Trong thời đại thông tin toàn cầu này thì việc nói dối đã khó hơn. Nhưng sự nói dối vẫn còn, vẫn là một hằng số với Đế quốc Trung Hoa (Trung Quốc). Nên chúng ta cũng nên đón nhận nó với sự thận trọng.
Tần Thủy Hoàng xây dựng Vạn Lý Tường Thành và Vạn Lý Tường Thành đã góp phần làm Đế quốc Tần sụp đổ - Hình minh họa
Nhìn lại quá khứ, từ những Bước Nhảy Vọt rồi Cách mạng văn hóa thì chúng ta thấy rõ, họ luôn đưa ra chỉ tiêu cao, chỉ số tăng trưởng cao hơn hẳn thế giới. Sau cùng thì người ta mới khám phá ra không phải họ tiến bộ mà còn thụt lùi và trong thời gian đó 60 triệu người dân Trung Quốc đã chết đói. Chúng ta nên dè dặt với những con số mà Trung Quốc đưa ra. Trong 30 năm qua, từ ngày mà Trung Quốc thực sự mở cửa về kinh tế thị trường họ đã có những tiến bộ rõ rệt và cũng có thành quả là đưa được gần 1 tỷ người Trung Quốc ra khỏi cảnh đói khổ. Trong tình nhân loại, liên đới giữa người và người chúng ta phải nhìn nhận đó là một kết quả lớn. Nhưng mà kết quả lớn đó phải trả cái giá quá lớn.
Chúng ta phải dè dặt bởi vì giai đoạn 1978-2008 khi mà thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng lớn thì Trung Quốc đã theo một mô hình tăng trưởng hoang dại, bất chấp môi trường và bất chấp con người. Thành quả mà đến nay là cả thế giới và Trung Quốc đã nhìn nhận là một nửa của Trung Quốc từ phía Bắc sông Dương Tử thiếu nước nghiêm trọng. Có nhiều vùng phía Bắc từ nhiều năm đã không thấy mặt trời. Nghề bán thực phẩm hàng rong đã biến mất khỏi Bắc Kinh, không phải vì Bắc Kinh giàu mạnh hơn mà vì ngày nào cũng có thể xảy ra một cơn bão cát thổi từ sa mạc tới. Số ngày có mưa tại Bắc Kinh chỉ còn 3 đến 5 ngày trong năm. Phần lớn miền Bắc đã bị sa mạc hoá. Trong tất cả những khó khăn mà một đất nước gặp phải, những sai lầm mà một đất nước có thể vi phạm đều có thể gượng dậy được trừ một sai lầm, đó là sai lầm về môi trường. Khi môi trường đã bị hủy hoại thì người trong một nước chẳng còn gì để nói với nhau cả.
Năm 2008, thế giới xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn và cho tới ngày nay Hoa Kỳ và Âu châu vẫn chưa khắc phục hoàn toàn hậu quả. Khi đó Trung Quốc bị đặt ra một câu hỏi lớn là phải làm gì vì khi đó nền kinh tế của Trung Quốc rất lệ thuộc vào xuất khẩu. Và họ đưa ra một giải pháp rất dễ đó là phát triển ồ ạt ngành xây dựng. Một ngành không đòi hỏi những kỹ thuật cao vừa có sức lôi kéo mọi ngành khác lên theo. Xây dựng làm gì? Kết quả của xây dựng có đem lại lợi ích kinh tế hay nó chỉ đem lại tốn kém ? Như là Tần Thủy Hoàng xây dựng Vạn Lý Tường Thành và Vạn Lý Tường Thành đã góp phần làm Đế quốc Tần sụp đổ hơn là giúp cho Đế quốc Tần hùng mạnh hơn. Các Pharaoh cũng đã xây nên các Kim tự tháp rất lớn, những Kim tự tháp đó thay vì làm Ai Cập mạnh hơn thì lại làm Ai Cập kiệt quệ.
Chúng ta phải luôn dè dặt những con số tăng trưởng nhanh từ Trung Quốc, bởi vì sao ?
