Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

03/05/2022

Đất nước giữa một khúc quanh lớn của thế giới

Nguyễn Gia Kiểng

47 năm sau ngày 30/04/1975

Đất nước giữa một khúc quanh lớn của thế giới

Vào năm 2019 tất cả các nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất không chỉ trong vùng mà trên toàn thế giới. Bây giờ cuộc chiến Ukraine khiến các nước dân chủ xét lại chính sách hợp tác và thái độ của Việt Nam đang khiến họ thất vọng. Trừ khi có một thay đổi lập trường nhanh chóng, mạnh mẽ và quả quyết Đảng Cộng Sản sẽ làm mất đi một vận hội lớn không bao giờ tìm lại được nữa của đất nước. Dân chủ hóa quả quyết và tức khắc là lối thoát cho Việt Nam. Hơn lúc nào hết đấu tranh cho dân chủ cũng là đấu tranh cứu nước.

30thang4-0

Ngày nay, sau 47 năm thống nhất dưới chế độ cộng sản đất nước ra sao ?

Chúng ta vừa kỷ niệm 47 năm ngày 30/04/1975 giữa lúc cuộc chiến Ukraine đang thay đổi hẳn bối cảnh thế giới. Những tác nhân chính của biến cố lịch sử này dù thuộc chiến tuyến nào, dù có công hay có tội, đều đã hoặc sắp qua đời. Một số đông những người sinh ra sau ngày này đã có cháu nội cháu ngoại. Bây giờ chúng ta có thể nhìn lại biến cố lịch sử này một cách bình tĩnh trong hy vọng rút ra những bài học.

Từ đó

Trước hết hãy cùng nhìn lại đất nước từ ngày 30/04/1975.

Chiến thắng của Đảng Cộng Sản đã khiến nước ta thụt lùi vài thập niên.

Vào lúc đó miền Bắc hoàn toàn không có một hoạt động kinh tế hay văn hóa xã hội đáng kể nào. Cuộc sống cơ cực ở mức độ người ta phải tự an ủi bằng những khẩu hiệu như "ăn sắn bổ hơn ăn cơm, ăn rau muống bổ hơn ăn thịt bò". Tất cả mọi cố gắng dồn vào chiến tranh.

Miền Nam thua trận và bị tàn phá bởi chính sách cướp phá, hạ nhục và bỏ tù của kẻ chiến thắng. Như thi sĩ Bùi Giáng nói trong một bài thơ : "đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam". Hàng triệu người bỏ nước trốn chạy trong đó một phần khá lớn là những người có học thức, làm mồi ngon cho sóng gió và hải tặc. Hàng trăm nghìn người chết. Đảng và nhà nước cộng sản chủ động tổ chức những chuyến "vượt biên bán chính thức" để lấy tiền chuộc mạng của những người muốn thoát khỏi nanh vuốt của họ. Không khác một bọn khủng bố. Hàng triệu người có kiến thức khác bị đày đọa trong các trại tù cải tạo và không bao giờ phục hồi được khả năng và tâm trí dù sau này ở lại Việt Nam hay ra nước ngoài. Cải tạo có nghĩa là hủy diệt mọi ý chí chống đối.

Những năm thống nhất đầu tiên đã có tác dụng là khiến cả nước lâm vào cảnh đói kém. Năm 1979 khi ra khỏi nhà tù và trở thành chuyên viên của chế độ cộng sản, tôi đã có cơ hội theo dõi các công ty miền Nam để có thể xác nhận rằng tất cả đều ngừng trệ, trong đa số các trường hợp trồng khoai mì (sắn) trong sân xí nghiệp là hoạt động quan trọng nhất. Trong một chuyến công tác tại Cần Giờ, người ta chỉ cho tôi một căn nhà tiều tụy của một gia đình vừa chết đói cách đó hai hôm. Nạn đói tiếp tục trong nhiều năm trên nhiều miền bởi vì cho tới năm 1988, nhờ chính sách mở cửa khiến thông tin đỡ bị bưng bít, người ta được biết là vẫn có nhiều người chết đói tại miền Bắc, thí dụ như tại Thanh Hóa.

30thang4-3

Đảng Cộng Sản ngày nay đã biến thành một đảng của người giầu để bóc lột. 

Trước Thế Chiến II Việt Nam là nước phát triển nhất Đông Nam Á, Sài Gòn là "hòn ngọc Viễn Đông", rồi xuống cấp vì lâm vào chiến tranh. Tuy vậy vào năm 1975, trước ngày 30/04, miền Nam Việt Nam mặc dù chiến tranh vẫn có một mức độ phát triển tương đương với Thái Lan. Nhưng chỉ một năm sau chiến thắng cộng sản, Việt Nam đã tụt hậu so với Thái Lan khoảng 50 năm. Ngày nay, sau hơn ba thập niên mở cửa và được những điều kiện đặc biệt thuận lợi chúng ta vẫn còn chậm tiến so với Thái ít nhất 25 năm.

Đó là thành quả của cuộc nội chiến 40 năm làm chết gần 6 triệu người Việt, cuộc nội chiến mà cho tới bây giờ Đảng Cộng Sản vẫn còn coi là một thành tích vinh quang và một công ơn lớn của họ đối với dân tộc, lớn đến độ cho phép họ mãi mãi độc quyền lãnh đạo đất nước.

Ngày nay, sau 47 năm thống nhất dưới chế độ cộng sản đất nước ra sao ?

