Dịch Covid vừa cướp đi của đất nước một con người trân quý. Phạm Quế Dương đã ra đi ngày 21/02/2022. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mất chí hữu niên trưởng mà mọi người đều kính yêu. Anh ra đi ở tuổi 91, môt tuổi rất thọ ở bất cứ nước nào trên thế giới. Dầu vậy mọi người biết anh đều vô cùng thương tiếc bởi vì anh thuộc loại người rất hiếm hoi mà ai cũng muốn giữ mãi.
Di ảnh Phạm Quế Dương (1931-2022)
Phạm Quế Dương sinh ngày 11/03/1931 tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Khi Cách Mạng Tháng 8 chuẩn bị, anh đang học lớp 9, một trình độ văn hóa tương đối cao vào lúc đó. Anh tình nguyện tham gia đội Thiếu Niên Tiền Phong và ngay sau đó, tháng 8/1945, nhập ngũ quân đội Việt Minh, sau này đổi tên là Quân Đội Nhân Dân. Năm 1948 anh được kết nạp vào Đảng Cộng Sản và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc, Phạm Quế Dương được gửi vào Nam năm 1965 trong quân chủng Phòng Không nhưng bị tai nạn và được gửi trở lại miền Bắc. Sau đó anh chủ yếu làm công tác chính trị và lên dần tới cấp bậc đại tá. Năm 1979 trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung Phạm Quế Dương là chủ nhiệm chính trị bên cạnh tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh mặt trận. Sau cuộc chiến này, từ năm 1980, anh là tổng biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Sự cho đến khi về hưu năm 1990. Anh được rất nhiều huân chương kể cả Huân Chương Kháng Chiến hạng nhất và Huân Chương Chiến Sĩ Vẻ Vang hạng nhất trong trận Điện Biên Phủ. Ngày 06/01/1999, hai ngày sau khi Đảng Cộng Sản khai trừ tướng Trần Độ, Phạm Quế Dương trả thẻ đảng và mọi huân chương để phản đối.
Với trình độ học vấn cao so với đa số các cấp lãnh đạo quân đội cộng sản và với kiến thức do tự học liên tục, lại vào Đảng Cộng Sản rất sớm đáng lẽ Phạm Quế Dương phải lên cấp tướng nhưng trở ngại là anh là anh, Phạm Quế Dương, con người luôn luôn đặt sự thực và lẽ phải lên trên hết.
Tôi gọi Phạm Quế Dương lần đầu khoảng năm 1993 sau khi được Nguyễn Thanh Giang cho số điện thoại của anh. Trước đó tôi đã đọc một bài anh viết về cuộc phản kháng của nhân dân Thái Bình trong đó anh có nhắc đến tên tôi. Phạm Quế Dương hình như chờ cú điện thoại của tôi và làm tôi ngạc nhiên lý thú. Anh nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp một cách rất thông thạo. Anh giải thích là đã biết tiếng Pháp ngay từ khi đang học Thành Chung (lớp 9) và sau đó vẫn tiếp tục học thêm vì rất thích tiếng Pháp dù đi kháng chiến chống Pháp. Anh nói chuyện hồn nhiên và vui vẻ. Ngay sau đó tôi thân với anh hơn cả Nguyễn Thanh Giang. Mọi khoảng cách xã giao giữa chúng tôi biến mất ngay lập tức. Từ đó tôi gọi điên thoại cho anh khá thường xuyên và mỗi lần nói chuyện là một lần thích thú. Chúng tôi nói chuyện với nhau vui nhộn như nói đùa. Phạm Quế Dương là một mẫu người chân thực. Đó gần như là đặc tính chung của hầu hết những người cộng sản lão thành mà tôi đã có dịp tiếp xúc sau năm 1975, dù là Nguyễn Hộ, La Văn Liếm, Nguyễn Văn Trấn, Phùng Quán, Hữu Loan, hay Trần Độ, Trần Xuân Bách. Có lẽ vì thế mà sau cùng họ đều thất sủng, ngay cả Trần Độ và Trần Xuân Bách. Họ theo Đảng Cộng Sản chủ yếu để đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Về chủ nghĩa cộng sản hầu như họ chỉ biết một cách sơ sài rằng đó là một lý tưởng hướng tới thế giới đại đồng, xóa bỏ giầu nghèo. Nhưng Phạm Quế Dương hơi khác họ, anh thực thà một cách kỳ lạ, gần như ngây thơ.
