Nguy cơ một cuộc tấn công Ukraine từ Nga vẫn còn đó bất chấp những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của thế giới, nhất là Mỹ và Châu Âu. Có một điều chắc chắn là không ai muốn chiến tranh, từ người dân Nga cho đến tổng thống Mỹ Biden. Loài người cũng đã đủ văn minh và hiểu biết để nói không với chiến tranh. Tất cả thế giới đều đang nhìn vào một người duy nhất có thể phát động hoặc dừng cuộc chiến Nga - Ukraine, người đó là Putin.
Mục đích của Putin khi tạo ra cuộc khủng hoảng này là ngăn cản Ukraine gia nhập NATO và EU, bảo vệ cho đồng minh Belarus và khẳng định vị thế siêu cường của nước Nga. Có ý kiến cho rằng Putin giỏi khi đặt cả thế giới vào tình trạng bất an để rồi từ đó áp đặt luật chơi theo ý mình. Điều đó không đúng. Trọng lượng kinh tế của Nga không đáng kể, chỉ hơn 1,46 nghìn tỉ USD năm 2020, không bằng 1/10 Mỹ và chỉ bằng 1/2 Pháp. Nga "hùng mạnh" là nhờ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 6.257 đầu đạn hạt nhân, chiếm 47,7% tổng số đầu đạn hạt nhân của thế giới (trong đó có 1.600 đầu đạn hạt nhân đã triển khai). Putin đã qua mặt Kim Jong-un khi dùng vũ khí hạt nhân đe dọa và mặc cả với thế giới.
Putin "đe dọa" được thế giới vì sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Thêm lý do khiến Putin động binh lần này là kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm bị Covid-19 hoàng hành. Chỉ số uy tín của Putin trong nước đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đặc biệt là với lớp trẻ. Putin cần gây hấn với bên ngoài để đoàn kết bên trong. Putin cũng muốn nâng cao vị thế cho bản thân khi cố gắng lấy lại ánh hào quang của đế quốc Nga. Sự suy yếu của nước Mỹ và NATO sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump và cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi Afghanistan cách đây 6 tháng của chính quyền Biden đã khiến Putin tự tin hành động.
Cả thế giới, đặc biệt là Mỹ và EU, đã liên tục lên tiếng báo động về các hành động quân sự của Nga sát biên giới với Ukraine và cảnh báo cuộc chiến của Nga nhằm vào Ukraine sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới. Việc đó là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Mỹ và các đồng minh EU cũng thống nhất các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ lên nước Nga nếu quân đội nước này vượt qua biên giới tràn vào lãnh thổ Ukraine. Sẽ có ít nhất ba việc mà các nước dân chủ có thể làm là :
- Dừng cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
- Loại Nga khỏi hệ thống thanh toán tiền tệ quốc tế SWIFT, và
- Trừng phạt các cá nhân trong chính quyền Nga, kể cả Putin.
Tất nhiên là Mỹ sẽ không đem quân vào Ukraine để tham chiến. Không chỉ với Ukraine mà từ nay trở đi Mỹ sẽ không đem quân can thiệp vào bất cứ quốc gia nào sau khi đã bỏ rơi Afghanistan. Quân đội các nước EU cũng sẽ không tham chiến vì đối đầu với Nga có nghĩa là bắt đầu thế chiến 3. Mỹ và EU sẽ làm tất cả để xoa dịu Putin, kể cả phải nhượng bộ những đòi hỏi vô lý. Tuy nhiên việc Putin yêu cầu Mỹ và EU phải cam kết bằng văn bản rằng sẽ không kết nạp Ukraine vào NATO và EU cũng như việc rút quân NATO khỏi các nước Đông Âu cựu cộng sản là điều mà Mỹ và EU không thể đồng ý vì đó là danh dự sống còn. Hơn nữa Mỹ và EU không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ và quyền tự quyết của các quốc gia độc lập và có chủ quyền như Ukraine.
Không ai có thể biết được chiến tranh Nga - Ukraine có nổ ra hay không ngoại trừ Putin. Không ai có thể hình dung được cảnh quân đội Nga chiếm đóng thủ đô Kyiv của Ukraine và cũng không ai đoán được hậu quả thảm khốc của cuộc chiến này. Trật tự thế giới được xác lập sau Thế chiến 2 rằng không một quốc gia nào được phép dùng vũ lực xâm chiếm nước khác đã bị Putin phá vỡ. Một cuộc khủng hoảng toàn diện sẽ xảy ra trên toàn Châu Âu chứ không chỉ với mỗi Ukraine và đây là một cuộc chiến hủy diệt nước Nga. Thế giới dù không tham chiến nhưng tất cả sẽ ủng hộ Ukraine và cùng nhau trừng phạt, cô lập nước Nga cho đến lúc nước Nga tan rã.
Putin đã đi quá xa và rơi vào cái bẫy của chính mình ? Nếu rút lui thì Putin sẽ mất mặt với người dân Nga nhưng nếu tấn công Ukraine thì nước Nga sẽ bị hủy diệt, kể cả cái ghế của Putin cũng không còn. Có lẽ Putin sẽ tạo ra một tình trạng căng thẳng tối đa nhưng sẽ rút lui vào phút cuối khi đạt được các yêu sách. Hôm 21/2/2022 Putin đã ký sắc lệnh "công nhận độc lập" của hai vùng tự xưng là "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa Nhân dân Lugansk" thuộc Donbass đang bị quân ly khai chiếm giữ từ năm 2014. Điều này có nghĩa là Putin đơn phương xé bỏ "Thỏa thuận Minsk 2" trong đó có điều khoản tôn trọng đường biên giới của Ukraine. Điều này cũng có nghĩa là từ nay Nga có thể công khai điều quân và xây dựng các căn cứ quân sự tại đây. Nên biết là từ trước đến nay Nga vẫn phủ nhận sự liên quan với khu vực Donbass và cho rằng đó là cuộc nội chiến của Ukraine. Thế giới và Ukraine có lẽ phải "chấp nhận" sự đã rồi này để tránh chiến tranh. Đường nào thì Nga cũng đã kiểm soát khu vực này trên thực tế.