Mọi người có chút hiểu biết đều phải kinh ngạc khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khoe khoang một cách đầy tự mãn và tự hào rằng "đất nước chưa bao giờ có được cơ ngơi như bây giờ". Ông mới vừa nhắc lại lời khoe khoang này vài hôm trước trong buổi tiếp tân đại sứ Mỹ Marc E. Knapper. Nhưng cơ ngơi nào ? Chúng ta đứng hàng thứ 15 trên thế giới về dân số với 100 triệu người, người Việt được đánh giá là cần mẫn trên mức trung bình, chúng ta cũng có một địa lý đặc biệt thuận lợi với 3.200km bờ biển mở ra Biển Đông, biển quan trọng nhất thế giới nơi 40% hàng hóa thế giới đi qua. Đáng lẽ chúng ta phải là một trong những nước giầu mạnh nhất trong vùng Đông Á, nhưng chúng ta tuyệt nhiên không có gì đáng được thế giới biết đến. Không một công ty tầm vóc quốc tế, không một sản phẩm công nghiệp đặc biệt nào, không một phát minh hay một công trình khoa học kỹ thuật, không một tác phẩm văn học nghệ thuật. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu đều chỉ là gia công, lắp ráp. GDP bình quân trên mỗi đầu người của chúng ta chỉ bằng 1/5 mức trung bình thế giới. Đạo đức xuống cấp một cách bi thảm, môi trường ô nhiễm ở mức độ nguy kịch. Sau gần một nửa thế kỷ cầm quyền không phân chia mà để đất nước tiều tụy như vậy đáng lẽ Đảng Cộng Sản phải thấy mình có tội lớn, phải rất xấu hổ và ăn năn, nhưng người cầm đầu Đảng lại hãnh diện ! Còn biết nói gì với ông này và đảng của ông ?

Cũng không phải chỉ có thế. Kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, môi trường và đạo đức không phải là tất cả. Điều quan trọng nhất cho tương lai một quốc gia là lòng yêu nước và ý chí xây dựng một tương lai chung. Nhưng ngày nay còn bao nhiêu người Việt Nam thực sự yêu nước và gắn bó với đất nước ? Tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với các sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp. Họ đều thuộc thành phần may mắn tại Việt Nam và có ít lý do để bất mãn nhất, nhưng tuyệt đại đa số không muốn trở về nước. Lòng yêu nước và gắn bó với đất nước gần như đã chết trong lòng người Việt Nam. Sự chán nản với một chính quyền gian ác kéo dài quá lâu đã dần dần biến thành sự thất vọng đối với chính đất nước. Thất vọng đang từ từ nhường chỗ cho tuyệt vọng. Mộng ước của rất nhiều người Việt Nam hiện nay chỉ giản dị là được thôi làm người Việt Nam và trở thành công dân một nước khác. Đó là thành tích lớn nhất của Đảng Cộng Sản.

30thang4-4

Một quốc gia chỉ có thể tồn tại và cũng chỉ xứng đáng để tồn tại nếu được quan niệm như một tình yêu, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung của những con người tự do và bình đẳng.

Được thành lập như là một đảng của người nghèo để chống bóc lột, Đảng Cộng Sản ngày nay đã biến thành một đảng của người giầu để bóc lột. Từ một đảng hô hào giải phóng dân tộc, Đảng Cộng Sản đã trở thành một lực lượng chiếm đóng hống hách và kỳ thị hơn cả một ách thống trị ngoại bang. Ngay trong những giai đoạn ngoại thuộc nhục nhằn, Bắc thuộc hay Pháp thuộc, vẫn có những người Việt Nam được lên tới những chức vu cao trong mọi địa hạt, nhưng ngày nay dưới chế độ cộng sản trong các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh các chức vụ từ phó phòng trở lên đều chỉ dành cho đảng viên cộng sản, trong quân đội và công an các cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên. Các báo và đài đều do Đảng kiểm soát ; một bài viết trên mạng xã hội trái ý Đảng có thể khiến tác giả bị mười năm tù, dù là một phụ nữ yếu bệnh như trường hợp Phạm Thị Đoan Trang.

Một câu hỏi lớn cần được đạt ra là sự sống còn của đất nước Việt Nam có được bảo đảm không nếu tình trạng chiếm đóng thô bạo và xấc xược này tiếp tục ? Câu hỏi càng cần được đặt ra trong lúc mà phong trào toàn cầu hóa đang chất vấn khái niệm quốc gia. Câu trả lời là không có gì bảo đảm. Trong thế giới hiện nay một quốc gia chỉ có thể tồn tại và cũng chỉ xứng đáng để tồn tại nếu được quan niệm như một tình yêu, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung của những con người tự do và bình đẳng. Nếu đất nước Việt Nam chỉ tồn tại để làm một đối tượng thống trị và bóc lột thì sự tồn tại đó có nghĩa lý gì ? Đất nước đang lâm nguy. Giữa Đảng Cộng Sản và Tổ Quốc Việt Nam phải chọn một trong hai.

Vẫn chưa lớn lên

Năm nay chúng ta kỷ niệm 47 năm ngày 30/04/1975 giữa một khúc quanh lớn của thế giới do cuộc chiến Ukraine. Sự kiện này gợi ra nhiều suy nghĩ. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là có những điểm giống nhau giữa hai nhân vật Vladimir Putin và Nguyễn Phú Trọng. Cả hai đều yếu bệnh và gần như đã từ giã cõi đời này để sống trong một thế giới hoang tưởng. Putin hành xử như một con thú dữ chứ không phải một con người, xua quân xâm lăng Ukraine bất chấp lẽ phải, công pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc, bắn phá tan nát các thành phố, khiến hàng trăm nghìn người chết, hơn 13 triệu người trong tổng số 42 triệu dân Ukraine phải tản cư, nhân danh một lý cớ hoàn toàn bịa đặt là để giúp người Ukraine loại trừ bọn phát xít và diệt chủng, rồi tiếp tục huênh hoang trong khi quân đội Nga sa lầy và thua nặng. Nguyễn Phú Trọng cũng thế, ông lãnh đạo một đất nước chia rẽ, xuống cấp và thua kém về mọi mặt nhưng không thấy hổ thẹn mà cứ huênh hoang là có cơ ngơi đáng tự hào.

