, nhận định : mối đe dọa về khí hậu thay vì là điều cho phép các đại cường xích lại gần nhau, thì dường như đang trở thành đầu mối của việc gia tăng các bất đồng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại thượng đỉnh Glasgow, cũng như tổng thống Nga. "Rõ ràng là ông Tập Cận Bình không muốn đứng bên tổng thống Mỹ Joe Biden".
Trung Quốc và Hoa Kỳ căng thẳng trong hàng loạt mặt trận. Chính quyền Biden muốn coi khí hậu là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà hai bên có thể hợp tác. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần như thẳng thừng từ chối quan điểm này. Bài phân tích của Le Monde kết luận : Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần đến sự sưởi ấm trong quan hệ Mỹ - Trung. Trên thực tế, quan hệ Mỹ - Trung rất khó sưởi ấm. Cũng Le Monde có bài phân tích : "Mỹ - Trung đag đi đến cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0".
Trọng Thành
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 khai mạc hôm 31/10/2021 tại Glasgow, Anh Quốc với 200 phái đoàn của các quốc gia trên khắp thế giới. Mục tiêu mà nước chủ nhà Anh Quốc đưa ra và cũng là mục tiêu chung của thế giới là giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 50% vào năm 2030 (so với năm 2005) và bằng 0 (net zero) vào năm 2050.
20 nước thuộc G20 phát thải đến 80% lượng khí carbon trên toàn cầu. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 28%. Việc lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga (hai nước phát thải khí carbon lớn thứ hai và thứ ba thế giới) không có mặt tại COP26 gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế vì nếu không có sự hợp tác của hai quốc gia này thì kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính có thể sẽ thất bại.
Mục tiêu của cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần này là giữ cho mức tăng nhiệt độ từ nay đến cuối thế kỷ là không quá 1,5 độ C. Mức tăng này sẽ là 2,7-3,5 độ C trong trường hợp thế giới không làm gì. Hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia đăng tải trên tạp chí BioScience hồi tháng 12/2019 cảnh báo rằng nhân loại sẽ phải đối mặt với nỗi thống khổ không kể xiết vì biến đổi khí hậu.
Liên Hợp Quốc định nghĩa biến đổi khí hậu là "sự thay đổi của khí hậu, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp do tác động của hoạt động con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu và ngoài ra là những biến thiên tự nhiên của khí hậu được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài". Trong định nghĩa này "thay đổi khí hậu" đồng nghĩa với sự ấm lên toàn cầu.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính như khí CO2, CH4, metal... do đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu khí. Các yếu tố này chiếm đến 70% lượng khí phát thải trên thế giới.
Có lẽ với đa số người Việt thì việc biến đổi khí hậu còn rất xa và không phải việc của mình. Điều đó không đúng. Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thì thiên tai năm 2020 đã gây thiệt hại về người (357 người chết, mất tích) và thiệt hại về kinh tế ước tính 37.400 tỷ đồng (trong đó đợt mưa lũ ở miền Trung là 32.900 tỷ đồng). Thiệt hại về người của năm 2020 bằng cả hai năm 2018 và 2019 cộng lại (năm 2018 có 224 người chết, mất tích và năm 2019 có 133 người chết, mất tích) (1).
Lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung Việt Nam năm 2020
Năm 2021 loài người đã chứng kiến các vụ thiên tai cực đoan và khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Quá nhiều dẫn chứng từ các vụ cháy rừng không thể kiểm soát đến việc thời tiết trở nên nắng nóng hoặc mưa nhiều một cách bất thường. Mỹ, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp bị cháy rừng nhiều ngày và gây thiệt hại nghiêm trọng. Vào tháng 8, đợt nắng nóng kỷ lục ở Hy Lạp dẫn tới gần 100 đám cháy rừng trên khắp đất nước khiến gần 100.000 ha rừng và đất nông nghiệp bị thiêu rụi trong vòng chưa đầy 2 tuần. Trước đó, Canada và Tây Bắc nước Mỹ hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài trong nhiều ngày.
Tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hồi tháng 7 hứng chịu đợt lũ lụt "nghìn năm có một". Ở thành phố Trịnh Châu, lượng mưa 617,1 mm trút xuống trong 3 ngày gần bằng lượng mưa trung bình cả năm của thành phố. Ước tính, 292 người chết và 47 người mất tích trong trận lụt lịch sử này. Nước lũ làm ngập nhiều hầm đường bộ và hệ thống tàu điện ngầm, khiến nhiều người chết đuối.
Hình ảnh nước lũ trút xuống các hệ thống tàu ngầm điện không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc mà còn được ghi nhận ở thủ đô London của Anh trong trận lụt hồi tháng 7 và ở New York khi cơn bão nhiệt đới Elsa tấn công thành phố này. Cũng trong tháng 7, lượng mưa dữ dội trong thời gian ngắn gây ra trận lụt lịch sử ở Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Đây được đánh giá là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại các nước này trong nhiều thập kỷ qua. Tại Đức, số người chết trong trận lũ lụt lịch sử lên tới gần 200 người.
Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến hàng tỷ con châu chấu sinh sôi, tràn sang Đông Phi trong tháng 1/2020, đe dọa gây khủng hoảng lương thực tại các nước Ethiopia, Somalia và Kenya. Tại các quốc gia khác ở lục địa đen, các trận mưa xối xả khiến hàng chục nghìn người ở Somalia phải đi sơ tán trong khi các thị trấn ở Nam Sudan chìm trong nước lũ. Ở Kenya, Ethiopia và Tanzania, lũ quét và lở đất cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Một vài thiên tai tiêu biểu trên thế giới do biến đổi khí hậu trong tuần lễ từ 18 đến 24/07/2021 - Nguồn Natural Disasters/Climate change, 25/07/2021
Các nghiên cứu mới đây cho thấy nhiệt độ không khí Bắc Cực đã tăng lên với tốc độ gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Sóng nhiệt và nhiệt độ mùa hè cao đang đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng vĩnh cửu. Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có thể giải phóng các thành phần nguy hiểm như hóa chất độc hại và vật liệu phóng xạ được tích tụ từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng như các vi sinh vật như virus mắc kẹt trong băng một thời gian dài.
Nếu hiện tượng biến đổi khí hậu không được kiểm soát, mực nước biển có thể dâng cao đến 2m vào cuối thế kỷ. Khi đó hàng chục thành phố lớn trên thế giới sẽ chìm xuống biển như Mumbai, Surat (Ấn Độ) ; Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) ; Miami, Philadelphia, Houston, New Orleans (Hoa Kỳ) ; Alexandria (Ai Cập) ; Tokyo, Kitakyushu (Nhật Bản) ; Bangkok (Thái Lan) ; Jakarta (Indonesia) ; Manila (Philippines) ; Dhaka (Bangladesh) ; Lagos (Tây Phi) ; Venice (Ý) ; London (Anh) ; Rotterdam (Hà Lan) ; Maldives...
Theo một nghiên cứu, vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể chìm xuống biển. Hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập. Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất.
Miền Nam Việt Nam có thể chìm xuống biển vào năm 2050.
Trong lịch sử từng đã có ít nhất 6 thành phố chìm xuống biển với nhiều nguyên nhân khác nhau như Dwarka (Ấn Độ), Port Royal (Jamaica) ; Kim tự tháp Yonaguni Jima (Nhật Bản) ; Thành phố Sư Tử (Trung Quốc) ; Pavlopetri (Hy Lạp) và sau cùng là Epecuen (Argentina), thành phố này mới bị nhấn chìm vào cuối những năm 1980. Chúng ta cũng không quên một thành phố huyền thoại đã đi vào thế giới điện ảnh đó là Atlantis. Theo triết gia Plato, quốc đảo này tồn tại khoảng 9.000 năm trước thời của ông và đã biến mất một cách bí ẩn.
