Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/04/2022

Cuộc chiến Putin-Ukraine sẽ kết thúc như thế nào ?

Việt Hoàng

Cuộc xâm lược Ukraine do Putin phát động vừa tròn 2 tháng. Cả thế giới đang chờ đợi một trận đánh lớn mang tính quyết định tại Donbass, miền Đông Ukraine. Cho đến giờ vẫn chưa ai biết được cuộc chiến này bao giờ kết thúc và kết thúc như thế nào.

ukraine1

Thế giới văn minh không thể để cho Putin chiến thắng trong cuộc chiến này, cái ác không thể thắng cái thiện. Người dân ngoại ô Kyiv vẫn bình thản sống dưới sự tàn phá của bom đạn Nga

Nga dù thất bại trong nỗ lực chiếm đóng thủ đô Kyiv và buộc phải rút lui nhưng dù vậy quân đội Nga vẫn áp đảo so với Ukraine, chưa kể đến kho vũ khí khổng lồ trong đó có cả vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân. Ngay cả nếu Ukraine toàn thắng thì cũng chỉ buộc quân Nga rút khỏi lãnh thổ của mình chứ không thể tấn công vào Moscow như ngày xưa quân đồng minh tiến vào Berlin đánh gục Đức quốc xã.

Mỹ, EU và các nước dân chủ đã thống nhất một lập trường chung là ủng hộ toàn diện và tuyệt đối cho Ukraine. Ngoài lý do đứng về phía lẽ phải (Ukraine là một quốc gia có chủ quyền bị một nước khác xâm lược) thì còn một lý do nữa khiến các nước dân chủ bảo vệ Ukraine vì Ukraine đã lựa chọn dân chủ một cách dứt khoát và thành thực.

Mỹ là nước có quyết tâm cao nhất trong việc giúp đỡ Ukraine chống lại đội quân xâm lược của Putin. Joe Biden, sau khi bị chỉ trích vì cuộc triệt thoái hỗn loạn và sai lầm tại Afghanistan, đã lấy một quyết định đúng là phải cứng rắn đối với Putin. Lý do khách quan là Mỹ ở xa và không phụ thuộc gì vào Nga trong khi EU, đặc biệt là Đức thì lại khác. 50% khí đốt và dầu mỏ của Đức nhập khẩu từ Nga. Mỗi ngày EU trả cho Nga 400 triệu USD tiền khí đốt và 700 triệu USD cho dầu mỏ từ Nga (theo IEA). Đức cần có thời gian để tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng khác trước khi đoạn giao hoàn toàn hợp tác kinh tế với Nga.

Cuộc chiến Putin-Ukraine là hệ quả của một quá trình dài tích tụ sai lầm của nhiều phía. Về phía Nga thì như nhiều người đã phân tích, Putin đang cố gắng trong tuyệt vọng để duy trì ‘sự toàn vẹn và thống nhất’ của đế quốc Nga toàn trị khi bị các giá trị dân chủ công phá từ mọi phía. Nga là một nước lớn nhưng không có các nhà tư tưởng chính trị nên giới lãnh đạo Nga và Putin không hiểu rằng : ‘Lịch sử nhân loại xét cho cùng là cuộc hành trình về tự do và dân chủ, là công thức tổ chức xã hội phù hợp nhất để đảm bảo tự do nên lịch sử nhân loại, cũng là cuộc hành trình của các quốc gia về dân chủ’ (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Ukraine là một quốc gia bị sát nhập vào Liên Xô từ năm 1922 và nằm trong quĩ đạo cộng sản suốt 80 năm. Ukraine cũng không có các nhà tư tưởng chính trị (các chế độ độc tài đều tiêu diệt những người có tư tưởng khác biệt) nên hoàn toàn bối rối sau khi giành được độc lập lúc Liên Xô sụp đổ năm 1991. Trong 30 năm qua, Ukraine đã cố gắng ‘đu dây' giữa Nga và EU nhưng không đạt được kết quả gì tốt đẹp. Trong khi đó các nước cựu cộng sản dứt khoát thoát khỏi quĩ đạo Nga để hội nhập toàn diện vào EU đã thành công vượt bậc như Ba Lan, cộng hòa Czech, 3 nước Baltic...