30thang4-5

Ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị xác nhận không chỉ là sai mà còn là một tội ác

Nhận xét thứ hai là Đảng Cộng Sản vẫn chưa lớn lên được trong kiến thức và nhận thức. Năm 1975 họ tưng bừng hô "Chủ Nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" mà không biết rằng chủ nghĩa này đã bị vất bỏ từ 100 năm trước ngay trên chính quê hương của nó tại Đại Hội Gotha của đảng cộng sản Đức năm 1875. Ngày nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị xác nhận không chỉ là sai mà còn là một tội ác, ca tụng nó không chỉ lố bịch mà còn mất vệ sinh nhưng các cấp lãnh đạo cộng sản vẫn đề cao Hồ Chí Minh như là người đã có công du nhập nó vào Việt Nam.

Cuộc chiến Ukraine tuy chưa kết thúc nhưng điều chắc chắn là Putin sẽ thảm bại, khiến nước Nga suy sụp và sẽ không còn một ảnh hưởng đáng kể nào trên thế giới sau đó. Nó cũng đã khiến thế giới dân chủ nhận ra là hợp tác với các chế độ độc tài chỉ giúp chúng mạnh lên và đe dọa hòa bình. Phong trào toàn cầu hóa bất chấp chế độ chính trị đã chấm dứt để từ nay chỉ còn hợp tác giữa các nước dân chủ. Sẽ không có thế chiến, ngay cả căng thẳng, nhưng trao đổi giữa các nước dân chủ giầu mạnh và các nước độc tài sẽ chỉ giới hạn ở mức tối thiểu cần thiết. Một cách cụ thể, các vốn đầu tư sẽ chỉ dồn vào các nước dân chủ và các thị trường lớn cũng sẽ chỉ mở rộng cửa cho các nước dân chủ. Trung Quốc dĩ nhiên sẽ bị cô lập vì còn nguy hiểm hơn cả Nga và sẽ khủng hoảng nghiêm trọng vì kinh tế quá phụ thuộc vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Không nên quên rằng trước cuộc xâm lăng vào Ukraine của Putin, mối lo chính của các nước dân chủ là Trung Quốc. Putin đã chỉ tạm thời đánh lạc hướng lo âu của thế giới. Cũng nên biết kinh tế Trung Quốc thực ra đã khủng hoảng, vấn đề chỉ là Bắc Kinh còn che giấu được tình trạng khủng hoảng tới bao giờ.

Giai đoạn đánh đu đang cáo chung. Các quốc gia từ nay sẽ phải chọn lựa giữa dân chủ và phát triển hay độc tài và bế tắc. Chọn lựa hiển nhiên bởi vì Nga sẽ suy sụp sau cuộc chiến này, chưa chắc đã giải quyết nổi các vấn đề sống còn của chính mình, nói gì giúp đỡ được ai. Trung Quốc cũng sẽ co cụm lại để tự lo cho mình bởi vì đó là phản xạ tự nhiên của một đế quốc khi gặp khó khăn và Trung Quốc là một đế quốc chứ không phải một quốc gia. Trung Quốc sẽ không còn là một chỗ dựa hay một đe dọa cho bất cứ nước nào.

Tuy vậy trong ba cuộc biểu quyết gần đây tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến Ukraine, nhất là cuộc biểu quyết đuổi Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền, chính quyền cộng sản Việt Nam đã chọn lập trường theo Trung Quốc, bênh Nga và chống lại Mỹ và thế giới dân chủ. Đã thế còn chấp nhận diễn tập quân sự với Nga. Dưới mắt thế giới, Việt Nam đã chọn đứng vào phe của cái xấu và cái ác sắp thảm bại. Dĩ nhiên là có những lý do, thí dụ như vũ khí của quân đội Việt Nam phần lớn nhập khẩu từ Nga và cần những thiết bị bảo trì từ Nga, không nên chọc giận Bắc Kinh nhất là đã cam kết hỏi ý kiến họ trong các vấn đề đối ngoại, việc đuổi Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền tạo ra một tiền lệ đáng sợ cho chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng có thể có những món nợ chưa được công khai hóa v.v. Phải thận trọng, nhưng thận trọng không đồng nghĩa với run sợ, cũng không thể vì sợ chết mà tự sát. Trong bối cảnh hiện nay, với một chút khéo léo, vẫn có thể lấy lập trường đúng mà không khiêu khích Nga và Trung Quốc. Phải chăng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chọn cái xấu, cái ác và cái gian vì chính bản chất của nó xấu, ác và gian hay chỉ vì họ vẫn chưa lớn lên được trong trí tuệ và tầm nhìn ?

Vào năm 2019 tất cả các nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất không chỉ trong vùng mà trên toàn thế giới vì là điểm đến của các công ty đa quốc rút khỏi Trung Quốc và cũng là nước mà thế giới cần tranh thủ để đương đầu với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng rồi dịch Covid-19 đình hoãn tất cả. Bây giờ cuộc chiến Ukraine khiến các nước dân chủ xét lại chính sách hợp tác và thái độ của Việt Nam đang khiến họ thất vọng. Trừ khi có một thay đổi lập trường nhanh chóng, mạnh mẽ và quả quyết, Đảng Cộng Sản sẽ làm mất đi một vận hội lớn không bao giờ tìm lại được nữa của đất nước. Dân chủ hóa quả quyết và tức khắc là lối thoát cho Việt Nam. Hơn lúc nào hết đấu tranh cho dân chủ cũng là đấu tranh cứu nước.

Những câu hỏi day dứt

Tình trạng đất nước hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên của biến cố lịch sử 30/04/1975, vì thế mỗi lần kỷ niệm ngày lịch sử này một số câu hỏi quen thuộc lại được đặt ra.