Một thí dụ là trong những năm 1990 nhà anh gần như trở thành một trung tâm dân oan. Đồng bào từ các tỉnh tới Hà Nội khiếu kiện đến nhà anh để nhờ anh chỉ dẫn. Anh không chỉ giúp họ làm đơn mà nhiều khi còn lo cơm cho họ vì đa số rất nghèo, số tiền mang theo chỉ đủ sống vài ngày. Một trong những lý do khiến anh đồng cảm với họ có lẽ là vì chính anh cũng là một dân oan. Anh cũng đang đấu tranh đòi lại tổ đình bị chiếm đoạt. Tôi hỏi anh như thế có nguy hiểm không. Câu trả lời của anh khiến tôi ngạc nhiên. Phạm Quế Dương nói đó là hành động nhân đạo vì lẽ phải nên công an đâu có lý do gì để đàn áp. Nhưng đó chính là một trong những nguyên nhân đã khiến anh bị bỏ tù sau này.
Một thí dụ khác là cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn của tôi. Năm 2000, sau khi ấn hành tại hải ngoại tôi nhờ một người bạn chung gửi được cho ông Trần Độ một cuốn. Trần Độ đọc xong đưa cho Phạm Quế Dương. Phạm Quế Dương rất thích thú. Anh nói với tôi : "Mình đồng ý trên tất cả những gì Kiểng viết". Sau đó anh nhờ các bạn trong quân đội in ra và phân phối. Anh nói mỗi tuần họ in ra vài trăm cuốn và phân phối hết ngay. Một lần khi tôi gọi điện thoại về anh nói : "Anh em trong báo Quân Đội Nhân Dân vừa mới tới lấy 30 cuốn, anh em từ trong Nam ra muốn mang một số vào Sài Gòn nhưng sách đã phân phối hết rồi, họ in không kịp". Anh cũng đem tặng cho các vị lão thành trong Câu Lạc Bộ Ba Đình, nơi gặp gỡ của các cựu cán bộ cộng sản lão thành. Phạm Quế Dương kể một chuyện vui về cuốn Tổ Quốc Ăn Năn. Một hôm anh hẹn đến thăm ông Trần Xuân Bách để tặng ông một cuốn nhưng đến nơi thì lại gặp cả ông Nguyễn Văn An -chủ tịch quốc hội và cựu trưởng ban tổ chức- cũng đang đến thăm ông Bách. Thấy không tiện tặng sách Phạm Quế Dương nói chuyện một lúc rồi cáo từ ra về. Nhưng chính ông Bách lại hỏi : "Thế cuốn Tổ Quốc Ăn Năn cậu hứa cho tớ đâu?". Phạm Quế Dương đành phải lấy từ túi sách ra một cuốn đưa cho ông Bách. Thấy vậy ông An hăm dọa : "Không cho tôi một cuốn là có chuyện à !". Cả ba người cùng cười và tiếp tục trò chuyện. Nhờ uy tín và bản tính nồng hậu Phạm Quế Dương đã thức tỉnh và tranh thủ được cảm tình của nhiều đảng viên cộng sản cho lập trường dân chủ.
Một hôm tôi gọi điện thoại về thăm anh thì được anh thông báo đã nhận lời làm đại diện Hội Nhân Dân Việt Nam Chống Tham Nhũng. Anh nói đây là sáng kiến của hai ông Hoàng Minh Chính và Lê Hồng Hà, ông Chính sẽ là hội trưởng, còn ông Hà thì hoàn cảnh gia đình không cho phép giữ một vai trò đối lập công khai nào cả. Trên thực tế anh Dương sẽ điều khiển hội với sự công tác của một số anh em khác. Tôi giật mình và nói với anh rằng phải rất thận trọng vì đây là một hành động nguy hiểm. Tôi giải thích rằng chống tham nhũng có tổ chức là điều mà Đảng Cộng Sản sợ nhất và không bao giờ dung túng, bởi vì tổ chức sẽ nhanh chóng được toàn dân ủng hộ trong khi chống tham nhũng cũng là chống họ vì tham nhũng chính là họ. Họ bắt buộc phải nói chống tham nhũng nhưng họ cũng phải giành độc quyền chống tham nhũng. Cùng lắm họ chỉ chấp nhận những tiếng nói chống tham những từ những cá nhân đơn độc thôi. Phạm Quế Dương không phản bác nhưng cũng không hoàn toàn đồng ý với tôi bởi vì sau đó anh vẫn tiếp tục lên tiếng nhân danh Hội. Khi anh vào Sài Gòn thăm các anh em hội viên trong Nam thì họ ra tay, anh bị bắt tại nhà ga Sài Gòn ngày 29/12/2002, khi chờ lên tầu về Hà Nội. Tình cờ là ngay trước đó tôi có nói chuyện với anh. Tôi không biết anh vào Nam và chỉ điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Anh cho biết là đang ở Sài Gòn và sắp ra nhà ga để trở về Hà Nội.