Hôm 21/2/2022 Putin đã ký sắc lệnh "công nhận độc lập" của hai vùng tự xưng là "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa Nhân dân Lugansk" thuộc Donbass đang bị quân ly khai chiếm giữ từ năm 2014.
Cho dù Putin có tấn công Ukraine hay không thì nước Nga cũng không có tương lai. Hành động khủng bố của Putin, một lần nữa, đã làm cho cả thế giới thấy được sự nguy hiểm của các chế độ độc tài và làn sóng dân chủ thứ Tư sẽ tiếp tục được thúc đẩy để loại bỏ hoàn toàn các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới kể cả hai cường quốc là Nga và Trung Quốc. Một điều khá đặc biệt là Trung Quốc đã rất kiệm lời trong cuộc khủng hoảng này. "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", lẽ ra Trung Quốc phải lớn tiếng và ủng hộ Putin hết lòng mới phải. Thái độ "mềm mỏng" của Trung Quốc cho thấy nội tình của họ cũng không khá hơn gì nước Nga và Tập Cận Bình biết, việc ủng hộ Putin đồng nghĩa đối đầu với cả thế giới và điều đó sẽ làm Trung Quốc khốn đốn hơn.
Sau cuộc khủng hoảng này Châu Âu sẽ mạnh mẽ và đoàn kết hơn trước mối đe dọa từ nước Nga. NATO sẽ được củng cố, phát triển và thoát khỏi tình trạng "chết lâm sàng" như lời tổng thống Pháp Macron. Ukraine sẽ nhận được sự chú ý và quan tâm của cả thế giới mặc dù trước mắt Ukraine đang phải gánh chịu nhiều bất lợi. Một số nhà tỉ phú và tài phiệt Ukraine đã rời khỏi đất nước và mang theo khoảng 12 tỉ USD. Kinh tế Ukraine sẽ trì trệ trong thời gian này. Dù vậy người dân Ukraine sẽ đoàn kết hơn và dứt khoát hơn trên con đường hội nhập với EU. Ukraine sẽ mạnh hơn sau khủng hoảng.
Nước Nga của Putin sẽ rất khốn đốn dù chiến tranh có xảy ra hay không. Kinh tế nước Nga phụ thuộc vào việc bán tài nguyên thô như dầu mỏ, khí đốt, vũ khí, lúa mì và thịt heo. Sau cuộc khủng hoảng này EU sẽ tìm cách đa dạng các nguồn cung cấp khí đốt để không phụ thuộc vào Nga và nhất là không để Putin biến đó thành một công cụ gây áp lực và tống tiền. Cộng thêm việc thế giới đang nỗ lực chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh thay vì năng lượng hóa thạch, đến lúc đó đế quốc Nga có thể bị tan vỡ ra thành nhiều quốc gia độc lập. Chúng ta cũng cần biết rằng lịch sử của đế quốc Nga được xây dựng, hình thành và thống nhất hoàn toàn dựa trên bạo lực. Giữa người Nga và các sắc dân khác không có tình cảm dân tộc, không có sự liên đới và nhất là không có bất kỳ dự án tương lai chung nào. Một quốc gia như vậy chắc chắn không có tương lai.
Thế khó của chính quyền Việt Nam.
Không ít người Việt trong nước và một số cơ quan báo chí của Việt Nam vẫn có thái độ ca ngợi và ủng hộ Putin. Điều đó là hoàn toàn sai và thiếu hiểu biết. Việt Nam có hoàn cảnh tương đồng với Ukraine khi phải sống bên cạnh một ông hàng xóm to lớn và xấu tính. Để thoát khỏi cái bóng và quĩ đạo Nga người dân Ukraine đã trả giá rất đắt khi mất đi một phần lãnh thổ Donbass và bán đảo Krime. Việt Nam không làm được như Ukraine nhưng không nên vì thế mà chê họ dở còn chúng ta khôn (khôn gì khi phải cam chịu sống phụ thuộc vào Trung Quốc và chính quyền độc tài cộng sản ?).
Chính quyền Việt Nam ủng hộ Putin là đương nhiên vì độc tài phải ủng hộ độc tài, cũng như các nước dân chủ trên toàn thế giới phải ủng hộ cho Ukraine. Tuy nhiên cũng giống Trung Quốc, thế khó của Việt Nam là nếu ủng hộ Putin thì cũng đồng nghĩa đối đầu với các nước dân chủ và điều đó rất bất lợi cho Việt Nam. Chỉ các nước dân chủ mới có thể giúp Việt Nam phát triển chứ không phải Nga và Trung Quốc. Giải pháp tốt nhất cho Việt Nam là học theo Trung Quốc : "im lặng là vàng". Không nên có những tuyên bố và thái độ ủng hộ Nga quá lố để rồi hậu quả nhận được sẽ khôn lường. Thế giới đã và đang thay đổi sâu sắc. Các nước dân chủ sẽ cải tiến để ngày càng hoàn thiện hơn trong khi các nước độc tài ngày càng lạc lõng và lố bịch. Họ sẽ không có tương lai.
Việt Hoàng
(22/02/2022)