Phải trải qua 2 cuộc cách mạng đẫm máu (năm 2004 và 2014), mất bán đảo Crimea và 2 tỉnh vùng Donbass thì Ukraine mới hoàn toàn thoát khỏi quĩ đạo Nga và dứt khoát hội nhập với EU. Cuộc xâm lược của Putin là cái giá rất đắt để có tự do và dân chủ, nhưng người dân Ukraine đã lựa chọn và họ quyết tâm bảo vệ cho sự lựa chọn đó.

ukraine2

Cuộc xâm lược của Putin là cái giá rất đắt để có tự do và dân chủ, nhưng người dân Ukraine đã lựa chọn và họ quyết tâm bảo vệ cho sự lựa chọn đó – Thành phố Kharkiv đị Nga dội bom ngày 16/03/2022

Mỹ và EU không vô can trong cuộc chiến này. Như chúng tôi đã phân tích, năm 1972 tổng thống Mỹ Richard Nixon đã mở ra cánh cửa của thế giới cho Trung Quốc mà không đặt bất cứ điều kiện gì về nhân quyền và dân chủ. Sau thảm sát Thiên An Môn năm 1988, Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác và hưởng lợi từ Trung Quốc. Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991) thì Mỹ không còn e dè gì nước Nga nữa nên chỉ tập trung phát triển kinh tế. Vì Mỹ là anh cả nên các nước dân chủ khác chỉ đành làm theo với một tâm lý hồ hởi rằng ‘lịch sử đã cáo chung’ (Fransis Fukuyama). Niềm tin đó là ‘tự do dân chủ của phương Tây là thể thức chính trị cuối cùng của loài người’. Từ đó chỉ còn Mỹ là nước duy trì một ngân sách lớn cho quốc phòng nhưng mục đích chính là để bảo vệ cho sự thống trị của đồng đô la. Hầu hết các nước dân chủ đều cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng xuống mức thấp nhất.

Phong trào Toàn cầu hóa xô bồ cộng với chủ nghĩa Tân phóng khoáng đặt quyền lợi kinh tế lên trên tất cả đã làm hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia. Hậu quả là chủ nghĩa dân túy đã bùng phát và lan ra khắp thế giới. Mặc dù làn sóng dân túy đã suy tàn sau thất bại của Donald Trump nhưng vẫn còn rơi rớt ở một vài nước như Hungary, là một nước thành viên của EU nhưng lại ủng hộ Putin. Cuộc bầu cử đầy kịch tính tại Pháp khiến cả thế giới lo lắng. Chế độ tổng thống sau khi tàn phá nước Mỹ lại tiếp tục khuynh đảo nước Pháp, là hai cường quốc dân chủ trong khối G7.

Cuộc chiến Putin-Ukraine có thể kéo dài thêm một thời gian nữa vì các nước EU không muốn leo thang căng thẳng quá mức với Nga. Mặt khác cũng cần có thời gian để người dân Nga nhận ra sự vô lý và phi nghĩa của cuộc chiến do Putin phát động. Cuộc chiến càng kéo dài thì nước Nga càng kiệt quệ và không thể gượng dậy được nữa. Mỗi ngày Nga phải chi ít nhất là 2 tỉ USD cho cuộc chiến. Nền kinh tế Nga không thể chịu đựng quá nửa năm.

Cuộc chiến càng kéo dài thì người dân Ukraine càng phải chịu nhiều đau thương và mất mát. Dù ai cũng biết vậy nhưng không có cách nào khác ngoài sự thất bại rõ ràng của quân đội Nga trên chiến trường. Thế giới cần ủng hộ cho Ukraine để họ giành thắng lợi trong cuộc chiến quyết định tại Donbass. Thế giới văn minh không thể để cho Putin chiến thắng trong cuộc chiến này, cái ác không thể thắng cái thiện. Lòng quả cảm và quyết tâm sống như những người tự do của dân tộc Ukraine sẽ giúp họ chiến thắng.

Bài học cho người Việt Nam đó là phải quan tâm nhiều hơn đến tư tưởng chính trị của các tổ chức chính trị. Nếu chọn sai người lãnh đạo và đảng cầm quyền thì cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Việt Hoàng

(24/04/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1102 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)