Sau 19 tháng giam cầm anh bị đưa ra tòa và xử 19 tháng tù để được trả tự do ngay sau phiên tòa. Có lẽ chính quyền cộng sản đã nhận ra là anh không có âm mưu gì mà chỉ làm những điều mình nghĩ là hợp lẽ phải. Họ vẫn để anh được hưởng trọn vẹn lương hưu. Có một hiểu lầm và một xuyên tạc lớn về vụ án Phạm Quế Dương mà tôi thấy cần phải cải chính. Báo chí nhà nước loan tin rằng Phạm Quế Dương đã thành khẩn nhận tội để được khoan hồng. Quả thật Phạm Quế Dương có nhận gần hết những gì họ cáo buộc anh, như đã sưu tập tài liệu và viết bài chống lại chính quyền cộng sản và cũng có liên lạc với một số người dân chủ ở nước ngoài nhưng đó không phải là nhận tội mà chỉ là những điều anh không hề giấu ai, trước cũng như sau khi bị bắt giam.
Phạm Quế Dương bị đối xử rất tệ ít nhất trong thời gian đầu sau khi bị bắt. Anh không có chăn và cũng không có áo lạnh nên ban đêm rất khổ sở và sức khỏe bị suy sụp nhanh chóng. Sau khi được trả tự do anh yếu hẳn đi, buồn ngủ suốt ngày nhưng không ngủ được lâu, trí nhớ mất dần. Tuy vậy Phạm Quế Dương vẫn là Phạm Quế Dương, vẫn làm tất cả những gì có thể làm. Anh tham gia thành lập, viết bài và phổ biến bán nguyệt san Tổ Quốc trong nước từ năm 2007 và không hề giấu giếm ai, trái lại còn công khai phân phát cho bạn bè. Năm 2010 sau khi Nguyễn Thanh Giang bị làm phiền quá nhiều anh bảo tôi : "Thế thì để mình làm tổng biên tập thay Giang đi !". Tôi ngập ngừng rồi đồng ý vì nghĩ rằng cùng lắm anh chỉ có thể bị công an lâu lâu tới hỏi thăm, không có gì đáng ngại. Tuy vậy sau một thời gian vì thấy sức khỏe anh quá suy sụp, anh em chọn một tổng biên tập ở nước ngoài để tránh cho anh bị quấy nhiễu.
Bán nguyệt san Tổ Quốc trong nước từ năm 2007
Hai anh em chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý. Việc anh tham gia thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam Chống Tham Nhũng là một thí dụ. Một thí dụ khác là về ông Võ Nguyên Giáp mà anh rất ái mộ nhưng tôi lại không đánh giá cao, trái lại anh coi ông Đỗ Mười chẳng là gì so với ông Giáp trong khi tôi lại thấy ông Đỗ Mười hơn hẳn ông Giáp. Tuy vậy, trừ trường hợp Hội Nhân Dân Việt Nam Chống Tham Nhũng, chúng tôi chỉ vừa cãi nhau vừa cười. Phạm Quế Dương coi tôi như một thằng em và tôi cũng coi anh như người anh cả. Anh là một người rất khó tìm thấy trên đất nước Việt Nam sau quá nhiều thảm họa khiến sự luồn lách để sống trở thành một phản xạ. Dù trong suốt cuộc đời hoạt động, anh đã trải qua không biết bao nhiêu là hiểm nguy, đã chứng kiến không biết bao nhiêu là gian trá lừa lọc nhưng thực tế hầu như không có ảnh hưởng nào trên anh. Phạm Quế Dương vẫn ngang nhiên nói và làm những gì mình thấy là đúng. Trong hơn hai mươi năm thân quen tôi chưa bao giơ thấy anh thù ghét ai, cũng chưa bao giờ thấy anh tỏ ra quan tâm tới an ninh, địa vị, quyền lợi hay danh tiếng của mình. Phạm Quế Dương hoàn toàn không có khả năng thích nghi với sự dối trá. Anh không biết tính toán và cũng không biết sợ. Tôi kính yêu anh vì thế.
Có lẽ chính quyền cộng sản cũng phần nào nhận ra con người Phạm Quế Dương. Báo Quân Đội Nhân Dân loan tin "Đồng chí Đại tá Phạm Quế Dương" qua đời với cụm từ "vô cùng thương tiếc". Quá trễ vẫn còn hơn không. Nhưng để mất một con người như Phạm Quế Dương là Đảng Cộng Sản đã chứng tỏ họ mất sức sống và lẽ sống.
Tôi không thấy cần phải chúc anh yên nghỉ. Lương tâm anh lúc nào cũng bình yên. Anh đã nhập Niết Bàn ngay khi còn sống.
Nguyễn Gia Kiểng
(28/02/2022)