Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

18/02/2022

Ngôn ngữ và tự do

Trương Sỏi

Có thể nói, con người là loài động vật tiến hóa nhất trên trái đất này.

Chỉ có con người là loài có khả năng chế ngự được thiên nhiên, tự tạo ra thức ăn cho chính mình bằng việc chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.

Nhờ vào sự phát triển tư duy, con người đã tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho mình và nhờ đó, dân số đã tăng lên với số lượng hơn 7 tỉ người như ngày nay, trong khi các loài khác thì có xu hướng giảm đi vì nhiều lý do. Một số loài đã tuyệt chủng hay đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trong tất cả mọi loài sinh vật trên trái đất này, cũng chỉ có loài người mới có khả năng xây dựng nên xã hội loài người, một xã hội có sự đan xen chằng chịt các mối quan hệ vợ chồng, anh em, bạn bè, thầy trò, đối tác, đồng nghiệp... Và đó là môi trường xã hội, khác hẳn với môi trường tự nhiên mà ở đó tất cả các loài vật cùng góp phần tạo nên và chịu ảnh hưởng bởi môi trường tự nhiên đó.

Chính nhờ sự phát triển của tư duy, con người có khả năng tự sản xuất ra thức ăn cho chính mình, và tạo ra vô vàn của cải vật chất. Rồi từ đó, loài người đã tạo nên sự phân công lao động, đã hình thành nên môi trường xã hội. Và thông qua sự trao đổi và mua bán hàng hóa mà môi trường xã hội của con người ngày càng phát triển đến nỗi đã làm con người dần dần "tách khỏi" môi trường tự nhiên và không còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên như các loài khác nữa.

Cùng với sự phát triển của tư duy, ngôn ngữ giao tiếp của con người cũng được tạo ra. Tư duy càng phát triển thì ngôn ngữ càng đa dạng và tinh vi. Không ai có thể chắc chắn được rằng tư duy phát triển trước rồi tạo ra ngôn ngữ hay ngôn ngữ được tạo ra rồi từ đó, tư duy mới phát triển. Tranh luận về "cái nào có trước" như câu chuyện về con gà và quả trứng sẽ không mang lại một ích lợi thiết thực nào.

Nhưng chắc chắn một điều rằng : tư duy và ngôn ngữ luôn luôn đồng hành cùng nhau. Sự hạn chế về ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự hạn chế về tư duy. Và ngược lại, sự hạn chế về tư duy thì khả năng phát triển ngôn ngữ cũng kém đi. Điều này có thể thấy rõ ở tất cả các loài sinh vật. Nếu không có ngôn ngữ thì tư duy con người không thể phát triển như ngày hôm nay được. Vì mọi suy nghĩ đều dựa trên ngôn ngữ. Người Việt suy nghĩ dựa trên tiếng Việt. Người Anh suy nghĩ dựa trên tiếng Anh. Các kỹ sư phần mềm tư duy dựa trên các mã nguồn (source code). Các kỹ sư xây dựng tư duy thì dựa trên các hình vẽ kiến trúc và kết cấu công trình.

Ngôn ngữ bao gồm : tiếng nói, chữ viết, các con số, hình vẽ, ký hiệu, biểu tượng, màu sắc, âm thanh... và các yếu tố khác. Ngôn ngữ là một quy ước chung để có thể giao tiếp với nhau và qua đó, có thể hiểu được nhau, giữa những thành viên trong một nhóm, một tập thể, một tổ chức, một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, hoặc một nhóm các quốc gia.

Thậm chí, có những loại ngôn ngữ được dùng chung cho cả thế giới. Ví dụ như âm nhạc. Tất cả những người làm việc trong ngành âm nhạc đều chỉ cần học một ngôn ngữ nhạc lý cơ bản duy nhất gồm 7 nốt đô - rê - mi - pha - son - la - si là được, bất kể người đó ở quốc gia nào, sử dụng nhạc cụ gì, bất kể người đó là ca sỹ hay nhạc sỹ. Một kỹ sư phần mềm làm việc với ngôn ngữ lập trình Python thì chỉ cần học ngôn ngữ lập trình Python, bất kể anh ta ở quốc gia nào, thuộc chủng tộc nào, có màu da nào, ở độ tuổi nào.