Tại sao có ngày 30/4/1975 ? Tại sao miền Nam giầu có và tiến bộ gấp nhiều lần miền Bắc mà lại thảm bại ? Câu trả lời là Việt Nam Cộng Hòa đã bị đồng Minh Mỹ bỏ rơi. Rất đúng. Sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ và Mỹ đã quyết định dứt khoát rút khỏi Việt Nam sau hiệp định Paris đầu năm 1973. Vào thời điểm 1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn kiệt quệ. Ngân quỹ cạn hết, quân đội thiếu cả đạn lẫn xăng dầu không còn khả năng chiến đấu trong khi quân cộng sản có tất cả mọi phương tiện để chiến thắng.

Nhưng tại sao Mỹ lại bỏ Việt Nam sau khi đã chi ra hàng ngàn tỷ USD và hy sinh gần 60.000 binh sĩ ? Có nhiều lý do. Tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa không còn như trước nữa sau khi Indonesia đã tiêu diệt đảng cộng sản và trở thành đồng minh của Mỹ, Trung Quốc từ đầu thập niên 1970 cũng không còn là kẻ thù của Mỹ mà trái lại đã trở thành một đồng minh chống Liên Xô, Mỹ không bao giờ kiên nhẫn, 20 năm can thiệp đã quá dài đối với họ, v.v. Tuy nhiên với tài nguyên và hậu thuẫn áp đảo trong những năm đầu, phe quốc gia đã có thể đánh bại phe cộng sản trước đó, ngay trước năm 1954 để không có hiệp định Genève chia đôi đất nước, hoặc ít ra trước năm 1973 để không có hiệp định Paris.

30thang4-8

Do di sản văn hóa kẻ sĩ của Không Giáo, đa số trí thức Việt Nam, kể cả những người hoạt động chính trị, vẫn tin rằng chính trị không cần phải học

Lý do nền tảng là nước ta, trong cả hai phe quốc gia và cộng sản, thiếu hẳn văn hóa chính trị và do đó không có nhân sự chính trị đúng nghĩa. Cả hai phe đều thiếu những cấp lãnh đạo có kiến thức và bản lĩnh chính trị. Họ chỉ hiểu chính trị theo nghĩa của thời xưa như một sự tranh giành quyền lực. Nếu phe quốc gia có những cấp lãnh đạo chính trị thực sự có tầm vóc thì họ đã không thua, ngược lại nếu phe cộng sản có những cấp lãnh đạo có kiến thức chính trị cao thì họ đã không thắng. Nói chung một bên thua vì dở, một bên thắng vì mê muội.

Nói như thế nhiều người có thể cho là nói quá nhưng sự thực là thế nếu ta suy nghĩ một cách bình tĩnh. Vấn đề của Việt Nam sau Thế Chiến II là phải giải quyết cùng một lúc hai vấn đề lớn đòi hỏi một kiến thức chính trị vững chắc mà chúng ta không có : xây dựng chính quyền tự chủ và thiết lập dân chủ. (Đừng quên là chủ nghĩa cộng sản đã ra đời như một công thức xây dựng dân chủ, phần lớn các chế độ cộng sản thành lập sau Thế Chiến II, kể cả tại Việt Nam, mang tên là Cộng Hòa Dân Chủ, Cộng Hòa Nhân Dân). Nhưng xây dựng một chính quyền độc lập từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ không dễ dàng như trước ; ai ngờ vực nhận định này có thể nhìn kinh nghiệm các nước Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Xây dựng dân chủ lại càng khó hơn. Các nước Châu Âu, mặc dù có những đột phá về tư tưởng trong giai đoạn Phục Hưng (Renaissance) và Thế Kỷ Ánh Sáng (thế kỷ 18), nói chung đã chỉ xây dựng được chế độ dân chủ ổn vững sau hàng trăm năm xung đột đẫm máu. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vậy thì, sau những thảm kịch đã trải qua, chúng ta chỉ có thể tiếc cho đất nước chứ không có lý do để đổ lỗi cho nhau và thù ghét nhau. Thái độ đúng là cùng nhau suy nghĩ và thảo luận để rút ra những kết luận đúng, hay ít ra không quá sai, cho tương lai.

Nếu ông Hồ Chí Minh có kiến thức chính trị vững chắc thì vào năm 1920 ông đã không sung sướng đến nỗi mê sảng (theo lời kể của ông) sau khi đọc Tuyên Ngôn Cộng Sản và tưởng rằng mình đã tìm được chân lý tuyệt đối rồi cố gắng du nhập nó vào Việt Nam bằng mọi giá.

Nếu các trí thức có trình độ học vấn cao như Nguyễn Manh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Võ Nhân Trí, v.v. cũng có kiến thức chính trị cao họ đã không theo Đảng Cộng Sản để rồi nhận ra sai lầm của mình khi đã trễ.

