Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

12/12/2021

Biến đổi khí hậu và câu hỏi sống còn của nhân loại

Kỷ Nguyên

Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, dù thế giới đang ở thời điểm mùa đông khắc nghiệt với số ca nhiễm và tử vong tăng cao trở lại bởi đại dịch Covid-19 nhưng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vẫn diễn ra sau hơn một năm bị trì hoãn. Những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng của các nhà khoa học, đặc biệt là bản báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu được công bố chỉ gần ba tháng trước khi COP26 diễn ra đã thu hút nhiều sự chú ý. Bản báo cáo cho thấy mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris COP21 khó có thể đạt được vì phần lớn các nước đã không thực hiện được cam kết, điều này đưa đến hậu quả lớn là trái đất sẽ nóng hơn mức 1,5°C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ, mức nhiệt nóng lên nếu bị vượt qua, sẽ đưa đến những thảm họa chưa từng có cho con người.

Những cảnh báo về biến đổi khí hậu dường như vẫn còn mơ hồ đối với phần lớn người dân các nước, trong đó có Việt Nam, một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều người đọc qua các bài viết về môi trường, biến đổi khí hậu đã chỉ để lại những nhận xét với thái độ bàng quang, thậm chí phủ nhận vai trò của con người đối với biến đổi khí hậu. Hội nghị COP26 và những diễn biến của nó cho thấy, biến đổi khí hậu và môi trường đã là vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng nhất của nhân loại, vì vậy, cũng là vấn đề lớn nhất của dân tộc Việt Nam.

Mô hình khí hậu và những cảnh báo

Những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đã có từ cách đây hơn 70 năm, thu hút sự chú ý ngày càng nhiều các nhà khoa học về khí hậu, họ cùng nhau lên tiếng về những hiểm họa của trái đất thông qua các mô hình dự báo. Ngay từ những năm 1970, nhờ sự phát triển của khoa học máy tính, các nhà khoa học đã sử dụng máy tính để mô phỏng các mô hình khí hậu được xây dựng từ các phương trình khoa học phức tạp. Những mô hình này đã dự báo chính xác trong 50 năm qua về sự ấm lên của trái đất (1), và hiện nay ngày càng đạt đến độ chính xác cao hơn nhờ các máy tính có công nghệ tinh vi hơn.

Các mô hình khí hậu trước đó đã mô phỏng rằng, nếu trái đất nóng lên tới một ngưỡng nhiệt độ tầm 2°C cao hơn so với thời tiền kỹ nghệ (giữa thế kỷ 19) thì khí hậu sẽ tích lũy những thay đổi đủ lớn mà từ đó, sẽ làm khí hậu thay đổi vĩnh viễn theo hướng tiêu cực và không thể trở lại trạng thái cũ. Ví dụ, chỉ cần rừng Amazon bị phá hủy từ 20-40% cùng nền nhiệt độ đang tăng lên như hiện nay thì diện tích rừng Amazon sẽ bắt đầu quá trình suy giảm do hạn hán, cháy rừng và từ đó sẽ biến mất (rừng Amazon đã bị đốn hạ 17% kể từ năm 1970) (2). Các nhà khoa học gọi đây là những điểm bùng phát. Có đến 37 điểm bùng phát được phát hiện và điều đáng lo ngại là khi một điểm bùng phát xảy ra thì sẽ là điều kiện để kéo theo những điểm bùng phát khác bị vượt qua, như một hiệu ứng domino.

Trong các báo cáo mới nhất, các nhà khoa học đã khẩn thiết kêu gọi đưa mục tiêu về mức chênh lệch nhiệt độ so với thời kỳ tiền kỹ nghệ là 1,5°C để hạn chế ít nhất hậu quả của các điểm bùng phát này.

Bề mặt trái đất nóng lên gây ra những hiện tượng mà với hệ quả của nó, sẽ khiến cho trái đất tiếp tục nóng lên theo vòng lặp lại. Nhiệt độ bề mặt tăng khiến băng tan cả ở hai cực của trái đất, băng tan làm giảm diện tích bề mặt băng (nơi phản chiếu ngược lại ánh sáng mặt trời) đã làm tăng khả năng hấp thụ nhiệt và khiến quá trình băng tan diễn ra nhanh hơn.

Với hơn 70% diện tích bề mặt trái đất, đại dương là nơi hấp thụ nhiều nhiệt nhất từ ánh sáng mặt trời, vì vậy cùng với việc trái đất ấm lên, sự giãn nở nước bởi nhiệt độ tăng đã góp phần vào quá trình nước biển dâng.