GDP (tổng sản lượng quốc gia) là con số mà người ta có thể nhào nặn, có thể tạo ra. Vậy thì việc khiến chỉ số tăng trưởng dựa vào xây dựng là rất tương đối. Cũng ở thời điểm 2008, Bộ Chính trị Trung Quốc đã họp và thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói rằng nếu chỉ số kinh tế mà xuống dưới 8% thì Bắc Kinh sẽ bị đe dọa vì bạo loạn và họ tìm mọi cách để duy trì mức độ tăng trưởng 8% bằng việc đổ xô vào xây dựng và chấp nhận khối nợ công ngày càng tăng cao. Ngày hôm nay, Trung Quốc đã xây dựng ra những thành phố ma, những xa lộ không có xe, những đường xe lửa không có hành khách... Theo thống kê mới đây mà Trung Quốc thừa nhận là có hơn 70 triệu căn hộ không có người ở và đang cũ hỏng cùng thời gian. Cho nên cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng là một giả thuyết mơ hồ, nhất là cách quản lý kinh tế của những con người từ nhiều thập niên chỉ biết tới bạo lực mà có thể thành công thì ngay từ bây giờ chúng ta phải xóa bỏ và làm lại ngay bộ môn kinh tế học.
Vào năm 2013, Tập Cận Bình đã say sưa biện hộ cho một sai lầm về kinh tế, cho Trung Quốc một lời hứa hẹn, một lời hứa hẹn của một bác sĩ với một người sắp chết rằng không những sẽ làm cho bệnh nhân khỏi bệnh mà còn là người khỏe nhất thế giới. Và lời hứa đó đã giúp cho Tập Cận Bình lên được đỉnh cao quyền lực với sáng kiến Nhất đới nhất lộ bằng cách xuất khẩu sự nghèo đói ra thế giới. Tập Cận Bình lập ra năm sáu ủy ban nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình trong các vấn đề về triết học, kinh tế, lịch sử, thế giới... Tại sao người ta có thể nghiên cứu về một điều không có như vậy. Mặc dù được quảng bá mạnh mẽ nhưng người ta chẳng biết tư tưởng Tập Cận Bình là cái gì cả.
Cách đây 50 năm có một câu chuyện là đại cách mạng văn hóa, khi đó Mao cho in một cuốn sách bỏ túi bằng vài thứ tiếng trong khoảng 150 trang chữ lớn gọi là tư tưởng của Mao. Khi đó, chủ nghĩa khủng bố chưa bị xuống giá nhưng sau đó nó bị lãng quên nhanh chóng vì người ta đã sớm nhận ra nó vớ vẩn và có phẩm chất dưới trung bình. Và bây giờ chuyện đó lại tái hiện với Tập Cận Bình một cách bi đát hơn vì dân trí Trung Quốc đã khác, mức độ thông tin và khả năng truyền thông đã khác. Người ta có thể thấy cái này hay cái kia hợp lý để xuyên tạc rằng đây là tư tưởng của một người đã chết sau khi xóa đi bộ nhớ tập thể nhưng việc xây dựng cho người còn sống một tư tưởng mà người ta không có dù chỉ là một sáng kiến thì đúng là một cố gắng tuyệt vọng. Qua việc nghiên cứu tư tưởng của Tập Cận Bình thì người ta lại nhớ ra năm xưa bố của Tập Cận Bình bị Mao bách hại và sau này chính Tập Cận Bình vì sự tồn vong của mình mà 200 lần đấu tố cha mình, tôn vinh người đã bách hại cha mình. Một người như vậy thì làm gì có đủ các đức tính nền tảng căn bản nhất để hình thành một tư tưởng. Và qua đó người ta cũng kịp khám phá ra khối tài sản mấy chục triệu đô và con gái của Tập Cận Bình đang ở Mỹ. Việc lập ra các ủy ban nghiên cứu tư tưởng, cố gắng đánh bóng Tập Cận Bình chỉ chứng tỏ một điều là nội bộ Bắc Kinh đang có những phê phán và lên án Tập Cận Bình rất dữ dội.
Vấn đề của thế giới hiện nay là phải tổ chức sự sụp đổ của Trung Quốc để giới hạn tối đa những thiệt hại. Hình minh họa
Trong một phúc trình gần đây của ngân hàng thế giới, có 600 ngân hàng Trung Quốc ở trong tình trạng có thể phá sản bất cứ lúc nào. Tổng số tín dụng (cho vay) của Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm 94%. Với khối nợ 40.000 tỷ đô la, chiếm 350% GDP thì liệu có một đất nước nào chịu nổi. Nước Mỹ cũng có khối nợ 250% nhưng khối nợ đó tích lũy trong gần 100 năm nhưng khối nợ của Trung Quốc ào ạt trong vòng hơn 10 năm thì làm sao Trung Quốc có thể tiếp tục được để giải quyết. Nhiều định chế tín dụng và quỹ đầu tư đã cho Trung Quốc vay khá nhiều. Họ trở thành con tin của Trung Quốc. Nếu họ đột ngột ngừng không cho Trung Quốc vay thì kinh tế Trung Quốc phá sản và họ cũng phá sản theo và sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng 2008. Vấn đề của thế giới hiện nay là phải tổ chức sự sụp đổ của Trung Quốc để giới hạn tối đa những thiệt hại.