 

tuduy-1

Tư duy và ngôn ngữ luôn luôn đồng hành cùng nhau. Sự hạn chế về ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự hạn chế về tư duy. Và ngược lại, sự hạn chế về tư duy thì khả năng phát triển ngôn ngữ cũng kém đi.

Vì ngôn ngữ dựa trên tư duy và ngược lại, tư duy cũng dựa trên ngôn ngữ cho nên chúng ta cần phải hiểu rõ hơn bản chất của tư duy và ngôn ngữ chúng ta sử dụng.

"Gieo suy nghĩ, gặt hành động.

Gieo hành động, gặt thói quen.

Gieo thói quen, gặt tính cách.

Gieo tính cách, gặt số phận".

Bạn thấy đó, giữa suy nghĩ và hành động có mối liên hệ mật thiết với nhau, như hai mặt của một đồng xu vậy. Suy nghĩ và hành động không thể tách rời nhau.

Nếu chúng ta nghĩ đúng, chúng ta chưa hẳn đã làm đúng. Vì luôn có sự khác biệt giữa suy nghĩ và thực tế. Suy nghĩ luôn dựa trên thông tin đã có trước đó, dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy được. Còn thực tế là ở hiện tại và hiện tại là điều không thể biết. Cuộc sống luôn luôn hàm chứa những điều không thể biết, và cuộc sống chỉ diễn ra ở hiện tại. Nên luôn tồn tại khoảng cách giữa suy nghĩ và thực tế. Đó là tính hạn chế của suy nghĩ.

Nếu chúng ta nghĩ đúng, chưa hẳn là chúng ta có thể làm đúng. Nhưng nếu chúng ta nghĩ sai, chắc chắn chúng ta sẽ làm sai. Vì suy nghĩ định hướng cho hành động. Suy nghĩ tạo ra tư tưởng, rồi sau đó, tư tưởng dẫn lối cho hành động để hiện thực hóa tư tưởng đó. Tư tưởng phân biệt chủng tộc và màu da, tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản và các tư tưởng độc hại khác đã dẫn lối cho những hành động gây nên vô vàn đau thương, tang tóc cho thế giới loài người suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này.

Và như đã nói, tư duy dựa trên ngôn ngữ và ngôn ngữ dựa trên tư duy. Nên từ đó, chúng ta thấy rằng, tư duy - ngôn ngữ - hành động là ba thành tố có mối quan hệ ruột thịt với nhau. Có thể nói rằng, tư duy, ngôn ngữ và hành động là ba thành phần của trí tuệ con người. Và chính trí tuệ con người là nhân tố chủ đạo và quyết định tạo nên môi trường xã hội.

Do ngôn ngữ dựa trên tư duy và tư duy tạo nên tính cách cho nên người xưa mới nói rằng "nét chữ, nết người", tức là dựa vào nét chữ của một người có thể hiểu được tính nết của người đó. Một người suy nghĩ không thấu đáo, vội vàng hoặc dễ dãi thì hay viết nguệch ngoạc, sai nhiều lỗi chính tả hoặc viết thiếu nét. Người cẩn thận, chu đáo thì nét chữ rõ ràng, tươm tất và dễ đọc. Kinh nghiệm quan sát và suy xét này cũng tương tự như cách nhìn của nhà văn Arthur Conan Doyle, thông qua một nhân vật là thám tử tài ba Sherlock Holmes, đã nói rằng "từ một giọt nước, có thể suy ra cả đại dương". Từ cách nói, cách viết của một người, có thể suy ra trình độ, tư duy, tính cách... của người đó.

Như đã được trình bày, ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp nên nó có thể chuyển tải được thông điệp muốn nói. Nhưng vì ngôn ngữ cũng có khả năng định hướng hành động nên ngôn ngữ cũng bị lợi dụng như một công cụ xuyên tạc nhằm đánh lạc hướng người tiếp nhận, làm họ hiểu sai sự thật.

