Miến Điện : Phiến quân tấn công ở phía tây, tìm cách kiểm soát vùng biên giới với Ấn Độ
Minh Anh, RFI, 14/11/2023
Chính quyền quân sự Miến Điện đang đối mặt với thách thức lớn chưa từng có từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Các lực lượng chống chính quyền từ hôm qua, 13/11/2023, mở các cuộc tấn công nhắm vào các đồn lính ở hai bang miền tây là Chin và Rakhine, giáp giới với Ấn Độ.
Doanh trại của tổ chức Mặt trận Quốc gia Chin ở khu vực biên giới Ấn Độ-Miến Điện, bang Mizoram, Ấn Độ, ngày 13/03/2021. Reuters – Rupak de Chowdhuri
Phó chủ tịch Mặt trận Quốc gia Chin (CNF) Sui Khar cho biết đã kiểm soát được hai trại lính bang Chin, giáp với biên giới Ấn Độ. Theo giới chức địa phương, sau nhiều giờ giao tranh, khoảng 43 binh sĩ Miến Điện đã ra đầu hàng cảnh sát Ấn Độ và hiện đang trú ẩn ở Mizoram.
Liệu số lính này có sẽ bị trả về hay không, một quan chức Ấn Độ ở Mizoram nói đang chờ chỉ thị từ chính quyền trung ương. Bộ Nội Vụ liên bang Ấn Độ không bình luận gì theo đề nghị của hãng tin Anh.
Reuters cho biết, người dân địa phương ở Mizoram ủng hộ cuộc nổi dậy của người Chin, một phần do quan hệ sắc tộc chặt chẽ. Đây cũng là khu vực tị nạn của nhiều nhà lập pháp liên bang và các bang, sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Còn tại bang Rakhine, ở miền nam, giao tranh giữa quân đội Arkan (AA) nổ ra gần như trong toàn vùng. Nhóm lực lượng vũ trang đòi quyền tự chủ cho Rakhine đã chiếm giữ nhiều đồn quân sự ở thị trấn Rathedaung và Minbya.
Theo lời một người dân ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, xe tăng quân đội Miến Điện xuất hiện trên đường phố. Tập đoàn quân sự đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra đường sau 9 giờ tối và các doanh nghiệp phải đóng cửa trước 20 giờ 30 tối.
Hãng tin Anh nhắc lại, cuối tháng 10/2023, ba lực lượng dân tộc thiểu số mở các cuộc tấn công phối hợp chưa từng có, được đặt tên là "Chiến dịch 1027", bắt đầu từ việc xâm nhập vào các khu vực do quân đội kiểm soát ở biên giới với Trung Quốc tại bang Shan. Nhiều thị trấn và hơn 100 đồn bốt quân sự được cho là đã rơi vào tay phiến quân Miến Điện. Các cuộc giao tranh ở phía bắc bang Shan hiện vẫn đang tiếp tục.
Minh Anh
**************************
Miến Điện : Máy bay chiến đấu rơi, phe nổi dậy tự nhận trách nhiệm
Thùy Dương, RFI, 12/11/2023
Chính quyền tập đoàn quân sự tiếp tục đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Sau khi để mất một thành phố chiến lược, hôm qua, 11/11/2023, một chiến đấu cơ của quân đội Miến Điện đã bị bắn hạ theo như khẳng định từ phe nổi dậy.
Binh sĩ Lực lượng phòng vệ dân tộc Karenni (KNDF) chống lực lượng vũ trang Tatmadaw, bang Kayah, miền đông Miến Điện, ngày 9/10/2022. © Siegfried Modola for The Globe and Mail
Theo Reuters, chiếc máy bay phản lực của quân đội Miến Điện bị rơi xuống bang Kayah ở miền đông, gần biên giới với Thái Lan. Trên mạng xã hội Facebook, Lực lượng phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF) khẳng định đã bắn hạ chiếc máy bay này trong một cuộc giao tranh với quân đội diễn ra hôm thứ Bảy bằng súng máy hạng nặng và các thành viên của họ đang truy tìm viên phi công.
Còn theo phát biểu từ phát ngôn viên của chính quyền tập đoàn quân sự, Zaw Min Tun, trên kênh truyền hình nhà nước MRTV, chiếc máy bay này bị rơi vì sự cố kỹ thuật, các phi công đã nhảy dù an toàn và đã liên lạc được với quân đội.
