Với những gì đang xảy ra ở Ukraine có lẽ cũng không có gì là vội vã để bàn chuyện hậu Putin.
Những cơ sở dân sự tại Quảng trường trung tâm Thành phố Kharkiv bị hư hại nặng sau khi bị trúng hỏa tiễn Nga bắn vào hôm thứ ba 01/03/2022 © Sergey BOBOK / AFP
Đàn ông Ukraine sau khi đưa gia đình yên ổn tới Ba Lan lên xe bus quay lại quê hương để chiến đấu ; dân chúng, cả đàn ông lẫn đàn bà, xung phong trang bị vũ khí để chiến đấu bên cạnh quân đội nơi họ ở ; Nguyên thủ quốc gia từ chối đi tị nạn khi được một vài quốc gia đề nghị để ở lại chiến đấu cùng dân, quân ; quân đội Ukrain dù yếu kém về mọi mặt cũng đã can cường đánh bật đối thủ ở thành phố Kharkiv, mặt trận có tính chiến lược : tạo uy thế cho mình, triệt tiêu nhuệ khí và tinh thần chiến đấu của Ukraine. Sự thất bại của mặt trận Kharkiv đã khiến đạo quân chủ lực phải khựng lại và tinh thần chiến đấu của Ukraine càng cao hơn trước.
Tinh thần đoàn kết của cả dân tộc và ý chí sắt đá đã làm cho mấy chục triệu dân, quân Ukraine trở thành vô địch trước bất cứ một đối thủ nào. Nhất là một đối thủ đang bị bao vây, công kích bởi cả thế giới và lung lay từ bên trong thậm chí của một đồng minh quan trọng : Giáo chủ cơ đốc giáo đã công khai kêu gọi ngưng chiến, một thái độ phản đối cuộc chiến xâm lược của Putin.
Mỹ và đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đồng lòng ủng hộ cuộc chiến và tiếp tế vũ khí cho Ukraine
Đây là một quyết định hy hữu và rất quan trọng của EU có thể làm thay đổi hẳn cục diện. Chắc chắn quyết định này của EU đã vượt ra khỏi mọi tính toán của Putin. Putin đã thành công trong quá khứ chia rẽ EU nhưng lần này cũng đã thành công làm EU đoàn kết lại, đặc biệt là làm cho nước Đức, vốn dĩ luôn từ chối tham gia hoặc chống đối lại mọi giải pháp quân sự ở những vùng đang có chiến tranh, đã quyết định viện trợ vũ khí, một việc họ luôn từ chối từ 1945 đến nay, cho Ukraine đồng thời quyết định chi 100 tỷ euros để tân trang quân sự, một ngoại lệ khác. Chẳng những Putin đánh mất một đồng minh lâu đời và mạnh nhất EU mà còn làm cho nó thay đổi 180° về chính sách ngoại giao và quốc phòng để… trực diện với Putin.
Hàng ngàn người xuống đường lên án cuộc tiến công của quân Nga vào lãnh thổ Ukraine và kêu gọi kháng chiến tại Quảng trường Tự Do, thủ đô Kiev hôm 26/02/2022 - (Photo AFP)
Kì công của Putin không chỉ dừng lại ở đó, ông ta còn làm cho cả thế giới từ G7, tới NATO rồi EU xiết chặt hàng ngũ đồng loạt đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế, ngân hàng nước Nga lẫn đích thân Putin và những người thân cận bằng cách đóng băng tài sản của họ khắp thế giới.
Phản ứng đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử chỉ chứng tỏ sự hoảng loạn của Putin. Ông ta có đủ lí do để hoảng loạn.
Trong cuộc họp dàn cảnh của "Hội đồng chiến tranh" nhằm đe dọa thế giới khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử của Putin đã xảy ra hai hiện tượng cần lưu ý : thái độ lúng túng, phát biểu linh tinh của ông sếp tình báo và thái độ của hai tướng lãnh, Bộ trưởng quốc phòng lẫn tư lệnh quân đội, có vẻ đăm chiêu, xa vắng, thậm chí ông bộ trưởng quốc phòng đã cố nén một hơi thở dài và đều tỏ vẻ lúng túng với ánh mắt lo lắng ra mặt khi Putin nói đã ra lệnh cho họ để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phản công nguyên tử. Đã thế thái độ của hai vị tướng này không có gì chứng tỏ sự quyết tâm, đồng lòng với quyết định này của Putin. Putin có lẽ chỉ hành động một mình mà không hội ý với bất cứ ai cả.