Vậy điều gì khiến cho những nhận định về Trung Quốc có hai chiều hướng khác nhau ? Mấu chốt vấn đề có lẽ trong cách hiểu, họ nghĩ Trung Quốc là một quốc gia. Nhưng không phải vậy, Trung Quốc chưa bao giờ là một quốc gia. Trung Quốc là một Đế quốc theo cách hiểu Đế quốc là nhiều nước phục tùng một trung tâm và trung tâm đó áp đặt hai điều : độc quyền về quân sự và áp đặt một ý thức hệ chung. Mỗi tỉnh của Trung Quốc là một nước chứ không phải là một tỉnh, một đơn vị hành chính. Đế quốc Trung Hoa là Đế quốc kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại với thời gian hơn 2000 năm nhờ ý thức hệ Khổng giáo. Thế giới ngày hôm nay đã khác, chỗ đứng, tương lai và danh dự của một dân tộc chỉ có thể tồn tại và phát triển được nhờ ý kiến và sáng kiến. Ý thức hệ Khổng giáo đã thực sự lỗi thời ở thời đại này. Dầu vậy, theo kinh nghiệm lịch sử thì sự suy tàn của một đế quốc kéo dài khá lâu. Đế quốc La Mã kể từ ngày bắt đầu suy tàn cho đến lúc thực sự sụp đổ là 3 thế kỷ, đế quốc Ottoman hơn 1 thế kỷ, Đế quốc Áo-Hung là gần 1 thế kỷ...
Chúng ta cũng hoàn toàn đồng ý với nhau về sự phát triển của Trung Quốc. Như chúng ta đã từng thấy nước Đức và nước Nhật sau thế chiến 2 đã phát triển rất nhanh... nhưng những tiến bộ đó lại không hề gây lo ngại cho ai cả. Điều đáng lo ngại cho Trung Quốc là bởi vì nó mạnh lên nhưng nó đã tích lũy những mâu thuẫn nội tại không thể giải quyết và Trung Quốc tìm cách giải quyết điều đó bằng gây hấn với tất cả, việc đó đơn thuần là tạo ra những kẻ thù giả tưởng từ bên ngoài để hàn gắn những mâu thuẫn bên trong bởi một lý lẽ rất giản dị là phản ứng của một đế quốc khác với phản ứng của một quốc gia trước mối nguy. Trước mối nguy các quốc gia sẽ gây chiến với thế giới nhưng một đế quốc thì ngược lại, nó co cụm, bởi vì vấn đề nội bộ của một Đế quốc cũng đã là một vấn đề đối ngoại với các nước thành viên (là các vùng, các tỉnh) của Đế quốc.
Với nhiều người, vấn đề của Trung Quốc công nhận là khó đánh giá và dự đoán bởi vì nó có quá nhiều điều giả dối xen kẽ với hiện thực, và nó lại có quá nhiều vấn đề "nhân tạo" theo kiểu tích lũy hàng chục năm mới phát tác, đến từ những chính sách, kế hoạch đồ sộ từ trung ương, gây méo mó toàn bộ cấu trúc kinh tế xã hội-điều mà không ở đâu dám thử nghiệm. Cái social engineering ở quy mô khổng lồ này đang đi đến giai đoạn cuối.
Sự sụp đổ của Đế quốc Trung Hoa sẽ diễn ra trong bao lâu thì là điều chúng ta không thể biết trước, cũng giống như trước đây cũng đã từng dự đoán về sự sụp đổ của Đế quốc Liên Xô, nhưng nó đã bắt đầu và không có thuốc chữa. Chúng ta không nên lo lắng Trung Quốc sẽ mạnh lên và gây nguy hiểm mà chúng ta nên chuẩn bị để dập lửa ở đám cháy bên cạnh nhà mình.
Trần Khánh Ân
(03/04/2022)