Phe Quốc Gia -các chính quyền Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa- không thiếu những người có bằng cấp cao, ngay cả rất cao, và bằng thực chứ không phải bằng giả hay bằng hữu nghị, nhưng đã thiếu hẳn văn hóa chính trị. Nhiều người cũng có những bằng cử nhân, tiến sĩ chính trị học nhưng họ vẫn thiếu văn hóa chính trị. Họ vẫn thuộc văn hóa kẻ sĩ coi làm chính trị là làm quan phục vụ một chế độ sẵn có chứ không phải là đấu tranh để thay đổi chế độ. Kiến thức của họ chỉ là kiến thức sách vở còn cần một cố gắng lớn để thích nghi với xã hội Việt Nam. Họ chỉ là những công chức dù đảm nhiệm những chức vụ chính trị. Mẫu người tốt trong các chính quyền quốc gia là không làm chính trị, không có tham vọng chính trị, không tham gia các tổ chức chính trị. Khác với phe cộng sản, phe quốc gia đã không có một cuộc động não tư tưởng. Các chính quyền quốc gia là sự tiếp nối của chế độ quân chủ, với vua Bảo Đại là quốc trưởng đầu tiên, và chế độ thuộc địa Pháp. Sai lầm kinh khủng của những người được hoàn cảnh đưa đẩy vào vai trò lãnh đạo phe quốc gia là ngây thơ, tưởng rằng có thể chuyển hóa bình yên cùng một lúc từ ngoại thuộc sang độc lập, từ quân chủ sang dân chủ mà không cần một xét lại toàn diện và triệt để. Họ không phải là một đội ngũ của những con người chấp nhận gian khổ để gắn bó với nhau trong một cuộc chiến đấu cho một lý tưởng chung vì cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị và những định hướng lớn cho đất nước. Trước mặt họ là Đảng Cộng Sản với những người lãnh đạo có kiến thức chính trị rất sơ sài nhưng có niềm tin cuồng nhiệt vào một lý tưởng, dù là một lý tưởng sai và độc hại, có quyết tâm giành thắng lợi, có tổ chức chặt chẽ và tranh đấu bằng phương thức khủng bố. Thất bại là chắc chắn.

Nhưng kiến thức chính trị là gì ?

Đó là toàn bộ những hiểu biết về các vấn đề đặt ra trong cách tổ chức và điều hành một quốc gia với mục tiêu là tôn trọng và phục vụ mọi người và tìm phúc lợi tối đa cho thật nhiều người. Các vấn đề đặt ra gồm đủ loại kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ thuật, pháp luật, y tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, an ninh, quốc phòng v.v. Trong một quốc gia đang chiến đấu để tồn tại còn có vấn đề tuyên truyền, thuyết phục và động viên. Các vấn đề đan xen với nhau và ảnh hưởng lên nhau. Quốc gia càng lớn thì các vấn đề càng nhiều và càng phức tạp. Kiến thức chính trị là kiến thức khó khăn nhất trong các kiến thức vì nó là tổng hợp của mọi kiến thức cùng với một sự hiểu biết thấu đáo về thực trạng của đất nước trong bối cảnh thế giới, về những thử thách và những triển vọng. Tuy vậy, do di sản văn hóa kẻ sĩ của Không Giáo, đa số trí thức Việt Nam, kể cả những người hoạt động chính trị, vẫn tin rằng chính trị không cần phải học, cứ là bác sĩ là có thể làm bộ trưởng y tế, cứ là tướng là có thể làm bộ trưởng quốc phòng.

Trách nhiệm của những người lãnh đạo chính trị là ở mỗi thời điểm tìm ra cho mỗi vấn đề một giải đáp tổng hợp tối ưu. Tổng hợp này chỉ có được nếu nắm vững các thành tố. Sau cùng các giải đáp cho từng vấn đề chỉ tránh được mâu thuẫn với nhau nếu được quyết định trong khuôn khổ của một dự án chính trị quốc gia đã được đồng ý trước. Dự án này môt cá nhân hay một nhóm nhỏ không có khả năng và cũng không có lý do để làm bởi vì nó vừa khó khăn vừa không đem lại một lợi ích cá nhân nào. Nó chỉ có thể thực hiện được bởi một chính đảng có tầm vóc sau một cố gắng bền bỉ. Những người tham gia lãnh đạo các chính quyền phe quốc gia chỉ là những cá nhân không có kiến thức chính trị và không có lý tưởng chung tình cờ gặp và làm việc với nhau một thời gian rồi chia tay. Họ chỉ có thể thất bại và gây thất vọng. Tình thế sẽ khác hẳn nếu phe quốc gia được lãnh đạo bởi một đảng dân chủ đúng nghĩa.

Kye ngyteen3 (3)

Trách nhiệm của những người lãnh đạo chính trị là ở mỗi thời điểm tìm ra cho mỗi vấn đề một giải đáp tổng hợp tối ưu.

Một câu hỏi cũng thường được đặt ra trong những năm gần đây trong mỗi dịp kỷ niệm ngày 30/04 là tại sao chế độ cộng sản vẫn còn đó dù đã thất bại trên mọi phương diện và trong mọi địa hạt ?

Câu trả lời là mặc dù nguyện vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam đã lên rất cao so với các dân tộc khác vào lúc họ trút bỏ được ách độc tài và hơn nữa dân chủ còn là khuynh hướng tất yếu của thế giới nhưng những người dân chủ Việt Nam vẫn chưa hình thành được một lực lượng dân chủ có tầm vóc. Chúng ta không chỉ thiếu kiến thức chính trị mà còn thiếu cả kiến thức đấu tranh chính trị. Chúng ta không chịu học hỏi dù các nghiên cứu công phu về các kinh nghiệm đấu tranh thiết lập dân chủ trên thế giới không thiếu. Di sản Khổng Giáo vẫn còn quá nặng nề dù chúng ta không ý thức được. Quá nhiều người vẫn còn đấu tranh theo kiểu nhân sĩ, nghĩa là tìm cách gây thành tích và tiếng vang cho mình bằng những cố gắng -có khi khá nguy hiểm- của riêng mình hay trong khuôn khổ một nhóm bạn bè nhỏ rồi mong đợi một thời cơ. Họ vẫn chưa hiểu được rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức, và trong trường hợp của nước ta để đánh bại sự ngoan cố của Đảng Cộng Sản chúng ta cần một tổ chức dân chủ mạnh. Một số người bây giờ đã hiểu như vậy nhưng lại không biết phải làm thế nào để xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh. Những kinh nghiệm của các tổ chức tàn lụi dần và những nhóm nhỏ chưa lớn lên đã tan rã vẫn chưa làm nhiều người hiểu rằng một tổ chức mạnh chỉ có thể xây dựng được trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đúng đắn, theo một tiến trình bắt buộc như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày nhưng tiếc là chưa thuyết phục được nhiều người. Có lẽ sau nhiều cố gắng không thành, một tâm lý bi quan đã ngự trị theo đó xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh là điều không thể làm được. Và tỉnh ngộ chỉ để bỏ cuộc.