Vũ khí cuối cùng của Putin là bấm nút nguyên tử ? Vấn đề không đơn giản như thế. Putin chỉ có thể ra lệnh cho quân đội bấm nút, một điều không chắc chắn sẽ xảy ra suôn sẻ như ông ta muốn. Và, ông ta không có khả năng bấm nút !
Nước Nga không có điều kiện, khả năng tài chánh để thực hiện một cuộc chiến ngoài lãnh thổ một cách lâu dài ngay cả trước khi bị phong tỏa tứ bề, tài chính cạn kiệt. Dù Putin có tạo được một vài chiến thắng quân sự, thậm chí chiếm được thủ đô Kiev và đặt một chính phủ tay sai thì rốt cuộc cũng sẽ thất bại sau vài tháng. Bằng cách nào Putin có thể thiết lập một đội quân chiếm đóng có khả năng bảo vệ chính phủ tay sai và cho cả chính bản thân mình trong lòng một đất nước hơn 40 triệu dân cùng lòng cùng sức chống trả mãnh liệt với sự yểm trợ quân sự lẫn kinh tế của cả thế giới ? Trong cuộc chiến tranh với Tchétchénie, một nước chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu dân và không có sự ủng hộ của thế giới như Ukraine bây giờ, Nga cũng đã phải vất vả cả chục năm mới chế ngự được họ...
Trên nguyên tắc thì Putin đã thua. Vấn đề là nó được chính thức hóa trong kịch bản nào thôi. Số phận của Putin ra sao không quan trọng, quan trọng là ông ta sẽ phải bị lọai vĩnh viễn trên chính trường Nga. Cho dù Putin đã gây ra nhiều thảm họa cho các nước khác nhưng sau khi nhân dân Nga lọai trừ được ông ta thì hãy để cho người Nga tự lo liệu mà không nên gây áp lực, một thái độ tôn trọng chủ quyền của nhân dân họ và như một bó hoa của thế giới chào mừng một kỉ nguyên mới cho đất nước họ.
Thử tưởng tượng kịch bản nào cho nước Nga hậu Putin ?
Có hai vấn đề : thể chế chính trị nào cho nước Nga và nước Nga sẽ ở đâu trong cộng đồng thế giới ?
Thể chế chính trị nào cho nước Nga ?
Không khó để suy đoán nó chắc chắn sẽ là một nước dân chủ nhà nước pháp trị như các nước Tây phương. Điều này sẽ không có gì để nghi ngờ, bàn cãi. Nhưng trong buổi giao thời cũng sẽ đặt cho nước Nga một vài chọn lựa khá khó khăn vì hiện trạng sinh hoạt chính trị và thời gian tính. Trong suốt thời gian cầm quyền, từ hơn 20 năm nay, Putin đã làm tất cả, không chừa một thủ đoạn nào, để được độc quyền chính trị đưa tới tình trạng không có một tổ chức chính trị thực thụ nào được hình thành với hệ lụy thiếu vắng một tầng lớp nhân sự chính trị có khả năng đảm nhiệm vai trò quan trọng mà đất nước trông chờ.
Do đó vấn đề đặt ra là khi Putin bị loại bỏ thì chính quyền lâm thời sẽ được giao phó cho ai trong thời gian tổ chức tổng tuyển cử ngoài quân đội, một thực thể quốc gia duy nhất có tổ chức và uy tín, với một nguy cơ không nhỏ là một chế độ quân phiệt có thể sẽ được thai nghén từ đây. Giải pháp tốt nhất có lẽ là dân chúng Nga phải chấp nhận sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc, thậm chí với cả EU.
Nước Nga sẽ ở đâu trong cộng đồng thế giới ?
Vấn đề thứ hai là nước Nga sẽ phải chọn mô hình chính trị nào cũng là một vấn đề quan trọng cho tương lai họ. Soát lại lịch sử nước Nga thì họ chưa bao giờ có dân chủ có nghĩa là văn hóa dân chủ chưa bao giờ có cơ hội được bám rễ vào sinh hoạt chính trị của họ với hệ luận là không có văn hóa tổ chức chính trị, một yếu tố nền tảng cho mọi sinh hoạt chính trị lành mạnh dù với mô hình nào, tổng thống hay đại nghị... Do đó sự chọn lựa mô hình tổ chức chính trị sẽ là một chọn lựa có tính quyết định cho tương đất nước họ.