Các nghiên cứu tâm lý học đã cho thấy rằng lời nói trong giao tiếp chỉ chiếm khoảng 8.5% hàm lượng ngôn ngữ giao tiếp. Còn lại là ngôn ngữ cơ thể (body language) như âm lượng phát ra lúc nói, ánh mắt, cử chỉ... thể hiện rõ ràng hơn ý muốn nói. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng khi ta nói chuyện với người ta yêu thương thì một cách vô thức, lời nói của ta cũng trở nên nhỏ nhẹ và dịu dàng hẳn đi. Lời nói không phải lúc nào cũng thể hiện ý muốn nói. Chỉ ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể mới "nói" rõ ràng nhất điều muốn nói :

"Em bảo anh đi đi,

Sao anh không đứng lại ?

Em bảo anh đừng đợi,

Sao anh vội đi ngay ?

 

Lời nói gió thoảng bay,

Đôi mắt huyền đẫm lệ.

Tại sao anh ngốc thế,

Không nhìn vào mắt em ?"

"Của cho không bằng cách cho". Cũng tương tự như vậy, lời nói không bằng cách nói. Người xưa còn có câu "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" không phải ý nói rằng chúng ta nên lựa lời mà tâng bốc nhau, nịnh nhau để làm vừa lòng nhau, mà là chúng ta cần phải nói sao cho phù hợp để người nghe đón nhận ý kiến của chúng ta, dù đó là góp ý xây dựng hay nhận định, phê bình. Để từ đó, chúng ta có thể thấu hiểu nhau hơn, học hỏi lẫn nhau, và cùng nhau tiến bộ.

Sau cùng, người khác vẫn chẳng mấy khi nhớ đến lời nói hay hành động mà chúng ta đã từng nói, từng làm với họ. Nhưng họ không bao giờ quên cảm xúc mà chúng ta mang đến cho họ. Dù cảm xúc đó là tổn thương hay yêu thương. Vì ngôn ngữ cũng hàm chứa cảm xúc.

Khi một người nào đó nói với bạn là "cấm không được nghĩ đến con voi" thì suy nghĩ đầu tiên nảy lên là hình ảnh con voi, mặc dù bạn đã được cảnh báo là "cấm không được nghĩ đến" trước đó rồi. Đó là mặt hạn chế của ngôn ngữ mà con người chúng ta hay mắc phải và do đó, dễ bị thao túng.

Ngôn ngữ có thể chuyển tải sự thật hoặc chân lý. Từ "quả táo" không phải là quả táo. Nó chỉ là tên gọi quy ước một loại quả để phân biệt với các quả khác, để khi một người nào đó nói lên từ "quả táo" thì những người còn lại có một hình dung giống nhau về cùng một vật thể - ở đây là quả táo. Cũng như tên gọi của bạn không phải là bản thân bạn. Nó chỉ là tên gọi của bạn mà thôi, để phân biệt bạn và những người khác khi giao tiếp. Bạn không phải là tên của bạn. Cũng như quả táo không phải là từ "quả táo". (The word is not the thing that was described).

 

tuduy-2

Ngôn ngữ có thể chuyển tải sự thật hoặc chân lý. Nhưng ngôn ngữ không phải là sự thật hoặc chân lý.

Ngôn ngữ có thể chuyển tải sự thật hoặc chân lý. Nhưng ngôn ngữ không phải là sự thật hoặc chân lý. Quả táo có thể được gọi là "quả mít" nhưng không vì thế mà nó biến thành quả mít được. Cũng giống như không phải khi một người được đổi tên thành Albert Einstein thì người đó trở thành nhà bác học vĩ đại nhất thế giới của thế kỷ 20 được.

Ông Thích-Ca đã từng nói rằng, không nên chấp vào kinh sách và cho rằng kinh sách là chân lý. Dựa vào hướng ngón tay chỉ lên mặt trăng để thấy được mặt trăng, chứ đừng cho rằng ngón tay chính là mặt trăng. Kinh tạng hay giáo lý chỉ là con thuyền đưa người ta sang bờ bên kia - bờ giải thoát. Khi sang đến bờ bên kia rồi thì hãy rời khỏi con thuyền mà đi tiếp, chứ đội theo con thuyền trên đầu thì không những bất tiện mà liệu có ích gì không ?

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nói rằng : giáo lý của tôi là tình yêu, đền thờ của tôi là trí tuệ. Cũng như Đức Phật, ông ấy không còn chấp vào ngôn từ, không còn chấp vào kinh tạng, giáo lý và cũng không còn chấp vào đền chùa, miếu mộ nữa. Giải thoát là thứ vô hình vô tướng và "không thể nghĩ bàn" nên không còn phụ thuộc vào ngôn từ nữa.