Tương lai tất yếu

Vậy thì thế nào là một tổ chức dân chủ mạnh ?

Sức mạnh của một tổ chức chính trị không phải là số đảng viên hay những phương tiện. Sự bốc hơi nhanh chóng của Đảng Cộng Sản Liên Xô và các đảng cộng sản Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã chứng tỏ. Sức mạnh của một tổ chức chính trị chủ yếu là ở chỗ nó đại diện cho tương lai nào.

Một tổ chức dân chủ chỉ vài trăm người nhưng nếu được nhìn như là đại diện cho một tương lai bắt buộc phải đến thì sau cùng vẫn thắng, trong khi một đảng cầm quyền dù có hàng triệu đảng viên, hàng tỷ đô la và hàng triệu quân đội và công an với đầy đủ vũ khí cũng sẽ tiêu tan nếu chỉ đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi.

Dân chủ đa nguyên là tương lai tất yếu và sẽ đến nhanh chóng trong bối cảnh thế giới mới. Đảng Cộng Sản Việt Nam đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi.

Hiểu được như vậy là chúng ta đã đi được một đoạn đường rất dài dẫn đến thắng lợi của dân chủ và dân tộc.

Nguyễn Gia Kiểng

(03/ 05/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2503 times

6 comments

  • Comment Link Ngô Vĩnh Tuòng mercredi, 26 octobre 2022 08:33 posted by Ngô Vĩnh Tuòng

    Năm 1920, ông Hồ Chí Minh đã phát khóc khi đọc Luận cương chính trị của Lenin chứ không phải do đọc Tuyên ngôn
    Đảng cộng sản của Marx - Engel như bài viết nêu.

  • Comment Link Bùi Quang Lưu vendredi, 10 juin 2022 05:06 posted by Bùi Quang Lưu

    Kính gửi Admin Nguyễn Văn Huy
    Tôi cho rằng là bất công khi cáo buộc những bình luận của tôi đâu “là kêu gọi thù hận hay bạo lực”, là “ca tụng Đảng CS VN hay bênh vực những sai lầm của Đảng CSVN”. Thí dụ chuyện Cải cách Ruộng đất thì tôi vẫn nhận thấy đó là sai lầm có tính chất tội ác. Tôi nhớ một nhà triết học chính trị hay bình luân gia Tây phương từng nhận xét là : “thống trị thì tất yếu phải có gây tội ác”. Tôi từng sống qua hai trào VNCH, tôi chắc là VNCH cũng có những sai lầm chứ nhỉ? Nhưng trên thongluan-rdp chỉ thấy những cáo buộc về tội ác của CS, đối với VNCH thì chỉ thuần ca ngợi! Đặc biệt là cáo buộc về tội ác của CS thì có khi có nhưng được thổi phồng quá đáng, có khi hoàn toàn vô căn cứ. Như thế có công bằng không? Có phải là “kêu gọi thù hận hay bạo lực, hay phỉ báng bên này hay bên kia” không?
    Tôi cũng có tìm những trang blog hay Facebook của từng tác giả, nhưng xin thưa lại với ông là 100% đều không duyệt đăng mà không hề trả lời gì cả! Đó là quyền của các chủ blog hay trang FB đó, tôi cũng không có ý kiến gì.
    Tôi đồng ý là trang web này không phải là phương tiện để tranh cãi, nhưng đã có cho phép bình luận thì cũng cho phép đặt ra những câu hỏi về nội dung bài viết chứ? Và không nhất thiết là tác giả, bất kỳ độc giả nào hoặc admin cũng được, nếu thấy bình luận không đúng thì có thể chỉ ra cho tôi biết chứ. Tôi tự thấy không phải là người thay đổi quan điểm của mình như con chim chuyền từ cành nọ sang cành kia, nhưng cũng không phải là cứ khư khư giáo điều của mình, bất chấp những phản bác. Tôi đã thay đổi quan điểm một lần (từ “chống cộng” sang “không chống cộng”, không đương nhiên là “theo cộng”) thì cũng có thể thay đổi lần nữa ở một bậc nhận thức cao hơn.
    Tôi nghĩ là trao đổi như thế cũng đã đủ rồi, nên chấm dứt ở đây, vì chắc ông cũng có nhiều việc khác phải làm ngoài chuyện duyệt xét trên trang web này. Điều đáng quý là cũng như với tác giả Việt Hoàng trước đây, giữa chúng ta vẫn giữ được trạng thái “hòa nhi bất đồng”. Đó là điều mà tôi trân trọng nhất ở thongluan-rdp.