Chế độ tổng thống cũng có một số ưu điểm nhưng sẽ không bàn ở đây mà chỉ bàn tới những nhược điểm của nó vì có tầm ảnh hưởng rất lớn lên tương lai một nước như nước Nga vừa được miêu tả ở đoạn trên. Nhược điểm lớn nhất của chế độ tổng thống là nó thích hợp cho mọi quyến rũ độc tài bởi các tổng thống - đừng quên Recep Erdogan đã thay đổi hiến pháp từ mô hình đại nghị sang mô hình tổng thống để dễ dàng áp đặt độc tài - qua cách thực hành quyền hành chính trị, thể thức bầu cử... Ngoại lệ Mỹ có được nhờ những yếu tố lịch sử từ khi nó được thai nghén và chỉ biết có dân chủ cho tới nay : tản quyền triệt để, những định chế chính trị, xã hội rất kiên cố và hiệu quả. Nhưng nó cũng bắt đầu phơi bày những bất cập để thích ứng với thời đại. Nước Nga không có những yếu tố lịch sử của Mỹ mà có đầy đủ các yếu tố của những chế độ tổng thống phi dân chủ hay ít dân chủ trên thế giới.
Mô hình đại nghị, kiểu Cộng hòa liên bang Đức chẳng hạn, có lẽ thích hợp nhất cho một nước Nga rộng lớn và đa dạng văn hóa. Ưu điểm của mô hình đại nghị tản quyền là nó làm giảm căng thẳng chính trị giữa trung ương và địa phương ; chính phủ chịu trách nhiệm chính trị trước quốc hội do đó có thể bị bãi nhiệm dễ dàng bởi đa số tương đối của Quốc hội vì lỗi chính trị. Hơn nữa nước Nga từ thời cộng sản tới nay luôn có hệ thống liên bang sẽ không bị bỡ ngỡ với hình thức tổ chức quốc gia này. Vấn đề là phải cho nó một bản hiến pháp đúng đắn. Điều này các chuyên gia về hiến pháp Châu Âu có thể đóng vai trò tham vấn cho hội đồng hiến pháp Nga.
Nhưng mô hình đại nghị cũng có những đòi hỏi của nó. Mô hình đại nghị vận hành dựa trên những chính đảng. Không có những chính đảng đúng đắn nó khó có thể vận hành một cách lành mạnh và hiệu quả. Đối lập Nga cần ý thức được điều này để mau chóng lập ra những chính đảng đúng đắn có nghĩa là những chính đảng có tổ chức, có lí tưởng rõ ràng làm nền tảng cho dự án chính trị của mình.
Chỗ đứng nào thích hợp cho một nước Nga dân chủ ?
Có hai giả thuyết đã thường được nêu ra : 1. Gia nhập Liên minh Bắc đại tây dương (NATO) và 2. Gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU).
1. Việc Nga gia nhập NATO khá rắc rối cả về mặt thực tế lẫn nguyên tắc.
Về mặt thực tế, tâm lí hai dân tộc Nga - Mỹ từ sau thế chiến thứ hai tới nay, có nghiã là hơn 70 năm đã cùng phải sống trong một thế thù địch có tính sinh tử, một thời gian khá dài đủ để bắt rễ trong tiềm thức họ một tâm lí từ khước, xô đẩy và nghi ngờ. Họ cũng không có một liên hệ lịch sử nào, ngoài cuộc chiến tranh lạnh, để có lí do, nhu cầu tình cảm tái lập lại liên hệ cũ. Ít ra thì trong giai đoạn đầu tâm lí của hai dân tộc đều chưa sẵn sàng cho một liên minh thắm thiết.
Về mặt nguyên tắc thì phải hiểu là bản chất của NATO là một liên hiệp dự trù cho chiến tranh, có nghĩa là nó đã tiềm tàng những mầm mống chiến tranh sẵn sàng nảy nở khi điều kiện thuận lợi. Nói cách khác là bản chất của NATO không phải để tìm kiếm hòa bình hay đúng hơn là tìm kiếm hòa bình bằng đe dọa, trấn át. Một loại chiến tranh lạnh thường trực. Chiến tranh lạnh hay nóng đều là chiến tranh và không phải là một giải pháp tốt đẹp lâu dài.
Hơn nữa một khi Nga ở trong NATO thì đối tượng của NATO hiển nhiên là nhắm vào Trung Quốc có nghĩa là một cuộc chiến tranh lạnh, có thể nóng, với một đối thủ mà mức độ nguy hiểm cũng không thua Liên bang Xô viết xưa với hệ lụy một cuộc chạy đua vũ khí còn ghê gớm hơn trước. Đừng quên là tuyệt đại đa số kho vũ khí nguyên tử của thế giới đã được chế tạo trong giai đoạn chiến tranh lạnh. Kinh nghiệm còn quá mới mẻ để chúng ta có thể quên.
Sự gia nhập NATO của Nga vỏn vẹn chỉ là thay đổi một hiểm họa chiến tranh nguyên tử từ nơi này sang nơi khác. Nó không giải quyết cái gì cả.