Hãng tin Reuters khẳng định hiện chưa thể xác minh thông tin. Nhưng vụ việc này xảy ra vào lúc quân đội Miến Điện đang đối phó với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận từ khi các lực lượng dân tộc thiểu số và dân quân chống chính quyền tiến hành một cuộc nổi dậy mà giới phân tích an ninh đánh giá là có một sự phối hợp chưa từng có.
Tuần trước, tổng thống do quân đội bổ nhiệm cảnh báo Miến Điện có nguy cơ tan vỡ do không giải quyết cuộc nổi dậy một cách hiệu quả.
Xung đột ở bang Shan, phía đông bắc giáp với Trung Quốc, buộc hơn 50 ngàn người phải di tản. Nhiều tuyến đường thương mại chiến lược quan trọng bị cắt đứt và một số thị trấn bị chiếm giữ. Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên chấm dứt các hành động thù nghịch.
Liên minh nổi dậy cho biết đã chiếm giữ hơn 100 đồn quân sự. Các cuộc tấn công của phe này cũng đang diễn ra ở vùng Sagaing, miền trung Miến Điện, phía tây bang Shan.
Hàng trăm công nhân nước ngoài, trong đó có nhiều người là nạn nhân của tình trạng buôn người, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến, trong đó có cả công dân Việt Nam và Thái Lan. Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm qua cho biết có 200 công dân nước này đang chờ sơ tán "càng sớm càng tốt khi tình hình cho phép".
Theo nhận định từ AFP, cuộc tấn công bất ngờ do phe nổi dậy thực hiện ở phía bắc Miến Điện đã chặn hai đường giao thương chiến lược đến Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này, và đe dọa nguồn thu của tập đoàn quân sự.
Thùy Dương
************************
Máy bay chiến đấu Myanmar rơi trong giao tranh với phe nổi dậy
Reuters, VOA, 12/11/2023
Một máy bay chiến đấu của Myanmar đã bị rơi trong cuộc đụng độ giữa quân đội và một nhóm nổi dậy. Cả hai bên đều cho biết như vậy. Đây là một bước lùi nữa đối với chính quyền quân sự đang gặp phải thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của mình kể từ cuộc đảo chính vào năm 2021.
Trong ảnh chụp từ màn hình video này, một máy bay chiến đấu của Myanmar được nhìn thấy từ tỉnh Tak, Thái Lan, ngày 30/6/2022. (Ảnh tư liệu)
Chiếc chiến đấu cơ rơi xuống bang Kayah, miền đông Myanmar, gần biên giới với Thái Lan, hôm thứ Bảy trong cuộc giao tranh giữa quân đội và Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF). KNDF tuyên bố đã bắn hạ chiếc máy bay.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Zaw Min Tun nói với đài truyền hình nhà nước rằng chiếc máy bay phản lực bị rơi do sự cố kỹ thuật và các phi công đã nhảy dù thoát hiểm và đã liên lạc với quân đội.
Vụ việc xảy ra khi quân đội Myanmar đang giao tranh với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận, trong lúc các lực lượng của người dân tộc thiểu số và dân quân chống chính quyền tiến hành một cuộc nổi dậy mà các nhà phân tích an ninh nói là đang được thực hiện với mức độ phối hợp chưa từng có.
Tổng thống do quân đội dựng lên tuần trước nói rằng Myanmar có nguy cơ bị chia cắt do không giải quyết được cuộc nổi dậy một cách hiệu quả hơn.
Xung đột ở bang Shan, miền đông bắc giáp với Trung Quốc, đã khiến ít nhất 50.000 người phải sơ tán, các tuyến đường thương mại bị cắt đứt và một số thị trấn bị phe nổi dậy chiếm giữ kể từ khi ba nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số phát động tấn công chính quyền quân sự vào tháng trước.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên chấm dứt hành động thù địch.
Liên minh các nhóm nổi dậy nói họ đã chiếm giữ hơn 100 đồn quân đội. Các cuộc tấn công vào các thị trấn cũng diễn ra ở vùng Sagaing, miền trung Myanmar, phía tây bang Shan.
Hàng trăm công nhân nước ngoài, trong đó có nhiều người mà các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng là nạn nhân của nạn buôn người, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến, trong đó có các công dân Việt Nam và Thái Lan.
Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm thứ Bảy cho biết 200 công dân nước này đang chờ sơ tán "càng sớm càng tốt khi tình hình cho phép".
KNDF cho biết trên trang Facebook rằng họ đã bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu hôm thứ Bảy bằng súng máy hạng nặng và họ đang tìm kiếm các phi công của chiếc máy bay.
Reuters không thể xác minh thông tin.
Reuters
VOA, 12/11/2023