  • Comment Link Van Huy NGUYEN jeudi, 09 juin 2022 10:41 posted by Van Huy NGUYEN

    Cảm ơn ông Bùi Quang Lưu đã giải thích. Thông Luận là diễn đàn của ý kiến kiến và sáng kiến, trong đó không có điều gì câm nêu ra và không có vấn đề gì cấm bàn đến. Tuy nhiên cũng xin nói rõ thêm, Thông Luận không phải là diễn đàn để kêu gọi thù hận hay bạo lực, hay phỉ báng bên này hay bên kia, lại càng không phải là diễn đàn để ca tụng Đảng cộng sản Việt Nam hay bênh vực những sai lầm của Đảng cộng sản.
    Tôi đã phổ biến những comments của ông về một số bài trước, nhưng từ khi đọc hai comments của ông về bài Tuẫn tiết của Tưởng Năng Tiến, tôi mới lấy quyết định xóa những nhận xét của ông. Chúng tôi tôn trọng những người đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua, cũng như trước đó. Xúc phạm đến những người đã chết hay phỉ báng những người thua trận, theo tôi, không biểu lộ sự cao cả của tâm hồn, mà là một cố tình đầy ác ý.
    Tôi cũng nhận thấy ông rất muốn tranh luận. Rất tiếc trang mạng này chỉ là phương tiện chuyên chở những ý kiến và sáng kiến qua những bài vở hoặc do tác giả gởi đến hoặc do chúng tôi tự tìm kiếm nếu thấy nội dung phù hợp với quan điểm của Tập Hợp và có ích cho cộng đồng người Việt, nhưng trang web này không phải là phương tiện để tranh cãi. Tác giả những bài viết này rất ít khi theo dõi những trang mạng đã đăng lại bài viết của họ, do đó rất ít khi có hồi âm về những comments nếu có. Theo tôi, ông nên tìm những trang blog hay Facebook của từng tác giả để chất vấn hay tranh cãi, vì mỗi tác giả bài viết đều có trang blog hay Facebook riêng của mình, những bài mà chúng tôi đăng lại xuất phát từ những blog và Facebook này.

  • Comment Link Bùi Quang Lưu jeudi, 09 juin 2022 05:18 posted by Bùi Quang Lưu

    Kính gửi Admin Nguyễn Văn Huy.
    Trước hết tôi xin có lời cảm ơn về hồi âm của ông. Sau nữa thì xin được nói thêm vài điều. Trước hết tôi không phải “là người ủng hộ chế độ CS VN trước đây và vẫn còn tiếp tục cho đến bây giờ”. Nói như thế thì có vẻ hàm ý là tôi chắc thuộc cái gọi là “gia đình Cách mạng” nên bị nhồi sọ từ nhỏ! Trong một bình luận bài viết của tác giả Việt Hoàng tôi có tự giới thiệu là tôi xuất thân từ một gia tộc chống cộng nổi tiếng ở Quảng Nam, cho đến năm 1979 thì tôi vẫn trung thành với VNCH và chống cộng. Vì bị nhồi sọ từ nhỏ nên niềm tin cơ bản của tôi lúc đó là : “VNCH tuy tồi tệ thật nhưng vẫn còn đỡ hơn VC”, “VNCH là tay sai của Pháp rồi Mỹ (ông Nguyễn Gia Kiểng từng nói rằng VNCH do Pháp dựng nên và sụp đổ khi bị Mỹ bỏ rơi) nhưng CS Bắc Việt cũng là tay sai của Trung quốc, Liên Xô, vậy thà làm tay sai cho nhà giàu vẫn hơn”. Cho đến cuộc chiến tranh Việt – Trung 1979 thì tôi mới bắt đầu hoài nghi niềm tin của mình. Sau đó thì nhờ những thông tin chủ yếu trên Internet tôi buộc phải thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình. Sau 1975 tôi cũng có đi làm công ty Nhà nước chủ yếu là để kiếm sống chứ cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hề tham gia tổ chức nào của Đảng CSVN, cũng chưa hề học bất kỳ lớp chính trị chuyên nghành nào cả. Tôi thuộc loại người quan tâm đến chính trị nhưng không hề có ý định tham gia chính trị nên chẳng ưa thích bất cứ tổ chức chính trị nào kể cả Đảng CSVN! Lướt Internet thì tôi hầu như không vào các site của Đảng CS VN hay Nhà nước VN. Tôi thường vào các site có quan điểm đối nghịch với mình để điều chỉnh nếu thấy có điều gì trái với nhận định của mình nhưng có lý.
    Ông cho rằng tôi sử dụng những ngôn từ không trang nhã, tôi thì thấy chỉ là những ngôn từ quá thẳng thừng, có lẽ tôi nên chú ý dùng uyển ngữ thì hay hơn. Tuy nhiên đa số các bình luận của tôi là chất vấn, đặt câu hỏi về những xác quyết tội ác của CS, mà chưa hề thấy ai trả lời được cả. Tôi chỉ muốn tìm hiểu sự thật chứ không hề có ý phỉ báng hay làm nhục ai cả. Tôi theo dõi Tập hợp Dân chủ Đa nguyên từ ngày tổ chức này chưa bị tách làm đôi trên ethongluan.org. Tôi thấy về sau này thongluan-rdp có vẻ nghiêng về phía chống cộng cực đoan. Có những bài không đúng sự thật như cho rằng ông Hồ là thủ phạm giết chết 200.000 người trong Cải cách Ruộng đất, rồi những bài về thảm sát Tết Mậu thân ở Huế của VC v.v… tôi có đưa ra chất vấn phản biện mà không thấy ai trả lời. Những điều không đúng sự thật này liệu có phải là xúc phạm đến những người đã chết không? Cứ cho là tôi vi phạm tiêu chuẩn “ngôn từ trang nhã” của thongluan-rdp, thế còn thắc mắc của tôi thì sao? Ông có nói là có dự định xóa tất cả những bình luận khác của tôi. Đó là quyền admin của ông, tôi không có ý kiến gì. Vì thực ra cứ để những bình luận phản bác nội dung bài viết bên trên mà không có ai phản phản bác được thì e là sẽ rất bất lợi trong tuyên truyền! Đơn giản là nếu thế thì tôi khỏi vào site này nữa là xong.
    Tuy thế hồi âm của ông làm tôi rất cảm kích và vẫn hy vọng vào chủ trương đa nguyên của trang web, mong là vẫn vào đọc và bình luận, dĩ nhiên sẽ chú ý tránh những ngôn từ quá thẳng thừng! Thực ra tôi cũng chỉ bình luận nếu thấy bài nào có luận điểm cực đoan, kết luận mà không có lý luận và dẫn chứng. Nếu có độc giả hay tác giả nào phản bác thì tôi sẵn sàng xem và suy nghĩ lại.