Sẽ có những lập luận cho rằng bản chất của Trung Quốc hiện nay cũng không khác Liên bang Xô Viết là bao nên một định chế như NATO là một cần thiết, ít ra là một cái ít xấu hơn. Lập luận này vừa kì cục vừa không thuyết phục.
Tại sao lại phải tái tạo lại, một cách máy móc, giải pháp đã được chứng minh không tốt đẹp trong khi chúng ta có thể có một giải pháp khả thi và hoàn hảo hơn : Thế chân vạc giữa Mỹ - Trung Quốc - EU thay vì lưỡng cực giữa Mỹ - Trung Quốc với hệ luận một cuộc chiến tranh lạnh như vừa trình bày ?
Lợi thế của thế chân vạc là nó không đưa dễ dàng tới một cạnh tranh vũ khí để trấn át đối phương ; khi một trong ba chân có khuynh hướng trấn át thì chỉ cần hai chân kia liên hiệp với nhau chống lại với tương quan 2 / 1 cũng đủ làm chân kia phải suy nghĩ lại vì sẽ bị kềm tỏa dễ dàng bằng nhiều phương tiện không nhất thiết phải đưa tới chiến tranh.
Nếu vẫn còn cố chấp đưa ra một lập luận khác là Trung Quốc từ ngàn đời đã chỉ biết trấn át thiên hạ bằng bạo lực. Nó sẽ không bao giờ có thể thay đổi.
Cũng không thuyết phục tí nào khi chúng ta lượn nhanh qua một số quốc gia hiền hòa hiện nay : nước Mỹ trong quá trình lập quốc đã từng phạm những tội ác tày trời với người Da đỏ bản địa rồi tới chính sách nô lệ, kì thị vẫn còn làm nóng mặt loài người nay đã thay đổi thành một nước hoà bình hàng đầu thế giới ; Châu Âu với một quá khứ thuộc địa cướp bóc và ác độc, buôn bán nô lệ… Các nước Bắc Âu với quá khứ Viking là những dân tộc hung tợn nhất trong lịch sử nhân loại, rất gần nay hơn là nước Thụy Điển cũng rất hung tợn và bạo lực nay cũng đã trở thành những quốc gia hiền hòa hàng đầu thế giới…
Điểm chung của các nước kể trên là chúng đã thiết lập dân chủ, điều kiện tốt đẹp để làm thăng tiến con người trên mọi lĩnh vực, một xã hội yên ổn và thịnh vượng đã làm mất dần đi những bản năng bạo hành để sinh tồn.
Lợi thế thứ hai là nếu một trong ba chân vạc bị suy thoái, thường do một nước khác đang trỗi dậy cạnh tranh, thì trong lúc đó vẫn còn hiện hữu hai chân để đối trọng tránh một thế lực duy nhất độc bá, bao phủ thế giới.
Với những lí do đó cho thấy NATO, với hệ luận lưỡng cực tự nhiên đưa tới chiến tranh lạnh, không phải là giải pháp tốt đẹp cho Nga và cho cả thế giới. EU phải tạo điều kiện cho Nga gia nhập liên minh của mình.
2. Giải pháp Nga gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU)
Trái với NATO, Liên Hiệp Châu Âu được ra đời với mục đích rõ ràng : tiêu diệt mọi mầm mống chiến tranh giữa các quốc gia lân cận vì những mâu thuẫn địa lí, ảnh hưởng chính trị và lợi ích kinh tế. EU là một tổ chức hòa bình cho mục đích hòa bình.
Nước Nga nằm sát Châu Âu, có một phần quá khứ lịch sử chung, một phần di sản văn hóa chung và nhất là nó sẽ là một thành viên có tiềm năng kinh tế lớn, một tài nguyên phong phú sẽ giúp cho EU có khả năng độc lập trên mọi phương diện. Ngược lại EU sẽ là một bảo đảm giúp nước Nga có một thể chế chính trị tốt đẹp và ổn vững. Tất cả chỉ được lợi lộc.
Trong viễn cảnh đó, thế giới sẽ vĩnh viễn được giải thoát hiểm họa nguyên tử với một nước Nga dân chủ, hòa bình và thịnh vượng trong một liên minh dân chủ, hòa bình, thịnh vượng và liên đới. EU có khả năng bảo đảm vị thế chân vạc bên cạnh hai chân vạc khác. Đồng thời hai chân vạc Mỹ - Trung Quốc cũng có thể mở rộng liên minh khu vực của mình đặt nền tảng trên tinh thần mưu cầu hạnh phúc và hòa bình.
Đó là giải pháp tốt đẹp nhất.
Lê Mạnh Tường
(02/03/2022)