Bề mặt trái đất ấm hơn khiến lượng nước bề mặt đại dương bốc hơi nhiều hơn làm lượng hơi nước tăng lên khi đi vào và ra khỏi bầu khí quyển (vòng tuần hoàn nước trong khí quyển). Điều này đưa đến một hiện tượng mà các nhà khoa học đã kết luận là “những vùng ẩm ướt dần ẩm hơn và những vùng khô hạn dần khô hơn”. Hiện tượng đó cũng làm thay đổi cường độ mưa khiến một lượng mưa trong năm thay vì trút xuống làm nhiều đợt với cường độ thấp, thì nay trút xuống với lượng mưa rất lớn chỉ trong vài đợt mưa. Hệ quả của nó là gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa so với nhiều năm trước, và cũng gây ra tình trạng hạn hán khắc nghiệt ở các thời điểm mùa khô còn lại trong năm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt lịch sử ở Châu Âu hồi giữa năm 2021 và những năm gần đây ở Trung Quốc; cháy rừng khắp nơi trên thế giới, nắng nóng bất thường và hỏa hoạn ngày càng tăng ở Bắc Mỹ… đã chỉ là những biểu hiện dễ thấy nhất của biến đổi khí hậu, những hậu quả thảm khốc và khó lường hơn đang ở phía trước.

khi-1

Băng tan ở hai cực của trái đất khiến mực nước biển ngày càng dân cao. Điều này ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người sống ở các vùng ven biển.

Nhân loại đã thức tỉnh ?

Trong hơn 1000 năm qua, sự thay đổi nhiệt độ của bề mặt trái đất chỉ dao động trong khoảng 1°C, điều này đã giúp khí hậu ổn định và tạo điều kiện cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 250 năm qua, trái đất đã ấm hơn 1°C do quá trình phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Với lượng khí hiện đã được thải ra trong bầu khí quyển, thì cho dù ngay lúc này đây, chúng ta dừng ngay lập tức quá trình xả thải thì trái đất vẫn sẽ tiếp tục nóng lên trong hàng chục năm tới, nước ở các đại dương sẽ tiếp tục giãn nở, các dải băng vẫn sẽ tiếp tục tan, vì vậy nước biển sẽ vẫn tiếp tục dâng lên trong hàng trăm năm tới. Kể từ năm 1901, mực nước biển đã dâng 19cm với trung bình mỗi năm tăng 1,7mm, tuy nhiên chỉ trong giai đoạn ngắn 10 năm từ 2007 đến 2016 thì trung bình mỗi năm mực nước biển đã dâng xấp xỉ 4mm. Điều này cho thấy nước biển dâng với tốc độ ngày càng nhanh. Biến đổi khí hậu do con người gây ra, đã làm thay đổi vĩnh viễn khí hậu trái đất theo hướng tiêu cực.

Hội nghị COP26 dù kết thúc với sự đồng thuận cùng cam kết mạnh mẽ hơn từ các nước, nhưng so với những gì mà giới khoa học kỳ vọng thì những gì đạt được của COP26 vẫn chưa đủ. Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 36% tổng lượng phát thải khí nhà kính đã trì hoãn mốc thời gian cam kết giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nỗ lực chung của Hội nghị vấp phải những trở ngại đến từ các nước có chế độ độc tài và các lãnh đạo dân túy, nguyên thủ các nước này, trong đó có nguyên thủ hai nước lớn là Trung Quốc và Nga đã không tham dự COP26 vì nhiều lý do. Đứng trước mối nguy lớn nhất của nhân loại, giờ đây chúng ta cần phải xem nỗ lực chống biến đổi khí hậu cần phải song hành với nỗ lực chống lại các chế độ độc tài và lực lượng dân túy. Bởi họ đã luôn thể hiện sự xem nhẹ, thậm chí chống đối nỗ lực bảo vệ môi trường và khí hậu: Donald Trump, tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; thủ tướng Scott Morrison của Úc từ chối cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để duy trì xuất khẩu than đá; Tổng thống Jair Bolsonaro của Brasil là người phải chịu trách nhiệm cho việc rừng Amazon bị tàn phá đến mức báo động...

Những hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cần phải có những khoản tài chính rất lớn và nỗ lực đến từ một chính quyền lương thiện có dự án chính trị cho đất nước để khắc phục. Việt Nam hiện không có cả hai và đang là quốc gia đứng hàng thứ 6 bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Theo một đánh giá, có đến hơn 74% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các tác động của khí hậu, những nhóm người nghèo thiếu khả năng hồi phục sau ảnh hưởng, trong đó phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do các điều kiện về môi sinh và khả năng tiếp cận y tế.