Trong hội nghị khí hậu COP25, các nước phát triển đã cam kết chi mỗi năm 100 tỉ USD để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính nhưng có lẽ số tiền này là không đủ và không tạo dựng được niềm tin cho các nước đang phát triển. Thái độ bất nhất của Mỹ, nước phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới cũng khiến các nước lo lắng. Cụ thể, bất chấp nỗ lực vận động của cộng đồng quốc tế, quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn nghị định thư Kyoto 1997 do tổng thống Bill Clinton ký kết. Năm 2017, tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đảo ngược hàng loạt quy định bảo vệ môi trường của người tiền nhiệm. Joe Biden đã lên tiếng xin lỗi thế giới về việc đó nhưng không có gì đảm bảo nước Mỹ sẽ không xuất hiện một Donald Trump khác trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trung Quốc dù là quốc gia phát thải carbon lớn của thế giới nhưng không những chưa đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, mà Trung Quốc hiện đang tiếp tục xây dựng các nhà máy mới tại hơn 60 địa điểm trên khắp đất nước và xuất khẩu các nhà máy nhiệt điện than sang các nước hàng xóm trong đó có Việt Nam. Mặc dù đã có 87 nhà máy điện than nhưng dự án nhà máy điện than II gây tranh cãi ở Vũng Áng, cũng sẽ chính thức được khởi công vào tháng 12/2021. Sản lượng điện từ các nhà máy điện than hiện đáp ứng 50% nhu cầu điện tại Việt Nam. Hiện chỉ có khoảng 12% điện ở Việt Nam được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió.
Anh quốc và các nước phát triển đang đề ra nhiều kế hoạch để giảm khí thải nhà kính như cấm bán xe hơi chạy bằng xăng hay dầu trước năm 2030, tăng công suất điện gió, tăng sử dụng năng lượng hạt nhân, đầu tư vào năng lượng hydrogen có carbon thấp, tăng diện tích trồng cây xanh và cuối cùng là lắp đặt hệ thống bơm khí nóng để sưởi ấm vào mùa đông...
Mục tiêu và mong muốn là như vậy nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Chủ nghĩa dân túy đang là mối đe dọa lớn nhất đối với các dự án chống biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng với đại diện của 110 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Brazil đã ký vào cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 0 vào năm 2050 và tiếp tục thực hiện các bước để loại bỏ dần điện than và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Việt Nam cũng như Trung Quốc và Nga, luôn nhanh nhẹn ký vào các cam kết quốc tế nhưng sau đó có thực hiện hay không thì không có gì đảm bảo. Chính quyền Việt Nam không có ưu tư bảo vệ môi trường và cũng giống Trung Quốc, họ luôn tìm cách để tăng trưởng kinh tế bất chấp những thiệt hại gây ra cho môi trường.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị đầu tiên tại Việt Nam quan tâm đến vấn đề về bảo vệ môi trường cho người Việt Nam. Ngay từ dự án chính trị đầu tiên cách đây 30 năm chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp thiết của vấn đề này. Theo chúng tôi thì hiểm họa môi trường là một trong ba hiểm họa mà Việt Nam đang phải đối mặt sau hiểm họa về tham nhũng và sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Xin trích vài đoạn trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :
"Từ vài thập niên qua, chúng ta liên tục chứng kiến một thảm kịch cực kỳ nghiêm trọng trong lịch sử nước ta: đó là sự hủy hoại nhanh chóng ngay chính nền tảng của đất nước. Cây rừng bị chặt phá, bờ biển, sông ngòi và các mạch nước bị ô nhiễm nặng, đất nước trở thành cằn cỗi, hạn hán tiếp theo lũ lụt. Nước không còn uống được, không khí không còn thở được. Chưa kể rác rưởi hôi thối chồng chất, cống rãnh ứ đọng. Người thành phố ra đường phải đeo khẩu trang bịt mặt và trở thành xa lạ với nhau. Ô nhiễm đã đạt tới mức độ tàn phá sức khỏe gây thảm kịch cho mọi người nhất là người nghèo, nghĩa là đa số nhân dân. Nó cũng gây tốn kém lớn về y tế, làm giảm năng suất lao động và có khả năng khiến du khách xa lánh nước ta, thế giới tẩy chay thực phẩm của ta. Đây là một tai họa kinh khủng phải chặn đứng ngay. Với một mật độ dân số một nghìn người trên một kilômét vuông đất sống được và còn lại để cư trú chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là đặt môi trường lành sạch làm ưu tiên quốc gia số một. Đất nước trước hết là đất và nước, nếu đất nước cằn cỗi và ô nhiễm đến độ không còn sinh sống được nữa thì chúng ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau" (2).
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và không gian sống cho gần 100 triệu người Việt Nam.