  • Comment Link Van Huy NGUYEN mercredi, 08 juin 2022 21:21 posted by Van Huy NGUYEN

    Kính gởi ông Bùi Quang Lưu. Trước hết tôi xác nhận chính tôi đã rút những comments sử dụng những ngôn từ không nhã nhặn của ông. Tôi dự định sẽ xóa tất cả những comments khác của ông không phù hợp với chủ trương của trang mạng của chúng tôi..Ông đã sử dụng những ngôn từ mà chúng tôi cho là không trang nhã, không chỉ trong bài viết này mà còn trong những bài khác viết về chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Tôi biết ông là người ủng hộ chế độ cộng sản Việt Nam trước đây và vẫn còn tiếp tục cho đến bây giờ, đó là quyền của ông mà chúng tôi tôn trọng. Nhưng chúng tôi không cho phép lưu hành những phê phán xúc phạm đến những người đã nằm xuống, của cả hai bên..Chúng tôi chủ trương xây dựng một chế độ Việt Nam dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và bằng phương pháp bất bạo động. Chính vì thế, với tư cách là người điều hành trang mạng thongluan-rdp.org, trách nhiệm của tôi là giữ sự trang nhã và sự trong sáng trong cách sử dụng ngôn từ. Thứ hai, trang mạng này không phải là một trang mạng quần chúng, mà là cơ quan ngôn luận của một tổ chức đấu tranh chính trị ôn hòa, do dó chúng tôi không có nhiệm vụ chuyển chở hay phổ biến những phê phán hay luận điệu xúc phạm đến những người đã từng phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ, cũng như người người đang phục vụ chế độ cộng sản hiên hành. Một cách ngắn gọn, chúng tôi không làm nhiệm vụ tiếp tay cho những luận điệu phỉ báng hay làm nhục bất cứ một ai. Tin rằng ông đã hiểu. Nguyễn Văn Huy

  • Comment Link Bùi Quang Lưu mercredi, 08 juin 2022 10:51 posted by Bùi Quang Lưu

    Bình luận này đã được duyệt đăng một thời gian rồi không hiểu vì sao bị rút xuống? Xin admin cho biết lý do. Nếu không thì tôi hiểu là thongluan-rdp chỉ có thể tung hứng với các đồng đạo, còn nếu có người bằng lập luận và dẫn chứng phản biện thì tắc tị, cứng họng đuối lý nên đành dùng hạ sách của RFA là chặn họng, bịt miệng? Trong bình luận này tôi có mong được đích thân tác giả Nguyễn Gia Kiểng trả lời. Theo chỗ tôi biết thì ông NGK là sáng lập viên đồng thời là lý thuyết gia, tư tưởng gia số một của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Không hiểu admin có thông báo cho ông NGK biết không? Tôi cũng có hai lần gửi bình luận cho bài TUẪN TIẾT của tác giả Tưởng Năng Tiến mà không không thấy được duyệt đăng. Xin cho biết lý do luôn.
    Tôi từng đọc nhiều bài xã luận của ông Nguyễn Gia Kiểng, tôi cũng đã đọc hết cuốn TỔ QUỐC ĂN NĂN của ông. Tôi thấy là dường như vào cuối cuộc đời hoạt động chính trị không thành công của mình, ông đâm ra lẩm cẩm và có những luận điệu ấu trĩ gần giống như của Tổng Cục Chiến tranh Chính trị VNCH trước đây!
    Ông nói một cách hàm hồ là “cuộc nội chiến 40 năm làm chết gần 6 triệu người Việt”. Vậy xin hỏi hàng triệu quân Pháp và Mỹ cùng với chư hầu vào VN để đi du lịch chắc? Không quân Chiến lược (B52) và Đệ thất Hạm đội chắc chỉ để biểu diễn? Số bom đạn của Mỹ ném xuống VN nhiều hơn tổng số hai cuộc chiến tranh thế giới thì sao? Ông nói là “Hàng triệu người có kiến thức khác bị đày đọa trong các trại tù cải tạo và không bao giờ phục hồi được khả năng và tâm trí dù sau này ở lại Việt Nam hay ra nước ngoài. Cải tạo có nghĩa là hủy diệt mọi ý chí chống đối.” Xin hỏi là chính ông cũng từng bị tù cải tạo mà sao vẫn “phục hồi được khả năng và tâm trí”? Tôi cũng có nhiều bà con, quen biết là tù cải tạo, hầu hết hiện nay đều ở Mỹ. Theo trực quan thì thấy những cựu tù cải tạo này đa số đều bình thường và có tuổi thọ cao, thí dụ Tường Lê Minh Đảo thọ 87 tuổi, ông điệp viên Đặng Chí Bình tác giả hồi ký THÉP ĐEN 89 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh.
    Còn chuyện “đạo đức suy đồi” thì là sự thật, nhưng nguyên do thì như ông Vương Trí Nhàn cho là vì dân VN phải trải qua một cuộc chiến tranh quá sức chịu đựng nên con người mới hỏng toàn diện. Ở đây những người rước voi về dày mả tổ không có trách nhiệm gì ư?
    Ông Kiểng cũng có biểu hiện lú lẩn khi cho rằng “ông Hồ sung sướng đến mê sảng khi đọc Tuyên Ngôn Cộng Sản”. Thực ra ông Hồ vui mừng khi đọc LUẬN CƯƠNG VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ THUỘC ĐỊA của Lénine. Sau này ông có nói là Quốc tế I, Quốc tế II, Quốc tế III hay Quốc tế II rưỡi, Quốc tế nào bênh vực các dân tộc thuộc địa thì ông ủng hộ.
    Mong được đích thân ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời những thắc mắc trên!

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)