Một người tự do là người không còn vướng chấp vào ngôn ngữ. Người đó không vướng chấp vào ngôn ngữ vì người đó đã không còn bị cảm xúc mà ngôn ngữ chứa đựng chi phối nữa. Sử dụng ngôn ngữ mà không bị ngôn ngữ chi phối chính là trí tuệ, là một dạng của tự do.

Nếu anh A bị cô Z sỉ vả rằng "mày là đồ ngu dốt!" thì người đó sẽ bình tâm suy nghĩ "mình có thực sự ngu dốt không?" Nếu người đó nhận ra đúng là anh ta ngu dốt thật thì chứng tỏ cô Z nói đúng rồi còn gì. Anh ta chẳng có lý do gì để giận, để ghét cô Z cả. Hơn nữa, ngay khi anh A nhận ra được sự ngu dốt của mình thì cũng là khi anh A trở nên thông minh. Giống như, ngay khi ánh sáng được soi rọi đến thì cũng là lúc bóng tối tự tiêu biến đi. Còn nếu anh A nhận ra anh ta không hề ngu dốt thì anh ta sẽ không thấy có lý do gì để tranh cãi với cô Z về chuyện đó cả. Đó cũng là một hành động chứng tỏ anh A không hề ngu dốt. Ngược lại, nếu anh A trở nên thù hằn, hoặc ghét bỏ cô Z vì câu nói đó, thì rõ ràng, anh A cũng không thực sự là sáng suốt - "cả giận, mất khôn".

Sự thật luôn là sự thật. Dù cho mười ngàn người nói thì điều dối trá vẫn là dối trá. Dù cho không có ai nói sự thật thì sự thật đó vẫn là sự thật. Và sự thật thì thường hay đứng một mình, trần trụi. Còn những gì dối trá thì hay được tô vẽ thêm.

Một đặc điểm là những người tự do, những người tranh đấu cho tự do, tranh đấu cho nhân quyền, tranh đấu cho dân chủ thật sự thì họ là những người sử dụng ngôn ngữ trung tính, không kèm theo các từ ngữ khơi gợi nên những cảm xúc thù địch, ghê tởm, hay gây chia rẽ hay phân biệt. Họ không nói ra, viết ra để giải tỏa cảm xúc tiêu cực hay để thỏa mãn cái tôi của mình mà họ chỉ nói lên, viết lên những điều đúng đắn, chỉ ra những sự thật dù đau đớn, phân tích để nhận ra lẽ phải, và kêu gọi lòng tốt, lương tri của mọi người để từ đó cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng nên một xã hội thực sự có dân chủ, có hạnh phúc.

Nếu âm nhạc được ví như là cầu nối của con người với Thượng Đế, thì Tình Yêu chính là ngôn ngữ của Thượng Đế.

Khi thực sự yêu, người ta sẽ biết nói những lời hay, ý đẹp. (Nhưng lời hay, ý đẹp không phải lúc nào cũng là biểu hiện của tình yêu).

Khi thực sự yêu, người ta sẽ lắng nghe ý kiến của người yêu. Đó là dân chủ.

Khi thực sự yêu, người ta sẽ tôn trọng sự khác biệt của người mình yêu. Đó là đa nguyên.

Khi thực sự yêu, người ta hi sinh và làm tất cả cho người mình yêu được hạnh phúc mà không mong cầu được đáp lại hay được chiếm hữu người yêu. Đó là tự do.

"Tình Yêu là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy". Vì đó là ngôn ngữ của Thượng Đế nên nó được cảm nhận và thấu hiểu bằng trái tim.

Khi bạn thực sự yêu thương bản thân mình, bạn sẽ tìm thấy tự do.

Khi bạn thực sự yêu thương bản thân mình, tự nhiên bạn sẽ thấy yêu thương người khác.

Khi bạn thực sự yêu thương người khác, bạn sẽ thấy cần thiết mang lại tự do cho họ.

Một xã hội tự do, dân chủ và đa nguyên thực sự là một xã hội có nhiều tình người.

Vì, Tình Yêu chính là Tự Do.

Tình Yêu chính là Thượng Đế.

Trương Sỏi

(18/2/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Sỏi
Read 780 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)