"Điều quan trọng nhất cũng là điều có thể làm ngay vì không đòi hỏi những chi phí lớn. Đó là cải thiện môi trường, cảnh quan và các nơi công cộng. Do văn hóa truyền thống chúng ta chưa ý thức được tầm quan trọng của môi trường dù vấn đề đã rất nghiêm trọng và đã ảnh hưởng trực tiếp lên mọi người. Sự thiển cận đã khiến các cấp lãnh đạo nối tiếp nhau không ý thức được rằng phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chỉ có thể bền vững nếu môi trường được bảo vệ. Các nhà máy ô nhiễm gây thiệt hại trong lâu dài cho xã hội nhiều lần lớn hơn lợi tức ngắn hạn mà chúng tạo ra. Tham nhũng là nguyên nhân chính cho phép phá hoại môi trường; sự vắng mặt của xã hội dân sự là một nguyên nhân khác. Thực trạng kinh ngạc là cho tới nay nước ta vẫn chưa có một hiệp hội bảo vệ môi trường nào dù môi trường đã bị tàn phá tới mức độ nguy kịch và vẫn còn tiếp tục bị tàn phá, trong khi tại các nước văn minh giầu mạnh bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của vô số hiệp hội, có cả những chính đảng lấy môi trường làm ưu tư cao nhất. Đối với thế giới ngày nay môi trường đã trở thành một vấn đề chính trị nền tảng.
Chúng ta không thể dung túng những nhà máy không có xử lý khói và chất thải nhân danh lợi ích kinh tế. Chúng ta cũng phải nghiêm cấm việc chặt phá rừng và lấp, lấn ao hồ. Các tiện nghi vệ sinh công cộng phải đầy đủ. Hệ thống thoát nước phải hoàn chỉnh. Xây dựng phải có quy hoạch, mỗi khu vực chỉ được xây dựng theo một vài kiểu nhà với một số mầu sắc. Phải tăng cường các phương tiện chuyên chở công cộng, đánh thuế môi trường trên ôtô và xe máy, khuyến khích sử dụng xe đạp; cấm xe có động cơ xăng dầu tại trung tâm các thành phố và những khu đông người; trừng phạt nghiêm khắc những công ty xây dựng cầu đường thi công gian trá. Chúng ta sẽ bãi bỏ dự án Bô-xít Tây Nguyên, đình chỉ các dự án điện hạt nhân, ngay cả những dự án đang thi công, loại bỏ điện hạt nhân cho tới khi các kỹ thuật xử lý phế liệu thỏa đáng đã tìm được và nước ta đã có đầy đủ khả năng để bảo đảm an toàn tuyệt đối của các lò phản ứng. Những biện pháp đó tuy có thể làm giảm lợi nhuận nhất thời của một số công ty nhưng sau cùng vẫn có lợi ích kinh tế lớn vì bảo vệ và khuyến khích đầu tư trong nhiều ngành khác, nhất là ngành du lịch, và điều quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe và cuộc sống yên vui. Ô nhiễm là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người bởi vì nước sạch, không khí trong lành, không gian yên lặng là những quyền con người cơ bản nhất" (3).
Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đất nước Việt Nam trong hơn 70 năm qua và thực tế chứng minh họ đã hoàn toàn thất bại trong mọi lĩnh vực. Họ không thể làm được bất cứ điều gì tốt đẹp cho đất nước kể cả khi họ muốn và có thiện chí. Đại dịch Covid-19 tàn phá Việt Nam suốt 4 tháng qua chưa kịp lắng xuống thì chính quyền đã tăng giá xăng, giá ga và sắp tới sẽ đặt 87 trạm thu phí xe ô tô vào Hà Nội. Sau Hà Nội sẽ là Sài Gòn và các tỉnh thành khác. Sau ô tô sẽ là xe máy. Sau xe máy sẽ là phát hành trái phiếu để "huy động" vàng và đôla trong dân chúng...Vòng quay cứ tiếp tục mãi như thế cho đến lúc người dân kiệt quệ và đất nước hoàn toàn gục ngã.
Việt Hoàng
(3/11/2021)
(1) Kỷ Nguyên, "Nguy cơ về một “thảm họa kép” vào mùa mưa bão", Thông Luận, 06/09/2021
(2) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 3 : Việt Nam trước một khúc quanh lịch sử trọng đại
(3) op.cit., Chương 5 : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam