Trước thềm Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28, hôm nay, 28/11/2023, một báo cáo khoa học được công bố cho thấy biến đổi khí hậu là thủ phạm của thiệt hại trung bình khoảng 6% thu nhập đối với dân cư toàn cầu trong năm 2022. Thiệt hại nặng nề nhất là nhóm các quốc gia kém phát triển nhất. Về mặt khu vực, khối Đông Nam Á thuộc khu vực chịu tổn thất lớn nhất với khoảng 14% GDP.
Một trang trại kê ở làng Nanu ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, bị hạn hán. Ảnh chụp ngày 17 tháng 10 năm 2023. AP - Uzmi Athar
Tổng cộng hàng nghìn tỉ đô la thiệt hại do biến đổi khí hậu, nhưng theo AFP, nghiên cứu do Đại học Delaware (Hoa Kỳ) tiến hành, cho thấy tổn thất do khí hậu biến đổi chênh lệch rất lớn giữa các nhóm nước, giữa các nhóm dân cư, và khu vực địa lý. Thiệt hại tập trung nhiều nhất vào các quốc gia có thu nhập thấp, các khu vực nhiệt đới, nhìn chung mật độ dân số cao hơn, và thu nhập thấp hơn. Ngược lại, GDP của nhiều nước phát triển, đặc biệt ở Bắc Âu, lại tăng. Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên cảnh báo xu thế này có thể đảo ngược.
Một trong các vấn đề chính của COP28 là vấn đề tài chính. Cộng đồng quốc tế phải xác lập được một khuôn khổ cho các quỹ hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất để đối phó với các tác động của biến đổi khí, điều đã được quyết định tại COP27. Đây cũng là mục tiêu của bản báo cáo, theo ông James Rising, tác giả báo cáo, trợ lý giáo sư Đại học Delaware.
Theo Liên Hiệp Quốc, các nước đang phát triển cần hơn 300 tỉ đô la/năm để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu, số tiền các nước giàu khó lòng chi ra. Trong lúc đó, theo một nghiên cứu của Climate Analytics, 25 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới ước tính thu lời khoảng 30.000 tỉ đô la trong vòng hơn hai thập niên, từ 1985 đến 2018.
Tính tổng cộng từ năm 1992, tức Hội nghị về Trái đất của Liên Hiệp Quốc tại Rio, các nước thu nhập thấp và trung bình đã gánh chịu 21.000 tỉ đô la thiệt hại do biến đối khí hậu. Đền bù tổn thất cho các thiệt hại dự kiến cũng sẽ là một tranh chấp chính tại COP28.
Trọng Thành