Người dân và đặc biệt là trí thức cần phải thức tỉnh và quan tâm nhiều hơn đến môi trường và khí hậu. Việt Nam đã tụt hậu xa so với thế giới về mọi mặt, giờ đây, nếu không kịp thời nhận diện nguy cơ lớn nhất của nhân loại đồng thời cũng là nguy cơ lớn nhất cho dân tộc, chúng ta không những có nguy cơ mất nước trên thực tế, mà sẽ không còn gì để nói với nhau. Chế độ cộng sản đã chứng tỏ họ không phải là giải pháp, ngược lại còn là nguyên nhân cho mọi sai lầm. Dân chủ hóa đất nước là giải pháp bắt buộc để có thể nghĩ đến những thay đổi tích cực.

khi-2

Dân chủ hóa đất nước là giải pháp bắt buộc để có thể nghĩ đến những thay đổi tích cực.

Câu hỏi sống còn

Biến đổi khí hậu ngoài những tác động trong hệ thống khí hậu (khí quyển, đất liền và đại dương, sinh vật…) và hoạt động phát thải khí nhà kính của con người, còn bị tác động bởi các hoạt động địa chất (phun trào núi lửa, đứt gãy các tầng địa chất gây ra động đất) và quá trình thoát ly các khí nhà kính như CO2 và Metan từ đáy đại dương - nơi lưu giữ phần lớn các loại khí này. Trái đất với sự phức tạp và nhiều bí ẩn chưa được khám phá đã là nơi chứa đựng những thách thức lớn cho con người, trong hoàn cảnh tốt hơn nếu chúng ta không gây nên hiện tượng trái đất ấm lên thì quá trình thích nghi với môi trường sống trên trái đất cũng đã là một cố gắng lớn.

Sự phát triển của công nghệ dù đã đạt được những thành tựu lớn nhưng những ứng dụng của nó trong khắc phục hậu quả về môi trường và biến đổi khí hậu còn khiêm tốn so với thách thức đặt ra. Những mô hình khí hậu dĩ nhiên là không thể chính xác tuyệt đối nhưng với những dự đoán ngày càng sáng tỏ hơn về những hậu quả mà con người phải đối mặt, nó đủ để giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những hành động nhằm cải thiện môi trường khí hậu trong tương lai.

Khoảng 70% quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015) không thực hiện đủ cam kết. Để thực hiện được mục tiêu của các cam kết này, các quốc gia phải giảm lượng phát thải gấp 5 lần thực tế hiện nay trong thập kỷ 2020 - 2030. Hậu quả đang diễn ra của biến đổi khí hậu, cùng những dự báo bi quan cho thấy chúng ta sẽ chậm trễ trong việc ngăn chặn thảm họa nếu không sớm đạt được cam kết mạnh mẽ hơn. Tổng mức tài chính 100 tỷ USD của các quốc gia giàu có để hỗ trợ cho các nước nghèo giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn là con số nhỏ, so với tổng chi cho quốc phòng 2.000 tỷ USD hàng năm của các nước. Trước tình cảnh nguy khốn này, thế giới thay vì tiếp tục đổ tiền vào các mục đích chống lại lẫn nhau thì hãy dành số tiền đó để đầu tư vào các giải pháp công nghệ về môi trường, khí hậu.

Trong lúc cả thế giới vẫn chưa có đủ sự quyết tâm và ý chí chính trị, trái đất vẫn sẽ tiếp tục nóng lên và những hậu quả từ đó vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, điều chúng ta cần làm ngay lúc này là đối mặt với một câu hỏi lớn : Thế hệ mai sau, nhân loại sẽ tiếp tục phát huy nền văn minh hay chỉ chật vật để duy trì sự sống ?

Kỷ Nguyên

(12/12/2021)

 ----------------------------

(1) Warren Cornwall, "Even 50-year-old climate models correctly predicted global warming", Science, 04/12/2021

(2)  Timothy M. Lenton , Johan Rockström , Owen Gaffney , Stefan Rahmstorf , Katherine Richardson ,  Will Steffen & Hans Joachim Schellnhuber, "Climate tipping points - too risky to bet against", Nature, 27/11/2021

--------------------

* Bài viết sử dụng thêm các số liệu từ các trang :

- https://climatescience.org/

- https://www.unicef.org/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kỷ Nguyên
Read 978 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)